Đây là lần thứ 2 trong năm nay, người đứng đầu Chính phủ tham dự và trực tiếp chỉ đạo hội nghị của ngành tài chính. Điều này cho thấy, Thủ tướng đặc biệt quan tâm đến công tác chỉ đạo, điều hành của ngành tài chính, đặc biệt là trong vấn đề thu - chi ngân sách, điều hành giá.
| ||
Thủ trướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng |
Thứ tưởng Bộ Tài chính, ông Nguyễn Công nghiệp cho biết, so với số liệu đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, thu ngân sách năm 2013 vượt ít nhất 16 ngàn tỷ đồng, trong đó, thu từ cổ tức tại các doanh nghiệp có vốn góp nhà nước trên 20 ngàn tỷ đồng, thu tiền sử dụng đất 42,5 ngàn tỷ đồng (vượt 3,3 ngàn tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội).
Số tiền vượt thu, theo yêu cầu của Thủ tướng, Bộ Tài chính phải chắt chịu từng đồng để giảm bội chi, kiên quyết không sử dụng tiền vượt thu để chi tiêu thường xuyên, chi tiêu hành chính mà Bộ Tài chính vẫn phải cương quyết quan điểm đã được thực thi năm 2013 là chỉ chi thường xuyên, chi hành chính tối đa 70% định mức, số còn lại, đến quý 4 mới xem xét điều tiết sau.
“Năm 2013, các cơ quan sử dụng ngân sách đã cắt giảm chi tiêu thường xuyên, chi tiêu hành chính được 22.700 tỷ đồng (Trung ương tiết kiệm được 13.700 tỷ đồng, địa phương tiết kiệm được 9.000 tỷ đồng), nhưng chưa đồng chí nào kêu với tôi, do cắt giảm chi tiêu nên chất lượng công việc giảm, hiệu quả, năng suất lao động trong các cơ quan, đơn vị bị ảnh hưởng do phải thắt lưng buộc bụng, thắt chặt chi tiêu”, Thủ tướng nói.
Nhắc lại yêu cầu đã được Thủ tướng chỉ đạo ngành tài chính tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2013, Thủ tướng chỉ thị, ngoài bảo đảm chi lương và các khoản có tính chất lương, các bộ ngành, cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách phải tiết giảm tối đa chi phí hội nghị, tiếp khách, khánh thành, động thổ, kỷ niệm ngày thành lập, mua sắm, xăng xe, điện thoải… đặc biệt là phải cắt giảm việc đi công tác, học tập nước ngoài.
Theo Thủ tướng: “Trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, chúng ta vẫn cần phải đi công tác, học tập, nghiên cứu ở nước ngoài để nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, nghiên cứu thị trường, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường… nhưng chỉ đi công tác, học tập, nghiên cứu khi thực sự cần thiết và phải đem lại hiệu quả thiết thực”.
“Chúng ta vẫn còn nghèo, nhưng vẫn có không ít đoàn đi công tác nước ngoài tới 10-20 người, có đoàn đi công tác nước ngoài rất dài, không chỉ kém hiệu quả, mà còn gây lãng phí cho cho ngân sách, gây mất thiện cảm với nước bạn”, người đứng đầu Chính phủ nhắc nhở.
Trở lại với việc chi tiêu số tiền vượt thu, Thủ tướng cho rằng, nếu chỉ sử dụng một phần số tiền này (số còn lại được sử dụng để hoàn thuế giá trị gia tăng) thì bội chi năm 2013 sẽ giảm xuống còn 5,2-5,1%.
Bội chi ngân sách năm 2011 là 4,9% GDP; năm 2012 là 4,8% GDP; năm 2013 do điều kiện thu ngân sách khó khăn nên đã phải điều chỉnh từ 4,8% GDP lên 5,3% GDP. “Tỷ lệ bội chi giảm 0,1-0,2% GDP thực ra là không nhiều, nhưng đây là cơ sở, là điều kiện để chúng ta tiếp tục giảm bội chi năm 2014 xuống thấp hơn mức mà Quốc hội cho phép là 5,3% GDP”, Thủ tướng động viên.
Để giảm bội chi, theo Thủ tướng phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau như tăng thu, chống thất thu, chống gian lận thương mại, đẩy mạnh tiết kiệm trong chi tiêu... và phải cương quyết thực hiện giá thị trường đối với mặt hàng Nhà nước định giá trên nguyên tắc không bán dưới giá thành, không bù lỗ nhưng phải bảo đảm công khai, minh bạch và có sự kiểm soát của Nhà nước cũng như người tiêu dùng.
“Xăng dầu chúng ta đã theo cơ chế thị trường. Than bán cho điện, sản xuất giấy, xi măng, hóa chất cũng đang dần tiệm cận theo cơ chế thị trường. Giá điện cũng theo lộ trình tiến tới giá thị trường, Nhà nước chỉ thực hiện hỗ trợ giá điện trực tiếp bằng tiền cho người nghèo, đối tượng chính sách chứ dứt khoát không hỗ trợ qua EVN. Giá dịch vụ y tế, giáo dục cũng sẽ được điều hành theo hướng này trong lộ trình tiến tới giá thị trường”, người đứng đầu cơ quan hành pháp tuyên bố.
Việc “kiềm chế giá phi thị trường”, theo Thủ tướng không chỉ ảnh hưởng tới cân đối ngân sách, làm méo mó nền kinh tế do hạch toán không chính xác, mà còn giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính.
“Nếu tiếp tục được mua giá than rẻ, giá điện rẻ thì các doanh nghiệp không chịu đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại sử dụng ít năng lượng nên hiệu quả, năng suất lao động, sức cạnh tranh không được nâng lên - Thủ tướng nói - Chúng ta theo cơ chế thị trường định hướng XHCN là giá cả hàng hóa, dịch vụ phải vận hành theo thị trường. Nhà nước sử dụng các công cụ tài chính để hỗ trợ, trợ cấp, trợ trực tiếp cho đối tượng chính sách, người nghèo mà thôi”.
Ngoài thực hiện giá thị trường đối với các mặt hàng Nhà nước định giá, Thủ tướng cũng tuyên bố sẽ thu hẹp đối tượng cho vay ưu đãi lãi suất. “Ngân sách có hạn, không thể có tiền để cấp bù lãi suất cho vay ưu đãi. Hơn nữa, trong cơ chế thị trường, mọi ngành nghề đều phải bình đẳng, vì thế nếu cho vay ưu đãi đối với ngành sản xuất xi măng, sắt thép, lĩnh vực xuất khẩu là hết sức vô lý vì phi thị trường”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Mạnh Bôn