- Cuộc sống của tôi chỉ dễ thở hơn Cúc chứ không hề sang chảnh gì cả. Khi mới làm mẹ đơn thân, ngoài những buổi tập và buổi diễn ở nhà hát, tôi chẳng nề hà bất kỳ việc gì miễn là có thêm thu nhập và không phạm pháp. Tôi từng bán hàng online, tích góp từng đồng để gửi về cho quê cho mẹ giúp mình nuôi con. Sau đó, tôi dần có vốn và hùn hạp với một người họ hàng kinh doanh bất động sản.
Tôi mong khán giả hãy chỉ quan tâm đến những sản phẩm nghệ thuật của Thu Trang thay vì tôi xách túi gì, đi xe nào, mặc quần áo gì hay Thu Trang lấy đâu ra tiền để mua nhà, mua xe. Tôi không chạnh lòng khi người ta đồn mình được đại gia "bao" vì đã xác định làm nghệ thuật thì phải sống chung với những tin đồn dù nó là tích cực hay tiêu cực. Tôi không để những điều đó làm ảnh hưởng đến mình quá nhiều.
Thu Trang và con trai Minh Sơn. |
- Cuộc sống hiện tại của chị ra sao?
- Tôi không quá dư dả nhưng đã ổn định hơn ngày xưa một chút. Con trai tôi bây giờ không còn phải trải qua những ngày hết sữa mà mẹ không có tiền mua. Tôi đã mua được một căn hộ chung cư nhỏ để đón mẹ và con trai xuống Hà Nội ở cùng. Hiện tại, tôi tập trung chuẩn bị hành trang cho con vào lớp một. Sau một thời gian dài sống xa nhau, tôi cố gắng học cách hoà hợp với những thói quen của con. Là mẹ, tôi không thể cứng rắn, nghiêm khắc như một người đàn ông mà chỉ biết dành hết yêu thương và sự quan tâm cho con. Tôi không thể dành cho Minh Sơn mọi thứ nhưng tôi luôn cố gắng hết sức có thể.
- Làm mẹ đơn thân, chị từng đối diện với áp lực kinh tế ra sao?
- Từ khi ra Hà Nội học đến khi lấy chồng, tôi chưa bao giờ phải lo lắng quá nhiều về chuyện cơm áo gạo tiền. Chính vì vậy, lúc bắt đầu cuộc sống của một bà mẹ đơn thân, tôi sốc nặng vì phải đối mặt với nỗi lo vật chất. Tôi cảm giác như mình là một con gà vừa chui từ trong trứng ra đã bị vứt giữa ngã tư, không biết đi đường nào.
Khi ấy, con trai tôi mới hơn một tuổi, còn rất non nớt. Tôi bắt buộc phải gửi cháu về cho bà ngoại ở Tuyên Quang trông nom giúp vì không đủ tài chính nuôi con ở thành phố. Nhờ vậy, con tôi vừa được bà chăm sóc tận tình mà tôi vẫn có thể kiếm tiền trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, việc gửi tiền về nuôi cả mẹ lẫn con đối với tôi cũng không phải chuyện dễ. Đã có lúc con hết sữa mà tôi chẳng có tiền để mua thêm. Dù vậy, tôi tự nhủ mình không thể nào cứ mãi ngửa tay xin tiền mẹ nên chỉ cố gắng một mình. Không ai trong gia đình biết tôi trải qua giai đoạn khủng hoảng tồi tệ thế nào. May mà lúc đó tôi vẫn có bằng cấp trong tay và vẫn được cơ quan chào đón trở lại làm việc để kiếm tiền nuôi con. Chính vì vậy, Nhà hát Tuổi Trẻ đối với tôi không chỉ là một nơi làm việc mà còn là ngôi nhà thứ hai, có cái ơn rất lớn với mình.
- Nhà hát Tuổi Trẻ đã giúp chị thế nào?
- Sau khi tốt nghiệp, tôi đầu quân cho Nhà hát Tuổi Trẻ nhưng kết hôn xong, tôi đã xin thôi việc để tập trung vun vén gia đình và sinh con. Khi biến cố ập đến, tôi bỗng nhiên trở thành kẻ bơ vơ, không nhà, không việc làm. Tôi từng không biết làm gì để có tiền sống. Đúng lúc ấy, Nhà hát Tuổi Trẻ chấp nhận cho tôi quay trở lại. Từ đó, tôi cố gắng tập trung cho công việc của nhà hát, tích góp từng đồng từ việc đi tập, đi diễn để nuôi con.
