Đầu tư
Thu hút FDI: Cú đột phá nhờ dự án tỷ USD
Nguyên Đức - 27/09/2021 09:42
Sau nhiều tháng liên tiếp suy giảm, vốn FDI vào Việt Nam đã tăng trở lại. Kết quả này như lời khẳng định rằng, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang đến và tiếp tục ở lại Việt Nam.
Có thêm dự án tỷ USD, trong đó có việc tăng vốn thêm 1,4 tỷ USD của LG Display, vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam đã tăng trở lại sau nhiều tháng suy giảm. Ảnh: Việt Linh

Cú xoay chuyển nhờ dự án tỷ USD của LG Display

“Vốn đầu tư nước ngoài bất ngờ tăng trở lại”. Đó là điều đã được nhấn mạnh trong những ngày gần đây, khi Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chính thức công bố số liệu thống kê về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam.

Cụ thể, theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20/9/2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, vốn đăng ký mới đạt gần 12,5 tỷ USD, tăng 20,6% so với cùng kỳ; vốn điều chỉnh đạt trên 6,4 tỷ USD, tăng 25,6% so với cùng kỳ; còn vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt gần 3,2 tỷ USD, giảm 43,8% so với cùng kỳ.

Thực ra, điều này nằm trong dự đoán, khi vào ngày cuối cùng của tháng 8/2021, Hải Phòng đã trao chứng nhận đăng ký đầu tư tăng vốn thêm 1,4 tỷ USD cho LG Display, nâng tổng vốn đầu tư của dự án này lên 4,65 tỷ USD. Đây là dự án tỷ USD thứ ba đăng ký đầu tư vào Việt Nam kể từ đầu năm tới nay, bên cạnh 2 dự án khác là Dự án điện khí ở Long An, 3,1 tỷ USD và Dự án Nhiệt điện Ô Môn II ở Cần Thơ, vốn đăng ký 1,31 tỷ USD.

Có thêm dự án tỷ USD, không những tình hình thu hút đầu tư của Việt Nam có nhiều thay đổi, đã tăng trở lại sau nhiều tháng suy giảm, mà ngay cả “bảng tổng sắp” các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư lớn vào Việt Nam cũng có sự xoay chuyển.

Trước khi có dự án tỷ USD của LG Display, Nhật Bản đứng thứ hai, còn Hàn Quốc đứng thứ ba trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư lớn vào Việt Nam. Tuy nhiên, sau dự án này, Hàn Quốc đã “soán ngôi” Nhật Bản để vươn lên vị trí thứ hai.

Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, sau 9 tháng, Singapore vẫn là nhà đầu tư dẫn đầu tại Việt Nam, với gần 6,3 tỷ USD, chiếm 28,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó, Hàn Quốc đứng thứ hai, với tổng vốn đầu tư trên 3,9 tỷ USD, chiếm 17,7% tổng vốn đầu tư, tăng 23,4% so với cùng kỳ. Còn Nhật Bản đứng vị trí thứ ba, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,3 tỷ USD, chiếm 14,7% tổng vốn đầu tư, tăng 88,8% so với cùng kỳ.

“Hàn Quốc mặc dù chỉ xếp thứ hai về vốn đầu tư, song lại là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới, số lượt dự án điều chỉnh vốn cũng như số lượt góp vốn, mua cổ phần. Như vậy, nếu xét về số lượng dự án, Hàn Quốc là đối tác có nhiều nhà đầu tư quan tâm và đưa ra các quyết định đầu tư mới cũng như mở rộng dự án đầu tư nhất trong 9 tháng qua”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết.

Nỗi lo nằm ở vốn thực hiện

Việc vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang tăng trở lại, dù có thể chưa bền vững, cũng đã góp phần khẳng định, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đến và tiếp tục ở lại Việt Nam, không phải như những đồn đoán gần đây về việc các nhà đầu tư nước ngoài sẽ rời đi.

