"Điệp khúc “được mùa mất giá”
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), diện tích gieo sạ của vụ Đông Xuân 2013 - 2014 tại ĐBSCL đạt trên 1,6 triệu ha, tăng hơn 3.000 ha; năng suất lúa bình quân 6,83 tấn/ha, sản lượng dự kiến gần 11 triệu tấn thóc, tăng trên 34.000 tấn. Đến ngày 10/3, diện tích lúa đã thu họach đạt khỏang 620.000ha (gần 40%), sản lượng gần 4 triệu tấn.
| ||
Đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo đến 10/3 đạt gần 1,9 triệu tấn |
Theo nhận định của các địa phương có diện tích trồng lúa lớn, như Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An thì đây là một vụ lúa rất trúng mùa, chất lượng lúa tốt nhất trong năm vì thu hoạch khi thời tiết khô ráo.
Tuy nhiên, điều đáng buồn là lúa trúng “bể bồ”, chất lượng tốt nhưng giá bán thì tụt giảm từng ngày. Nếu như đầu vụ lúa khô sạch bán được từ 5.000 đồng/kg trở lên thì nay chỉ còn dưới 5.000 đồng/kg. Với giá lúa như thế, người nông dân chỉ có “lấy công làm lời” .
Đại diện Bộ Công thương cho biết, xuất khẩu gạo đến ngày 10/3 đạt 753.000 tấn, trị giá FOB trên 322 triệu USD, giá xuất khẩu bình quân 428,72 USD/tấn.
Đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo đến 10/3 đạt gần 1,9 triệu tấn, trong đó có hơn 30% là hợp đồng tập trung. Hợp đồng đã ký nhưng chưa giao hàng chiếm hơn 1,1 triệu tấn. Tồn kho của doanh nghiệp chờ xuất hơn 500.000 tấn. Dự kiến xuất khẩu gạo trong tháng 3 này khoảng 500.000 đến 550.000 tấn. Xuất khẩu cả quý có khả năng đạt 1,2 triệu tấn.
Bộ Công thương cũng thông tin, theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, nhu cầu gạo thương mại toàn cầu năm 2014 dự báo là 40,4 triệu tấn, tăng 2,1 triệu tấn, nhưng sản lượng gạo toàn cầu ước đạt 471,5 triệu tấn, tăng 2 triệu tấn. Như thế, nhu cầu tiêu thụ gạo toàn cầu cơ bản không có biến động so với năm trước.
Trong khi đó, nội tại các quốc gia xuất khẩu gạo đang ngấm ngầm có sự cạnh tranh lẫn nhau mà đối thủ “đáng gờm” nhất của gạo Việt Nam là gạo Thái Lan, vì hiện nay lượng gạo tồn kho của quốc gia này đang ở mức cao nhất, gần 15 triệu tấn.
Đại diện Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) còn tỏ ra lo lắng hơn khi cho rằng, tồn kho gạo lớn của thế giới không chỉ có Thái Lan mà còn cả Ấn Độ, một số quốc gia xuất khẩu như Pakistan, Campuchia cũng đang tăng diện tích gieo trồng để tăng xuất khẩu. Trong khi đó, nhu cầu gạo thương mại của các nước nhập khẩu đến nay vẫn chưa rõ ràng, họ chỉ nhập cầm chừng để chờ giá giảm hơn nữa.
Nhiều ý kiến đề xuất tháo gỡ khó khăn.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã đề xuất một số giải pháp trước mắt và lâu dài.
Theo đó, trước mắt, cần thực hiện chính sách mua tạm trữ gạo ngay trong tháng 3 này. Khuyến khích nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã tự bảo quản tạm trữ, hoặc liên kết gởi lúa vào kho của doanh nghiệp chế biến xuất khẩu để chờ giá.
Về lâu dài, các địa phương cần rà soát lại quy hoạch sản xuất lúa, triển khai kế họach chuyển đổi mùa vụ khỏang 112 nghìn ha trồng lúa Hè Thu và Thu Đông sang trồng màu, đẩy mạnh chương trình đưa giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao thay thế giống lúa cũ, thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết với nông dân trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ.
Trong quí II/2014, Bộ NN&PTNT sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa; phê duyệt quy họach sản xuất lúa Thu Đông và quy họach chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa vùng ĐBSCL đến năm 2020 theo hướng giảm diện tích gieo trồng lúa từ 4,329 triệu ha xuống còn chẵn 4 triệu ha vào năm 2020.
Đại diện Bộ Công thương cũng đã báo cáo với Thủ tướng về nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian qua, như tăng cường quan hệ thương mại và ký thỏa thuận hợp tác thương mại gạo (MOU) với 7 nước, gồm Indonesia, Ghine, Haiiti, Bangladesh, Đông Timo, Comoros, Philippines, tổng số lượng gạo đã ký đạt 4,22 triệu tấn.
Bộ cũng đang tiếp tục đàm phán, ký kết với Malaysia và thúc đẩy thỏa thuận riêng về thương mại gạo với Trung Quốc. Hỗ trợ cho VFA một phần kinh phí xúc tiến thương mại, thu thập thông tin về thị trường. Đồng thời, Bộ Công thương cũng đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp điều tiết xuất khẩu vào thị trường tập trung, hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho lúa gạo Việt Nam.
Đại diện của các địa phương cũng kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước cần quan tâm hơn chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vì khâu thủ tục vay vốn ở một số nơi, một số ngân hàng còn rất nhiêu khê. Đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục đầy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật của vùng như: hệ thống Thủy lợi, giao thông, cảng biển …để vực dậy kinh tế cho cả vùng.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý chủ trương từ ngày 15/3 sẽ tổ chức thực hiện thu mua tạm trữ lúa gạo, nhằm giữ giá thị trường, tránh gây thiệt hại cho người nông dân.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ trong thực hiện chủ trương thu mua, tạm trữ lúa gạo.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cần duy trì, mở rộng các thị trường xuất khẩu gạo truyền thống đi liền với quan tâm thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu lúa gạo mới. Các doanh nghiệp không đủ điều kiện cần thiết thì kiên quyết không cho hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lúa gạo.
Ngân hàng Nhà nước hạ mặt bằng lãi suất cho vay trong các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có cho vay phát triển sản xuất nông nghiệp theo tinh thần kịp thời, đủ vốn, đúng đối tượng, đủ thời gian cho vay theo chu kỳ sản xuất; cố gắng tăng dư nợ tín dụng trong nông nghiệp; cơ cấu lại nợ cho nuôi trồng thủy sản, cá tra; triển khai gấp các chương trình thí điểm cho vay phát triển nông nghiệp theo đề xuất của NHNN.
Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ dành 8.000 tỷ đồng cho vay mua tạm trữ lúa gạo vụ Đông Xuân. Dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của khu vực đến 31/1/2014 đạt 126.658 tỷ đồng, giảm 1,8% so với cuối năm 2013, chiếm 18,83% tổng dư nợ vay nông nghiệp, nông thôn của cả nước. Trong đó, cho vay lĩnh vực lúa gạo đạt hơn 18.575 tỷ đồng, giảm 6,9% so với cuối năm 2013. |
Phú Khởi