Đầu tư
Thông cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, Quảng Ninh "chạy không dừng" trên bản đồ liên kết
Thu Lê - 10/09/2022 16:10
Từ một địa phương có hạn chế lớn nhất là về hạ tầng giao thông, đến nay Quảng Ninh đã nằm trong top đầu cả nước về hệ thống giao thông đồng bộ, tính kết nối cao.

Kết nối quốc tế

Ngày 1/9 vừa qua, Quảng Ninh đã chính thức khánh thành và đưa vào sử dụng tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái dài hơn 80 km, có điểm đầu cao tốc nằm gần sân bay quốc tế Vân Đồn và điểm cuối đấu nối với đường dẫn cầu Bắc Luân 2 (TP. Móng Cái). Cùng với 2 tuyến cao tốc đã được hoàn thành trước, đó là Hạ Long – Hải Phòng và Hạ Long - Vân Đồn, trục cao tốc chạy dọc tỉnh dài 176 km (chiếm 16,83% tổng chiều dài đường cao tốc của nước ta), kết nối với 2 loại hình giao thông quan trọng là Cảng biển Quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) và Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn đã thành hình.

Không những thế, trục cao tốc của Quảng Ninh còn kết nối 3 cửa khẩu quốc tế quan trọng nhất khu vực miền Bắc, là Lào Cai, Hữu Nghị và Móng Cái, với tuyến đường cao tốt kết nối vùng dài nhất Việt Nam (tổng cộng 571,5km gồm: Hà Nội - Lào Cai 265km; Hà Nội - Hải Phòng 105,5km; Hải Phòng - Hạ Long 25 km; Hạ Long - Móng Cái 176km).

Quan trọng hơn nữa, tuyến đường đã đưa Quảng Ninh ngày càng trở thành điểm trung chuyển chiến lược trong khu vực Đông Á - Đông Nam Á, ASEAN - Trung Quốc, Khu vực hợp tác “hai hành lang một vành đai kinh tế” Việt - Trung, hợp tác liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy liên kết vùng của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng.

Trục cao tốc chạy dọc tỉnh Quảng Ninh dài 176 km kết nối với các trung tâm logistics lớn như Cảng Quốc tế Lạch Huyện, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cửa khẩu quốc tế Móng Cái.

Đánh giá về điều này, bà Somhatai Panichewa, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Amata Việt Nam cho biết: Quảng Ninh là địa phương có kết nối hạ tầng giao thông rất tốt, có độ mở lớn khi kết nói trực tiếp với Cửa khẩu Móng Cái, với Cảng Quốc tế Lạch Huyện, lại sở hữu cảng hàng không quốc tế riêng của tỉnh thông qua trục cao tốc. Bên cạnh đó, quỹ đất công nghiệp của Quảng Ninh còn rất lớn. Đó là điều mà chúng tôi luôn mong đợi ở những địa phương mà mình quyết định đầu tư.  

Còn đối với Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, đúng 10 h ngày 11/7/2018 (sau hơn 2 năm thi công), đã đón chuyến bay hiệu chỉnh đầu tiên xuất phát từ Cảng hàng không quốc tế Nội Bài hạ cánh. Đây cũng là cảng hàng không quốc tế đầu tiên trong cả nước do tư nhân đầu tư tại Quảng Ninh, với tổng mức đầu tư khoảng 7.700 tỷ đồng.

Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn được đầu tư xây dựng tại xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn, theo tiêu chuẩn cấp 4E (mã tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và là sân bay quân sự cấp II có đường băng kéo dài 3,6km, rộng 45m, lề vật liệu rộng 7,5m, dải hãm phanh 2 đầu kích thước 100mx60m, đảm bảo khai thác loại máy bay Boeing 777 và tương đương. Dự kiến đến năm 2030, chủ đầu tư là Tập đoàn Sun Group sẽ hoàn thành đường lăn song song với đường băng, hoàn chỉnh đơn nguyên còn lại của nhà ga, nâng công suất lên 5 triệu hành khách/năm, vị trí đỗ tối thiểu lên 12 máy bay...

