Ngày 3/12, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM tiếp tục phiên phúc thẩm ly hôn giữa bị đơn là ông Đặng Lê Nguyên Vũ và nguyên đơn là bà Lê Hoàng Diệp Thảo.
Theo yêu cầu của bị đơn, phiên tòa được xử kín. Tuy nhiên, qua trao đổi nhanh với báo chí sau khi kết thúc phiên xử, ông Vũ cho biết, nếu so sánh với hệ thống cafe mới ra hiện nay là Aha ở phía Bắc, hay Highlands, Coffee House, thậm chí là các hệ thống nhỏ lẻ, thì Trung Nguyên không còn tính mới nữa, vì đã kiệt quệ trong thương hiệu.
“Vụ việc của 2 vợ chồng đã ảnh hưởng rất nặng đến Tập đoàn Trung Nguyên, cả hệ thống gần như bị tê liệt, thậm chí có lúc muốn chi tiền để đầu tư cũng không được. Giai đoạn này là giai đoạn đầu tư chứ không phải giai đoạn khai thác, vì đã kiệt quệ trong thương hiệu rồi, do đó cần phải tái định vị lại”, ông Vũ nhấn mạnh.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ (bên phải) và luật sư tại phiên xét xử ngày 3/12 |
Theo ông Vũ, làm kinh doanh thì phải có sách lược, mà muốn có sách lược thì phải biết sản phẩm của mình khác biệt gì với các tập đoàn hàng đầu, có gì đặc biệt hơn người ta. Cụ thể là so với Starbucks, Coffee Bean, hay các thương hiệu khác... chứ không phải chỉ đi khai thác các thị trường mới như khai thác thị trường mới.
Việc khai thác các thị trường mới như Trung Quốc, hay các nước Đông Âu... thì Trung Nguyên đã làm được rồi, nhưng điều đáng chú ý là nó phải khác từ mô hình dịch vụ đến cấu trúc sản phẩm. Phải khác như thế nào thì mới đi xa được, điều này đòi hỏi tầm nhìn và mối liên thông và nền tảng học thức rất lớn.
“Như vậy, đối với người vợ mà học vấn không đủ thì việc này sẽ bị ách tắc. Cô ấy (bà Thảo) không chịu, mà lại nghĩ đủ mọi cách để đoạt thương hiệu đó”, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên nói và cho biết thêm, tầm nhìn của Trung Nguyên là toàn cầu, mục tiêu một năm đạt được là 20 tỷ USD.
“Vừa qua, cô ấy đã thành lập thương hiệu riêng của mình là King Coffee, đồng thời cũng đang kiểm soát một nhà máy sản xuất của Trung Nguyên (sản phẩm G7) ở Bắc Giang, nên đã bán hàng cùng hệ thống từ trong nước ra quốc tế. Mặc dù Trung Nguyên vẫn giữ đủ doanh số nhưng lợi nhuận giảm nhiều bởi sản phẩm King Coffee được chiết khấu rất cao. Do vậy, phải khoảng 2 năm sau phiên tòa này thì Trung Nguyên mới gượng dậy được, bời vì nó cùng hệ thống nên cần phải sửa chữa lại nhiều việc”, ông Vũ nói.
Phiên xử phúc thẩm được bắt đầu từ ngày 2/12, sau nhiều lần bà Thảo xin hoãn vì lý do sức khỏe |
Liên quan đến tiến trình làm việc tại phiên tòa, Luật sư Trương Thị Hòa, người bảo vệ quyền lợi cho bị đơn cho biết, phiên tòa bắt đầu làm việc từ hôm qua (2/12), chủ yếu là làm thủ tục và các bên đặt câu hỏi.
Ngày hôm nay đến phần tranh luận, các luật sư của nguyên đơn và bị đơn có ý kiến về sự kháng cáo của mình, và các vấn để pháp lý liên quan đến vụ án. Trong buổi sáng nay đã kết thúc phần của nguyên đơn, chiều nay sẽ đến phần của các luật sư và những người có liên quan của bị đơn.
