Nhân dịp tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Hiroshima, Nhật Bản, ngày 20/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có các cuộc gặp với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, hội kiến Tổng thống Liên bang Comoros Azali Assoumani và tiếp Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva, Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) Mathias Cormann.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
* Tại cuộc gặp với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, hai bên nhất trí duy trì trao đổi đoàn ở các cấp, nhất là cấp cao. Thủ tướng cho rằng quan hệ hai nước vừa qua phát triển tích cực, với trọng tâm là hợp tác kinh tế-thương mại. Tổng thống Joe Biden đánh giá cao kết quả điện đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Joe Biden đã trao đổi một số biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương và những vấn đề quốc tế và khu vực hai bên cùng quan tâm.
Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã gặp Ngoại trưởng Hoa Kỳ Anthony Blinken. Hai bên đã trao đổi các biện pháp để thúc đẩy triển khai các thoả thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước.
* Tại cuộc gặp với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, hai bên bày tỏ hài lòng với những bước tiến tích cực trong quan hệ Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) theo hướng ngày càng sâu rộng, thực chất. Khẳng định EU là đối tác quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên thúc đẩy trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao; duy trì và phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác, đối thoại trong khuôn khổ Hiệp định khung đối tác và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam - EU. Thủ tướng đề nghị Chủ tịch Hội đồng châu Âu thúc đẩy Nghị viện các nước thành viên sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư EVIPA, tạo bước đột phá trong hợp tác đầu tư giữa hai bên; đề nghị Hội đồng châu Âu có tiếng nói để Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đồng thời tiếp tục hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi mô hình phát triển nghề cá hiện đại và bền vững. Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn EU và các nước thành viên tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thu hút nguồn lực triển khai Tuyên bố về Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), trong đó ưu tiên lĩnh vực tài chính, công nghệ, nâng cao năng lực trong quá trình chuyển đổi xanh, phát triển năng lượng tái tạo và các ngành công nghiệp phụ trợ.
Chia sẻ với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển mạnh mẽ và sâu rộng của quan hệ Việt Nam - EU trên nhiều lĩnh vực, nhất là trao đổi, tiếp xúc cấp cao và các cấp, hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư. Chủ tịch Hội đồng châu Âu đánh giá cao nỗ lực phòng chống tham nhũng của Việt Nam. Về vấn đề “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng châu Âu ghi nhận bước tiến mà hai bên đã đạt được trong xử lý vấn đề này. Chủ tịch Charles Michel cũng khẳng định EU ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam trong chuyển đổi xanh và triển khai JETP. Chủ tịch Charles Micheal mong muốn Việt Nam tiếp tục ủng hộ EU tăng cường quan hệ với ASEAN.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Canada Justin Trudeau - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
* Tại cuộc gặp với Thủ tướng Canada Justin Trudeau, hai Thủ tướng bày tỏ ấn tượng trước tiến triển tốt đẹp trong quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam – Canada, trong đó hợp tác thương mại là điểm sáng với kim ngạch song phương đạt trên 7 tỷ USD trong năm 2022. Trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023), hai bên thống nhất thúc đẩy hợp tác nhiều mặt, trong đó ưu tiên tăng cường tiếp xúc, đối thoại, trao đổi đoàn các cấp. Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực thương mại - đầu tư, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương sớm đạt 10 tỷ USD; tăng cường hỗ trợ phát triển, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, giao lưu nhân dân; đề nghị Canada hợp tác trong các lĩnh vực mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo; hai bên cũng có thể ký kết các thỏa thuận để thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh và nhu cầu. Thủ tướng đề nghị Canada tiếp tục tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu nhiều hơn nữa sang thị trường Canada. Thủ tướng mong rằng Chính phủ Canada sẽ tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi và nâng cao địa vị pháp lý cho người dân Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại Canada.
