ĐBSCL là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất Việt Nam, đóng góp hơn 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng nuôi trồng thuỷ sản , 60% sản lượng cá xuất khẩu, 70% lượng trái cây của cả nước.
Còn theo Ngân hàng Thế giới, ĐBSCL là vựa lúa chiếm khoảng 20% lượng gạo thương mại toàn cầu và chính Đồng bằng này đã góp phần đảm bảo lương thực châu Á, châu Phi và châu Mỹ La Tinh.
Thứ Bảy tuần trước (ngày 06/03), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì “Đối thoại 2045”, nhằm tìm kiếm giải pháp và chính sách đột phá, hiện thực hóa khát vọng Việt Nam phát triển cường thịnh vào năm 2045.
Và tại Hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu được tổ chức hôm nay, tại Cần Thơ, Thủ tướng đề nghị “cần có ít nhất có một cuộc đối thoại 2045 ở vùng đất chín Rồng”, tìm kiếm những giải pháp đột phá hơn nữa, đưa khu vực này phát triển, không chỉ sánh vai với các vùng khác của cả nước mà còn đóng góp quan trọng trên con đường phát triển thịnh vượng.
Thủ tướng từng đưa đưa ra 3 vấn đề để giữ được ĐBSCL cần giữ người, giữ đất và giữ nước.
Con người cần được xem là nguồn lực quan trọng, thậm chí là quyết định trong chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tài lực và vật lực là quan trọng nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, quyết định nhất vẫn “là nhân lực, là con người, là chất xám, là trí tuệ và cảm xúc, lòng dũng cảm”.
Vì vậy, trong thời gian tới, Thủ tướng giao Đại học Cần Thơ tổ chức một Diễn đàn trong khuôn khổ sáng kiến đối thoại 2045, nhằm gặp gỡ đội ngũ trí thức, nhà khoa học, các doanh nghiệp, doanh nhân,…những người có quá trình gắn bó và đã, đang đầu tư ở vùng đất chín Rồng để tìm ra giải pháp cho người dân đồng bằng phát triển nhanh, bền vững hơn nữa.
Chữ “G” đầu tiên là “Giao”.
Đó là phải dành nguồn lực và tập trung ưu tiên phát triển hệ thống giao thông thủy lợi và cơ sở hạ tầng gắn với tầm nhìn chung của toàn vùng ĐBSCL.
Nhất là hệ thống đường cao tốc, tạo sự liên kết, kết nối thuận tiện, chi phí thấp, thúc đẩy giao thương, mở mang kinh tế cho người dân, làm cơ sở ứng phó hiệu quả với thách thức của biến đổi khí hậu.
“Chúng ta đưa ra Nghị quyết 120 với tinh thần là “thuận thiên”, là thích ứng nhưng không phải chúng ta giao cho trời đất, tác động thế nào cũng được mà cái chính là những công trình giao thông, thủy lợi cần phải được quan tâm. Những nơi sạt lở, gây mất mát cho đồng bào chúng ta thì cần phải được quan tâm”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ nêu ví dụ, những công trình như Cái Lớn, Cái Bé, Trà Sư,…những sân bay, bến cảng, những việc tạo thuận lợi cho người dân,…đều cần phải được nghiên cứu, đầu tư phát triển, cho thuận thiện ở Đồng bằng này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận tại Hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu được tổ chức hôm nay, tại Cần Thơ (Nguồn: VGP). |
Chữ G thứ hai là Giáo.
Đó là giáo dục và phát triển nguồn nhân lực. Có thể nói, giáo dục là "chìa khóa vàng" của phát triển bền vững.
Đối với ĐBSCL, giáo dục vừa là đáp án cho bài toán phát triển ngắn hạn lẫn dài hạn. Hệ thống giáo dục của ĐBSCL cần chú trọng nội hàm của mô thức “giáo dục, giáo dục và giáo dục”.
Cụ thể là giáo dục cơ bản, đảm bảo tất cả mọi người, đặc biệt là trẻ em, cần phải được học hết bậc phổ thông, không được phép để trẻ em nào không được đến trường vì không có điều kiện tài chính.
ĐBSCL được đánh giá là "vùng trũng" của giáo dục nên giáo dục sẽ là nhân tố rất quan trọng để đưa Đồng bằng tiến bước, sánh vai cùng các vùng khác.
Giáo dục thứ hai là giáo dục nghề, đảm bảo cho người dân có cơ hội tiếp cận việc làm cơ bản.
Giáo dự thứ ba là giáo dục trình độ cao, là cơ sở để chuyển đổi lên bậc nấc cao hơn về năng suất và thu nhập, bắt kịp nhóm thu nhập cao của cả nước.
Vấn đề giáo dục đào tạo chưa được nổi bật và sắc nét trong Nghị quyết 120, Thủ tướng đề nghị bổ sung một số nội dung trọng tâm về vấn đề này vào Nghị quyết.
Chữ G thứ 3 là “Giang” (sông).
ĐBSCL là vùng sông nước. Kinh tế và sinh kế của người dân nơi đây gắn liền với các con sông như Tiền Giang, Hậu Giang và nhiều con sông khác.
