- Thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược: Kiến tạo, tăng tốc, bứt phá - Bài 3: Nâng tầm nhân lực, bồi dưỡng nguyên khí quốc gia
- Thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược: Kiến tạo, tăng tốc, bứt phá - Bài 2: “Đường lớn đã mở…”
- Thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược: Kiến tạo, tăng tốc, bứt phá - Bài 1: Xây dựng, hoàn thiện thể chế kiến tạo
Ba khâu đột phá chiến lược gồm hạ tầng, thể chế và nguồn nhân lực được Đảng xác định là 3 “mũi giáp công” chủ lực để đến năm 2025 Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại. Sau nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII, đã có những dấu ấn được ghi nhận. Song, để Việt Nam cất cánh, tiến tới hùng cường, thịnh vượng, cả hệ thống chính trị phải đoàn kết một lòng, xây dựng được thể chế kiến tạo, tăng tốc về hạ tầng và bứt phá về nguồn nhân lực.
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng giữa nhiệm kỳ khóa XIII đánh giá, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã tạo được sự chuyển biến tích cực. |
Bài 4: Niềm tin vào một Đảng “tiến bộ”, “chân chính”
Những thành quả của công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã và đang góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và chế độ. Đó chính là chìa khóa để khơi dậy nguồn lực toàn xã hội nói chung, khơi thông điểm nghẽn ở các khâu đột phá chiến lược nói riêng.
Khi niềm tin bị “đánh cắp”
Tại phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) và một số tỉnh, thành phố (vụ án “chuyến bay giải cứu”), đại diện Viện Kiểm sát bày tỏ thái độ “thực sự phẫn nộ”, khi dẫn lại lời bào chữa của luật sư cho bị cáo Phạm Trung Kiên, nguyên Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế.
Theo cáo trạng, Kiên đã nhận hối lộ tới 253 lần, với tổng số tiền 42,6 tỷ đồng từ 18 doanh nghiệp và khoảng 30.000 công dân Việt Nam ở nước ngoài. Vị luật sư cho rằng, chia bình quân, thì mỗi công dân chỉ bỏ 500.000 - 2 triệu đồng, từ đó đặt câu hỏi số tiền “có lớn không” khi đánh đổi để về nước trong dịch bệnh, “có lớn không” so với thu nhập trung bình của số đông…
“Thực sự phẫn nộ” với quan điểm đó, bởi, Viện Kiểm sát cho rằng, nó thể hiện “sự thờ ơ trước nỗi đau, mất mát của đồng bào”; rằng, hành vi của Phạm Trung Kiên cũng như các bị cáo khác trong vụ án đã làm mất đi ý nghĩa các chuyến bay giải cứu, gây bất bình trong nhân dân và “phản bội lại sự cố gắng của cả hệ thống chính trị, Đảng, Nhà nước, nhân dân”.
Những hành vi vừa trắng trợn, vừa tinh vi và cả sự trơ trẽn bao biện cho cái sai đến mức gây “phẫn nộ” của Phạm Trung Kiên và những bị cáo khác trong vụ án “chuyến bay giải cứu” chỉ là một điển hình đau lòng về tình trạng cán bộ suy thoái, biến chất, tham nhũng, tiêu cực, “đánh cắp” niềm tin của nhân dân, đến mức “đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ”.
Tại Phiên họp thứ 24 (tháng 8/2023), Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho biết, chỉ từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến tháng 8/2023, đã có tới 91 cán bộ diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, trong đó, có 17 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng; 23 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Các địa phương đã cho từ chức, miễn nhiệm, nghỉ công tác, bố trí công tác khác sau khi bị kỷ luật đối với gần 150 cán bộ, trong đó, có 4 cán bộ diện Trung ương quản lý, 65 cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy quản lý. Đây là sự mất mát to lớn về đội ngũ cán bộ, và hơn thế, là sự mất mát khó đong đếm nổi về niềm tin của xã hội với một bộ phận cán bộ, đảng viên, lãnh đạo, bộ máy công quyền.
