Cộng đồng doanh nghiệp xác định sẽ tận dụng mọi cơ hội, mọi khe cửa để tồn tại, để phát triển ngay cả khi phải chấp nhận sống chung với Covid-19. |
Sau Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương diễn ra vào cuối tuần trước, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) đã có thư khẩn gửi Thủ tướng Chính phủ, nêu những vấn đề lớn liên quan đến hướng dẫn tạm thời Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Thư được tổng hợp từ gần 20 hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước về Dự thảo Tài liệu hướng dẫn tạm thời Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 mà Bộ Y tế vừa hoàn tất thêm lần nữa.
Các doanh nghiệp chia sẻ rằng, họ đã nhận được thông điệp chuyển trạng thái trong kiểm soát dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Họ không muốn có sự chậm trễ nào trong quá trình thực hiện, nhất là khi các điều kiện chuyển trạng thái đang hiện hữu và từng doanh nghiệp phải là một phần làm nên thành công của các giải pháp.
Tuy nhiên, mối lo về nguy cơ mỗi nơi làm một phách, “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trong thực thi các quy định phòng chống dịch bệnh của nhiều địa phương vẫn còn. Tuần qua, câu chuyện kiểm soát người hay hàng hóa, phương tiện vẫn nóng giữa các doanh nghiệp vận tải và nhiều địa phương.
Đây là lý do mà trong thư khẩn gửi Thủ tướng Chính phủ, Ban IV đề nghị những vấn đề tưởng như không phải là mối quan tâm chính của doanh nghiệp. Chẳng hạn, cần làm rõ nội hàm các thuật ngữ như “thích ứng với dịch” là gì, “sống chung với dịch” được hiểu ra sao?… Bên cạnh đó, cần bổ sung phần về nguyên tắc thực hiện; giao chỉ tiêu về duy trì, mở cửa sản xuất của doanh nghiệp cho các cấp chính quyền, bên cạnh chỉ tiêu về chống dịch...
“Phải làm rõ để tạo nhận thức sâu sắc, nhất quán tới tận cấp phường/xã, người dân, doanh nghiệp, từ đó mới có thể tạo sự thay đổi hiệu quả trong hành động, hạn chế các bất cập, chồng chéo như trong thời gian qua”, Ban IV viết trong thư gửi Thủ tướng Chính phủ.
Đặc biệt, các kiến nghị cho phép doanh nghiệp, cụm doanh nghiệp trở thành chủ thể tham gia công tác quản lý sự an toàn trong bối cảnh dịch bệnh, thay vì chỉ là đối tượng chịu sự quản lý như thời gian trước đây đã được nhắc lại. Cùng với đó, đề nghị không làm phát sinh thêm bất kỳ điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính hay quy trình cấp phép, phê duyệt nào với người dân, doanh nghiệp.
Tại Hội nghị Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương hôm 26/9, các nội dung trên được nhiều doanh nghiêp, hiệp hội doanh nghiệp đề xuất. Nhưng không ít quy định trong Dự thảo vẫn đặt doanh nghiệp trong sự sắp xếp, thiết lập kế hoạch của các cấp hành chính. Cách làm này sẽ khiến doanh nghiệp luôn ở thế bị động, chờ đợi xem được làm gì, xin phép ở đâu…
Không thể không nhắc tới khả năng sẽ xuất hiện thêm thủ tục hành chính vốn luôn phức tạp, gây rủi ro và phí tổn lớn cho doanh nghiệp. Rất nhiều doanh nghiệp ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ… chưa thể quên nỗi khó nhọc khi hoàn tất những thủ tục để có thể thực hiện được mô hình “sản xuất 3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”…
Tất nhiên, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 có lý do khi đưa ra yêu cầu với doanh nghiệp, nhằm đảm bảo sự thống nhất, được kiểm soát trong các phương án. Nhưng nếu làm rõ quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp, để doanh nghiệp chủ động thực hiện và chịu sự giám sát của chính quyền địa phương, thì bài toán phòng chống dịch và duy trì sản xuất sẽ cùng được giải, thay vì chỉ nghiêng về một phía.
Doanh nghiệp đã yếu đi rất nhiều, thậm chí đã tới hạn chịu đựng sau thời gian dài đương đầu với dịch bệnh, với hàng loạt quy định bất đắc dĩ của thời “chống dịch như chống giặc”. Nhưng cộng đồng doanh nghiệp xác định sẽ tận dụng mọi cơ hội, mọi khe cửa để tồn tại, để phát triển ngay cả khi phải chấp nhận sống chung với Covid-19.
Đây chính là thời gian vàng để cứu doanh nghiệp, tái khởi động nền kinh tế.