Du lịch
Tìm công thức thu hút khách quốc tế
Hồ Hạ - 24/03/2023 08:00
Làm thế nào để du khách quốc tế đến Việt Nam đông hơn, ở lâu hơn, chi nhiều tiền hơn? Đó là câu hỏi thường trực của những người làm du lịch, cơ quan quản lý ngành du lịch.

Tìm lời giải cho câu hỏi này không dễ, song nếu chia nhỏ từng vấn đề, không khó để tìm được một công thức.

Muốn du khách quốc tế tìm đến Việt Nam, trước tiên, phải xác định được nhóm khách hàng mục tiêu để xây dựng chiến lược quảng bá hiệu quả. Khi khách biết đến Việt Nam rồi, muốn họ đưa ra quyết định đi du lịch, cần khiến cho hành trình của họ dễ dàng hơn, trong đó miễn thị thực với những thủ tục nhập cảnh nhanh gọn là yếu tố quan trọng hàng đầu.

Trên thực tế, rất nhiều nước đã tạo được sức hấp dẫn nhờ chính sách visa thông thoáng. Ngay trong ASEAN, để thu hút các “ông trùm toàn cầu” hậu Covid-19, Malaysia ban hành chính sách “thị thực đặc biệt”, với thời hạn đến 20 năm khi du khách đáp ứng đủ các điều kiện về thu nhập. Bên cạnh đó, nước này còn miễn visa cho công dân 162 quốc gia. Năm 2022, Malaysia đón hơn 7 triệu lượt khách quốc tế, gấp đôi con số mà Việt Nam đạt được.

Singapore cũng tạo đòn bẩy với du lịch từ chính sách thị thực, với 162 nước được miễn visa, thủ tục cấp visa điện tử (e-visa) nhanh chóng, thời gian lưu trú lên đến 90 ngày và có thể gia hạn từ 30 đến 89 ngày. Đặc biệt, quốc đảo này còn có chính sách “visa tinh hoa” với thị thực có thời hạn 5 năm. Nhờ đó, năm 2022, tỷ lệ phục hồi du lịch của Singapore xấp xỉ 30%. Tỷ lệ này của Việt Nam là 18,1%.

Trong nỗ lực “tái sinh” ngành du lịch hậu Covid-19, Thái Lan nới thời gian lưu trú đến 45 ngày cho công dân 65 quốc gia; Philippines miễn thị thực cho 157 quốc gia… Trong khi đó, Việt Nam mới miễn thị thực cho 24 quốc gia, cấp visa điện tử cho 80 quốc gia, thời gian lưu trú thông thường khoảng 15 ngày và nhập cảnh 1 lần.

Rõ ràng, so với các “đối thủ trực tiếp” trong khu vực, Việt Nam thiếu cạnh tranh hơn rất nhiều và đây là một “điểm nghẽn” trong quá trình phục hồi ngành kinh tế xanh.

Không ít doanh nghiệp và du khách than rằng, họ khá mệt mỏi và thấy phiền hà với vấn đề visa tại Việt Nam. Chẳng hạn, du khách đến Việt Nam sau đó kết hợp thăm quan các nước Đông Nam Á và muốn quay lại “đất nước hình chữ S” để nghỉ ngơi trước khi về nước, nhưng do quá thời gian lưu trú 15 ngày, nên phải xin visa lần nữa. Cũng có khách dự định đến Việt Nam 20 ngày, nhưng thời gian lưu trú chỉ được 15 ngày, nên phải giảm xuống 7 - 14 ngày.

Do đó, điều cốt yếu để Việt Nam hấp dẫn du khách quốc tế là phải gỡ “nút thắt” visa. Trong đó, các chuyên gia, doanh nghiệp đều cho rằng, cần mở rộng danh sách quốc gia được miễn visa để kích cầu các thị trường có mức chi trả cao như các nước ở châu Âu, Australia, New Zealand, Canada. Đồng thời, kéo dài thời hạn visa lên 30 - 45 ngày và cho phép du khách quốc tế được phép nhập cảnh nhiều lần.

Thậm chí, với các thị trường có mức chi tiêu cao như Đức, Italia, Thụy Sĩ, Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển, hay khách hưu trí, cần có chính sách visa du lịch 3 tháng, 6 tháng, hay 1 năm, để họ sống trọn vẹn tại Việt Nam, ở lâu hơn, chi nhiều tiền hơn. Việc cấp visa điện tử cũng cần được mở rộng cho tất cả các quốc gia, với thủ tục đơn giản và nhanh chóng hơn. Đặc biệt, thủ tục visa tại chỗ cần được triển khai ngay để tạo sự thuận tiện cho du khách.

Ngoài ra, khách quốc tế đến Việt Nam sẽ vui hơn, giàu cảm xúc hơn, nếu có nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn, nhất là các dịch vụ giải trí về đêm. Vì thế, bên cạnh công tác quảng bá và chính sách visa, phát triển kinh tế đêm là điều cần thiết để níu chân cũng như tăng mức chi tiêu của du khách.

Nếu đến Việt Nam dễ dàng và có những trải nghiệm đáng nhớ, chắc chắn du khách quốc tế sẽ tìm đến “đất nước hình chữ S” đông hơn, ở lâu hơn, chi nhiều tiền hơn…

Tin liên quan
Tin khác