Để phát huy tiềm năng lớn của các nguồn năng lượng tái tạo, như điện gió, điện mặt trời, cần có cơ chế đồng bộ và khả thi. Ảnh: Đức Thanh |
Xây khung, tạo nền
Chiều 30/11/2024, Luật Điện lực sửa đổi đã được biểu quyết thông qua với 439 đại biểu tán thành, chiếm 91,65% tổng số đại biểu Quốc hội.
Như vậy, chỉ trong một kỳ họp Quốc hội, một bộ luật quan trọng, liên quan đến việc cấp điện cho nền kinh tế cũng như an ninh năng lượng quốc gia đã được thảo luận và thông qua.
Khi phân tích thực tế đầu tư vào ngành điện, Bộ trưởng Bộ Công thương, ông Nguyễn Hồng Diên cũng nhắc tới “đòi hỏi cấp bách về tăng trưởng điện năng theo Quy hoạch Điện VIII”. Đó là hiện nay, tổng công suất của hệ thống khoảng 80.000 MW, nhưng năm 2030 (còn khoảng 5 năm nữa) phải đạt tối thiểu 150.524 MW, tức là gần gấp hai lần tổng công suất hiện tại. Xa hơn, đến năm 2050, tức là còn 25 năm nữa, phải đạt gấp 5 lần hiện nay, tương đương mức 530.000 MW trên phạm vi toàn quốc”.
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương, việc đòi hỏi phát triển nguồn điện lớn như vậy mà không có những cơ chế bảo đảm, thông thoáng, thì rõ ràng không thể thực hiện được.
Nhắc tới nhiều loại hình nguồn điện có tiềm năng lớn ở trong nước như năng lượng tái tạo (điện mặt trời và điện gió) ở rất nhiều địa phương nếu không có cơ chế đồng bộ, khả thi, thì phát triển lên một chút sẽ tiếp tục bị vướng mắc, ông Diên cũng cho rằng, thiết kế lại đồng bộ và ưu tiên những công trình về điện phải thực hiện theo Luật Điện lực.
Sửa đổi Luật Điện lực cũng được kỳ vọng là giải pháp căn cơ, nhằm tạo ra sự đột phá về hạ tầng năng lượng, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, nhất là khi một số nhà đầu tư đã tính toán, với tốc độ phát triển như hiện nay, Việt Nam có nguy cơ thiếu điện, nên đã cân nhắc có đầu tư vào Việt Nam hay không”.
Việc sửa Luật Điện lực, bên cạnh mục tiêu đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời gian tới, cũng chú trọng ưu tiên phát triển điện sạch, phấn đấu đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và sự hài hoà trong truyền tải điện giữa các vùng, miền trên cả nước.
Không chỉ là sửa Luật Điện lực, kỳ họp Quốc hội cuối năm 2024 cũng đã có nghị quyết đồng ý tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận theo đề nghị của Chính phủ.
Đây cũng là nguồn điện được kỳ vọng đáp ứng nhiệm vụ kép, vừa cung cấp điện nền, vừa bảo vệ môi trường. Bên cạnh đa dạng hóa nguồn cung cấp điện, bảo đảm an ninh năng lượng, điện hạt nhân cũng được mong đợi góp phần giúp phát triển nhân lực chất lượng cao, nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia, tham gia chuỗi cung ứng công nghiệp điện hạt nhân.
Việc thông qua Luật Điện lực sửa đổi và Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/2/2025, hay những động thái mới về điện hạt nhân, cũng cho thấy quyết tâm của các cấp lãnh đạo trong việc tháo gỡ cũng như không để các điểm nghẽn trở thành rào cản trong việc thu hút, phát huy các nguồn lực trong nước và nước ngoài, đưa thể chế thực sự trở thành động lực mới cho tăng trưởng và phát triển của đất nước.
Đổi mới cách làm
Có tổng chiều dài 519 km, đi qua 211 xã/phường của 43 huyện thuộc 9 tỉnh, với tổng mức đầu tư hơn 22.300 tỷ đồng, Đường dây 500 kV mạch 3 được xác định là công trình có ý nghĩa quan trọng để nâng cao sự ổn định vận hành hệ thống điện, tăng cường cấp điện cho miền Bắc ngay năm 2024 và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, của Chính phủ, sự quan tâm, ủng hộ của các bộ, ngành, địa phương và người dân, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) đã quyết tâm, nỗ lực hoàn thành đóng điện Dự án đường dây 500 kV mạch 3 sau hơn 6 tháng thi công.
Khác với Đường dây 500 kV mạch 1 được triển khai đầu tư xây dựng bằng tinh thần dám làm, dám chịu trách nhiệm, hay Đường dây 500 kV mạch 2 bằng tinh thần phát huy nội lực, khả năng tự cường dân tộc, Dự án đường dây 500 kV mạch 3 được triển khai trên tinh thần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị.
Có thể thấy rõ, Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp, người dân đã chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, đổi mới cách làm để đưa Dự án về đích đúng tiến độ.
Rất nhiều kỳ tích đã xuất hiện trong quá trình chuẩn bị và thi công dự án, như thời gian lập và trình duyệt chủ trương đầu tư/điều chỉnh chủ trương đầu tư chỉ gần 5 tháng, ngắn hơn các dự án có quy mô tương tự từ 1,5 đến 2 năm.
Dù có tới 226 gói thầu các loại, nhưng EVNNPT/các ban quản lý dự án đã tập trung mọi nhân lực có chuyên môn, kinh nghiệm tổ chức xét thầu ngày đêm, không có ngày nghỉ. Kết quả là, hoàn thành công tác lựa chọn các nhà thầu trong khoảng 60 ngày.
Đáng nói nhất là, công tác giải phóng mặt bằng vào loại nhanh kỷ lục, dù Dự án trải dài trên 9 tỉnh, tổng diện tích đất thu hồi khoảng 183 ha, có tới 5.248 hộ dân và 96 tổ chức bị ảnh hưởng, 167 hộ dân phải di dời tái định cư. Có được điều này là nhờ sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, sự vào cuộc của chính quyền địa phương 9 tỉnh và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân.
EVN/EVNNPT và các đơn vị thi công đã vượt qua vô vàn khó khăn, thách thức tưởng chừng như không thể vượt qua được, phát huy toàn bộ sức mạnh nội sinh với tinh thần đồng lòng quyết tâm để băng qua các chướng ngại vật.
Khẩu hiệu “3 ca 4 kíp”, “vượt nắng, thắng mưa”, “không thua bão gió”, “xuyên lễ/Tết/ngày nghỉ” nhằm đưa công trình về đích theo đúng tiến độ của Thủ tướng được các lực lượng liên quan đồng lòng thực hiện trên toàn công trường.
Ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch HĐTV EVN cho hay, từ những kết quả đã đạt được, những bài học quý được rút ra trong quá trình đầu tư xây dựng công trình Đường dây 500 kV mạch 3, EVN đã xác định được cho mình phương hướng, cách thức để thực hiện công tác đầu tư xây dựng các dự án, công trình trọng điểm khác trong thời gian tới được tốt hơn - nhanh hơn - hiệu quả và an toàn hơn, đặc biệt là các dự án được giao trong Quy hoạch Điện VIII.
Đó là tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó; phân công phải rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ kết quả, dễ kiểm tra, đôn đốc, đánh giá” để hoàn thành sứ mệnh “điện đi trước một bước”, đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống sinh hoạt của nhân dân.
Vẫn cần điểm nhấn cơ chế cụ thể
Dẫu vậy, để các nhà đầu tư, nhất là khối tư nhân trong và ngoài nước tham gia mạnh mẽ trong phát triển các dự án điện, thì cũng cần thêm các cơ chế chính sách cụ thể.
Bộ Công thương ngay trong những ngày cuối năm 2024 đã được yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc chậm trễ trình bổ sung cập nhật Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII - vấn đề đã được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải hoàn thành vào tháng 4/2024.
Tuy nhiên, ngay cả khi Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII lần 2 được ban hành kèm theo Danh mục cụ thể tên nhiều dự án, thì việc triển khai vẫn phải có các cơ chế rõ ràng hơn, cụ thể hơn.
Đây là kết luận từ thực tế triển khai đầy thách thức của đa phần dự án điện khí LNG đã có chủ đầu tư hay các dự án điện gió ngoài khơi được ghi trong Quy hoạch Điện VIII.
Có thể thấy rõ, mục tiêu có 6.000 MW điện gió ngoài khơi vào năm 2030, như Quy hoạch Điện VIII đặt ra là không khả thi. Ngay cả 23 dự án điện khí, với tổng công suất 30.424 MW được lên kế hoạch vào vận hành đến năm 2030 cũng nhìn thấy khả năng về đích chưa tới 20%.
Nguyên nhân có nhiều, nhưng mấu chốt vẫn là giá điện chưa được tính đúng, tính đủ các chi phí đầu vào của sản xuất và điều chỉnh theo biến động của giá cả thị trường, đồng thời đảm bảo lợi nhuận hợp lý cho từng khâu trong cả chuỗi dây chuyền.
Bởi vậy, việc đàm phán giá điện với EVN không tiến nhanh được, khiến các nhà đầu tư không mặn mà triển khai dự án vì không nhìn thấy lợi nhuận như mong đợi, dù cơ chế hiện nay cho phép khởi công triển khai dự án ngay cả khi chưa đàm phán xong giá điện.
Ở các dự án năng lượng tái tạo, câu chuyện hàng trăm dự án điện mặt trời và điện gió đang vận hành, nhưng được Thanh tra Chính phủ kết luận có các sai phạm trong quá trình đầu tư, dù hiện nay đã nhìn thấy rõ con đường cần phải đi để giải quyết vướng mắc, thì cũng rất khó đẩy nhanh.
Đã có những nhà đầu tư quan tâm tới năng lượng tái tạo cho hay, thời gian tới, để xuống tiền, sẽ phải nghiên cứu kỹ hơn vì chuyện phải đấu thầu chọn chủ đầu tư phức tạp, trong khi thời gian thực hiện dự án quá ngắn, giá bán điện thấp và được quy định bằng đồng Việt Nam, hay e ngại các chính sách liên quan vẫn có độ vênh.
Thậm chí, muốn đầu tư theo cơ chế mua bán điện trực tiếp với khách hàng lớn theo Nghị định 80/NĐ-CP hay điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu theo Nghị định 135/NĐ-CP cũng chưa được vì chưa có hướng dẫn cụ thể.
Ngay cả Luật Điện lực sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1/2/2025, cũng cần nhiều nghị định và văn bản hướng dẫn cụ thể.
Các hiện trạng này đòi hỏi các cơ chế chính sách để phát triển dự án điện phải nhanh chóng được hoàn chỉnh, rõ ràng hơn mới hấp dẫn các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào ngành điện rộng lớn hơn, cùng các doanh nghiệp nhà nước góp phần thực hiện được mục tiêu “Điện đi trước một bước”.