Là một nhà giáo dục, một doanh nhân sớm quan tâm tới lĩnh vực đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước, TS. Nguyễn Tiến Luận, Hiệu trưởng Trường đại học Nguyễn Trãi, Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển nhân lực (Ladeco) luôn ấp ủ xây dựng một dự án giáo dục mang tầm quốc tế, gắn với đô thị thông minh và khởi nghiệp, sáng tạo.
TS. Nguyễn Tiến Luận rất kỳ vọng, mô hình “trường đại học nằm trong Khu đô thị Đại học thông minh quốc tế” có thể được thí điểm và nhân rộng |
Thưa ông, sau mấy thập kỷ gắn bó, đồng hành với sự nghiệp giáo dục, phát triển Thủ đô, điều ông tâm huyết nhất hiện nay là gì?
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thể hiện tấm lòng trân trọng, mối quan tâm sâu sắc, giàu tình nhân ái và những mong muốn thiết tha về Hà Nội, với Hà Nội. Người xác định vị trí “đầu tàu”, “gương mẫu” của Hà Nội mà “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta”, nên Người mong muốn làm sao để Hà Nội “thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”, cùng nhân dân cả nước xây dựng Việt Nam thành một quốc gia hùng cường và thịnh vượng.
Sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện của Hà Nội trong những năm qua, cùng với bề dày văn hóa, lịch sử 1010 năm tuổi của một “Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, thủ đô của phẩm giá con người”, “Thành phố vì hoà bình” chính là nguồn lực quan trọng để Hà Nội tiếp tục vững bước trên một chặng đường mới, với những quyết sách đột phá, mục tiêu lớn hơn, xa hơn.
Trong Nghị quyết được thông qua tại Đại hội XVII vừa qua, Đảng bộ TP. Hà Nội đã đặt ra mục tiêu rất cụ thể, đó là đến năm 2025, đưa Thủ đô Hà Nội phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”, phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế; đến năm 2045, đặt mục tiêu Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao, kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, năng động, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế.
Đó là mục tiêu lớn cho Hà Nội trong chặng đường 15 năm tới và cũng là hướng đi tất yếu mà Hà Nội phải vươn tới để xứng tầm với vị trí, vị thế của Thủ đô Hà Nội. Hơn nữa, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ không chỉ thúc giục Hà Nội nhanh chóng hòa nhịp cùng thế giới, mà còn là đòi hỏi cấp thiết đối với Hà Nội nếu muốn khơi lên, tỏa rạng các nguồn lực mới cho chặng đường phía trước.
Vì niềm tin, yêu Hà Nội cùng trách nhiệm với Thủ đô thân yêu, Công ty Ladeco - Trường đại học Nguyễn Trãi, Hệ thống giáo dục Nguyễn Trãi gần 15 năm qua luôn ấp ủ đam mê, khát vọng sáng tạo, đầu tư trí tuệ, tài sản để thực hiện mục tiêu “tiên phong đầu tư đào tạo công dân toàn cầu”, tạo cơ hội cho sinh viên sớm khởi nghiệp, thành lập được nhiều doanh nghiệp, trung tâm, viện sáng tạo - khởi nghiệp trong nhà trường.
Chúng tôi kỳ vọng, năm 2022, Dự án Khu đô thị Đại học thông minh quốc tế Nguyễn Trãi - Nguyen Trai Smart Uni City sẽ được chấp thuận khởi công xây dựng với quy mô 34 ha. Dự án sẽ là một đề án thiết kế quy hoạch sáng tạo, hiện đại, tối ưu quản lý đô thị, khớp nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, kiến trúc cảnh quan, đô thị sinh thái và bền vững. Đây là nơi lý tưởng để hiện thực hóa mục tiêu đào tạo “công dân toàn cầu” - là nơi để giới trẻ Việt Nam sống trong nước và ngoài nước được kết nối, cùng sống, học tập, làm việc, sáng tạo khởi nghiệp, làm giàu trên quê hương, cho quê hương - đất nước mình. Dự án cũng sẽ góp phần đưa Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.