Nhìn vào con số 17 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng bị thôi chức vụ hoặc xử lý kỷ luật từ đầu nhiệm kỳ XIII tới nay, PGS-TS. Vũ Văn Phúc, Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương đặt câu hỏi, vì sao chúng ta dù đã “làm đúng quy trình”, mà vẫn chọn sai cán bộ?
“Do cơ chế, chính sách hay do bản lĩnh, phẩm chất cán bộ yếu kém, suy thoái? Điều này cũng là thử thách niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân với việc lựa chọn cán bộ, nhất là cán bộ chiến lược thời gian tới”, ông Phúc nêu vấn đề.
Nhưng không chỉ có cán bộ sai phạm, tham nhũng, tiêu cực mới để lại hậu quả. Theo PGS-TS. Vũ Văn Phúc, tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, thậm chí có cán bộ nói “thà không làm, chịu đứng trước hội đồng kiểm điểm còn hơn làm mà có thể đứng trước vành móng ngựa” cũng rất đáng lo ngại.
Ông Phúc cho rằng, tha hóa quyền lực là việc vì những mục đích khác nhau mà cán bộ thực hiện vượt quá quyền lực được trao, lạm quyền, lộng quyền, hoặc ngược lại, thực hiện không đúng, không đầy đủ, không hết quyền lực được trao. Như vậy, có thể nói, thực trạng một bộ phận cán bộ không làm hết trách nhiệm như hiện nay cũng là một biểu hiện của tha hóa quyền lực, mà gốc gác cũng là vì lợi ích cá nhân, là sợ trách nhiệm, sợ mất “ghế”.
Do đó, phải giải quyết được câu chuyện này, bao gồm tháo gỡ thể chể, chính sách nói chung và những rào cản về pháp lý, tâm lý của cán bộ, con người thực thi nói riêng, thì các nguồn lực mới được khơi thông, tạo đà cho bứt phá, đột phá.
Củng cố sức mạnh “nguồn lực niềm tin”
Nhìn nhận về kết quả kiểm tra, giám sát, xử lý các vụ việc tham nhũng, tiêu cực thời gian qua, nhất là những đại án được dư luận hết sức quan tâm như Việt Á, FLC, AIC, “chuyến bay giải cứu”…, ông Nguyễn Văn Quyết, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương đánh giá, đó là những mức án nghiêm khắc nhưng cũng thấu tình, đạt lý, đúng phương châm “không vùng cấm”, “không ngoại lệ”, “không hạ cánh an toàn”.
- PGS-TS. Nguyễn Viết Thông, nguyên Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương
Kết quả này đã góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh, ngăn chặn suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân.
Theo PGS-TS. Nguyễn Viết Thông, nguyên Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, kết quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là một dấu ấn của nửa đầu nhiệm kỳ khóa XIII. Ông Thông đánh giá, việc xử lý nghiêm, xử lý nhiều vừa qua không có nghĩa là số cán bộ của chúng ta tham nhũng, tiêu cực ngày càng nhiều.
Ngược lại, điều đó càng khẳng định quan điểm “nhìn thẳng vào sự thật” để sửa mình mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng đã nhiều lần nhấn mạnh. Đó cũng chính là tinh thần mà Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra trong cuốn Sửa đổi lối làm việc, rằng “một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”. Và nhân dân ta, với sự sáng suốt, tấm lòng thủy chung, luôn đặt niềm tin vào sự dũng cảm thừa nhận khuyết điểm, vào nỗ lực tìm mọi cách sửa chữa khuyết điểm để trở nên “tiến bộ”, “chân chính” đó của Đảng.
Đáng chú ý, gần đây, các vụ việc tham nhũng, tiêu cực đã được cơ quan chức năng xem xét, xử lý trên tinh thần phân hóa sai phạm, vi phạm, xử nghiêm kẻ chủ mưu, vụ lợi và bảo vệ cán bộ dám đấu tranh với sai phạm. Điều này thể hiện sự nhân văn của Đảng, của pháp luật, đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, không thích thú gì việc kỷ luật đồng chí của mình và không phải cứ xử nặng là tốt, mà phải làm nhân văn, thấu tình đạt lý.
