Phiên thảo luận trực tuyến của Quốc hội về dự thảo Luật Bảo vệ môi trường. |
Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường trình Quốc hội thông qua chiều nay (17/11) quy định chủ dự án có trách nhiệm công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được phê duyệt kết quả thẩm định, trừ các thông tin thuộc bí mật của doanh nghiệp, nhà nước.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, nhiều quy định đã được chỉnh lý, trong đó có đã giao Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường quy định việc công khai thông tin về hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM. Còn tại điều 37 đã quy định chủ dự án có trách nhiệm công khai báo cáo ĐTM đã được phê duyệt kết quả thẩm định, trừ các thông tin thuộc bí mật của doanh nghiệp, nhà nước.
Quy định về tham vấn cộng đồng dân cư, cơ quan, tổ chức liên quan cũng đã được chỉnh lý.
Quá trình thảo luận, có ý kiến đại biểu cho rằng quy định tham vấn bằng một trong các hình thức lấy ý kiến bằng văn bản hoặc phiếu tham vấn, tổ chức họp, công bố trên trang thông tin điện tử là thiếu chặt chẽ, do đó các nhà đầu tư sẽ chọn phương án đơn giản nhất để thực hiện. Đại biểu đề nghị phải thực hiện đồng thời cả 3 hình thức tham vấn, khi tham vấn cộng đồng dân cư phải bao gồm các đối tượng trực tiếp và gián tiếp bị ảnh hưởng, đồng thời cần quy định cụ thể hơn trách nhiệm tham vấn và sử dụng kết quả tham vấn của chủ dự án.
Tiếp thu ý kiến xác đáng trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý nội dung khoản 4 Điều 33, quy định việc tham vấn được thực hiện bắt buộc thông qua đăng tải trên trang thông tin điện tử và thêm một hoặc các hình thức lấy ý kiến bằng văn bản, tổ chức họp lấy ý kiến.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kết quả tham vấn cộng đồng dân cư, cơ quan, tổ chức liên quan là thông tin quan trọng để chủ dự án nghiên cứu đưa ra giải pháp giảm thiểu tác động của dự án đối với môi trường và hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án. Kết quả tham vấn phải được thể hiện đầy đủ, trung thực các ý kiến của đối tượng được tham vấn, các đối tượng quan tâm đến dự án (nếu có) bao gồm các ý kiến, kiến nghị đã được chủ dự án tiếp thu; ý kiến, kiến nghị không được chủ dự án tiếp thu kèm theo giải trình đầy đủ, rõ ràng.
Dự thảo luật quy định, chủ dự án phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung và kết quả tham vấn (Khoản 5 Điều 33). Đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết tại khoản 7 Điều 33 để phù hợp với thực tiễn yêu cầu thực hiện việc tham vấn trong quá trình thực hiện ĐTM của các loại dự án có quy mô, mức độ, phạm vi ảnh hưởng khác nhau.
Quá trình hoàn thiện dự án luật, một trong những vấn đề một số chuyên gia đã lên tiếng là công bố thông tin về chất lượng môi trường.
Dự thảo luật khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia quan trắc môi trường và công bố thông tin về chất lượng môi trường cho cộng đồng theo quy định của pháp luật. Tổ chức, cá nhân quan trắc môi trường và công bố thông tin về chất lượng môi trường cho cộng đồng chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin.
Tuy nhiên, về điều kiện,ở dự thảo phục vụ thảo luận đầu kỳ họp quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia quan trắc chất lượng môi trường định kỳ, thường xuyên, liên tục nhằm cung cấp, công bố thông tin về chất lượng môi trường cho cộng đồng phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về quan trắc chất lượng môi trường và đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật.
Dự thảo luật trình Quốc hội thông qua đã bỏ điều kiện phải đăng ký, chỉ quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quan trắc chất lượng môi trường định kỳ, thường xuyên, liên tục nhằm cung cấp, công bố thông tin về chất lượng môi trường cho cộng đồng phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về quan trắc chất lượng môi trường theo quy định của pháp luật.