Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có buổi làm việc với Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam để bàn về cơ chế hợp tác nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản Việt ở các kênh phân phối hiện đại. Thứ trưởng có thể chia sẻ thông tin cụ thể về cơ chế hợp tác này?
Để thúc đẩy tiêu thụ nông sản ở thị trường nội địa, đưa nông sản vào các kênh phân phối hiện đại, hai bên sẽ xây dựng cơ chế phối hợp theo quan điểm chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.
Tại buổi làm việc mới đây, các tập đoàn, doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam đều đồng tình với quan điểm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cần tạo ra cơ chế phối hợp. Cơ chế phối hợp này không chỉ phát huy vai trò trong thời điểm dịch bệnh, mà còn đảm bảo sự phát triển lâu dài, để nông sản Việt được tiêu thụ ngày càng nhiều trong siêu thị và các kênh phân phối hiện đại, giúp nông dân hướng đến cách làm chuyên nghiệp, bài bản hơn.
Không riêng vải thiều, cơ chế hợp tác còn hướng đến tiêu thụ nhiều loại nông sản đang sắp vào vụ, tạo sự kết nối giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương để doanh nghiệp được tạo điều kiện trong giao thương. Hiệp hội yêu cầu gì, các doanh nghiệp, tập đoàn bán lẻ yêu cầu gì, chúng tôi sẵn sàng cung cấp, quan trọng là tạo cơ chế lưu thông tốt.
Khi thực hiện cơ chế hợp tác trên, các doanh nghiệp bán lẻ rất quan tâm vấn đề xây dựng vùng nguyên liệu đủ lớn, cung cấp sản lượng đồng đều, giá cả ổn định. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có định hướng phát triển vùng nguyên liệu thế nào để đáp ứng những yêu cầu này?
Có thể nói, xây dựng vùng nguyên liệu là vấn đề then chốt, quyết định đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có buổi làm việc với Cục Bảo vệ thực vật và yêu cầu không chỉ quan tâm cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu, mà còn cấp mã số vùng trồng cho tiêu thụ nội địa.
Đã đến lúc, vùng nguyên liệu, kể cả phục vụ thị trường trong nước, cũng phải có mã số vùng trồng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đưa vào tiêu chí xây dựng nông thôn mới để khuyến khích các địa phương xây dựng mã số vùng trồng cho các vùng nguyên liệu.
Dựa trên tình hình thực tế, Bộ đang thí điểm xây dựng 5 vùng nguyên liệu lớn cho doanh nghiệp ở các vùng sinh thái với diện tích khoảng 26.000 ha. Cụ thể, Bộ xây dựng vùng nguyên liệu dứa (khóm), chanh leo ở Sơn La cùng với kế hoạch xây dựng kho lạnh. Công ty Đồng Giao (Doveco) sẽ bao tiêu sản phẩm của vùng nguyên liệu này.
Ngoài ra, Bộ cũng đang xây dựng vùng nguyên liệu rừng trồng chứng chỉ FSC tại Thừa Thiên Huế, Quảng Trị; vùng trồng cà phê xuất khẩu ở Đắk Lắk, Gia Lai; vùng trồng cây ăn quả (chuối, xoài, sầu riêng) ở Long An, Tiền Giang; vùng lúa chất lượng cao ở Kiên Giang, An Giang. Mục tiêu của Bộ là cung cấp số lượng nông sản đảm bảo chất lượng phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Các vùng nguyên liệu này sẽ được cấp mã số vùng trồng, được thực hiện các dự án khuyến nông để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, để nâng cao năng lực cơ giới hóa và chế biến sản phẩm, Bộ cũng tham mưu Chính phủ xây dựng chiến lược về nâng cao năng lực cơ giới hóa và chế biến nông sản nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch. Mục tiêu là xây dựng mô hình cơ giới hóa cấp vùng để nâng cao chất lượng, năng suất sản phẩm.
Đối với các doanh nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cam kết, doanh nghiệp muốn phát triển vùng nguyên liệu ở đâu, Bộ sẽ phối hợp hoặc hỗ trợ địa phương để xây dựng.
Việc xây dựng kho lạnh bảo quản được đánh giá là rất cần thiết, phục vụ thiết thực cho tiêu thụ nông sản, nhất là khi xảy ra dịch bệnh, thiên tai..., song thực tế vẫn chưa được chú trọng đầu tư đúng mức. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kế hoạch gì để cải thiện vấn đề này?
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng Đề án Trung tâm cung ứng nông sản trên cơ sở học hỏi mô hình chợ đầu mối của Pháp. Chức năng của các trung tâm này không chỉ dừng lại ở cung ứng nông sản, mà còn có thể kiểm định, bảo quản nông sản.
Trước mắt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kế hoạch xây dựng thí điểm ở Hà Nội, Quảng Ninh, TP.HCM và Cần Thơ. Đối với vấn đề xây dựng kho lạnh, cần khẳng định, phát triển hệ thống kho lạnh là cần thiết, nhưng không nên vội vàng đầu tư ồ ạt, mà nên tính toán kỹ hiệu quả sử dụng trong suốt một năm, chứ không chỉ theo mùa vụ.