Ngân hàng Thế giới (WB), trong báo cáo cập nhật kinh tế Việt Nam được công bố cách đây ít ngày, vẫn tiếp tục khẳng định về lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài với Việt Nam. Trong báo cáo của mình, WB đã viện dẫn các con số về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, với trong 8 tháng chỉ giảm 2% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó riêng tháng 8 tăng mạnh so với tháng 7, để minh chứng cho nhận định của mình.

Sau 9 tháng, con số còn tăng, chứ không giảm và đó là dấu hiệu tích cực. Nhưng, dường như đang có một sự “đảo chiều” đáng lo. Đó là trong khi vốn đầu tư mới, vốn tăng thêm đăng ký tăng khá mạnh, thì vốn đầu tư thực hiện đang chậm lại đáng kể. Nếu như 8 tháng, vốn đầu tư nước ngoài giải ngân đạt 11,58 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ, thì sau 9 tháng, con số chỉ là 13,28 tỷ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ.

“Đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và tiếp tục có tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khu vực phía Nam”, Cục Đầu tư nước ngoài nhận xét và cho biết, những tháng gần đây, nhiều nhà máy đã bị ngưng hoặc giảm công suất.

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều địa phương trong cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội, nên không chỉ giải ngân vốn đầu tư công, mà ngay cả giải ngân vốn đầu tư nước ngoài cũng bị ảnh hưởng. Điều này là dễ hiểu. Không chỉ thiếu nhân công, mà việc các chuyên gia nước ngoài bị hạn chế nhập cảnh vào Việt Nam cũng đã ảnh hưởng tới tiến độ triển khai xây dựng nhiều dự án FDI tại Việt Nam.

Thông tin được đại diện của Công ty Hóa chất Hyosung Vina, đơn vị đang thực hiện Dự án đầu tư Nhà máy Sản xuất Polypropylene (PP) và Kho ngầm chứa khí đầu mỏ hóa lỏng (LPG) tại Khu công nghiệp Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu), với vốn đầu tư 1,3 tỷ USD cho biết, cho tới tháng 8/2021, Công ty đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng và đang chạy thử 3 công trình còn lại của nhà máy, bao gồm 2 nhà máy sản xuất Propylene và kho ngầm chứa LPG.

Tuy nhiên, mọi việc đang gặp khó khăn, do có những trường hợp Công ty cần gấp sự giúp đỡ của chuyên gia nước ngoài. “Hiện tại, thủ tục xin phép nhập cảnh rất khó khăn, phải qua ít nhất 4 cơ quan phê duyệt và mất nhiều thời gian. Việc này làm ảnh hướng đến tiến độ xây dựng và gây phát sinh nhiều chi phí khác cho Công ty”, đại diện của Hyosung Vina nói.

Gỡ khó cho nhà đầu tư

Hyosung Vina không phải là công ty duy nhất gặp những khó khăn, trở ngại trong quá trình đầu tư vào thời điểm dịch Covid-19 căng thẳng hiện nay. Chính Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã nhận thấy vấn đề này, do vậy, trong các báo cáo về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian gần đây, đều lên tiếng cảnh báo rằng, việc hạn chế nhập cảnh và chính sách cách ly dài ngày làm chững lại các đoàn chuyên gia và nhóm phát triển dự án vào Việt Nam khảo sát và làm các thủ tục đầu tư.

Ngoài ra, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc phong tỏa nhà máy và hạn chế di chuyển của người lao động trong các khu công nghiệp làm đình trệ sản xuất, giảm công suất và sản lượng, đứt gãy chuỗi cung ứng cũng “góp phần” làm ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư mới đang có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam.

“Do đóng cửa nhà máy, thiếu hụt lao động để sản xuất, nên nhiều đơn hàng phải chuyển sang các địa bàn khác trong chuỗi cung ứng. Tuy đây chỉ là giải pháp tạm thời, nhưng nếu kéo dài tình trạng này, thì có khả năng, nhà đầu tư sẽ chuyển sản xuất sang nước khác”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục cảnh báo như vậy khi công bố số liệu thống kê về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài 9 tháng năm 2021.

