“Nói đến phát triển bền vững, vấn đề đầu tiên là tiền đâu và vấn đề cuối cùng cũng vẫn là tiền đâu”, ông Vũ Chí Công, trưởng bộ phận ESG, Tập đoàn Vinacapital khẳng định.
Chia sẻ tại Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam 2023, tổ chức tại Hà Nội ngày 23/3, đại diện Vinacapital cho biết có nhiều mô hình đầu tư, như đầu tư truyền thống, đầu tư có trách nhiệm, đầu tư có tác động và đầu tư từ thiện. Nhưng dù thuộc hình thức nào, quy trình nhận đầu tư đều trải qua các bước giống nhau, từ sàng lọc và tìm kiếm dự án, thẩm định dự án, đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp cho đến bước cuối cùng là thoái vốn.
Trong bối cảnh hiện nay, nền kinh tế toàn cầu gặp khó khăn, không ít doanh nghiệp thiếu vốn nhưng ông Công nói rằng, đang tồn tại nghịch lý khi vốn xanh đầu tư vào các dự án có tác động đến môi trường, xã hội lại khá dư dả, thậm chí không có cơ hội đầu tư.
Với doanh nghiệp Việt, để tiếp cận nguồn vốn này, ông Công cho rằng, vấn đề trọng yếu nhất chính là tính sẵn sàng của thông tin và dữ liệu. Trong quá trình sàng lọc, tìm kiếm dự án, nếu doanh nghiệp không có đủ dữ liệu thì các quỹ đầu tư, các ngân hàng, tổ chức cung cấp nguồn tín dụng xanh không thể tiếp cận để biết doanh nghiệp đang hoạt động thế nào, đang tạo ra tác động ra sao.
Thông qua quá trình đầu tư, đại diện Vinapital nói rằng, doanh nghiệp thường rơi vào 2 trường hợp phổ biến như sau:
Thứ nhất, chỉ tập trung vào quá trình kinh doanh mà không biết tác động mình gây ra đến môi trường là tích cực hay tiêu cực;
Thứ hai, doanh nghiệp chỉ tập trung vào tác động xã hội, mà không thể tạo ra mô hình kinh doanh doanh đủ mạnh để mở rộng và phát triển lên.
Vì vậy, trước khi nói đến chuyện hút nguồn vốn xanh, đầu tiên là mỗi doanh nghiệp cần biết mình đang tạo ra những vấn đề môi trường nào, tích cực hay tiêu cực. Với các tác động tiêu cực, doanh nghiệp cần nghĩ tới biện pháp để xử lý, giảm thiểu.
“Khi doanh nghiệp đã nhận thức được vấn đề, họ cần xây dựng lộ trình, chính sách và ghi chép về nguồn dữ liệu phát thải để sẵn sàng công bố ra bên ngoài. Đến khi các quỹ đầu tư, các ngân hàng sàng lọc dự án, những tổ chức này sẽ dễ dàng tiếp cận được thông tin của doanh nghiệp. Khi đó, doanh nghiệp nào làm tốt nhiệm vụ kiểm kê, lữu trữ và công bố thông tin, doanh nghiệp đó chắc chắn sẽ nổi bật, có nhiều cơ hội tiếp cận nguồn vốn xanh”, ông Vũ Chí Công nhấn mạnh.
Đặc biệt, không chỉ các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn đa quốc gia mà theo ông Công, ngay cả doanh nghiệp nhỏ cũng nên nghĩ đến chuyện ghi chép nguồn dữ liệu phát thải và công bố rộng rãi. Dù ban đầu doanh nghiệp gặp khó khăn nhưng về lâu dài, hoạt động này sẽ trở thành thói quen của doanh nghiệp và lợi ích mang về chắc chắn sẽ lớn hơn nguồn tài chính bỏ ra.
Được biết, tín dụng xanh đang là xu hướng của ngành tài chính toàn cầu, nhằm hướng đến sự phát triển hài hòa, cân bằng giữa kinh tế và môi trường, hướng tới phát triển bền vững. Việt Nam là một trong những quốc gia thu hút nhiều nguồn vốn xanh từ quốc tế. Tính riêng trong hai năm 2021 và 2022, đã có hơn 7 tỷ USD nguồn vốn nước ngoài đổ vào Việt Nam, phần lớn dành cấp cho các dự án xanh nhằm giảm thiểu tác hại với môi trường và hạn chế phát thải.
Dù sở hữu tiềm năng lớn để thu hút nguồn vốn xanh nhưng các chuyên gia tin rằng, Việt Nam cần triển khai nhiều biện pháp để kịp thời nắm bắt được cơ hội từ các nguồn vốn xanh, cả trong nước và quốc tế. Đây cũng là nguồn lực tài chính quan trọng để Việt Nam đạt được cam kết phát thải ròng bằng 0% vào năm 2050.