Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham gia thảo luận tổ - (Ảnh Duy Linh). |
Cán bộ phải có cả đức và tài, nếu chỉ có đức thì “không thể lãnh đạo được", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham gia thảo luận tổ về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chiều 10/11.
Tại 19 tổ thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu cũng quan tâm đến vấn đề đánh giá cán bộ, trọng dụng nhân tài.
Thủ tướng mong muốn các ý kiến đóng góp sẽ được tiếp thu trong văn kiện trình Đại hội Đảng XIII tới đây.
Chấm dứt "đề bạt cán bộ tốn bằng này tiền"
Trong khoảng 20 phút phát biểu, người đứng đầu Chính phủ nhiều lần nhấn mạnh nhiệm vụ đổi mới, đặc biệt là trong chính sách thu hút người tài để những người tài, người giỏi, người đứng đầu bộ máy tốt phải được trọng dụng.
Ông khẳng định chủ trương chống tham nhũng ở cấp Trung ương là đúng, song cũng lưu ý hiện nay đã phân cấp cho địa phương vô cùng lớn về nguồn lực, tài lực, nhân lực.
“Vì thế, chính các tỉnh, thành phố phải trong sáng, chứ không phải ông đề bạt một cán bộ tốn bằng này tiền đâu, chấm dứt trò ấy đi”, Thủ tướng yêu cầu.
Đặt vấn đề cơ chế nào, cách làm nào chọn nhân tài, vị lãnh đạo cao nhất của Chính phủ cho rằng, trong thu hút nguồn lực thì nguồn lực con người rất quan trọng. Khâu đôn đốc, kiểm tra, sự nghiêm túc trong triển khai thực hiện cũng rất quan trọng.
“Thái độ thực hiện nghiêm túc thì đất nước mới phát triển được, người dân mới có niềm tin được”, Thủ tướng phát biểu.
Và ông cũng dẫn chứng ngay trong nhiệm kỳ này đã có việc “sai đến đâu sửa đến đó”, đây là việc làm rất nhân văn nhưng rất cương quyết để lấy lại niềm tin.
Theo Thủ tướng, các địa phương, bộ, ngành phải gương mẫu, các vấn đề mờ ám, tiêu cực, lợi ích nhóm trong chính sách và hành động cụ thể phải được xử lý nghiêm, ngăn chặn, không để tình trạng mù mờ, không rõ ràng, thiếu niềm tin.
“Chúng ta có mấy triệu Đảng viên, nếu tất cả làm gương thì chắc chắn sẽ thay đổi rất lớn, niềm tin rất cao”, Thủ tướng lưu ý cán bộ phải có cả đức và tài, nếu chỉ có đức thì “không thể lãnh đạo được”.
Người tài, người giỏi phải được trọng dụng
Theo Thủ tướng thì với một đất nước 100 triệu dân, việc quản trị không hề dễ nên hệ thống thể chế, bộ máy là rất quan trọng. Đặc biệt, phải có cơ chế giám sát, đánh giá cán bộ sao cho xứng đáng với niềm tin của nhân dân.
Nhấn mạnh vai trò của Quốc hội - là cơ quan dân cử, Thủ tướng phân tích: người làm chính quyền không thể không thông qua cơ quan giám sát. “Một mình một ngựa không ổn đâu, đó là lý do vì sao phải báo cáo định kỳ và lấy phiếu tín nhiệm trước Quốc hội”, ông phát biểu.
Nêu lại vai trò của thể chế, người đứng đầu Chính phủ lưu ý “thể chế tiến bộ sẽ mở cửa cho đất nước phát triển”. Ông nhận định mục tiêu đến năm 2045 Việt Nam là nước phát triển, có thu nhập cao không phải mục tiêu đơn giản nếu không có ý chí, quyết tâm.
Về mục tiêu phát triển gia đoạn tới, theo Thủ tướng là cao, song ông cho rằng nếu không làm kinh tế thì đất nước sẽ nghèo. Vì thế phải giàu lên, mạnh lên, có quy mô lớn hơn.
Thành phần trung lưu của Việt Nam hiện bằng cả Hồng Kông và Đài Loan cộng lại. Dự kiến đến 2045, Việt Nam có 50% là thành phần trung lưu, tức có khoảng 50 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu. “Vì thế, những gì tháo gỡ được để dân tộc tiến bước mạnh mẽ hơn thì phải đặt ra trong văn kiện này để mọi người đóng góp. Người tài, người giỏi, người tâm huyết phải được trọng dụng”, Thủ tướng nói.
Nhận định con đường phía trước khó khăn rất lớn và chúng ta luôn “lo ngay ngáy”, Thủ tướng nhấn mạnh phải chèo lái con thuyền trong quan hệ hợp tác quốc tế, sớm giải quyết các khó khăn. Đặc biệt, dân tộc thịnh vượng, giàu có thì tất cả người dân phải được hưởng thụ.
100 triệu dân phải cùng một ý chí. “Nhân chi sơ tính bản thiện chứ không phải nhân chi sơ tính cục bộ đâu”, Thủ tướng phát biểu.