Như vậy, dù vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang tăng, nhưng nỗi lo nhà đầu tư rời đi vẫn hiện hữu. Tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư trong lúc này là điều cần thiết và quan trọng.

Theo thông tin của Báo Đầu tư, khó khăn hiện thời của các doanh nghiệp không chỉ là thiếu chuyên gia hay đứt gãy chuỗi cung ứng, mà còn nhiều khó khăn khác.

Có tới 6.300 lao động đang làm việc tại Khu công nghệ cao TP.HCM, Công ty Nidec rất lo ngại khi doanh nghiệp hoạt động trở lại, liệu phát hiện một F0 thì có phải đóng cửa cả nhà máy hay không. Theo lãnh đạo của doanh nghiệp này, chỉ cần cách ly hoặc đóng cửa phần sản xuất liên quan, chứ không phải đóng toàn bộ doanh nghiệp.

Ngay cả Công ty Nike cũng có chung nỗi lo đó, rằng Công ty không muốn đóng cửa toàn bộ nhà máy khi phát hiện một ca F0, mà chỉ cần nhanh chóng tách F0 và cách ly người tiếp xúc F0 trong nhà máy.

Trong hội nghị gần đây về việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp, một loạt doanh nghiệp cũng đã lên tiếng về những bất cập khi áp dụng mô hình “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến” trong thời gian qua.

Theo ý kiến của các doanh nghiệp được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp lại, thì mô hình “1 cung đường 2 điểm đến”, “3 tại chỗ” là giải pháp đúng đắn trong thời gian qua, nhưng về lâu dài, gặp nhiều khó khăn, bất cập, tạo gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.

Thậm chí, ở Hà Nội, có doanh nghiệp phải sử dụng diện tích xưởng, kho làm nơi ăn ở cho người lao động tham gia sản xuất “3 tại chỗ”, nên hàng hóa, nguyên liệu xuất nhập khẩu phải lưu tại kho ngoại quan, cảng biển lâu ngày, bị đội chi phí…

Chưa kể, còn một loạt khó khăn liên quan đến vấn đề thiếu hụt lao động; tiêm phòng vắc-xin Covid-19; gia tăng chi phí xét nghiệm cho người lao động; thiếu vốn kinh doanh, đơn hàng sụt giảm; nguồn nguyên liệu đầu vào, dự trữ hạn hẹp; lưu thông hàng hóa gặp khó khăn…

Những khó khăn này nếu không sớm được tháo gỡ, sẽ ảnh hưởng tới không chỉ tình hình thu hút đầu tư mới của Việt Nam, mà còn cả việc giải ngân khoản vốn đầu tư đã đăng ký, gây lãng phí nguồn lực và không tạo thêm được năng lực mới cho nền kinh tế.

Thêm dấu hiệu tích cực

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư đăng ký mới và vốn đầu tư điều chỉnh tiếp tục duy trì tăng và đạt mức tăng mạnh hơn so với 8 tháng đầu năm. Tuy nhiên, số lượng dự án cấp mới, điều chỉnh vẫn giảm so với cùng kỳ (tương ứng giảm 37,8% và 15%). Việc suy giảm số dự án này chủ yếu tập trung vào nhóm dự án quy mô nhỏ (dưới 5 triệu USD), trong khi số lượng các dự án quy mô lớn (trên 50 triệu USD) vẫn duy trì tăng mạnh trong 9 tháng năm 2021.

Ở một góc độ nào đó, đây lại là dấu hiệu tích cực trong thu hút đầu tư nước ngoài, bởi Việt Nam có thể lọc bớt các dự án quy mô nhỏ, không có tác động nhiều tới kinh tế - xã hội, qua đó nâng chất dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Tin liên quan
Tin khác