Chiến lược phát triển cần tận dụng được lợi thế, phát huy vai trò của các con sông để phát triển kinh tế nông nghiệp, lúa gạo, trái cây, thủy sản, giao thông và đặc biệt là hệ thống logistics đường sông thì mới thành công.
Không có dòng sông, con rạch thì không phải là văn hóa của miền Tây.
Cho nên, “Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ”, nghĩa là vai trò của các con sông là yếu tố không thể không nói tới khi nhắc về ĐBSCL.
Nhưng vấn đề này vẫn còn mờ nhạt trong Nghị quyết 120 nên Thủ tướng đề nghị nghiên cứu khái niệm “kinh tế sông”.
“Tôi muốn nhắc anh Nguyễn Văn Thể Bộ trưởng Bộ GTVT, giao thông thuỷ nội địa ĐBSCL là vấn đề lớn cần phải nghiên cứu hơn để phát triển”, Thủ tướng đề nghị.Hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt cùng hệ sinh thái đặc thù của ĐBSCL được đánh giá là tài nguyên có tính chiến lược, là lợi thế tự nhiên khác biệt của vùng so với nhiều vùng Đồng bằng khác trong khu vực và trên thế giới.
Cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, vùng Đồng bằng của Hà Lan nhưng “mình có lợi thế hơn là hệ thống sông ngòi”.
Bà Sáu, 60 tuổi sống tại huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre đi chở nước về sinh hoạt (Ảnh chụp tháng 03/2020: Lê Toàn). |
Chữ G thứ tư là “Gắn”.
Tức là gắn kết giữa Trung ương với địa phương, Nhà nước với thị trường, người dân và doanh nghiệp, giữa trong nước và các tổ chức, nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là gắn liên kết vùng ĐBSCL để cùng phát triển bền vững.
Một lần nữa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến câu: Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau để minh hoạ cho chữ G thứ tư này và khẳng định, không có vùng nào có gắn kết như ĐBSCL, chứ không phải mạnh ai nấy làm.
Chữ G thứ 5 là “Giàu”.
Đó là tích cực thu hút được những người giàu, người khá giả, doanh nghiệp có tiềm lực đến đầu tư phát triển kinh tế địa phương.
Để có nguồn lực phát triển cần phải xây tổ đón ‘đại bàng”. Muốn vậy cần phải cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và mỗi địa phương.
Thủ tướng lấy ví dụ về những doanh nghiệp quy mô lớn thuộc vùng ĐBSCL như doanh nghiệp lớn nhất thế giới về sản xuất tôm với doanh số 1 tỷ USD là Minh Phú hay Phú Quốc giờ đây đã khu du lịch nổi tiếng khu vực và thế giới.
Tức là tích cực thu hút những tài năng đóng góp chất xám, trí tuệ cho sự phát triển ĐBSCL.
Do đó, cần có chính sách chung thu hút giới tài năng trở về hoặc đến đóng góp vì sự phát triển của vùng đất Chín Rồng.
“Nhà bác học nổi tiếng Lương Định Của là người quê Sóc Trăng, nguyên Phó thủ tướng Đức gốc Việt Philipp Roesler cũng là người Sóc Trăng. Việc thu hút người giỏi, tài giỏi vẫn chưa được đề cập trong Nghị quyết 120, đây là một thiếu sót”, Thủ tướng đề nghị phải phát huy vai trò, thu hút tốt hơn nữa những tài năng đến với ĐBSCL.
Chữ G thứ 7 là “Già”.
Tức là già hoá dân số và an sinh xã hội. ĐBSCL có mức độ dân số già hóa cao hơn bình quân cả nước.
Đây là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương về mặt kinh tế, xã hội lẫn môi trường. Do đó, ĐBSCL cần có chính sách chủ động cho vấn đề dân số già hóa và hình thành mạng lưới an sinh xã hội tốt hơn để nâng đỡ phúc lợi cho người già và những người yếu thế.
“Tivi chiếu một hình ảnh những cụ già sống một mình với một vài cháu nhỏ trong một ngôi nhà rất khó khăn vẫn còn ở một số địa phương tại ĐBSCL.
Đó là một cảnh đau lòng. Sau 3 năm triển khai Nghị quyết 120, chúng ta thấy vấn đề già hóa dân số đang nổi lên nhưng nội hàm này vẫn còn thiếu trong Nghị quyết, cần được bổ sung, hoàn thiện”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ.
Chữ G thứ 8 là “Giới”.
Tức là thúc đẩy bình đẳng giới, tiếp cận cơ hội việc làm và phát huy vai trò, vị trí của người phụ nữ.
Sự phát triển của khoa học, công nghệ, ở một phương diện nào đó như tự động hoá đang đe doạ trực tiếp đến cơ hội việc làm cho phụ nữ.
Do đó, Thủ tướng cũng đề nghị cần có chiến lược đảm bảo cơ hội cho lao động nữ được giáo dục và tiếp cận việc làm, nhất là các ngành nghề theo xu hướng cách mạng 4.0.
Cho nên, cùng với già hoá dân số, vấn đề bình đẳng giới, thúc đẩy vai trò của người phụ nữ trong kinh tế và chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu vô cùng quan trọng, song chưa được đề cập trong Nghị quyết 120.
Vì vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ TT&MT, Bộ KH&ĐT nghiên cứu bổ sung thêm nội hàm nói trên vào Nghị quyết.