|
Phối cảnh Cảng hàng không quốc tế Long Thành |
Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII, tại phiên chất vấn Thủ tướng, đại biểu Đỗ Văn Đương đặt câu hỏi, "Vì sao có sân golf trong Sân bay Tân Sơn Nhất và vì sao Sân bay Biên Hòa, Cần Thơ và một số sân bay khác còn hoạt động cầm chừng, chưa hiệu quả lại đầu tư Sân bay Long Thành?".
Trong văn bản trả lời đăng tải ngày 13/1, Thủ tướng cho biết, theo đề nghị của các Bộ Quốc phòng, Xây dựng, Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh về việc sử dụng có hiệu quả đất thuộc khu vực tĩnh không của Sân bay Tân Sơn Nhất và Sân bay Gia Lâm để xây dựng sân golf và một số công trình thể thao phù hợp (như nhiều nước đã làm), Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý và giao Bộ Quốc phòng lập quy hoạch các sân golf nói trên, quyết định cụ thể việc đầu tư xây dựng các công trình phụ trợ của từng dự án, bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động bình thường của sân bay và phù hợp với Quy hoạch chung của hai Thành phố.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, công tác này phải được thực hiện đúng quy định về đầu tư xây dựng và thuê đất, trường hợp Nhà nước cần thu hồi đất thì phải trả lại và không được bồi thường.
Thủ tướng cũng khẳng định, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là trung tâm kinh tế và có nhu cầu vận tải hàng không lớn nhất của cả nước, đòi hỏi phải có cảng hàng không quốc tế quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu trung chuyển quốc tế và nội địa.
Trong khi đó, sân bay Tân Sơn Nhất có công suất tối đa khoảng 25 triệu hành khách/năm, nằm trong trung tâm thành phố, mật độ dân số cao, quỹ đất dành cho phát triển mở rộng sân bay không còn, không có hệ thống giao thông tiếp cận tương ứng, không thể xây dựng thêm đường cất hạ cánh theo giãn cách tối thiểu ICAO quy định (1.340 m). Do đó, việc mở rộng để nâng công suất lên 30-40 triệu hành khách/năm rất tốn kém và không khả thi.
Mặt khác, Thủ tướng cũng lưu ý, vị trí rất gần với Sân bay quân sự Biên Hòa nên việc sử dụng đồng thời 2 sân bay sẽ bị hạn chế bởi năng lực của vùng trời, đặc biệt là khi tần suất khai thác ngày càng tăng cao.
Theo khẳng định của người đứng đầu Chính phủ, Cảng hàng không quốc tế Long Thành có đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu giao thông qua cửa ngõ thành phố Hồ Chí Minh ngày càng tăng bổ sung cho Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất khi quá tải.
Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã có trong Quy hoạch phát triển hệ thống cảng hàng không cả nước. Hiện nay, các cơ quan chức năng đang triển khai các thủ tục lập Báo cáo đầu tư để trình Hội đồng thẩm định Nhà nước trước khi Chính phủ báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Sau khi được Quốc hội thông qua thì mới triển khai các thủ tục kêu gọi vốn đầu tư để thực hiện.
Theo quy hoạch phát triển giao thông hàng không được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Cảng hàng không quốc tế Long Thành đến năm 2020 sẽ là một trong 10 Cảng hàng không quốc tế của mạng cảng hàng không – sân bay toàn quốc.
Định hướng đến năm 2030 Cảng hàng không quốc tế Long Thành được tiếp tục đầu tư mở rộng các giai đoạn tiếp theo để đảm bảo vai trò thay thế Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, trở thành Cảng hàng không quốc tế quan trọng nhất của khu vực phía Nam và là cảng hàng không quốc tế lớn nhất toàn quốc, là trung tâm trung chuyển hành khách của khu vực theo tiêu chuẩn quốc tế, với công suất 80-100 triệu khách/năm.
Dự kiến, Cảng hàng không quốc tế Long Thành được xây dựng trên khu đất có diện tích 5.000 ha với tổng vốn đầu tư 13 tỷ USD. Cho đến nay, việc nên hay không xây dựng thêm sân bay Long Thành đang là một đề tài gây nhiều tranh cãi. Các ý kiến trái chiều chủ yếu do lo ngại số tiền đầu tư quá lớn và gây lãng phí, tạo áp lực lên nợ công quốc gia.
Bích Diệp (Dân trí)