Ngân hàng - Bảo hiểm
Tiền nhàn rỗi khát kênh đầu tư tài chính
Trần Mạnh - 27/05/2015 08:29
Dòng tiền nhàn rỗi đang khát kênh đầu tư tài chính, nhất là khi nhà đầu tư cá nhân vẫn chưa có được hành lang pháp lý đầy đủ và phải đối diện với nhiều rủi ro.

Đầu tư vào đâu khi có tiền nhàn rỗi vẫn luôn là câu hỏi làm đau đầu các nhà đầu tư cá nhân.

Đánh giá về hiệu quả của các kênh đầu tư trong vài năm qua, ông Lê Văn Phán, Công ty Quản lý Quỹ VinaWealth cho rằng, hầu hết các kênh đầu tư thời gian gần đây đều không mang lại lợi nhuận như mong muốn. Nhìn vào chỉ số tăng trưởng lợi nhuận bình quân hàng năm trong 3 năm gần đây, ông Phán cho rằng, lãi suất gửi tiết kiệm giảm trung bình 15,3%/năm, vàng giảm 8,3%/năm, bất động sản giảm 2,1%/năm và chỉ có duy nhất kênh chứng khoán tăng 12,1%/năm.

Ngoài rủi ro thị trường, rủi ro tỷ giá, lãi suất, nhà đầu tư còn phải đối diện với rủi ro pháp lý. Ảnh: Đức Thanh

 

“Từ góc độ đầu tư cá nhân có thể thấy, gửi tiền ngân hàng an toàn, tiện lợi, linh hoạt và thanh khoản cao, nhưng lãi suất liên tục đi xuống. Vì vậy, lợi nhuận của kênh đầu tư này càng ngày càng kém hấp dẫn. Đây cũng là lý do cho thấy, người Việt Nam đang muốn dịch chuyển từ kênh gửi tiền sang các kênh đầu tư khác”, ông Phán phân tích.

Không chỉ lãi suất thấp, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, hành lang pháp lý với người gửi tiền chưa hoàn thiện. Theo LS. Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng, hiện Ngân hàng Nhà nước chưa cho phép các ngân hàng phá sản, nên quyền lợi của người gửi tiền vẫn được đảm bảo. Tuy nhiên, sau này, nếu NHNN áp dụng biện pháp phá sản ngân hàng, người gửi tiền sẽ đứng trước nhiều rủi ro, bởi theo quy định hiện nay, bảo hiểm tiền gửi chỉ chi trả tối đa 50 triệu đồng, đây là mức chi trả “quá bèo” nếu so với những khoản tiết kiệm tiền tỷ.

Đồng quan điểm, TS. Hà Huy Tuấn, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng nhận xét: “Khung khổ pháp lý bảo vệ người gửi tiền, nhà đầu tư chưa hoàn thiện, bảo hiểm tiền gửi chưa độc lập, vai trò giám sát bảo vệ người gửi tiền còn hạn chế”.

Song TS. Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đông Á lại cho rằng, người dân vẫn sẽ gửi tiền vào ngân hàng vì thiếu các kênh đầu tư tài chính cá nhân.

Theo ông, ngoài các kênh đầu tư tài chính truyền thống như gửi tiết kiệm, mua vàng, mua bất động sản..., một số kênh đầu tư mới như chứng khoán, ủy thác đầu tư, tham gia bảo hiểm cũng đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, các kênh đầu tư này đều tiềm ẩn nhiều rủi ro.

LS. Trương Thanh Đức cho rằng, ngoài rủi ro thị trường, rủi ro tỷ giá, lãi suất, nhà đầu tư còn phải đối diện với rủi ro pháp lý.

Riêng với kênh đầu tư vàng, ông Lê Văn Phán dự báo, ngoài những tác động của chính sách, nhà đầu tư rất khó nắm bắt được chu kỳ lên xuống của thị trường vàng thế giới, vì vậy những nhà đầu tư không chuyên nghiệp có thể gặp rủi ro lớn. Còn kênh đầu tư bất động sản lại đòi hỏi vốn đầu tư lớn, nếu không có vốn trên 1 tỷ đồng, nhà đầu tư rất khó tham gia thị trường. Kênh đầu tư chứng khoán tuy không đòi hỏi vốn lớn như bất động sản, nhưng lại thường xuyên bị tác động bởi các yếu tố kinh tế vĩ mô, cung - cầu, niềm tin hay tâm lý… và đòi hỏi nhà đầu tư phải bỏ nhiều thời gian theo dõi, nghiên cứu.

Cũng theo ông Phán, hiện nhiều nhà đầu tư đang lựa chọn hình thức đầu tư vào quỹ mở (chuyển giao tài sản của mình cho nhà đầu tư chuyên nghiệp đầu tư). Với kênh đầu tư này, rủi ro thấp hơn, song nhà đầu tư phải trả phí cho công ty quản lý quỹ.

Trong bối cảnh hầu hết các kênh đầu tư đều tiềm ẩn rủi ro như hiện nay, TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cho rằng, nhà đầu tư nên đa dạng hóa danh mục đầu tư để bảo toàn vốn và tối ưu hóa khả năng sinh lời của nguồn vốn nhàn rỗi.

Tin liên quan
Tin khác