“Quan điểm của bên bị đơn là lỗ lực bảo vệ bản án sơ thẩm, chứng minh sự đúng phát luật và đúng đạo lý của bản án này. Đồng thời, sau khi bảo vệ được bản án sơ thẩm thì bị đơn cũng kháng cáo, mong sẽ được toàn tâm phát triển cafe Trung Nguyên vì trong thời gian qua đã bị tắc nghẽn”, Luật sư Hòa nói và cho biết thêm, bên phía nguyên đơn vẫn giữ đề nghị của lúc bắt đầu khởi kiện, là mỗi người con phải có 5% cổ phần của người cha trong các công ty. Như vậy, với 4 người con thì phải có 20% cổ phần trong các công ty của cha.
Sau khi bà Thảo đệ đơn lý hôn, tháng 11/2015, Toà án Nhân dân TP.HCM chính thức thụ lý vụ án ly hôn của vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo.
Sau nhiều phiên hòa giải không thành, tháng 2/2019, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ ly hôn giữa ông Vũ và bà Thảo diễn ra.
Sau hơn một tháng xét xử và nghị án, ngày 27/3/2019, TAND TP.HCM đã ra phán quyết về vụ án ly hôn giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Cụ thể, về tranh chấp tài sản, tòa xác định, tổng cộng ông Vũ, bà Thảo sở hữu cổ phần trị giá hơn 5.700 tỷ đồng trong các công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên.
Theo nguyên tắc, việc chia tài sản chung là chia đôi có tính đến các yếu tố hoàn cảnh gia đình của vợ chồng, công sức đóng góp của hai bên trong việc tạo lập, duy trì, phát triển khối tài sản chung. Ai có đóng góp nhiều hơn được chia phần hơn.
Toà quyết định chia cho ông Vũ hưởng 60%, bà Thảo 40%. Bên cạnh đó ông Vũ sẽ sở hữu các cổ phần của bà Thảo. Ông Vũ có trách nhiệm trả tiền cho bà Thảo tương ứng với giá trị cổ phần sở hữu.
Với bất động sản, tòa ghi nhận sự thỏa thuận của hai bên, giao cho ông Vũ sở hữu 6 nhà đất đang quản lý, trị giá hơn 350 tỉ đồng. Bà Thảo sở hữu 7 nhà đất trị giá hơn 375 tỷ đồng bao gồm căn nhà trên đường Tú Xương, quận 3 - nơi bà và các con sinh sống. Bà Thảo có nghĩa vụ trả lại cho ông Vũ phần chênh lệch 12,5 tỷ đồng.
Về khối tài sản tại các ngân hàng trị giá 1.764 tỷ đồng (thay vì 2.100 tỷ đồng) bà Thảo đang đứng tên, Hội đồng xét xử xác định đây là tài sản chung, sẽ chia đôi nhưng có tính đến công sức đóng góp của các bên. Theo đó, tòa giao bà Thảo tiếp tục quản lý tài sản này, số tiền chênh lệch được cấn trừ vào số cổ phần ông Vũ nhận lại từ bà Thảo.
Ngay sau đó, cả phía ông Vũ và bà Thảo đều làm đơn kháng cáo. Theo đó, bà Thảo kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm. Trong khi đó, ông Vũ kháng cáo một số nội dung liên quan đến việc chia tài sản và đề xuất chia theo tỉ lệ 70% cho ông Vũ và 30% cho bà Thảo.
Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM cũng có kháng nghị chỉ ra 11 điểm bất hợp lý trong bản án sơ thẩm, đề nghị Tòa án Nhân dân cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm theo hướng hủy bản án sơ thẩm.
Sau nhiều lần bà Thảo xin hoãn vì lý do sức khỏe, ngày 2/12/2019, phiên xét xử phúc thẩm mới được tiến hành.