Theo HSBC, lĩnh vực thương mại của Việt Nam gần đây đã ghi nhận sự phục hồi tích cực. |
Trong báo cáo “Vietnam At A Glance: Ánh sáng cuối đường hầm” được Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC đưa ra, ghi nhận những dấu hiệu tích cực của hoạt động sản xuất và thương mại của Việt Nam.
Sau nửa đầu năm khó khăn, nền kinh tế Việt Nam đang nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm. Tăng trưởng cuối quý III đạt mức khá tốt là 5.3%, vượt xa kỳ vọng của thị trường (HSBC: 4.8%; Bloomberg: 5.0%; Trước đó: 4.1%). Trong bối cảnh còn nhiều thách thức, Việt Nam dường như vẫn trên đà phục hồi mạnh mẽ.
Số liệu của Tổng cục Hải quan ghi nhận, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước hết tháng 9/2023 đạt gần 500 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 258,97 tỷ USD, giảm 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, cán cân thương mại thặng dư gần 22 tỷ USD.
Riêng xuất khẩu hàng hóa tháng 9/2023 đạt 31,41 tỷ USD, dù giảm 4,1% so với tháng trước đó, nhưng ghi nhận là tháng thứ 3 liên tiếp vượt ngưỡng 30 tỷ USD.
“Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên nhất chính là sự phục hồi trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam. Mặc dù vẫn còn quá sớm để có thể coi đây là một sự phục hồi đáng kể trong chu kỳ thương mại toàn cầu, lĩnh vực thương mại của Việt Nam gần đây đã ghi nhận sự phục hồi”, báo cáo của HSBC cho biết.
Xuất khẩu chứng kiến tăng trưởng lần đầu tiên sau 6 tháng, giúp làm dịu tình trạng sụt giảm xuất khẩu nghiêm trọng từ mức hai con số trong 6 tháng đầu năm xuống dưới 2% so với cùng kỳ trong quý 3.
Dù tình trạng suy yếu xuất khẩu vẫn còn duy trì ở hầu hết ngành hàng, nhưng điểm sáng là máy tính, phương tiện vận tải và phụ tùng, nhóm nông sản tăng trưởng khá tốt.
Xuất khẩu của Việt Nam sang các đối tác thương mại lớn như Mỹ, EU và Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn giảm, nhưng tốc độ giảm đã chậm lại, trong khi thị trường lớn thứ 2 là Trung Quốc đạt mức tăng trưởng dương 2,1% sau 9 tháng với 42,2 tỷ USD, phần lớn nhờ vào mức tăng trưởng ấn tượng của các mặt hàng nông sản.
Mặc dù Trung Quốc chỉ chiếm 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, nhưng hơn 20% nông sản xuất khẩu của Việt Nam được chuyển sang Trung Quốc, từ hoa quả, gạo đến hạt điều và cà phê.
Đặc biệt, nhu cầu về trái cây nhiệt đới của Trung Quốc, bao gồm sầu riêng, thanh long và mít, đã tăng nhanh trong hai năm qua, trong đó Việt Nam là nước hưởng lợi chính cùng với Thái Lan.
Trong bối cảnh đó, đợt tăng giá liên tục gần đây trên thị trường gạo toàn cầu đã thúc đẩy xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng lên.
Triển vọng 2024 sáng sủa hơn nhưng xuất khẩu vẫn tiềm ẩn rủi ro. Việt Nam có độ mở kinh tế cao nên cũng phụ thuộc lớn vào xuất khẩu. Trường hợp các thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, châu Âu, Trung Quốc hồi phục kém hơn các dự báo đưa ra thời điểm này, họ sẽ giảm nhập khẩu. Vì vậy, nếu nhu cầu thế giới yếu hơn sẽ ảnh hưởng đến trụ cột tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam, theo các chuyên gia.
Báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra gần đây cũng dự báo, tăng trưởng xuất - nhập khẩu dự kiến sẽ quay trở lại mức 5,0% trong năm nay và năm sau, với sự phục hồi của cầu thế giới. Hoạt động thương mại mạnh mẽ sẽ giúp duy trì thặng dư tài khoản vãng lai trong năm 2023 ước tính khoảng 3,0% GDP.
"Khi hoạt động sản xuất được phục hồi, nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng lên, cán cân tài khoản vãng lai dự kiến sẽ giảm còn 2,0% GDP vào năm 2024", Báo cáo của ADB cho hay.