KCN Hiệp Phước áp dụng nhiều mô hình cộng sinh, mang lại lợi ích lớn về kinh tế và môi trường |
“Trái ngọt” từ cộng sinh công nghiệp
KCN Nam Cầu Kiền (Hải Phòng) không nằm trong danh sách các KCN tham gia Dự án “Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu”, nhưng ngay từ khi hình thành đã được chủ đầu tư - Công ty cổ phần Shinec - định vị sẽ là KCN sinh thái.
Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec cho biết, tại KCN Nam Cầu Kiền có 3 chuỗi cộng sinh công nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn, gồm: ngành luyện kim - cơ khí; nhựa và các sản phẩm từ nhựa; phụ trợ điện - điện tử.
Trước đây, khi sản xuất thép thành phẩm, đơn vị sản xuất phải mang xỉ thép đi xử lý với mức chi phí không nhỏ, thì nay, với chuỗi cộng sinh công nghiệp, họ bán xỉ thép và có thêm nguồn thu. Đơn vị thu mua xỉ thép mang xử lý ở nhiệt độ cao, phân tách ra các loại nguyên liệu để bán cho các nhà máy dùng sản xuất nam châm, chất phụ gia sản xuất xi măng...
Nguồn nước thải được thu gom về nhà máy xử lý nước thải tập trung trong KCN, sau đó tái tạo để nuôi các loài thủy sản, thủy sinh, dùng tưới cây, rửa trang thiết bị, dụng cụ trong các nhà máy, rửa đường, làm mát lò hơi, phòng cháy, chữa cháy…
Theo ông Điệp, nhờ có hoạt động kết nối cộng sinh, mà các doanh nghiệp trong KCN giảm bớt gánh nặng trong việc tìm kiếm nguyên liệu và đầu ra cho sản phẩm.
Tại các KCN Deep C (Hải Phòng), Amata (Đồng Nai) và Hiệp Phước (TP.HCM), việc áp dụng mô hình cộng sinh công nghiệp đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội và môi trường.
Chẳng hạn, tại KCN Deep C, việc áp dụng mô hình cộng sinh công nghiệp, sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP) đã mang lại lợi ích kinh tế khoảng 7,6 tỷ đồng. Trong đó, giảm tiêu thụ điện hơn 1.600 MWh/năm, giảm tiêu thụ nước hơn 75.700 m3/năm…, nhờ đó giảm phát thải gần 1.500 tấn CO2/năm. Riêng doanh thu bán nước từ việc áp dụng tuần hoàn tái sử dụng nước tại KCN này đã mang về 17,7 tỷ đồng mỗi năm.
Đặc biệt, tại KCN Hiệp Phước, việc áp dụng mô hình này mang lại lợi ích kinh tế gần 24 tỷ đồng mỗi năm, nhờ giảm tiêu thụ điện 7.000 MWh/năm, giảm tiêu thụ nước gần 160.000 m3/năm…, từ đó giảm phát thải gần 6.000 tấn CO2/năm.
Ông Giang Ngọc Phương, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần KCN Hiệp Phước cho biết, việc chuyển đổi từ KCN truyền thống sang KCN sinh thái đã tiết giảm sử dụng năng lượng, tiết giảm sử dụng nước sạch, giảm phát thải ra môi trường, tuần hoàn nhiều hơn và giúp doanh nghiệp giảm chi phí trong quá trình sản xuất.
Cần thêm trợ lực
Theo các chuyên gia, cộng sinh công nghiệp hiệu quả là một trong những điều kiện cần để triển khai KCN sinh thái, nhất là sau khi Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý KCN và khu kinh tế được ban hành, đã đưa ra các định nghĩa rõ hơn về khu chế xuất, KCN hỗ trợ, KCN sinh thái, KCN công nghệ cao…
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện còn nhiều vướng mắc. Để được công nhận là KCN sinh thái, các doanh nghiệp trong KCN phải tham gia hoạt động sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên, liên kết, hợp tác sản xuất để thực hiện các hoạt động cộng sinh công nghiệp. Nhưng, quá trình này không hề dễ dàng.
Các doanh nghiệp cho biết, hiện vẫn chưa có chính sách hỗ trợ về thuế thu nhập doanh nghiệp nếu doanh nghiệp đạt được chứng nhận doanh nghiệp sinh thái; chưa có chính sách ưu đãi về thuế đối với công ty hạ tầng để khuyến khích họ xây dựng KCN sinh thái.
Chưa kể, các văn bản dưới luật còn chồng chéo trong quy định về tái sử dụng chất thải công nghiệp. Nhiều doanh nghiệp thấy phát sinh chi phí, nên ngần ngại tham gia.
Trong quá trình tư vấn cho doanh nghiệp, chuyên gia hóa chất và môi trường Nguyễn Thị Kim Liên đánh giá, tiềm năng cộng sinh công nghiệp ở các KCN Việt Nam là rất lớn, song pháp lý và chính sách đang là rào cản.
Theo bà Liên, chính sách hiện nay thiếu khuyến khích về tài chính và kinh tế cho doanh nghiệp thực hiện cộng sinh công nghiệp năng lượng tái tạo; thủ tục đầu tư dự án năng lượng tái tạo còn phức tạp, thiếu chính sách hỗ trợ… Đặc biệt, trong lĩnh vực tái sử dụng và tái chế chất thải, chính sách cũng chưa đủ mạnh để phát triển thị trường sản phẩm tái chế.
Một số doanh nghiệp đã phản ánh, họ gặp khó khi muốn đưa chất thải ra bên ngoài công ty để cung cấp cho đơn vị khác, bởi quy định là chất thải phải được xử lý trước khi đưa ra ngoài. Ngoài ra, nếu muốn tái sử dụng nước thải sau xử lý, hiện cũng chưa có hướng dẫn và quy chuẩn kỹ thuật để dùng nước này cho việc tưới cây và làm nước đầu vào cho doanh nghiệp...
Các chuyên gia cho rằng, cộng sinh công nghiệp là yêu cầu đối với KCN sinh thái, là phần không thể tách rời của các mô hình kinh tế tuần hoàn. Do vậy, cần sớm hoàn thiện chính sách để thúc đẩy cộng sinh công nghiệp trong thời gian tới.