Du lịch
Thu hút nguồn nhân lực cho ngành văn hóa, thể thao và du lịch
Nguyễn Linh - 04/05/2024 23:04
Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch chính là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ cho du lịch Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Định hướng đúng, tránh lãng phí nguồn nhân lực 

Ngày 4/5, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Ngày hội tuyên truyền hướng nghiệp năm 2024 và Tọa đàm Đào tạo văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch trong thời kỳ chuyển đổi số và cơ hội việc làm sau khi ra trường tại Trường Đại học Văn hoá Hà Nội. 

Tham dự ngày hội, học sinh, sinh viên các tỉnh, thành phố sẽ có cơ hội được giao lưu, trao đổi trực tiếp với các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, hướng nghiệp, mở rộng cơ hội, lựa chọn về nghề nghiệp và định hướng cho tương lai sau khi tốt nghiệp.

Bên cạnh đó, sự kiện cũng được kỳ vọng sẽ thu hút, phát triển hợp lý nguồn nhân lực cho ngành văn hóa, thể thao và du lịch, đặc biệt là các ngành hiếm, ngành truyền thống cần bảo tồn và đào tạo theo cơ chế đặt hàng. Thúc đẩy sự tăng trưởng lực lượng lao động đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp văn hóa tại Việt Nam trong tương lai. Phát huy vai trò, tầm quan trọng của các ngành đào tạo văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, du lịch đối với thực tiễn cuộc sống và sự phát triển của đất nước.

Ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phát biểu tại ngày hội. (Ảnh: Nguyễn Linh)

Phát biểu phát động ngày hội, ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết, nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có chuyên môn, trình độ, kỹ năng và nghiệp vụ, đáp ứng tốt yêu cầu bối cảnh, tình hình mới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu trình Chính phủ ban hành nhiều đề án đào tạo, bồi dưỡng tài năng và nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, du lịch trong và ngoài nước tiêu biểu

Cụ thể là các đề án: “Xây dựng đội ngũ trí thức ngành văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030”, “Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035”, “Đào tạo tài năng văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, “Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030” đã và đang được tổ chức triển khai thực hiện để từng bước cụ thể hóa các mục tiêu đã đặt ra.

Theo ông Hoàng Đạo Cương, hiện nay Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có 26 cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch, 2 viện nghiên cứu tham gia đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao cho các ngành thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thể thao, du lịch. "Nhờ thực hiện đồng bộ các chính sách đã từng bước góp phần khắc phục tình trạng thiếu hụt về nhân lực trong các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, du lịch…", Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho hay.

Thứ trưởng khẳng định, hệ thống các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, du lịch đang ngày càng được quan tâm, đầu tư, mở rộng về cơ sở, mạng lưới trường lớp, đa dạng hóa các ngành, nghề và phương thức đào tạo, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học, đáp ứng tốt yêu cầu, đòi hỏi của tình hình thực tiễn.

Chính vì vậy, ngày hội tuyên truyền hướng nghiệp năm 2024 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức có ý nghĩa lớn, rất thiết thực đối với công tác tuyển sinh, đào tạo phát triển nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch. 

“Đây cũng là dịp để các cơ sở đào tạo cùng tập trung tổ chức tư vấn hướng nghiệp, cung cấp thông tin rộng rãi về phương thức tuyển sinh, ngành nghề đào tạo, chế độ, chính sách và học phí; mang lại lợi ích thiết thực, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, sở trường của học sinh, sinh viên.”, ông Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh.

Lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch mong muốn, ngày hội tuyên truyền Hướng nghiệp năm 2024 sẽ trở thành một hoạt động thường niên, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng lực lượng lao động đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp văn hóa tại Việt Nam trong tương lai. Phát huy vai trò, tầm quan trọng của các ngành đào tạo văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, du lịch đối với thực tiễn cuộc sống và sự phát triển của đất nước.

Tạo cơ hội việc làm sau khi ra trường

Trong khuôn khổ Ngày hội cũng diễn ra Tọa đàm “Đào tạo văn hoá nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch trong thời kỳ chuyển đổi số và cơ hội việc làm sau khi ra trường”, các học sinh, sinh viên đã được trao đổi, thảo luận cùng đại diện Vụ Đào tạo (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch), các chuyên gia, và tham gia tư vấn, giới thiệu ngành nghề đào tạo từ cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

Tọa đàm “Đào tạo văn hoá nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch trong thời kỳ chuyển đổi số và cơ hội việc làm sau khi ra trường”. (Ảnh: Nguyễn Linh)

Ông Bùi Tất Hiếu, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng du lịch cho biết, năm 2015 đánh dấu bước phát triển mới trong hợp tác phát triển du lịch ASEAN bởi thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về ngành Du lịch (MRA-TP) chính thức có hiệu lực. Cụ thể, những người lao động của Việt Nam có thể sang làm việc tại các nước ASEAN và ngược lại, người lao động trong khối ASEAN có thể sang làm việc tại Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các tỉnh, thành đều thiếu nguồn nhân lực du lịch rất lớn. Theo báo cáo của Cục Du lịch quốc gia, dự kiến năm 2025 chúng ta sẽ đón khoảng 18 triệu khách quốc tế và nhân lực khoảng 5,5 triệu người lao động. 

“Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức, do đó sinh viên cần chuẩn bị một hành trang thật tốt khi chuẩn bị ra trường về chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ. Trong đó sinh viên ngành Du lịch cần nắm chắc những kiến thức về lịch sử, văn hoá, địa lý, marketing du lịch… Ví dụ, nếu học hướng dẫn viên, cần trang bị kiến thức về quản trị dịch vụ lữ hành…”, ông Hiếu chia sẻ.

Liên quan đến chủ đề chuyển đổi số tại Toạ đàm, ông Hiếu cũng nhấn mạnh sinh viên chuẩn bị ra trường cần đặc biệt chú trọng về công nghệ, đây là yếu tố quan trọng của ngành Du lịch trong thời kỳ mới. 

Tại Toạ đàm, các chuyên gia cũng cho rằng, việc đưa thực tiễn nghề nghiệp vào ngay trong giảng đường để sinh viên cơ hội tiếp xúc với nghề sớm cần có sự giúp sức của các doanh nghiệp đồng hành cùng các cơ sở đào tạo.

Theo đó, các cơ sở có giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp du lịch phải gắn kết với hiệp hội nghề nghiệp, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch để dự báo nhu cầu lao động, xây dựng chuẩn đầu ra và đào tạo học sinh, sinh viên, học viên có kỹ năng đáp ứng yêu cầu ngành nghề.

Thứ nhất, cần phối hợp, thỏa thuận doanh nghiệp là nơi thực hành, thực tập của cơ sở đào tạo; sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị, phần mềm… của doanh nghiệp để đào tạo thực hành. Thời gian đào tạo tại các doanh nghiệp ít nhất bằng tổng thời gian thực hành, thực tập của chương trình đào tạo và không ít hơn 50% tổng thời gian thực hiện chương trình đào tạo.

Thứ hai, doanh nghiệp cử chuyên gia tham gia giảng dạy, hướng dẫn thực hành, thực tập, đánh giá kết quả học tập của người học.

Thứ ba, phối hợp dự báo nhu cầu nhân lực của các ngành Du lịch về số lượng, yêu cầu chất lượng; phối hợp đầu tư cơ sở vật chất theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường hợp tác công tư, chú trọng xây dựng các cơ sở thực hành, thực tập chất lượng cao, theo chuẩn mực khu vực và quốc tế phục vụ đào tạo nhân lực du lịch.

Hoạt động tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên. (Ảnh: Nguyễn Linh)

Ông Đặng Xuân Thanh, Trưởng phòng quản lý đào tạo Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Tam Chúc cho biết, Công ty đã kết hợp với Trường Đại học Văn hoá Hà Nội thực hiện dự án “Vườn ươm tài năng Văn hoá du lịch". Đây là một dự án hết sức tâm đắc giữa khu du lịch Tam Chúc với Trường Đại học Văn hoá Hà Nội.

“Xuất phát từ sứ mệnh, tầm nhìn và giá trị cốt lõi là bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong dự án này, Công ty đã phối hợp với trường để đưa ra nhiều điểm mới như: nâng số lượng chuyên đề đào tạo lên tới 20 chuyên đề; kết nối giữa doanh nghiệp với trường để xây dựng hệ thống thông tin về ngân hàng cơ hội việc làm dành cho các thí sinh tham gia dự án đó; tổ chức Hội thảo quốc tế trong chuỗi các hoạt động dự án; thực hiện chương trình về đại sứ văn hoá du lịch tại Tràng An;...”

Có thể thấy, nguồn nhân lực du lịch có vai trò quyết định không chỉ cho riêng sự phát triển du lịch, mà còn góp phần không nhỏ vào việc thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Vì vậy, việc phát triển nhân lực ngành Du lịch để đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch nhanh và bền vững, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực và hiệu quả hơn vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển kinh tế tri thức của đất nước là một việc làm cần thiết, xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn.

Tin liên quan
Tin khác