Thu Trang (đứng hàng dưới, thứ hai từ trái sang) và các đồng nghiệp tại Nhà hát Tuổi Trẻ. |
- Chị đối mặt với giây phút yếu đuối ra sao?
- Nhiều khi tôi chẳng làm gì mà cứ ngồi ôm con khóc triền miên rồi thẫn thờ đi lại trong nhà. Tôi không đếm nổi những đêm khóc một mình vì thương con. Trước đây, nhiều người hỏi tôi sao lúc nào mặt cũng sầu sầu nhưng tôi chẳng biết trả lời ra sao. Có lẽ tôi suy nghĩ quá nhiều nên thần sắc đi xuống. Bây giờ, nhiều lúc tôi vẫn khóc khi nghĩ đến con. Làm sao không day dứt được khi trẻ con chẳng có lỗi gì mà giờ phải gánh chịu hậu quả. Tôi giờ không phải khóc vì kinh tế nữa nhưng thương con vì nó quá thiệt thòi.
Em trai tôi từng chứng kiến, trong một lần chơi với các bạn ở quê, thấy các bạn được bố gọi về ăn cơm, Minh Sơn liền giục: "Các bạn về đi, bố các bạn gọi kìa...". Các bạn đi rồi, con cứ đứng giữa sân một mình và chảy nước mắt. Em tôi chạy lại hỏi thì con nói chẳng làm sao cả, con bị bụi bay vào mắt rồi chạy phắt vào nhà để người khác không nhìn thấy mình khóc. Nghe câu chuyện ấy, lòng tôi thắt lại và day dứt mãi. Tôi biết rằng dù ngoài mặt thế nào thì trong sâu thẳm, con vẫn có góc khuất vì thấy thiếu thốn và thèm thuồng tình cảm. Tôi lúc nào cũng muốn bù đắp cho những thiệt thòi mà mình đã gây ra cho con.
- Chị có điểm gì tương đồng với nhân vật Cúc trong 'Những cô gái trong thành phố'?
- Cúc trong phim rất giống với tôi ngoài đời. Đạo diễn Vũ Trường Khoa thậm chí đã yêu cầu biên kịch sửa kịch bản để nhân vật giống Thu Trang đến gần như 100%. Thời gian đóng Những cô gái trong thành phố, tôi không phải cố gắng hay đau đáu quá nhiều mà cứ bê nguyên cảm xúc của mình vào phim. Khi xem lại nhiều đoạn mình đóng trên monitor, tôi cũng khóc vì nhớ đến con mình và những cảm xúc đã qua.
Tôi cũng là mẹ đơn thân và cũng có giai đoạn gửi con về quê cho bà nuôi hộ mấy năm. Thời gian đó, mẹ con phải trải qua những lúc xa nhau, gần nhau rồi lại xa nhau. Con tôi cũng phải trải qua những ngày tháng không có cả bố lẫn mẹ ở bên cạnh. Tâm lý bé Bống trong phim cũng rất giống con trai tôi ở ngoài đời nên tôi có sự đồng cảm rất lớn với nhân vật.
Chứng kiến tôi đóng phân đoạn ngồi khóc một mình sau phân xưởng, anh Công Lý giàn giụa nước mắt. Đó là cảnh tôi mang chính mình ở ngoài đời vào và đã chạm đến trái tim của khán giả.
Tạo hình của Thu Trang trong 'Những cô gái trong thành phố'. |
- Con trai chị nói gì khi xem bộ phim này?
- Con trai tôi có lần nằm cạnh mẹ xem phim rồi thủ thỉ "Mẹ ơi, con cũng khóc như chị Bống nhưng trước mặt mẹ, con không khóc đâu. Chỉ khi mẹ đi rồi, con mới vào giường chơi điện tử rồi khóc một mình. Nhiều câu nói của con khi xem phim này khiến tôi day dứt và ứa nước mắt.
Bình thường, con hay đặt ra những câu hỏi mà tôi chẳng biết trả lời thế nào: "Sao mẹ cứ đi suốt mà chẳng về với con?", "Sao con chưa dậy mà mẹ đã đi rồi?", "Sao mẹ về muộn thế, mẹ về thì con đã đi ngủ mất rồi"... Con lớn quá nhanh và có nhiều câu hỏi mà tôi chưa hề chuẩn bị tinh thần để trả lời. Biết rằng con đã có thể nhận thức được mọi thứ nên bây giờ tôi làm gì cũng phải nghĩ đến cảm xúc của cháu. Đó chính là việc khó nhất với tôi khi làm mẹ đơn thân.