Công trình này đã góp phần đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch quốc tế, một trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia theo đúng Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn góp phần đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch quốc tế, một trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia theo đúng Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Ngoài ra, hệ thống cảng tàu khách, cảng biển cũng được Quảng Ninh chú trọng đầu tư với mục tiêu đưa Quảng Ninh trở thành một trung tâm logistics lớn và quan trọng của miền Bắc.

Được khởi công xây dựng từ tháng 11/2017, sau hơn một năm thi công, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long đã được đưa vào hoạt động. Công trình có tổng vốn gần 1.100 tỷ đồng, do Công ty TNHH Mặt Trời Hạ Long đầu tư (thuộc Tập đoàn Sun Group).

Đây là công trình giao thông bến cảng cấp đặc biệt và là cảng tàu khách du lịch quốc tế chuyên biệt đầu tiên của Việt Nam, được thiết kế đón tàu có tải trọng lớn nhất lên đến 225.000 GRT, với tổng số người lên đến 8.460 (bao gồm cả hành khách và thủy thủ đoàn), phục vụ được 2 tàu đậu cùng lúc.

Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long là cảng tàu khách du lịch quốc tế chuyên biệt đầu tiên của Việt Nam, được thiết kế đón tàu có tải trọng lớn nhất lên đến 225.000 GRT

Trước đó, ngày 7/10/2015, Cảng tàu khách Quốc tế Tuần Châu - cảng tàu khách nhân tạo do Công ty TNHH Âu Lạc (Tập đoàn Tuần Châu) đầu tư xây dựng có chiều dài tuyến bến gần 7km, độ sâu 10-17m, với tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng đã được khánh thành. Cảng được phép tiếp nhận tàu thủy Việt Nam và tàu nước ngoài có chiều dài đến 100m, mớn nước đến 5,5m và có thể tiếp nhận cùng lúc 2.000 tàu neo đậu đón, trả khách.

Đối với hệ thống cảng biển, bên cạnh Cảng Quốc tế Cái Lân thì dịp cuối tháng 10 năm ngoái (2021), Dự án Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh được đầu tư xây dựng trên diện tích 82,79ha, tại xã Vạn Ninh, TP. Móng Cái, với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 trên 2.248 tỷ đồng, do Công ty CP Cảng Quốc tế Vạn Ninh làm chủ đầu tư đã được khởi công xây dựng. Thời gian đầu tư, xây dựng dự kiến trong 3 năm, hoàn thành và đưa vào khai thác trong quý IV/2024. Bến cảng có bến cầu chính dài 500m, có thể đậu đồng thời 2 tàu trọng tải lên đến 20.000 DWT hoặc 3 tàu trọng tải 10.000 DWT

Phối cảnh Bến cảng Tổng hợp Vạn Ninh.

Dự án này được hoàn thành sẽ góp phần đầu tư hoàn thiện đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng và dịch vụ cảng biển của tỉnh Quảng Ninh theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại; thúc đẩy hoạt động logistics, xuất nhập khẩu, giao thương quốc tế, nhất là giao thương hàng hóa bằng đường biển giữa khu vực ASEAN với Đông Bắc Á.

Như vậy, chỉ trong khoảng thời gian 4 năm, tỉnh Quảng Ninh liên tiếp khánh thành 3 tuyến cao tốc quan trọng; khánh thành cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cảng tàu khách quốc tế Hạ Long… Các công trình hạ tầng giao thông động lực này đã góp phần gỡ hoàn toàn “nút thắt” về giao thông Quảng Ninh.

Kết nối liên vùng

Với quan điểm kiến tạo các hành lang giao thông gắn với các hành lang kinh tế, hành lang đô thị, hướng tới xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương, Quảng Ninh đã chủ động tăng tính kết nối liên vùng qua các công trình giao thông.