Thủ tướng Justin Trudeau khẳng định coi trọng quan hệ với Việt Nam, đánh giá cao vai trò và vị thế ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế, điều này thể hiện rõ qua việc Nhật Bản và các nước G7 khác mời Việt Nam tham dự Hội nghị G7 mở rộng; nhấn mạnh Canada ủng hộ con đường phát triển của Việt Nam. Hai Thủ tướng cho rằng, càng khó khăn, khủng hoảng, kinh tế thế giới chậm phục hồi, các nước, trong đó có Canada và Việt Nam càng cần kết nối, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau. Thủ tướng Trudeau cũng đánh giá cao sự đóng góp của cộng đồng người Việt tại Canada vào sự phát triển của Canada. Thủ tướng Trudeau đồng thuận cao với các đề nghị của Thủ tướng ta về các biện pháp thúc đẩy quan hệ, trong đó duy trì thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại với Việt Nam trong khuôn khổ Hiệp định CPTPP và các khuôn khổ khác. Thủ tướng Trudeau cũng đề nghị Việt Nam ủng hộ Canada tăng cường hợp tác với ASEAN và khu vực. Thủ tướng Trudeau đánh giá cao sự tham gia của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc và hai Thủ tướng nhấn mạnh, hai bên có thể trao đổi về những vấn đề còn khác biệt bằng đối thoại thẳng thắn, chân thành. Thủ tướng Trudeau nhấn mạnh Canada luôn đề cao luật pháp quốc tế, trật tự dựa trên luật lệ và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực. Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng mời Thủ tướng Trudeau sớm thăm lại Việt Nam. Thủ tướng Canada cảm ơn Thủ tướng Việt Nam và tỏ mong muốn được sớm thăm lại Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
* Tại cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, hai nhà lãnh đạo khẳng định coi trọng mối quan hệ hữu nghị truyền thống, gắn bó lâu đời giữa hai nước; trao đổi các biện pháp nhằm hiện thực hóa tầm nhìn về phát triển quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của trao đổi, tiếp xúc cấp cao và hợp tác thực chất, hiệu quả trên các lĩnh vực.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng các thành tựu của Ấn Độ dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Modi, đặc biệt là kinh tế tăng trưởng ấn tượng, khoa học công nghệ ngày càng vươn lên trình độ cao; vai trò và vị thế của Ấn Độ ngày càng được coi trọng tại khu vực và trên thế giới. Khẳng định Việt Nam - Ấn Độ chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược tương đồng, Thủ tướng Chính phủ đề nghị hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác nhiều mặt, trong đó ưu tiên thúc đẩy quan hệ chính trị, ngoại giao, hợp tác trong các lĩnh vực hai bên có nhu cầu như thương mại - đầu tư, dịch vụ, tài chính - ngân hàng, du lịch, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tăng cường phối hợp ứng phó với các thách thức chung trong bối cảnh thế giới có nhiều khủng hoảng, bất trắc.
Thủ tướng Modi bày tỏ vui mừng gặp lại Thủ tướng Phạm Minh Chính, khẳng định Việt Nam là một trong những đối tác chiến lược quan trọng hàng đầu trong Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ; cảm ơn Việt Nam đã tham dự Diễn đàn phương Nam để cùng tăng cường vai trò, tiếng nói của các nước đang phát triển; cho rằng quan hệ thương mại song phương thời gian qua phát triển rất tích cực với kim ngạch đạt gần 15 tỉ USD trong năm 2022 Về phương hướng thời gian tới, Thủ tướng Ấn Độ cho rằng hợp tác kinh tế-thương mại tiếp tục là một trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương. Hai nhà lãnh đạo cũng trao đổi một số biện pháp, định hướng cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mỗi nước tiếp cận thị trường và đầu tư kinh doanh, khai thác tiềm năng và quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước.
Hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy, phát huy các cơ chế tham vấn, đối thoại, mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực hai bên có lợi thế bổ sung cho nhau, phối hợp chặt chẽ, chia sẻ lập trường quan điểm trong các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm và tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, nhất là tại Liên hợp quốc cũng như tại các cơ chế do ASEAN dẫn dắt và trong khuôn khổ hợp tác Mekong - Sông Hằng. Đồng thời, hai Thủ tướng khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, nêu cao luật pháp quốc tế, đồng thời kêu gọi các bên thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất và hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982; tạo điều kiện để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình.
Thủ tướng Modi trân trọng mời Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Ấn Độ vào thời gian thuận tiện trong năm nay và Thủ tướng đã vui vẻ nhận lời.
* Tại cuộc hội kiến với Tổng thống Liên bang Comoros Azali Assoumani, hai nhà lãnh đạo đánh giá hai nước có quan hệ hữu nghị truyền thống song mức độ hợp tác còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng hai nước. Hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa trao đổi đoàn các cấp, đẩy mạnh trao đổi thông tin về kinh tế, thương mại, đầu tư, cơ hội, thế mạnh của mỗi bên. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chuyển lời thăm hỏi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến Tổng thống Assoumani; chúc mừng Comoros được bầu làm Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Phi (AU) năm 2023; khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ với các nước bạn bè châu Phi, trong đó có Comoros. Về hợp tác song phương, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Comoros tạo điều kiện cho một số mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như gạo, thực phẩm, hàng tiêu dùng, dệt may, da giày, máy móc... tiếp cận thị trường Comoros; đề xuất hai bên tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có các dự án hợp tác phát triển nông nghiệp ba bên, trong đó có cơ chế với tổ chức nông lương thế giới (FAO) và Ngân hàng phát triển châu Phi tại Comoros. Thủ tướng cũng đề nghị hai nước tăng cường trao đổi, phối hợp tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương; đồng thời khẳng định Việt Nam mong muốn hợp tác, hỗ trợ AU hiện thực hóa tầm nhìn về một châu Phi hội nhập, thịnh vượng và hòa bình, vì người dân; Việt Nam sẵn sàng là cầu nối thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và AU.