- Cúc dè chừng, đóng cửa trái tim trước những người đàn ông đến với mình, còn chị thì sao?
- Tôi cũng như vậy. Mọi người xung quanh vẫn nói "Trang ơi lấy chồng đi". Tôi cho rằng trên đời chắc vẫn còn đàn ông tốt nhưng có lẽ những người ấy không phải dành cho mình hoặc tôi chưa may mắn gặp được. Tôi hài lòng với cuộc sống bây giờ khi hai mẹ con chăm nhau và không phải suy nghĩ nhiều về hôn nhân, gia đình. Với tôi, cuộc sống hôn nhân có lẽ không còn phù hợp nữa.
Nhiều lúc tôi cũng mệt mỏi vì mọi chuyện cứ cùng lúc đổ lên đầu mình, nào là lo toan gia đình từ A-Z, nào là việc cơ quan, nào là việc bên ngoài. Những khi ấy, tôi cũng tự hỏi lại sao mình không mở lòng ra để có người chung lưng đấu cật cùng. Như thế mình sẽ bớt vất vả hơn thay vì trầy vi tróc vảy, suốt ngày lao ra đường kiếm tiền. Những lúc cô đơn quá, tôi cũng muốn có một người đàn ông ở bên để chia sẻ và làm chỗ dựa tinh thần, nhưng nhìn đi nhìn lại thì có lẽ cứ như bây giờ vẫn hơn.
4 diễn viên chính của 'Những cô gái trong thành phố' - Mai Anh, Lương Thanh, Kim Oanh, Thu Trang (từ trái sang). |
- Cơ duyên nào đưa chị đến với vai Cúc trong 'Những cô gái trong thành phố'?
- Tôi đã có 10 năm hoạt động sân khấu nhưng chưa bao giờ thử sức với truyền hình. Nhiều bạn bè động viên tôi nên mở lòng, tìm những cơ hội mới vì nếu chỉ làm sân khấu thì sẽ chẳng ai biết đến mình. Thấy nhiều đồng nghiệp cùng lứa với mình khi ra đường được nhiều khán giả nhận ra, tôi nhận ra mình cần phải thay đổi.
Một người bạn thân từng giới thiệu tôi vào phim Quỳnh búp bê nhưng vì không thể thu xếp được lịch công tác ở TP HCM nên tôi đành bỏ lỡ vai đó. Đến phim này, phía nhà sản xuất trực tiếp gọi điện và mời tôi đến casting vai Cúc. Ban đầu, tôi cứ nghĩ đây chỉ là một vai phụ chứ chẳng ngờ nó lại là một trong bốn vai chính của phim.
- Vừa bén duyên với truyền hình đã được vào vai chính, chị áp lực ra sao?
- Cả 4 diễn viên chính của Những cô gái trong thành phố đều là những gương mặt mới. Tôi biết đạo diễn Vũ Trường Khoa và phó đạo diễn Công Lý đã mất rất nhiều công sức để đứng ra bảo vệ chúng tôi trước nhà sản xuất. Với 4 diễn viên chính không phải là ngôi sao, mọi người gần như phải đánh cược 50/50 về thành công của bộ phim. Dù được các anh tin tưởng tuyệt đối, tôi vẫn cảm thấy rất căng thẳng.
Thêm nữa, việc chuyển từ diễn sân khấu sang phim truyền hình cũng là thử thách với tôi. 10 năm gắn bó với sàn diễn, sân khấu đã trở nên quen thuộc với tôi trong từng hơi thở, tiếng nói. Trong khi đó, sân khấu mang tính ước lệ, tượng trưng bao nhiêu thì phim lại đời bấy nhiêu. Vấn đề của tôi là tiếng nói quá đẹp. Suốt mấy ngày đầu, tôi cứ chú ý đến tiếng nói thì quên cảm xúc còn tập trung vào cảm xúc thì lại trở về với tiếng nói của sân khấu. Sau mỗi lần quay, tôi đều xin đạo diễn cho xem lại những phân đoạn của mình trên monitor để rút kinh nghiệm và dần dần mới thích nghi được. Qua một tháng làm phim, ai cũng công nhận tiếng nói của tôi không còn quá đẹp nữa mà đã đời hơn rất nhiều rồi.