Vì sao ông và Trường đại học Nguyễn Trãi lại đặt ra phương châm “đào tạo công dân toàn cầu”?
Thứ nhất, hiện có khoảng 50 quốc gia phát triển vượt chúng ta 10 đến 30 năm. Chúng ta phải nỗ lực rút ngắn khoảng cách đó.
Thứ hai, mỗi năm có khoảng 30 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học ở các nước phát triển, có năng lực làm việc tại các tập đoàn lớn, tập đoàn đa quốc gia. Trong đó, rất nhiều sinh viên năm cuối đến từ các quốc gia như Mỹ, Ấn Độ, Anh, Đức, Singapore, Trung Quốc…, có tư duy sáng tạo, khát vọng làm giàu, mạnh dạn thành lập các trung tâm, viện nghiên cứu, doanh nghiệp. Chúng ta phải làm gì để kết nối được với nguồn lực đó?
Chúng tôi xác định, trong kỷ nguyên 4.0 này, trong bối cảnh phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ trên toàn thế giới hiện nay, sinh viên phải có tư duy sáng tạo, khởi nghiệp, coi đó là lẽ sinh tồn, là nhiệm vụ được ưu tiên số 1, để đào tạo nên những “công dân toàn cầu” - những công dân sống ở nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới, nhưng có thể cùng kết nối, chia sẻ tri thức, hỗ trợ nhau, cùng nhau làm việc cho các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia.
Muốn vậy, chúng tôi phải xây dựng mô hình đào tạo gắn với thực tiễn và đồng hành với các doanh nghiệp, xây dựng chuẩn đầu ra về trình độ ngoại ngữ, kỹ năng, tư duy đổi mới sáng tạo, để sinh viên ngay từ năm thứ nhất đã thấu hiểu và có khả năng xây dựng kế hoạch, quản trị thời gian, học tập, rèn luyện; nâng tỷ lệ sinh viên trong thời gian học tập có thể thành lập các trung tâm, học viện, doanh nghiệp trong nhà trường lên 5%/năm; đào tạo năng lực làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia; có cơ hội học nâng cao lên thạc sĩ, tiến sĩ…
Nhà trường ưu tiên liên kết, phối hợp với các trường quốc tế để thực hiện mô hình giáo dục tại chỗ, “xuất khẩu tại chỗ”, cấp bằng quốc tế tại Việt Nam, phát huy tiềm năng và quan hệ với nhiều cơ sở giáo dục phổ thông, dạy nghề, đại học trên khắp thế giới. Mô hình này của Hệ thống giáo dục Nguyễn Trãi giúp sinh viên được học với sinh viên quốc tế, được học ở nhiều trường, nhiều nước, khích lệ sự hăng say học tập, nghiên cứu, sáng tạo, khởi nghiệp của sinh viên…
Kinh nghiệm gần 30 năm tư vấn du học, đã gửi hơn 60.000 du học sinh trong nước tới hơn 20 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới của chủ sở hữu Trường đại học Nguyễn Trãi - Công ty Ladeco - chính là nền tảng quan trọng và hữu ích để nhà trường thực hiện mục tiêu đó.
Nhìn từ góc độ chính sách, môi trường giáo dục - đào tạo thì sao, thưa ông?
Trước tiên, về mặt quản lý, Nhà nước cần tin tưởng nhà trường, nhất là các trường ngoài công lập, giao cho nhà trường quyền tự chủ hơn, thực hiện theo quy định của pháp luật, nếu có bất cập, nhà trường chủ động đưa ra những giải pháp tích cực để đạt được mục tiêu đào tạo “công dân toàn cầu” cho các tập đoàn đa quốc gia. Mô hình giáo dục gắn với doanh nghiệp, đồng hành cùng doanh nghiệp như vậy cần nhiều giảng viên có trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ đến từ các doanh nghiệp, do đó, không nên áp đặt quá “cứng” về tỷ lệ đội ngũ giáo viên cơ hữu, tỷ lệ giáo viên thỉnh giảng.
