Các doanh nghiệp chuyên xuất khẩu cá tra đang cố gắng đưa ra những sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng trong nước |
Tăng phân phối, tiêu thụ nội địa
Mới đây, cho ý kiến chỉ đạo về các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ thủy hải sản, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục theo dõi, bám sát tình hình khai thác, sản xuất thủy sản tại các địa phương; tình hình Covid-19 tại các nước trên thế giới, đặc biệt là các thị trường chính, truyền thống. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu, Bộ Công thương nghiên cứu và có giải pháp tăng cường phân phối, tiêu thụ nội địa đối với mặt hàng này.
Trên thực tế, tiêu thụ nội địa là giải pháp đã được ngành thủy sản và nhiều doanh nghiệp lựa chọn trong những tháng vừa qua, khi xuất khẩu gặp khó do Covid-19.
Có mặt tại hơn 119 thị trường trên thế giới, mỗi năm xuất khẩu đạt giá trị hàng tỷ USD (riêng năm 2019 đạt hơn 2 tỷ USD), song ngành cá tra cũng đang tìm đủ mọi cách để chinh phục thị trường nội địa.
5 tháng đầu năm, sản lượng cá tra của nước ta ước đạt 462.000 tấn, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm 2019. Do ảnh hưởng của Covid-19, kim ngạch xuất khẩu cá tra chỉ đạt 456 triệu USD, giảm 39,1% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó, thị trường Trung Quốc giảm 48%, EU giảm 47,3%, Mỹ giảm 19,8%... Mất đơn hàng, xuất khẩu sụt giảm, một lượng hàng lớn bị tồn kho, nhiều doanh nghiệp cá tra bị đứt đoạn sản xuất, đối mặt nguy cơ nợ quá hạn và thiệt hại lớn về kinh tế.
Để cải thiện đầu ra cho sản phẩm, Công ty TNHH Hùng Cá (Đồng Tháp) đã tính đến các phương án đẩy mạnh tiêu thụ ở thị trường nội địa, chế biến đa dạng sản phẩm… Ông Trần Văn Hùng, Tổng giám đốc Công ty Hùng Cá chia sẻ, đây là hướng đi giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động, ổn định dòng tiền.
Với gần 100 triệu dân, lượng tiêu thụ và giá trị tiêu thụ thủy hải sản của thị trường nội địa không kém so với những thị trường xuất khẩu thủy sản truyền thống. Số liệu của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, giá trị tiêu thụ sản phẩm thủy sản của thị trường nội địa mỗi năm lên đến hơn 22.000 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD). Mức tiêu thụ thủy hải sản bình quân của người Việt khoảng 35 kg/năm và dự báo đạt 44 kg/người/năm từ năm 2020 trở đi.
Cách nào để chinh phục người Việt?
Theo ông Võ Hùng Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, tập trung cho thị trường nội địa là hướng đi đúng trong bối cảnh hiện nay. Mục tiêu của ngành hàng là thị trường nội địa sẽ chiếm 10 - 15% tổng sản lượng để tỷ trọng dần cân đối hơn, vì hiện nay, con cá tra đang phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu.
Ông Dũng cho biết, nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản đang nỗ lực định vị thương hiệu tại thị trường nội địa bằng cách phát triển những dòng sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng. Dẫu vậy, điều này không hề dễ dàng, vì từ trước tới nay, cá tra chưa được nhiều người tiêu dùng trong nước đón nhận, dù đã hiện hiện tại hơn 100 thị trường trên thế giới.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Phạm Minh Thiện, Tổng giám đốc Công ty Cỏ May chia sẻ, Công ty đã xuất khẩu cá tra đến 40 quốc gia và vùng lãnh thổ với sản phẩm chủ lực là cá tra phi lê, kim ngạch xuất khẩu bình quân đạt gần 1.000 tỷ đồng/năm, nhưng lại chưa tìm được kênh phân phối ở thị trường nội địa, kể cả hệ thống siêu thị và chợ truyền thống.
Ngay cả Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, doanh nghiệp có doanh số xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam, nằm trong top doanh nghiệp cá tra xuất khẩu lớn nhất thế giới, nhiều năm qua vẫn “loay hoay” với thị trường trong nước.
Không riêng doanh nghiệp cá tra, các doanh nghiệp tôm cũng đang tìm giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm ở thị trường trong nước. Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta cho biết, muốn tham gia thị trường nội địa, ngoài việc phải hoàn thiện hồ sơ thủ tục, doanh nghiệp cần đầu tư xây dựng chuỗi phân phối, hoặc thông qua hệ thống bán lẻ, siêu thị, chợ… Hiện, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản đã thành lập Câu lạc bộ Tiêu thụ hàng nội địa để hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng để có được các kênh phân phối cũng không dễ dàng.
Bên cạnh đó, với các doanh nghiệp chuyên xuất khẩu, nếu muốn phát triển thêm thị trường nội địa, cũng cần có thời gian và kế hoạch để từng bước chuyển hướng, xây dựng dòng sản phẩm phù hợp.
Từ góc nhìn của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Food nhấn mạnh, các doanh nghiệp cần truyền thông nhiều hơn nữa về quy trình nuôi, tạo niềm tin với người tiêu dùng. “Tại sao chúng ta làm cho cả thế giới tin, mà dân ta vẫn còn e dè?”, bà Thanh Lâm đặt vấn đề.
Đẩy mạnh truyền thông cũng chính là cách mà Công ty Cỏ May đã chủ động triển khai, với quyết tâm chinh phục người tiêu dùng trong nước. Cùng với đó, Công ty đưa ra nhiều sản phẩm phù hợp với thói quen chế biến của người Việt như cá tra cắt khúc, phi lê cá tra còn da/không da cắt miếng…
Về định hướng lâu dài, theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, để chinh phục thị trường nội địa, ngành thủy sản cần gia tăng chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm; sản xuất, nuôi trồng, chế biến thủy sản cần bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm...