Không đứng ngoài mục tiêu toàn cầu, tại Việt Nam, nhiều địa phương đã thay đổi mạnh mẽ tư duy, chiến lược trong thu hút đầu tư.
“Rất nhiều địa phương đã nói không với các dự án sử dụng công nghệ có tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, những dự án không hướng đến mục tiêu thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc chia sẻ tại Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam 2023, tổ chức tại Hà Nội ngày 23/3.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết hơn bao giờ hết, các bộ, ngành và địa phương đang bám sát xu hướng quốc tế, tăng cường cơ hội thúc đẩy xu hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Nguyên tắc, mục tiêu tăng trưởng xanh được lồng ghép vào quy hoạch của các tỉnh, các ngành, lĩnh vực.
Hàng loạt dự án, kể cả các dự án có quy mô lớn, khi cam kết đầu tư vào Việt Nam, đã đặt ra mục tiêu trung hòa carbon ngay từ bước sản xuất. Điển hình là dự án đầu tư trị giá 1 tỷ USD do Lego đặt tại Bình Dương, để xây dựng nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của công ty ở khu vực Châu Á.
Hiện tại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang xây dựng danh mục các nhiệm vụ, dự án tăng trưởng xanh trọng điểm trong giai đoạn 2021- 2025 và 2026-2030, để phù hợp với định hướng tăng trưởng xanh của Việt Nam và thông lệ quốc tế.
“Tăng trưởng xanh là xu thế tất yếu mà bất kỳ quốc gia nào, kể cả các quốc gia đang phát triển cũng sẽ phải hướng tới trong thời gian tới”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh và khẳng định, Việt Nam là một quốc gia có thu nhập trung bình thấp và việc thực hiện tăng trưởng xanh, bên cạnh những cơ hội mang lại cho Việt Nam, dù cũng đặt ra không ít thách thức, khó khăn.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc chia sẻ tại Diễn đàn. |
Với vai trò là cơ quan tham mưu của Chính phủ về chương trình tăng trưởng xanh quốc gia, đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất ba nhóm nhiệm vụ, giải pháp cốt lõi như sau.
Thứ nhất, xây dựng chính sách, công cụ để tạo môi trường đầu tư kinh doanh hướng tới phát triển xanh và bền vững. Các chính sách này đều cần gắn kết vai trò của khu vực tư nhân trong thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh.
Ngoài ra, dựa trên nguyên tắc xuyên suốt là đầu tư công sẽ dẫn dắt đầu tư tư nhân, trong thời gian tới, việc phân bổ và sử dụng nguồn lực đầu tư công cần dựa trên những tiêu chí cụ thể về giảm phát thải khí nhà kính trong các chương trình, dự án quốc gia của các Bộ, ngành, các địa phương; ưu tiên thực hiện các dự án tăng trưởng xanh, trọng điểm trong từng giai đoạn.
Thứ hai, xây dựng cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực tài chính trong nước và quốc tế thông qua các công cụ tài chính xanh như trái phiếu xanh, tín dụng xanh, bảo hiểm xanh.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang gấp rút hoàn thiện đề án để hướng tới sớm đẩy nhanh việc vận hành thị trường carbon. Còn phía Bộ Kế hoạc và Đầu tư, theo thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, đặc biệt là các công cụ về thuế để có thể ứng phó với những dự án phát thải carbon gây ô nhiễm môi trường; đồng thời dùng những công cụ thuế và các công cụ khác để hướng tới thu hút các dự đi theo đúng định hướng tăng trưởng xanh.
Thứ ba, Việt Nam cần phải có cơ chế, chính sách để nâng cao khả năng tiếp cận tài chính xanh cho các doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp Nhà nước và các doanh nghiệp lớn trở thành tổ chức tài chính dẫn dắt thị trường sản xuất và tiêu dùng xanh trong nền kinh tế, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Việc triển khai kế hoạch hành động tăng trưởng xanh quốc gia sẽ hướng tới bốn nhóm mục tiêu quan trọng, gồm: (1) giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; (2) xanh hóa các ngành kinh tế; (3) xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; (4) xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm và nâng cao khả năng chống chịu.
Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần phải huy động thêm nguồn tài chính khoảng 6,8% GDP mỗi năm, tương đương gần 400 tỷ USD từ nay đến 2040.