Trong đó, kết nối với thành phố Hải Phòng thông qua cầu Bến Rừng; cầu Lại Xuân; cầu và đường kết nối Uông Bí với Thủy Nguyên; cầu kết nối Quảng Yên với Thủy Nguyên; cầu hoặc hầm nối từ KCN Nam Tiền Phong với Lạch Huyện; tuyến đường sắt đô thị để tạo thêm trục giao thông đột phá kết nối giữa Quảng Ninh và Hải Phòng.

Kết nối với tỉnh Hải Dương thông qua cầu Triều; cầu Đông Mai; Quốc lộ 18; Quốc lộ 17B; Đường tỉnh 332; Tuyến đường nối QL18 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; Tuyến nối Đường ven sông lên thị xã Đông Triều với đường vành đai V sau đó kết nối với QL 37; tuyến đường sắt đô thị.

Dự án xây dựng cầu Triều và đường dẫn nối Quốc lộ 18 từ TX.Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh với đường tỉnh 389 qua TX.Kinh Môn, tỉnh Hải Dương được khánh thành vào ngày 1/1/2021.

Kết nối với tỉnh Bắc Giang bằng Quốc lộ 279; Tuyến kết nối từ Tây Yên Tử, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang đến Đường tỉnh 327B tại xã Tân Dân; Tuyến Mục đi đèo Kiếm thuộc xã Dương Hưu, huyện Sơn Động sang xã Lương Mông thuộc huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh; Đường tỉnh 345 đến Đường tỉnh 293, huyện Lục Nam, đường sắt quốc gia.

Kết nối với tỉnh Lạng Sơn bằng cao tốc Lạng Sơn - Tiên Yên, Quốc lộ 4B, Đường tỉnh 342. Kết nối với Trung Quốc bằng đường bộ cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái, đường sắt quốc gia Hạ Long - Móng Cái, đường sắt tốc độ cao từ Hà Nội - Bắc Ninh - Hải Dương - Quảng Ninh - Đông Hưng (Trung Quốc).

Với hệ hệ thống giao thông kết nối liên vùng tốt, Quảng Ninh đang hình thành các trung tâm logistics quan trọng của tỉnh và của miền Bắc như Trung tâm logistics gắn với hệ thống cảng biển gồm Cái Lân, Yên Hưng (Quảng Yên), Mũi Chùa, Cẩm Phả, Hải Hà, Vạn Gia - Vạn Ninh; Trung tâm logistics gắn với cảng hàng không là Khu logistics sân bay Vân Đồn; Trung tâm logistics gắn với cửa khẩu gồm Móng Cái, Hoành Mô - Đồng Văn, Bắc Phong Sinh.

Để tận dụng lợi thế về hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại và hoàn chỉnh,  28/7/2022, Quảng Ninh đã cùng với Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên ký kết thoả thuận kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông.

Trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, Quảng Ninh định hình sẽ kết nối hạ tầng giao thông quốc gia thông qua 3 tuyến cao tốc: Nội Bài - Bắc Ninh - Hạ Long; Tiên Yên - Lạng Sơn - Cao Bằng; Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái; 7 tuyến quốc lộ: Quốc lộ 18, 18B, 18C, 279, 10, 17B, 4B; 3 tuyến đường sắt quốc gia Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân; Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh (đoạn Nam Hải Phòng - Hạ Long); Hạ Long - Móng Cái; các cảng biển phục vụ vùng, quốc gia và quốc tế đã được xác định tại quy hoạch cấp quốc gia; hệ thống đường thuỷ nội địa quốc gia; cảng hàng không quốc tế Vân Đồn. Quy hoạch các tuyến đường tỉnh kết nối với hệ thống đường cao tốc, đường quốc lộ, cảng biển, các nhánh đường sắt kết nối với cảng biển, tăng cường liên kết đường bộ - đường sắt - cảng biển - hàng không.

Tin liên quan
Tin khác