Nhà mạng mong sớm thương mại hóa 5G
Tại Tọa đàm “Thương mại hóa 5G xây dựng hạ tầng số cho Việt Nam” do Câu lạc bộ Nhà báo công nghệ thông tin Việt Nam tổ chức mới đây, ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm di động Viettel Telecom cho biết, Viettel đã thử nghiệm ở 63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam với hơn 1 triệu lượt trải nghiệm. Hầu hết khách hàng đều cảm nhận rõ rệt tốc độ mà 5G mang lại.
“Nhu cầu 5G nhiều, nhưng thiết bị hỗ trợ ít, chỉ từ 17-20%. Do vậy, Viettel sẽ lựa chọn khu vực có nhu cầu cao, có máy hỗ trợ cao để ưu tiên triển khai thương mại hóa 5G trước. Bên cạnh đó là khu công nghiệp, khu chế xuất, trung tâm đổi mới sáng tạo, biến nhà máy có dây thành không dây. Các trung tâm đổi mới sáng tạo có thể nghiên cứu để ứng dụng lợi ích của 5G vào sản xuất, kinh doanh”, ông Sơn cho biết.
Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó trưởng ban Ban Công nghệ, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT), VNPT triển khai thử nghiệm 5G từ sớm, ở gần 20 tỉnh, thành phố, tại các sự kiện, lễ hội, phục vụ du lịch. Về lâu dài, 5G sẽ khai mở không gian kinh doanh mới về B2B. VNPT và các doanh nghiệp sẽ thâm nhập các ngành nghề khác của nền kinh tế để giúp chuyển đổi số, gia tăng năng suất.
“Chúng tôi sẽ hướng đến các giải pháp tối ưu hoạt động, thay đổi toàn bộ cách sống, làm việc và sản xuất trong xã hội. Khi đó, VNPT sẽ chuyển từ doanh nghiệp viễn thông truyền thống thành doanh nghiệp công nghệ, mở ra các mô hình kinh doanh mới, đóng góp vào tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Đây là cơ hội lớn nhất mà VNPT thấy được”, ông Khánh khẳng định.
Ông Lê Mai Sơn, Phó trưởng ban Ban Truyền thông MobiFone cho hay, MobiFone đã triển khai thử nghiệm 5G ở TP.HCM, Huế, Nha Trang, Phú Quốc… Đây là cơ sở dữ liệu ban đầu để đánh giá và xây dựng các phương án mở rộng trong tương lai. Theo thống kê, hiện có khoảng 250 mẫu thiết bị 5G, mỗi năm bán ra 5-6 triệu chiếc.
Rào cản của thiết bị 5G là giá cao hơn mặt bằng chung. Giống 4G giai đoạn đầu, thiết bị 5G ngày càng bình dân, hy vọng sẽ tạo ra cú hích cho thị trường. “Sau khi có kế hoạch đấu giá băng tần, MobiFone đặt ra bài toán xây dựng ngay phương án đấu giá, quy hoạch lộ trình phát triển, phủ sóng 5G phù hợp”, ông Sơn nói.
Cần sớm xây dựng hệ sinh thái 5G
Các dự báo cho thấy, đến năm 2030, 5G đem lại cho các nhà khai thác Việt Nam doanh thu 1,5 tỷ USD. Đến năm 2025, 5G có khả năng đóng góp vào tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 7,3 - 7,4%, bởi công nghệ này có thể nâng cao năng suất lao động, hiệu suất làm việc của doanh nghiệp…
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, năm 2024 là năm thương mại hóa 5G trên phạm vi toàn quốc. Kinh doanh 2G, 3G, 4G chủ yếu là B2C, là kinh doanh những dịch vụ mà người dân đã biết, nhà mạng không phải đầu tư nhiều để nghiên cứu phát triển các dịch vụ mới. Nhưng kinh doanh 5G thì B2B sẽ là chính, nhà mạng phải sáng tạo những sản phẩm, dịch vụ mới để bán cho doanh nghiệp, chuyển đổi số các ngành.
Thị trường các ứng dụng 5G toàn cầu sẽ đạt 670 tỷ USD vào năm 2025, tức là giúp doanh thu nhà mạng tăng tới 50% so với năm 2020, trung bình mỗi năm tăng 10%. Đây là không gian mới quan trọng của nhà mạng. “Chúng ta cũng phải chú ý, không có 5G thì không có tăng trưởng 10%, nhưng tăng trưởng 10% thì không chỉ là 5G, mà là một hệ sinh thái ứng dụng 5G”, ông Hùng nhấn mạnh.
Bên cạnh tập trung tối ưu mạng lưới, chuẩn bị đấu giá tần số 5G, thì kế hoạch xây dựng hệ sinh thái 5G cho người dùng đang được các nhà mạng rốt ráo triển khai. Ông Nguyễn Quốc Khánh cho biết, VNPT sẽ cung ứng các dịch vụ 5G liên quan đến cloud, IoT, AI, Machine Learning và Data vào công nghiệp, IoT. VNPT sẽ tập trung phát triển công nghệ hạ tầng và triển khai các dịch vụ, sản phẩm số, use case 5G một cách có hiệu quả. Trước mắt sẽ triển khai các dịch vụ B2C.
Còn theo ông Lê Mai Sơn, MobiFone cũng đã có phương án kinh doanh, gồm các sản phẩm, dịch vụ và use case trên nền 5G. Chủ yếu người dùng vẫn dùng data, 75% vẫn dùng dịch vụ video như YouTube, TikTok, nền tảng streaming, 5G sẽ góp phần nâng cao trải nghiệm khách hàng. Đây chỉ là điểm chạm đầu tiên, sau đó phải phát triển các sản phẩm dịch vụ mới, các dịch vụ B2C, B2B, các kết nối cá nhân hoặc các dịch vụ đòi hỏi độ trễ thấp như game ảo, quản trị số lượng điểm kết nối lớn...
Ông Nguyễn Văn Sơn cho rằng, các dịch vụ nội dung trên 5G chưa có nhiều, hiện chỉ có video 4K, 8K, live streaming, còn các dịch vụ AR, VR chưa phổ biến. 100% khách hàng trải nghiệm 5G đều muốn Việt Nam sớm triển khai 5G để họ được trải nghiệm công nghệ mới với tốc độ cao hơn. Họ cũng muốn các nhà mạng phải là đơn vị xây dựng nội dung cho 5G.
“5G đã được ghi nhận rất thành công ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và tiếp tục thành công trên toàn thế giới trong các lĩnh vực xã hội, kinh tế và công nghiệp. Nhiều việc làm mới được tạo ra. Tốc độ sử dụng dữ liệu tăng theo cấp số nhân, được đo bằng Gigabit. Các loại hình kinh doanh mới đang hình thành, như dịch vụ giao đồ ăn, thương mại điện tử bằng các dịch vụ truyền phát trực tiếp livestream và các dịch vụ xe công nghệ, đã và đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ”, ông Hidetaka cho biết.