Ngược lại, doanh nghiệp cũng được hưởng lợi rất nhiều từ mô hình đào tạo kép này, khi sớm định hướng, lựa chọn được những nhân sự tốt, không mất thời gian đào tạo lại khi tuyển dụng sinh viên ra trường như thực trạng phổ biến hiện nay.
Về mặt chính sách, hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam cần được Đảng và Chính phủ tiếp tục đặt ưu tiên là số một, là quốc sách, với những chính sách đồng bộ, thiết thực. Trường công lập và ngoài công lập cần được bình đẳng, như về đất đai, trường ngoài công lập cũng cần được giao đất lâu dài, không phải đóng bất kỳ khoản phí nào; ngoài việc hỗ trợ giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính cần được tiến hành không quá 3 năm để giao đất và hạ tầng kỹ thuật vào tới công trình. Hay về vốn vay, cần có những ưu đãi phù hợp cho nhà đầu tư giáo dục, như mức lãi vay từ 3 - 4%/năm, thời hạn vay tối thiểu 10 đến 20 năm; lãi vay đối với nhà giáo dục, học sinh, sinh viên khoảng 2%/năm… Những chính sách như vậy sẽ khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp làm giáo dục - đào tạo.
Vậy đội ngũ lãnh đạo Trường đại học Nguyễn Trãi đã và đang làm gì để có thể thực hiện mục tiêu đó, thưa ông?
Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng “Quốc gia khởi nghiệp” và dựa trên nền tảng hoạt động gần 30 năm (1992 - 2021) của Công ty Ladeco, chúng tôi đang nỗ lực trong từng công việc.
Ladeco là chủ đầu tư Trường THCS - THPT Hà Thành, Trường cao đẳng Nghề Nguyễn Trãi, Trường đại học Nguyễn Trãi. Cả hệ thống này đang ấp ủ đam mê, khát vọng sáng tạo, đầu tư trí tuệ, tài sản cho dự án tương lai xây dựng “Khu đô thị Đại học thông minh quốc tế Nguyễn Trãi” để đào tạo “công dân toàn cầu”, thu hút làn sóng khởi nghiệp trong giới trẻ Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài, người nước ngoài yêu mến Việt Nam, cùng giới trẻ trong nước.
Dự án sẽ đón khoảng 650 doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp, 20.000 - 30.000 người sinh sống, học tập, làm việc, nghiên cứu khoa học; thu hút các trường đào tạo hàng đầu thế giới, các nhà đầu tư công nghệ, nguồn nhân lực quốc tế, lan tỏa phát triển công nghệ cho đất nước trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Ngày 4/12/2020, chủ đầu tư đã kiến nghị và cam kết với Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh về việc phát triển “Khu đô thị Đại học thông minh quốc tế Nguyễn Trãi”, với 3 hệ sinh thái. Một là, hệ sinh thái giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực chất lượng quốc tế; hai là, hệ sinh thái nghiên cứu, phát triển ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, đổi mới sáng tạo; ba là, hệ sinh thái hạ tầng, đô thị thông minh, dịch vụ y tế, tài chính; tích tụ các giá trị văn hiến, văn hóa Việt Nam, giao lưu văn hóa quốc tế.
Chúng tôi cũng kỳ vọng, Dự án Khu đô thị Đại học thông minh quốc tế Nguyễn Trãi sớm được thực hiện sẽ góp phần giữ lại và thu hút thêm một lượng ngoại tệ cho Hà Nội với mô hình du học tại chỗ, xuất khẩu lao động tại chỗ, cấp bằng quốc tế tại Việt Nam. Đồng thời, việc thu hút nhân lực chất lượng cao từ các quốc gia phát triển trên thế giới về làm việc, kết hợp đào tạo được nguồn nhân lực có hàm lượng chất xám cao về lĩnh vực khoa học - công nghệ, tài chính, đầu tư, Dự án sẽ trở thành một điểm sáng về khởi nghiệp, sáng tạo của Thủ đô, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội quận Hà Đông, TP. Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.
Nhà trường rất kỳ vọng, mô hình “trường đại học nằm trong Khu đô thị Đại học thông minh quốc tế” có thể được thí điểm và nhân rộng.