| ||
Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi bỏ phương án quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư. Ảnh: Quang Hưng |
Cục trưởng Cục Quản lý Nhà ở và thị trường bất động sản Nguyễn Mạnh Hà vừa cho biết, sau khi tiếp thu ý kiến đóng góp, dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi do Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo đã bỏ phương án quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư là 70 năm đưa ra trong dự thảo lần đầu.
“Hiện dự thảo chỉ quy định thời hạn sử dụng nhà chung cư. Có nghĩa là nhà ở được thiết kế bao nhiêu năm thì thời gian sử dụng là trong khoảng đó” - ông Hà cho biết!
Theo dự thảo lần này, nhà chung cư có thời hạn sử dụng theo phân cấp công trình xây dựng. Khi nhà chung cư hết thời hạn sử dụng theo quy định thì cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh có trách nhiệm kiểm định lại chất lượng. Trường hợp nhà ở chung cư còn bảo đảm chất lượng và an toàn cho người sử dụng thì chủ sở hữu được tiếp tục sử dụng theo thời hạn ghi trong kết quả kiểm định chất lượng nhà chung cư.
Trường hợp khi hết hạn sử dụng mà nhà chung cư không còn bảo đảm chất lượng và không an toàn cho người sử dụng theo kết quả kiểm định chất lượng của cơ quan có thẩm quyền thì chủ sở hữu phải có trách nhiệm phá dỡ để xây dựng lại theo đúng quy hoạch xây dựng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Nếu chủ sở hữu không phá dỡ thì Nhà nước thực hiện cưỡng chế phá dỡ.
Nhìn nhận về việc này, ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, cho rằng việc Bộ Xây dựng bỏ phương án quy định sở hữu nhà chung cư 70 năm là hợp lý. Vì tâm lý của người dân ta là muốn sở hữu nhà vĩnh viễn. Nếu quy định sở hữu nhà chung cư có thời hạn như trên thì sẽ gây tâm lý bất ổn cho người dân. “Trong khi đó, nhà ở lại có tuổi thọ của nó. Quy định về sử dụng nhà chung cư có thời hạn như vậy là phù hợp, thuận lợi cho việc phá bỏ nhà chung cư khi nó không còn đảm bảo chất lượng và an toàn cho người dân” - ông Hùng phân tích.
Trước đó, góp ý cho quy định này trong dự thảo, nhiều ý kiến của người dân, doanh nghiệp và chuyên gia đã bày tỏ sự không đồng tình vì cho rằng quy định này sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý khách hàng, khi lấy đi quyền sở hữu của người dân một cách không công bằng như thế.
Dự kiến Luật Nhà ở sửa đổi sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua trong năm 2014.
Hoàng Vân (Pháp luật TP. Hồ Chí Minh)