Ba khâu đột phá chiến lược gồm hạ tầng, thể chế và nguồn nhân lực được Đảng xác định là 3 “mũi giáp công” chủ lực để đến năm 2025 Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại. Sau nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII, đã có những dấu ấn được ghi nhận. Song, để Việt Nam cất cánh, tiến tới hùng cường, thịnh vượng, cả hệ thống chính trị phải đoàn kết một lòng, xây dựng được thể chế kiến tạo, tăng tốc về hạ tầng và bứt phá về nguồn nhân lực.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mong muốn các em học sinh phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất. Ảnh: Thống Nhất |
Bài 3: Nâng tầm nhân lực, bồi dưỡng nguyên khí quốc gia
Để có một thế hệ người Việt đủ “tự tin bước ra thế giới với tâm thế của những công dân toàn cầu”, bên cạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, phải chú trọng bồi dưỡng nguyên khí quốc gia, xây dựng đội ngũ cán bộ chiến lược đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Lời nhắn nhủ của Chủ tịch nước nhân ngày khai trường
Trong bức thư gửi ngành giáo dục nhân dịp khai giảng năm học 2023 - 2024, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhắn nhủ các em học sinh, sinh viên phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất, phát huy sở trường cá nhân, “trở nên đặc biệt theo cách riêng của mình”.
Lời nhắn nhủ đó chứa đựng bao kỳ vọng và cả định hướng phát triển một thế hệ con người Việt Nam “tự tin bước ra thế giới với tâm thế của những công dân toàn cầu”.
Bà Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội bình luận, đó chính là đích đến của nỗ lực đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo. Để có được nguồn nhân lực chất lượng và đáp ứng yêu cầu mới của xã hội, giáo dục - đào tạo không chỉ trang bị tri thức, kỹ năng, rèn luyện đạo đức, mà còn phải giúp mỗi học sinh, mỗi con người cụ thể phát huy được năng lực, sở trường của mình.
Nói đến đào tạo “những công dân toàn cầu”, TS. Nguyễn Văn Đáng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) liên hệ tới khát vọng đưa đất nước “theo kịp các nước khác trên hoàn cầu”, “sánh vai cùng các cường quốc năm châu”, đã được Bác Hồ nhấn mạnh trong “Thư gửi học sinh” nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, ngày 5/9/1945. TS. Đáng cho rằng, đến nay, những ước vọng đó vẫn vẹn nguyên giá trị. Và để thực hiện được ước vọng đó, không gì khác, phải có nguồn lực con người xứng tầm.
Bàn về nguồn nhân lực với góc độ là một khâu đột phá như Đảng ta đã xác định, TS. Nguyễn Văn Đáng nhấn mạnh, bên cạnh yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, cần hết sức quan tâm tới nhân lực chất lượng cao, tới nhân tài, như Nghị quyết Đại hội XIII đã nêu, đó là “nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ… tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững”.
Đó cũng là một trong những nội dung vừa được Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (diễn ra đầu tháng 10/2023) bàn thảo. Trung ương khẳng định, bối cảnh tình hình mới và yêu cầu, nhiệm vụ mới đòi hỏi phải ban hành nghị quyết mới của Trung ương về tiếp tục xây dựng đội ngũ trí thức nước nhà, bồi đắp nguyên khí quốc gia vững mạnh hơn nữa, đáp ứng yêu cầu chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Theo TS. Đáng, đó là sự kế thừa truyền thống trọng dụng nhân tài của cha ông, nối tiếp những quan điểm, chủ trương về thu hút, giữ chân, trọng dụng nhân tài đáp ứng yêu cầu bối cảnh mới của Đảng, Nhà nước ta. Bên cạnh nhấn mạnh việc tiếp tục xây dựng đội ngũ trí thức nước nhà, bồi đắp nguyên khí quốc gia, Hội nghị Trung ương lần thứ tám cũng xem xét Tờ trình và dự kiến quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đây là bước khởi đầu quan trọng của quá trình xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ khóa XIV. Trong quá trình này, phải quán triệt và triển khai thực hiện thật tốt Kế hoạch số 17-KH/TW của Bộ Chính trị, xác định quy hoạch cán bộ cấp chiến lược là “công việc rất hệ trọng của Đảng”, đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Trước đó, phát biểu tại Hội nghị giữa kỳ (tháng 5/2023), Tổng Bí thư cũng yêu cầu, phải làm tốt hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí đúng những người thật sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết; thật sự vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy nhà nước.
Đồng thời, với mục tiêu xây dựng, thực hiện hiệu quả các chính sách, giải pháp mạnh, đột phá để thu hút và trọng dụng nhân tài (cả trong và ngoài nước), đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, ngày 31/7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 899/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia Thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tạo bứt phá khâu “then chốt của then chốt”
Những chuyển động tích cực vừa nêu bước đầu tạo kỳ vọng để phát triển nguồn nhân lực cho đất nước, song để có sự bứt phá thực sự, đáp ứng yêu cầu phát triển mới, thì còn nhiều điểm nghẽn lớn, thậm chí là “điểm nóng” về nhân lực, nhân sự đã và đang đặt ra cần sớm được giải quyết.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu, từ thực tiễn theo dõi, giám sát của mình và lắng nghe ý kiến cử tri, mỗi đại biểu phát huy tinh thần trách nhiệm cao đối với đất nước, đối với tổ chức, hoạt động của Quốc hội và bộ máy Nhà nước, đánh giá công tâm, khách quan và chính xác trong ghi phiếu tín nhiệm đối với từng chức danh.
