Người tiêu dùng sẵn sàng chi giá mức giá cao hơn 20% - 25%
Với quy mô ngày càng mở rộng, thị trường thực phẩm hữu cơ (organic) mở ra nhiều cơ hội lớn cho doanh nghiệp.
Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), phát triển nông nghiệp hữu cơ đang là xu hướng chung của nhiều quốc gia. Cụ thể, thế giới hiện có 50,9 triệu ha được canh tác hữu cơ và tiềm năng thị trường lên tới 81,6 tỷ USD.
Cũng theo báo cáo này, Việt Nam có 33/63 tỉnh, thành phố đã phát triển mô hình nông nghiệp hữu cơ, diện tích đạt hơn 76.600 ha, tăng gấp 3,6 lần so với năm 2010. Khoảng 60 tập đoàn, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ - lĩnh vực được xem là có nhiều thuận lợi để phát triển ở Việt Nam.
Trên thực tế, tiêu thụ thực phẩm hữu cơ đã trở thành một xu hướng mới ở Việt Nam. Thậm chí, trong vài năm trở lại đây, các sản phẩm hữu cơ đang tạo nên cơn sốt đối với một bộ phận người tiêu dùng. Rau, cá, thịt, hoa quả hữu cơ đều nằm trong danh sách thực phẩm được các bà nội trợ lựa chọn cho bữa ăn gia đình.
Theo báo cáo Chỉ số niềm tin người tiêu dùng quý I/2018 do Nielsen thực hiện, 37% người tiêu dùng Việt nói rằng sức khỏe là mối bận tâm lớn nhất của họ. Bên cạnh đó, 4 trong 5 người tiêu dùng cho thấy họ quan tâm sâu sắc đến những tác động lâu dài mà các phụ chất nhân tạo có thể gây ra (80%) và mong muốn biết rõ chất cấu tạo nên thức ăn họ sử dụng hàng ngày (76%).
Người tiêu dùng cũng thận trọng hơn trong việc tìm kiếm và sử dụng các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe. Họ ưu tiên sử dụng sản phẩm không chứa chất tạo màu, tạo mùi, bảo quản nhân tạo, ưu tiên lựa chọn thực phẩm không đường, ít chất béo...
Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR), người tiêu dùng sẵn sàng chi giá mức giá cao hơn 20% - 25% cho sản phẩm hữu cơ. Điều này cho thấy chất lượng cuộc sống và nhu cầu đòi hỏi sản phẩm sạch ngày càng được chú trọng hơn bao giờ hết.
Nhu cầu tăng cao khiến nguồn thực phẩm hữu cơ ngày càng trở nên phong phú, phổ biến. Thay vì hạn chế tính sẵn có với mức giá đắt đỏ, ngày nay, thực phẩm hữu cơ có giá cả phải chăng hơn, dễ dàng tìm thấy trên toàn thành phố, tại các gian hàng của siêu thị và cửa hàng tạp hóa trực tuyến.
Đối mặt với nhiều thách thức
Thị trường cũng có sự xuất hiện của nhiều nhà sản xuất, giúp người tiêu dùng có sự lựa chọn đa dạng hơn.
Nắm bắt được điều đó, Vietfood & Beverage - Propack Vietnam 2019 đã phát triển khu gian hàng Thực phẩm Hữu cơ và nguồn gốc tự nhiên (Organic & Natural Food) gồm các doanh nghiệp trong nước và quốc tế đến từ Hàn Quốc, Malaysia, Cộng hòa Séc... Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp nước ngoài hợp tác đầu tư sản xuất tại các khu công nghiệp, tìm kiếm đối tác phân phối, các đại lý lớn nhỏ tại Việt Nam.
-Triển lãm quy tụ 650 gian hàng của 550 doanh nghiệp đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trở lại đầy mạnh mẽ, bùng nổ với quy mô lên đến 15,000 m2.
-8 khu gian hàng quốc gia và vùng lãnh thổ: Ấn Độ, Ba Lan, Đài Loan, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam.
-Khu gian hàng Việt Nam có lộ diện các tên tuổi như: Vissan, Yilin Việt Nam, Dừa Lương Qưới, Thực phẩm Á Châu, DH Food, Yến Sào Khánh Hòa, Thực phẩm Sa Giang, Trà Chính Sơn, NOSAFOOD, Nhựa Duy Tân, Cao su Việt, Liksin, Sabeco, Habeco, Coca-Cola Việt Nam…
Tuy nhiên, tại đây giới chuyên môn cũng kỳ vọng tìm ra những yếu tố nhằm kích thích các doanh nghiệp trong nước thích nghi để hòa vào “sân chơi” thương mại chung của ngành mới nhưng đầy tiềm năng này.
Tiêu chuẩn sản xuất thực phẩm hữu cơ Organic được xem là tiêu chuẩn chất lượng khắt khe nhất và cao cấp nhất trên thế giới vì quy trình sản xuất tuân theo các quy định vô cùng nghiêm ngặt, đòi hỏi sự đầu tư xứng tầm.
Hiện thị trường này hiện chỉ có những “tay chơi lớn” mới đủ “cơ” bắt kịp xu hướng, nhanh chóng nhập cuộc và so kè nhau. Trong đó Vinamilk, TH True Milk, Vineco.. là những tên tuổi điển hình. Còn lại các tên tuổi nhỏ lẻ làm chuyên biệt về sản phẩm organic thì chỉ đếm trên đầu ngón tay và đáp ứng được rất ít bộ phận tiêu dùng giàu có.
Theo giới chuyên môn, thị trường này tại Việt Nam hiện đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Minh chứng là chưa có hệ thống tiêu chuẩn chứng nhận và đánh giá rõ ràng; chi phí đầu tư và giá thành cao; khó khăn trong việc mở rộng chuỗi cung ứng nuôi trồng - sản xuất và phân phối; tài nguyên đất hạn chế về số lượng và chất lượng. Ngoài ra các yếu tố về trình độ lao động kỹ thuật canh tác hữu cơ thấp và hạn chế trong việc ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp hữu cơ cũng là những trở ngại lớn