Tổng thống Azali Assoumani cảm ơn lời chúc, lời thăm hỏi của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Lãnh đạo cấp cao của Việt Nam; khẳng định nhân dân Comoros luôn dành tình cảm tốt đẹp cho Việt Nam; nhấn mạnh mong muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với Việt Nam cả trên khía cạnh song phương cũng như trên cương vị Chủ tịch AU. Tổng thống Assoumani đồng thuận cao với các đề xuất của Thủ tướng Phạm Minh Chính và đề nghị Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm cho Comoros trong bảo đảm an ninh lương thực, năng lượng, y tế… nhằm hỗ trợ Comoros thực hiện kế hoạch và tầm nhìn trở thành một nền kinh tế mới nổi vào năm 2030. Tổng thống Azali Assoumani nhất trí việc hai bên sớm đàm phán, ký kết một số văn bản quan trọng như Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao và công vụ… để tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho hợp tác song phương. Về hợp tác đa phương, Comoros sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam, ủng hộ chủ nghĩa đa phương, vai trò của luật pháp quốc tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
* Tại cuộc gặp với Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ cảm ơn sự hỗ trợ và tư vấn của IMF đối với việc điều hành chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ, góp phần xây dựng các khuôn khổ chính sách phù hợp với xu thế, tiếp cận các quỹ đầu tư; mong muốn hai bên có giai đoạn hợp tác mới hiệu quả hơn trước những thay đổi nhanh chóng của thế giới. Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị IMF tiếp tục tư vấn chính sách cho Chính phủ Việt Nam về điều hành kinh tế, hoàn thiện các công cụ tài khóa, tiền tệ, tái cơ cấu tài chính – ngân hàng. Thủ tướng chia sẻ sự thành công của Việt Nam, thị trường tài chính ổn định, thương hiệu quốc gia được nâng lên, giá trị Thương hiệu Quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong 3 năm qua, năm 2022 đạt 431 tỷ USD, Việt Nam tăng 12 bậc trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2023. Sự phát triển kinh tế của Việt Nam có yếu tố nội lực và ngoại lực. Tại cuộc gặp, Thủ tướng đã trao đổi thẳng thắn, đi thẳng vào các vấn đề hai bên quan tâm, gợi mở những vấn đề mới trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn.
Tổng Giám đốc IMF bày tỏ vui mừng trước những kết quả tích cực của kinh tế Việt Nam, đánh giá Việt Nam là ngôi sao sáng trên bầu trời kinh tế thế giới, kinh tế duy trì ổn định, tốc độ tăng trưởng khả quan, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động mạnh, nhiều rủi ro, chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. Bà Kristalina Georgieva đánh giá cao chính sách điều hành kinh tế - xã hội của Việt Nam, sớm kiểm soát dịch bệnh Covid-19, chuyển nhanh sang mở cửa nền kinh tế; cho rằng việc thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ rất phù hợp, giúp Việt Nam duy trì đà tăng trưởng trong bối cảnh khó khăn vừa qua. Tổng Giám đốc IMF cho biết dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng gấp 2 lần mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu và IMF mong muốn sẽ tư vấn lãi suất, chính sách tiền tệ, nâng cao năng lực tự chủ của kinh tế Việt Nam ứng phó với khủng hoảng. Bà Kristalina Georgieva khẳng định IMF và cá nhân bà ủng hộ mạnh mẽ và sẽ đồng hành cùng Việt Nam trong tiến trình phát triển của Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) Mathias Cormann - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
* Tại cuộc tiếp ông Mathias Cormann, Tổng Thư ký OECD, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và OECD, cảm ơn hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn chính sách của OECD cho Việt Nam. Thủ tướng đề nghị hai bên tiếp tục thúc đẩy hợp tác, trước mắt chuẩn bị tốt cho Hội nghị Bộ trưởng Chương trình Đông Nam Á năm 2023; đề nghị OECD tạo điều kiện cho nhiều cán bộ điều phối Việt Nam làm việc tại Ban Thư ký. Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam là nước đang phát triển, là nền kinh tế đang chuyển đổi, độ mở kinh tế lớn, khả năng chống chịu với các cú sốc bên ngoài còn hạn chế, mong OECD hỗ trợ chia sẻ nghiên cứu, cách tiếp cận trong những vấn đề mới, nhất là thuế tối thiểu toàn cầu, an ninh năng lượng, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn…
Tổng Thư ký OECD chúc mừng thành quả cải cách và chuyển đổi kinh tế của Việt Nam, cảm ơn những đóng góp tích cực và vai trò chủ chốt của Việt Nam trong Chương trình Đông Nam Á trên cương vị đồng Chủ tịch Chương trình, đặc biệt là tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Chương trình Đông Nam Á tháng 10/2022 tại Hà Nội. Tổng thư ký bày tỏ ấn tượng trước vai trò quốc tế của Việt Nam với việc Việt Nam được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng cũng như tham dự Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng OECD tháng 6/2023 sắp tới. Tổng Thư ký cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy trao đổi, hợp tác với Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam phục hồi, phát triển kinh tế, đặc biệt trong các lĩnh vực Việt Nam quan tâm gồm xây dựng chính sách đầu tư thích ứng với thuế tối thiểu toàn cầu, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn… Tổng Thư ký mong Việt Nam tham gia sáng kiến Diễn đàn các phương pháp giảm các-bon (IFCMA) để đóng góp xây dựng cách tiếp cận chuẩn, tổng thể về việc giảm thiểu các-bon ở cấp độ toàn cầu.