Tháng 8/2023, phát biểu với ngành giáo dục - đào tạo tại lễ tổng kết năm học 2022 - 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, ngành giáo dục - đào tạo tiếp tục được đổi mới và có bước phát triển, nhưng cũng còn những vấn đề nóng được dư luận xã hội rất quan tâm, cần tập trung khắc phục. Đó là bất cập trong thực hiện chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông; quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ở một số địa phương chưa phù hợp; hay tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; đặc biệt là việc chính sách, chế độ đãi ngộ còn bất cập, khó thu hút, giữ chân đội ngũ giáo viên...
Có thể thấy rõ tình trạng này khi nhìn vào những con số thống kê được Bộ Nội vụ công bố. Cụ thể, từ đầu năm 2020 đến giữa năm 2022, cả nước có 39.500 cán bộ, công chức, viên chức thôi việc hoặc chuyển sang khu vực tư, tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực giáo dục và y tế. Năm 2022, cả nước có 16.000 giáo viên bỏ việc, bình quân cứ 100 nhà giáo thì một người ra khỏi ngành…
TS. Nguyễn Văn Đáng nhìn nhận, tình trạng giáo viên bỏ trường, bác sĩ bỏ bệnh viện công hay các doanh nhân trẻ tài năng chọn thị trường nước ngoài để khởi nghiệp…, suy cho cùng, có nguyên nhân sâu xa từ môi trường, chính sách, chế độ tiền lương, đãi ngộ...
Đáng lo là, ngay trong công tác tuyển chọn người có năng lực phù hợp vào các cơ quan quản lý, vẫn còn tình trạng luồn lách, thao túng, điển hình như những vụ việc lộ đề thi, hay tiêu cực liên quan đến thi tuyển cán bộ, công chức, viên chức thời gian qua. Khi những cán bộ yếu kém “lọt” vào bộ máy sẽ kéo theo những hệ lụy lâu dài cho công cuộc đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, nhân tài.
TS Nguyễn Văn Đáng cho rằng, để lựa chọn nhân sự ở đội ngũ quản lý cấp cao, tầng lớp tinh hoa, cán bộ chiến lược của đất nước, bên cạnh một quy trình tuyển chọn, đánh giá chặt chẽ, công khai, minh bạch và “con mắt tinh đời” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, thì cần có phương pháp đánh giá sát thực hơn nữa |
Đối với việc lựa chọn nhân sự ở đội ngũ quản lý cấp cao, tầng lớp tinh hoa, cán bộ chiến lược của đất nước, TS. Nguyễn Văn Đáng cho rằng, bên cạnh một quy trình tuyển chọn, đánh giá chặt chẽ, công khai, minh bạch và “con mắt tinh đời” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, thì cần có phương pháp đánh giá sát thực hơn nữa.
“Bên cạnh đáp ứng các yêu cầu về phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn, ứng viên Ủy viên Trung ương Đảng cũng cần được thẩm định nghiêm khắc và chặt chẽ về tố chất và tầm vóc lãnh đạo ngay từ giai đoạn giới thiệu vào quy hoạch. Ứng viên quy hoạch cán bộ cấp chiến lược cần chứng minh được rằng, họ đã góp phần then chốt trong việc tạo ra những thay đổi tích cực cho đơn vị, ngành, lĩnh vực, hay địa phương. Làm được như vậy sẽ tránh được tình trạng để lọt những nhân sự ‘tài năng ảo’, năng lực hạn chế, không có đóng góp cụ thể, nhưng có thể thăng tiến nhờ sự khéo léo trong ứng xử, hay các quan hệ thân hữu, cánh hẩu”, TS. Nguyễn Văn Đáng đề xuất.
Tín hiệu tích cực là, vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền, ưu ái người nhà, người thân…, với những quy định chặt chẽ hơn, sát thực hơn, được kỳ vọng có thể giúp kiểm soát tốt hơn, hiệu quả hơn tình trạng này.
Bên cạnh đó, cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW cũng sẽ được Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ sáu đang diễn ra. Theo ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, muốn xây dựng được đội ngũ nhân tài, trí thức, tinh hoa, cùng những yếu tố như môi trường làm việc, sự tôn trọng…, thì chế độ đãi ngộ, tiền lương là rất quan trọng. Do đó, cải cách chính sách tiền lương chính là một khâu đột phá để có được đột phá về nhân lực, nhân tài.
“Làm tốt về chính sách tiền lương, chế độ đãi ngộ, chúng ta sẽ thu hút được người tài vào làm việc ở các cơ quan quản lý công. Tôi cho rằng, đó là nền tảng, là bước vô cùng quan trọng để tạo sự bứt phá về nguồn nhân lực, tập hợp, phát huy tối đa sức mạnh của đội ngũ trí thức, nhân tài cho phát triển đất nước”, ông Bùi Hoài Sơn đặt kỳ vọng.
(Còn tiếp)