Tiêu dùng
“Thượng đế” bị móc túi, bỏ rơi
Huyền Thi - 20/08/2013 08:38
Việc cuối tuần qua, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Gia Lai phát hiện một cây xăng ở địa phương này gian lận cả ngàn lít xăng mỗi tháng là minh chứng cho thấy, người tiêu dùng lại tiếp tục bị móc túi công khai giữa thanh thiên bạch nhật.

Tưởng như sau vụ gian lận xăng dầu đình đám bị phát hiện tại cây xăng 342 - Phạm Văn Đồng và 64 - Kim Giang (đều tại TP. Hà Nội) cách đây khá lâu, tình hình đã lắng xuống, song trên thực tế, hành vi ăn cắp trắng trợn này vẫn lẩn quất, chỉ chờ cơ hội tái diễn.

Cây xăng Trung Đức đã bị lập biên bản và niêm phong.
Ảnh: Tùy Phong.VnExpress.net

Với hệ thống 13.000 cửa hàng kinh doanh, trên 9.000 điểm bán lẻ xăng dầu trên cả nước, thì thiệt hại mà người tiêu dùng phải gánh chịu sẽ vô cùng lớn một khi cơ quan chức năng thờ ơ trong công tác kiểm tra, đưa ra ánh sáng các cá nhân, đơn vị gian lận trong kinh doanh mặt hàng thiết yếu này.

Niềm tin xã hội, theo đó cũng bị tác động nếu hành vi ăn cắp trắng trợn, có chủ ý này không bị phanh phui, lên án.

Thực tế cho thấy, hành vi móc túi “thượng đế” vẫn âm thầm diễn ra ở một số đơn vị kinh doanh xăng dầu.

Kết quả kiểm tra của Bộ Khoa học và Công nghệ tiến hành năm 2011 đã cho thấy điều đó khi phát hiện khoảng 28% số cơ sở kinh doanh sai phạm về chất lượng hàng hóa, sai số đo lường bình quân tại nhiều điểm bán xăng dầu vào khoảng 5%! Có thể nói, gian lận xăng dầu đã diễn ra ở cả bề nổi lẫn chiêù sâu.

Cả nước hiện có 37 triệu xe máy và 1,48 triệu xe ô tô. Như vậy, gian lận xăng dầu đang ảnh hưởng và làm gần 1/3 dân số cả nước bức xúc. Đây là nỗi bức xúc hoàn toàn hợp lẽ, vì không chỉ bị móc túi ngay từ lúc cân đong thiếu hụt, về lâu dài, người tiêu dùng sẽ thêm một lần nữa phải tự móc túi mình để sửa chữa thiết bị hỏng hóc do chất lượng xăng dầu không đảm bảo.

Để đảm bảo công bằng xã hội, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cơ quản lý thị trường và cơ quan bảo vệ pháp luật cần vào cuộc mạnh hơn, đồng thời phải tăng mức xử phạt lên gấp nhiều lần. Sở dĩ phải tăng mức phạt là vì ngay cả khi áp dụng biện pháp xử phạt hành chính “kịch khung” theo quy định hiện hành, thì với trường hợp gian lận xăng dầu ở Gia Lai, sau nộp phạt, chủ cây xăng này vẫn “lãi” 13 triệu đồng chỉ trong 1 tháng!

Song song với hình thức phạt tiền ở mức cao hơn, cần thiết có thể truy cứu trách nhiệm hình sự nếu cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có hành vi trộm cắp có hệ thống, gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Đã có gợi ý rằng, người tiêu dùng có thể khởi kiện nhân viên (hoặc cửa hàng) nếu có được bằng chứng cụ thể. Song việc này vô cùng khó vì số tiền khách hàng bị gian lận mỗi lần không lớn; trình tự thủ tục khởi kiện, đòi bồi thường hết sức phức tạp và tốn nhiều thời gian, công sức, việc thu thập chứng cứ là không dễ.

Thật khó đong đếm gian lận trong kinh doanh xăng dầu khi tình trạng “sờ đâu, sai đấy” tiếp tục tồn tại. Rất có thể, ngày mai, hoặc ngày kia, lại có thêm cửa hàng gian dối bị lộ diện. Và như những lần trước, chỉ khi dư luận nóng lên, thì cơ quan hữu trách mới vào cuộc quyết liệt hơn?

Không thể mãi để người tiêu dùng trong tình trạng vừa bị móc túi, vừa bị bỏ rơi khi những “thượng đế” này đòi hỏi công bằng - một lẽ công bằng nhỏ nhoi?

Tin liên quan
Tin khác