Hội thảo khoa học đã thu hút khoảng 100 đại biểu là nhà khoa học, các chuyên gia môi trường, lãnh đạo sở, ban ngành trên địa bàn Thành phố quan tâm tham dự, với mong muốn có những đóng góp hữu ích, phù hợp trước nhu cầu về nước ngọt cho TP. Hải Phòng.
Quang cảnh hội thảo “Bảo vệ nguồn nước ngọt thành phố Hải Phòng - Thực trạng, thách thức và giải pháp |
Tại Hải Phòng, với vị trí nằm ở vùng duyên hải hạ lưu của hệ thống sông Thái Bình thuộc đồng bằng sông Hồng, nguồn nước thô tại Hải Phòng chủ yếu được lấy từ hệ thống Sông Rế; sông Đa Độ; sông Giá; Kênh Tân Hưng Hồng; Kênh Chanh Dương Ba Đồng, Bạch Đà; Nguồn nước khu vực Cát Bà, Bạch Long Vĩ.
Đây là các nguồn nước chính phục vụ cho cấp nước sinh hoạt của thành phố. Các công trình thủy lợi trên địa bàn TP. Hải Phòng gồm Hệ thống thủy lợi Vĩnh Bảo, Hệ thống thủy lợi Tiên Lãng, Hệ thống thủy lợi Đa Độ, Hệ thống thủy lợi An Hải, hệ thống thủy lợi Thủy Nguyên và hệ thống thủy lợi trên huyện đảo Cát Hải.
Hệ thống sông thủy lợi chính cung cấp nguồn nước thô tại TP. Hải Phòng |
Hiện tại, tổng lượng nước có thể khai thác trên địa bàn toàn Thành phố là 716 triệu m3/năm. Trong đó, lượng nước mặt ứng với tần suất 85% là 546 triệu m3/năm; lượng nước dưới đất là 170 triệu m3/năm. Các công trình thủy lợi đang phục vụ tưới, tiêu cho gần 100.000 ha diện tích nông nghiệp và thủy sản, cung cấp trên 90 triệu m3 nước thô mỗi năm cho các nhà máy sản xuất nước sạch trên địa bàn Thành phố.
Phát biểu tại hội thảo, ông Bùi Thanh Tùng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP. Hải Phòng cho biết: “Trong những năm qua, do tác động của biến đổi khí hậu, sự suy giảm về lượng, hiện tượng xâm nhập mặn đối với nguồn nước ngọt và tình trạng ô nhiễm nguồn nước trên các hệ thống sông, rạch, ao, hồ đang có xu hướng gia tăng và có nguy cơ báo động. Chất lượng nước nguồn thay đổi và suy giảm theo từng năm. Một số nguồn nước có số lượng mẫu đạt quy chuẩn thấp, các chỉ số ô nhiễm tăng cao”.
Ông Bùi Thanh Tùng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Hải Phòng phát biểu khai mạc Hội thảo |
Bên cạnh đó, nguyên nhân ô nhiễm xuất phát do nhiều yếu tố như từ nước thải công nghiệp không qua xử lý xả, nước thải sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, bãi chôn lấp rác thải, các công trình xây dựng lần chiếm bờ sông, các sự cố tràn dầu do thi công, các phương tiện thủy, ý thức con người, biến đổi khí hậu, rác thải, nước thải thượng nguồn đổ về.
Theo ông Tùng, rất nhiều nguồn ô nhiễm trên đã khiến cho tình trạng suy thoái chất lượng nguồn nước diễn ra ở nhiều khu vực và đe dọa an ninh nguồn nước quốc gia. Từ đó, làm ảnh hưởng tới đời sống nhân dân và việc cung cấp đủ, đảm bảo chất lượng nước thô phục vụ cho sản xuất nước sạch sinh hoạt cũng như các nhu cầu cấp nước phục vụ sản xuất, dịch vụ trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Thực hiện Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về Bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập và hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, UBND TP. Hải Phòng đã triển khai nhiều giải pháp như: Bố trí kinh phí đầu tư xây dựng công trình chuyển hướng tiêu thoát nước từ các kênh cấp 1 không cho xả vào nguồn nước sông Đa Độ, sông Rế và sông Giá. Ban hành các Phương án về phòng chống hạn và xâm nhập mặn, phục vụ dân sinh, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn và bảo vệ nguồn nước sông Giá, sông Đa Độ. Thực hiện việc cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước đặc biệt các nguồn nước cung cấp chủ yếu cho các nhà máy nước sạch nông thôn.
Nêu những vấn đề cấp thiết trong vấn đề bảo đảm chất lượng nguồn nước tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Việt, Cục Thủy lợi Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Chất lượng nước là một trong những yếu tố cơ bản của nguồn nước, có tác động trực tiếp đến hệ sinh thái thuỷ sinh, sức khoẻ cộng đồng và khả năng khai thác, sử dụng nước cho phát triển. Theo thống kê, nước thải sinh hoạt hiện chiếm hơn 30% tổng lượng nước thải trực tiếp ra môi trường, nhưng mức độ thu gom và xử lý còn rất thấp. Hệ thống thoát nước đô thị chủ yếu dùng chung cho cả thoát nước thải và nước mưa là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn trong việc thu gom, xử lý nước thải tập trung tại các khu đô thị hiện nay. Thời gian gần đây, công trình xử lý nước thải đô thị tập trung đã được quan tâm đầu tư, tuy nhiên chưa đáp ứng yêu cầu.
Ông Nguyễn Đức Việt, Cục Thủy lợi Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu những vấn đề cấp thiết trong vấn đề bảo đảm chất lượng nguồn nước tại Hội thảo |
Tại hội thảo, ông Cao Văn Quý, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Hải Phòng chia sẻ: Hiện nay, Hải Phòng đang đối mặt với tình trạng nguồn nước thô ngày càng suy giảm về chất lượng, trữ lượng, xâm nhập mặn gia tăng do biến đổi khí hậu... Từ đó, đòi hỏi phải nghiên cứu các giải pháp bảo vệ và cải thiện nguồn nước thô, ứng dụng các công nghệ xử lý nước mới thích ứng với biến động bất lợi của nguồn nước như công nghệ lọc màng, sử dụng Ozone, xử lý nước nhiễm mặn cũng như tiếp tục cải tiến nâng cao hiệu suất của công nghệ uBCF tại thực tế Hải Phòng.
Ông Cao Văn Quý, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Hải Phòng trình bày tham luận tại Hội thảo |
“Công ty đã thực hiện một số giải pháp bảo vệ nguồn nước như lắp đặt sensor cảnh báo mức độ xâm nhập mặn, lắp đặt hệ thống phao chắn dầu, chủ động tuần tra, kiểm tra các chỉ số ô nhiễm, trạm đo nước mặt tự động, lắp đặt thiết bị quan trắc online, nuôi cá để làm chỉ thị sinh học, hệ thống Scada tự động hóa các nhà máy. Hiện đang tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng một số giải pháp tiếp theo như sử dụng hợp lý hóa chất Clo – thuốc tím - than hoạt tính bột xử lý nước trong trường hợp các chất ô nhiễm tăng cao, sản xuất cát bọc mangan để xử lý mangan”, ông Quý thông tin.
Kết luận hội thảo, ông Bùi Thanh Tùng cho biết, tất cả các ý kiến đóng góp sẽ được tổng hợp làm cơ sở khoa học đề xuất các giải pháp nhằm bảo vệ nguồn nước ngọt thành phố theo tinh thần mục tiêu đề ra của Bộ chính trị tại Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 về Bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập và hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.