Chi ngân sách và bội chi được xây dựng trên kịch bản vào đầu năm 2022. |
Cẩn trọng với “bóng ma lạm phát”
Trung tuần tháng 11/2021, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, với tổng thu 1.411.700 tỷ đồng, tăng 3,4% so với số ước thực hiện năm 2021; tổng chi 1.784.600 tỷ đồng, tăng 4,5%; bội chi 372.000 tỷ đồng, tương đương 4% GDP.
Bình luận về những số liệu cơ bản này, chuyên gia tài chính, PGS-TS Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính cho rằng, thu thận trọng và chi khiêm tốn.
“Công thức vàng” thường được Bộ Tài chính áp dụng khi xây dựng dự toán ngân sách nhà nước là tốc độ tăng thu tối thiểu bằng tốc độ tăng trưởng kinh tế cộng với lạm phát.
“Năm 2022, Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 6-6,5%; lạm phát khoảng 4%, trong khi dự toán thu năm 2022 chỉ tăng 3,4% là quá thận trọng”, ông Cường đánh giá.
Mặc dù cho rằng, dự toán ngân sách năm 2022 khá thận trọng, nhưng ông Cường cũng bày tỏ sự lo lắng về khả năng không hoàn thành dự toán, vì Covid-19 chưa có dấu hiệu bị đẩy lùi.
Mặc dù rất kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng 6-6,5% như mục tiêu đặt ra, nhưng ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện thường trú Văn phòng IMF tại Việt Nam và Lào cho biết, trước làn sóng Covid-19 đang “tái chiếm” châu Âu và nhiều quốc gia trên thế giới, IMF vừa mới hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống 5,9% trong năm nay và xuống 4,9% vào năm 2022.
“Đây là mức dự báo giảm khá mạnh so dự báo trước đó của IMF”, ông Francois Painchaud cho biết.
Là nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào hoạt động xuất nhập khẩu và vốn đầu tư nước ngoài, nên kinh tế thế giới giảm tốc chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam.
“Năm nay, Việt Nam khả năng đạt tốc độ tăng trưởng 2,5% và đạt 6-6,5% vào năm tới vì tốc độ tiêm chủng vắc-xin đang được thực hiện rốt ráo, đồng thời Chính phủ rất quyết liệt tăng đầu tư công, tạo ra nhu cầu đầu tư toàn xã hội. Tuy nhiên, khi tập trung vào tăng trưởng kinh tế, Việt Nam phải hết sức thận trọng với “bóng ma lạm phát”, ông Francois Painchaud cảnh báo.
Theo ông Francois Painchaud, tăng trưởng kinh tế khiến cầu tăng, trong khi Covid-19 khiến hoạt động giao thương xuyên biên giới bị hạn chế, làm giảm cung. Để phục hồi kinh tế, các nước sử dụng chính sách tài khóa mở rộng, nên cung tiền tăng. Như vậy, cả cung, cầu, lẫn yếu tố tiền tệ đã và đang tạo áp lực lên kiểm soát lạm phát. Việt Nam cũng bị tác động bởi yếu tố cung, nên phải hết sức thận trọng khi điều chỉnh tổng cầu và tiền tệ để kiểm soát lạm phát, không vì quá tập trung vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà lơ là kiểm soát lạm phát.
Chấp nhận sống chung với virus SARS-CoV-2
Phó vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính), ông Nguyễn Minh Tân khẳng định, năm 2022, tốc độ tăng thu 3,4% không hề quá thận trọng. Tốc độ tăng thu ngân sách phụ thuộc vào tăng trưởng kinh tế, nhưng không phải 2 chỉ tiêu kinh tế vĩ mô này lúc nào cũng đồng điệu với nhau. Có những thời điểm, tăng trưởng kinh tế cao, nhưng tăng thu thấp; ngược lại, có những năm tăng trưởng kinh tế thấp, nhưng tăng thu lại cao vì thu ngân sách thường có độ trễ.
“Năm 2022, tăng trưởng kinh tế sẽ bật lại trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được dịch bệnh, hoạt động sản xuất - kinh doanh trở lại bình thường mới, nhưng lợi nhuận làm ra của doanh nghiệp tích lũy trong nhiều năm đã bị cạn kiệt sau 2 năm dịch bệnh, nên năm 2022, dù doanh nghiệp có lãi cũng không thể thu ngay được, do năm 2020 và 2021, rất nhiều doanh nghiệp bị lỗ, các khoản lỗ này sẽ được chuyển lỗ sang năm 2022 và những năm tiếp theo (tối đa 5 năm). Do vậy, năm 2022, doanh nghiệp có lãi cũng được bù trừ khoản lỗ trước đó, nên ngân sách không thể tăng thu theo “công thức vàng”. Còn thu từ đất đai, trong đó có thu tiền sử dụng đất, chỉ dự toán 135.000 tỷ đồng, giảm 4% so với năm 2021 do thị trường bất động sản chưa thể phục hồi trở lại”, ông Tân giải thích.
Bên cạnh đó, theo ông Tân, dự toán chi và bội chi năm 2022 không hề khiêm tốn, mà đã được tính toán, cân nhắc rất kỹ.
“Chi ngân sách và bội chi được xây dựng trên kịch bản vào đầu năm 2022, tất cả những người đủ điều kiện đều được tiêm vắc-xin (khoảng 95% dân số). Như vậy, ngân sách chi cho công tác chữa bệnh, khoanh vùng, dập dịch… sẽ thấp hơn nhiều so với năm 2021. Chúng ta chấp nhận virus SARS-CoV-2 tồn tại lâu dài, “là phần tất yếu của cuộc sống”, nên ngân sách nhà nước tập trung cho việc mua vắc-xin, bố trí cho nghiên cứu, sản xuất vắc-xin. Nguồn ngân sách bố trí nhiệm vụ trọng tâm là phòng chống dịch bệnh năm 2022 bảo đảm đủ, nên mức bội chi 4% GDP và tăng chi 4,5% không hề khiêm tốn”, ông Tân khẳng định.