Thưa ông, đâu là điểm nổi bật nhất trong quan hệ thương mại và đầu tư hai nước hiện nay?
Năm 2015 trao đổi thương mại giữa Đức và Việt Nam đạt được đỉnh cao mới. Với kim ngạch thương mại 10,3 tỷ Euro, nước Đức vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong EU. Với con số này, Việt Nam đã xuất siêu vào Đức 8 tỷ Euro, tăng 22% so với năm 2014.
Ông Wolfgang Manig, Phó Đại sứ kiêm Trưởng phòng Kinh tế, Trưởng phòng lãnh sự của Đại sứ quán Đức tại Việt Nam |
Trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do giữa EU và Việt Nam, dự kiến có hiệu lực vào đầu năm 2018, thì kế hoạch thành lập một phòng công nghiệp và thương mại (GVCIC) song phương toàn diện tại Việt Nam của giới kinh doanh Đức và các đối tác Việt Nam sẽ giúp đẩy mạnh thương mại song phương và giúp Việt Nam thu hút nhiều hơn đầu tư từ Đức.
Đức cũng sẽ tăng hợp tác phát triển với Việt Nam. Năm ngoái, Đức cam kết sẽ giành 220 triệu Euro cho hợp tác phát triển với Việt Nam trong 2 năm, tập trung vào các lĩnh vực đào tạo nghề, năng lượng và môi trường.
Trong những năm qua, Việt Nam và Đức đã có kế hoạch thành lập GVCIC. Hiện kế hoạch đó đang được triển khai thế nào?
Ý tưởng thành lập GVCCI được tạo ra trong bối cảnh hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào tháng 10/2011. GVCIC sẽ là nơi trao đổi thông tin cho doanh nghiệp và nhà đầu tư hai nước, để tiếp cận thị trường của nhau.
Cái mới của GVCIC so với các tổ chức doanh nghiệp hiện tại của Đức tại Việt Nam (Đại diện Công nghiệp và Thương mại - GIC, và Hiệp Hội Doanh nghiệp Đức - GBA) chính là các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia vào GVCIC và hưởng lợi từ các hoạt động và dịch vụ ở đây. Hiện nay, GBA chủ yếu dành cho các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam. Trong khi, GIC chỉ có một số dịch vụ hạn chế như thông tin tiếp cận thị trường dành cho doanh nghiệp Đức tại Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam tại Đức. Do vậy, việc thành lập GVCIC, thông qua việc sáp nhập GBA và GIC, là rất cần thiết nhằm đẩy mạnh thương mại và đầu tư song phương.
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã đồng ý triển khai kế hoạch này. Còn quan điểm của Chính phủ Đức là gì?
Các phòng công nghiệp và thương mại của Đức ở nước ngoài đều có sự tham gia của các doanh nghiệp nước sở tại. Chính phủ Đức hỗ trợ việc thành lập các phòng công nghiệp và thương mại tương tự, nếu như kim ngạch thương mại và quan hệ đầu tư song phương với nước sở tại là lớn. Trên thực tế, thương mại Đức - Việt đã tăng lên gần 12 tỷ Euro vào năm ngoái. Đức vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong EU. Do vậy, Chính phủ Đức rất tán thành việc thành lập GVCIC.
Ông có cho rằng, GVCIC sẽ giúp đẩy mạnh đầu tư của Đức vào Việt Nam?
Việc tăng đầu tư của Đức sẽ phụ thuộc phần lớn vào việc Việt Nam có thành công trong cải cách quản trị, hành chính và tư pháp hay không. GVCIC là nơi truyền tải thông tin tốt về cải cách ở Việt Nam, có các thành viên là các doanh nhân giỏi, hiểu sâu về kinh tế Việt Nam. Họ sẽ trao đổi kinh nghiệm với những doanh nghiệp Đức muốn đầu tư vào Việt Nam. Do vậy, GVCIC về thực chất không làm tăng đầu tư, nhưng nó là nguồn thông tin gốc và đáng tin cậy, tác động đến quyết định đầu tư của doanh nghiệp.
Ông đánh giá gì về dòng đầu tư của Đức vào Việt Nam trong thời gian tới?
Ở Đức, Việt Nam được coi là một trong những nơi đầu tư hấp dẫn nhất ở Đông Nam Á. Tôi tin rằng, nhiều doanh nghiệp Đức sẽ đến đây, nhưng với điều kiện là Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách, đặc biệt là trong các lĩnh vực hành chính và tư pháp.