Ngân hàng - Bảo hiểm
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng 4 lần tha thiết được kéo dài Nghị quyết 42 đến tháng 8/2024
Nguyễn Lê - 14/04/2022 13:32
Đồng ý trình Quốc hội gia hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu, song Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chốt thời điểm đến hết năm 2023.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại phiên họp. 

Đồng ý gia hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết 42), song Ủy ban Thường vụ Quốc hội chốt thời điểm đến hết năm 2023. Dù Thống đốc Nguyễn Thị Hồng 4 lần tha thiết mong được kéo dài đến tháng 8/2024.

Sáng 14/4, tại phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo tổng kết Nghị quyết số 42 và đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của Chính phủ.

Nhận xét chung của nhiều ý kiến thảo luận là các con số về thực trạng nợ xấu cũng như kết quả xử lý tuy nhiều nhưng rối, các đánh giá về khó khăn, vướng mắc chưa mạch lạc, rõ ràng, và sự chuẩn bị hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm theo yêu cầu của Quốc hội còn chậm trễ.

Nhấn mạnh xử lý nợ xấu là vấn đề tác động rất lớn đến cả nền kinh tế, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị Ngân hàng Nhà nước phân tích làm rõ thêm kết quả từng chính sách quan trọng của Nghị quyết 42, chẳng hạn quyền thu giữ tài sản bảo đảm là quy định rất mới, không theo quy định của hệ thống pháp luật bình thường.

Liên quan đến vấn đề này, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Điều 7 nêu vướng mắc: Nghị quyết số 42 quy định “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu có quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu...”.

Tuy nhiên, trên thực tế, phương thức thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý nợ xấu chỉ thành công khi khách hàng hợp tác, hoặc trong một số trường hợp nhất định như khách hàng đã bỏ trốn khỏi địa phương mà tài sản bảo đảm không có tranh chấp, tài sản bảo đảm là đất trống…, còn khi khách hàng không hợp tác bàn giao tài sản bảo đảm, chống đối khi tiến hành thu giữ nhưng sự phối hợp của các cơ quan hữu quan tại địa phương trong một số trường hợp chưa kịp thời (như xác minh thông tin khách hàng, hỗ trợ thu giữ tài sản bảo đảm)…. cũng làm ảnh hưởng đến công tác xử lý thu hồi nợ xấu, dẫn đến việc thu giữ thường không đạt được kết quả.

Năm 2022 khi sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 42 đã đề cập 11 vướng mắc, lần này Chính phủ báo cáo còn 6, phải chăng 5 vướng mắc kia đã giải quyết, hay đến nay cũng vẫn chỉ nhận diện mà chưa có giải pháp? ông Tùng nêu vấn đề.

Về nội dung cụ thể của Nghị quyết, Ủy ban Kinh tế đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung đối với 2 nội dung.

Một là, bổ sung phạm vi áp dụng là các khoản nợ được hình thành sau ngày 15/8/2017 và được xác định là nợ xấu trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực.

Hai là, bổ sung đối tượng áp dụng các cơ chế xử lý nợ xấu tại Nghị quyết là là Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC), trực thuộc Bộ Tài chính, tương tự như Công ty TNHH một thành viên quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam (VAMC).

Tuy nhiên, theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, "từ xưa đến nay không ai sửa đổi nghị quyết thí điểm cả".

Ông Định đề nghị cơ quan trình cần báo cáo rõ kéo dài thực hiện Nghị quyết 42 thì đạt mục tiêu, yêu cầu gì. "Cứ bảo nếu không có Nghị quyết 42  thì khó, vậy có thì được cái gì cần làm rõ, chứ hồ sơ chủ yếu là công văn các cơ quan cơ bản đồng ý với đề xuất mà trình Quốc hội thì không ổn", Phó chủ tịch Quốc hội nhìn nhận.

Ông Định cũng cho rằng, cần tính toán kỹ xem có thực sự cần Luật Xử lý nợ xấu riêng hay sửa Luật Các tổ chức tín dụng để hoàn thiện hành lang pháp lý xử lý nợ xấu.

Đồng ý bổ sung Nghị quyết kéo dài Nghị quyết 42 vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2022, song ông Định đề nghị chỉ kéo dài tối đa đến hết năm 2023, cũng khớp với chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Tán thành ý kiến ông Định, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói rõ là Chính phủ không trình sửa nội dung, nên chỉ xem xét kéo dài Nghị quyết 42 hay không thôi. Và nếu có kéo dài thì cũng tối đa chỉ hết năm 2023, khớp với Nghị quyết 43 của Quốc hội về gói hỗ trợ kích thích kinh tế, song cần làm rõ mục tiêu để làm gì, trách nhiệm của các bên liên quan ra sao, để Quốc hội xem có đồng ý cho kéo dài hay không.

"Nguyên tắc là thí điểm hết thời hạn thì thôi. Chính phủ phải tính chuyện định hướng để hoàn thiện khung khổ pháp lý cho xử lý nợ xấu này. Các nước có luật để xử lý nợ xấu lúc khủng hoảng, chúng ta có Nghị quyết 42 chính là Luật Xử lý nợ xấu, bây giờ không thể nào lại có Luật Xử lý nợ xấu tiếp được.

Nghị quyết 42 thực chất là Luật Xử lý nợ xấu của Việt Nam, nó khác hoàn toàn với cơ chế thông thường, khác hoàn toàn với quy định Luật Tổ chức tín dụng và các quy định pháp luật khác. Nghị quyết 42 có giá trị như một luật của các nước về xử lý tình huống khẩn cấp. Đừng có đặt vấn đề xây dựng một luật về xử lý nợ xấu, nghị quyết này chính là luật về xử lý nợ xấu rồi.

Tôi đi khắp thế giới tôi nghiên cứu rồi. Cần hoàn thiện Luật Tổ chức tín dụng, trên cơ sở thí điểm này tổng kết, đánh giá rồi đưa vào, cái gì kế thừa được, cái gì không tốt và phải đưa vào chương trình xây dựng pháp luật trình vào đầu năm và biểu quyết thông qua vào cuối năm 2023", Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

Phát biểu cuối phiên họp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng 4 lần nhấn mạnh hai từ "tha thiết" mong được kéo dài Nghị quyết 42 đến tháng 8/2024.

"Ngân hàng Nhà nước cùng Chính phủ tha thiết mong kéo dài đến tháng 8/2024. Ngân hàng Nhà nước sẽ cố gắng hết sức để xây dựng luật nhanh nhất có thể. Tuy nhiên, vì đây là vấn đề liên quan đến khoản nợ, liên quan đến tiền bạc và chắc chắn khi xây dựng các quy định sẽ có rất nhiều ý kiến khác nhau, cho nên trong một luật hoặc những quy định luật hóa thường từ kéo dai 2 đến 3 kỳ họp Quốc hội. Ngân hàng Nhà nước tha thiết, mong muốn Chủ tịch Quốc hội, Thường vụ Quốc hội cho phép kéo dài đến tháng 8/2024", bà Hồng nói.

Sau đó, 100% các vị Ủy viên Ủy ban Thường vụ có mặt thống nhất bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 đối với nghị quyết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, hạn kéo dài đến ngày 31/12/2023.

Tin liên quan
Tin khác