Thưa ông, công tác quy hoạch được đánh giá là đã bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, gây lãng phí nguồn lực của đất nước. Ông có bình luận gì về vấn đề này?
Không thể phủ nhận những thành quả mà công tác quy hoạch đã đạt được trong thời gian vừa qua, bởi quy hoạch là căn cứ chủ yếu để các bộ, ngành, địa phương định hướng mục tiêu phát triển theo ngành, lãnh thổ và là cơ sở để xây dựng chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển và các dự án đầu tư. Chúng ta đã xác lập hàng loạt vùng chuyên môn về sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; tạo ra các vùng dịch vụ, khu du lịch mang tầm quốc tế và khu vực; đã hình thành và phát triển ngày càng nhiều khu đô thị mới với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội có khả năng kết nối, hỗ trợ nhau để cùng phát triển đồng bộ thông qua công tác quy hoạch.
. |
Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta có cả ngàn bản quy hoạch, các quy hoạch lại được quy định rải rác tại 95 luật, pháp lệnh, trong đó riêng quy định trực tiếp về quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm được quy định tại 73 luật, pháp lệnh. Chỉ cần nhìn vào số lượng quy hoạch lên tới hàng ngàn, văn bản pháp luật có quy định về quy hoạch lên tới cả trăm lại được ban hành ở nhiều thời điểm khác nhau, có thể thấy, công tác quy hoạch đã bộc lộ nhiều bất cập, vừa thừa, vừa thiếu, chồng chéo, mâu thuẫn, chất lượng thấp, không gắn với nhu cầu sử dụng cũng như nguồn lực thực hiện và thiếu tính khả thi.
Quy hoạch không tính đến nguồn lực có phải là một trong những hạn chế lớn nhất trong công tác quy hoạch hiện nay không, thưa ông?
Tổng nhu cầu vốn đầu tư ưu tiên cho các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giai đoạn 2011 - 2020 nằm trong các quy hoạch hiện nay lên tới 385 - 390 tỷ USD, trong khi thực tế khả năng huy động mọi nguồn lực chỉ có thể được 210 - 215 tỷ USD. Điều này chứng tỏ, việc quy hoạch không tính đến nguồn lực thực hiện.
Khi Luật Quy hoạch có hiệu lực, việc bắt tay vào làm quy hoạch cơ sở hạ tầng phải tính toán xem cơ sở hạ tầng đã khai thác hết chưa, khai thác có hiệu quả chưa, nếu chưa thì phải tiếp tục khai thác, tận dụng hết khả năng, công suất của kết cấu hạ tầng, sau đó mới tính đến đầu tư, mở rộng, nâng cấp cơ sở hạ tầng và khi đã quy hoạch thì phải tìm được nguồn lực thực hiện.
Quy hoạch không tính đến nguồn lực thực hiện liệu có phải là nguyên nhân dẫn đến quy hoạch treo?
Trong chuyên môn không có khái niệm “quy hoạch treo”. Quy hoạch treo là cách nói dân dã về khu vực nào đó đã quy hoạch, nhưng để năm nọ qua năm kia không triển khai đầu tư, xây dựng, khiến đất đai bị bỏ hoang...
Trên thực tế, có những quy hoạch được thực hiện ngay, nhưng không ít quy hoạch chưa thực hiện ngay, vì nguồn lực chưa có hoặc chưa cần thiết phải đầu tư, xây dựng, nhưng cơ quan quản lý nhà nước vẫn phải quy hoạch cho sự phát triển trong tương lai.
Trên thế giới, các nước cũng có quy hoạch dài hạn và công bố cho người dân biết khu vực nào đó đã được quy hoạch và tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp không được đầu tư, xây dựng công trình kiên cố.
Nhưng người dân vẫn thực sự bức xúc với quy hoạch treo, thưa ông?
Tôi xin nhấn mạnh lại rằng, không có quy hoạch treo. Tôi lấy ví dụ, theo tính toán, với sự phát triển của phương tiện giao thông, kinh tế - xã hội, cơ quan quản lý nhà nước tính toán cần phải xây thêm một cây cầu, mở rộng đường giao thông hay xây dựng thêm đường giao thông mới, nhưng hiện tại chưa có nguồn lực hoặc chưa cần thiết phải đầu tư, xây dựng, nếu đầu tư, xây dựng sẽ sử dụng kém hiệu quả, vì vậy phải dành quỹ đất để xây dựng con đường hay cây cầu, tức là phải quy hoạch.
Tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp không được đầu tư, xây dựng công trình kiên cố ở khu vực đã quy hoạch, nên bức xúc và cho rằng, quy hoạch treo, nhưng thực chất, đây không phải là quy hoạch treo.
Ông cho rằng, Luật Quy hoạch khi được thông qua là cơ sở pháp lý để tránh xung đột lợi ích giữa các bộ, ngành, địa phương. Vậy tránh xung đột bằng cách nào?
Ngành giao thông mở một con đường hay xây một cây cầu mới sẽ ảnh hưởng ngay tới ngành nông nghiệp vì bị mất đất, ảnh hưởng ngay tới ngành thủy lợi vì dòng chảy bị thay đổi, thậm chí ngay bản thân ngành giao thông cũng nảy sinh xung đột lợi ích vì khi thêm con đường mới, giao thông đường bộ thuận tiện hơn, thì giao thông đường thủy, đường sắt sẽ bị ảnh hưởng vì phải cạnh tranh mạnh hơn.
Tương tự, ngành điện xây dựng thêm nhà máy điện chắc chắn ảnh hưởng tới ngành thủy lợi và ngành nông nghiệp. Xung đột lợi ích giữa ngành điện với thủy lợi, nông nghiệp lớn tới mức Quốc hội khóa XIII đã phải thực hiện giám sát và ra Nghị quyết về Tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện.
Để xử lý xung đột đó, chúng ta sẽ thực hiện quy hoạch tổng thể quốc gia nhằm tích hợp các quy hoạch khác nhau, tránh tình trạng như hiện nay là khi xây dựng quy hoạch, ngành nào chỉ biết lợi ích của ngành đó, tỉnh nào làm quy hoạch cũng chỉ biết đến lợi ích của địa phương mình theo kiểu cát cứ, cục bộ. Quy hoạch, dù cấp nào làm cũng phải tuân theo nguyên tắc vì sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững, sử dụng có hiệu quả, bền vững mọi nguồn lực của đất nước và chống lợi ích cục bộ, chống quy hoạch cát cứ.