“Chưa có nhiệm kỳ nào, chúng ta coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng như nhiệm kỳ này. Kết quả đã được cán bộ, đảng viên thừa nhận. Việc xử lý vừa nghiêm minh, vừa có lý, có tình đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình của dư luận, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng môi trường lành mạnh cho kinh tế - xã hội phát triển”, ông Thông khẳng định.
Trong khi đó, tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, được xem là một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ các dự án, đầu việc, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội cũng đã và đang được cơ quan chức năng quan tâm tìm hướng tháo gỡ.
Tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay, từ kết luận của Hội nghị Trung ương giữa kỳ đến Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, đã nhận diện một bộ phận cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh trách nhiệm hoặc sợ sai không dám làm, làm chưa hết chức năng, nhiệm vụ được giao.
Tình trạng này cũng được Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nêu khi thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội, ngày 24/10/2023. Chủ tịch nước cho rằng, cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm là một “khuyết điểm”. “Anh là cán bộ, anh không thể né tránh, sợ trách nhiệm được. Sợ sai thì đúng, làm mà không sợ sai mới chết. Nhưng sợ sai để mình làm kỹ hơn, để nghiên cứu pháp luật đầy đủ hơn, cân nhắc trước sau, lợi - hại đến quốc kế dân sinh trước khi quyết định là một phẩm chất cần thiết của cán bộ”, Chủ tịch nước phân tích.
Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, phải gỡ từ cơ chế, chính sách và tháo gỡ rào cản cho chính cán bộ khi thực thi.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Quốc hội đã giao Chính phủ tổng rà soát hệ thống pháp luật, tập trung vào 22 lĩnh vực trọng tâm, qua đó xác định, tình trạng vướng mắc, chồng chéo, chậm hướng dẫn là có, nhưng cơ bản đều phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp, tương thích với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
“Kết luận này rất quan trọng, đã giải đáp câu chuyện: Những ý kiến cho rằng do sợ sai, không làm được, vướng mắc cái này, cái kia mà đổ hết cho hệ thống pháp luật là không đúng”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định.
Đáng mừng hơn, qua rà soát cho thấy, có tới 70% các vấn đề có nội dung chồng chéo, mâu thuẫn cần phải sửa ngay đã nằm trong các dự án luật mà Quốc hội đang xem xét, giải quyết tại Kỳ họp thứ sáu này cũng như Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Điều này đồng nghĩa với việc, những vướng mắc, chồng chéo sẽ sớm được tháo gỡ.
Một điểm tích cực nữa là, sau 2 năm Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 73/2023/NĐ-CP cụ thể hóa chủ trương này. Theo PGS-TS. Vũ Văn Phúc, đây là bước tiến rất quan trọng để “cởi trói”, tạo động lực cho cán bộ thực thi. Song, để cán bộ thực sự vững tâm cống hiến, sau một thời gian thực hiện, cần có sơ kết, đánh giá việc thực hiện Nghị định 73, từ đó có hình thức đảm bảo cao hơn, như nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoặc thậm chí là luật về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.
Có thể nói, những kết quả tích cực của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cùng nỗ lực tháo gỡ các điểm nghẽn của cơ chế, chính sách, gỡ “rào cản” cho cán bộ thực thi đã và đang tiếp thêm sức mạnh cho toàn hệ thống chính trị để thực hiện hiệu quả các khâu đột phá chiến lược, đồng thời củng cố niềm tin của nhân dân vào một Đảng cầu thị, chân chính và công cuộc phát triển của đất nước.
Phát biểu tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 131/2020/QH14 về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM hôm 13/10/2023, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM chia sẻ, ông đã nhiều lần khẳng định, không phải toàn cán bộ, công chức Thành phố đều e dè, sợ sệt, mà chỉ có ở một bộ phận. TP.HCM đã nhận diện, tìm giải pháp và tình hình đã có nhiều cải thiện, nếu không, Thành phố đã không thể “tải” được lượng công việc khổng lồ thời gian qua.
(Còn tiếp)