Thống nhất đo lường
Mềm mỏng, nhưng quyết liệt là quan điểm xuyên suốt liên quan đến việc kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo trong hoạt động kiểm định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tại Văn bản số 3731/BKHCN - TĐC vừa được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) gửi Văn phòng Chính phủ vào đầu tuần này.
Cần nói thêm rằng, quan ngại về nguy cơ “một cổ, hai tròng” trong việc kiểm định các thiết bị đo lường chuyên dùng phục vụ đăng kiểm xe cơ giới bắt đầu xuất hiện sau khi Bộ KH&CN lấy ý kiến về Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN ngày 26/9/2013 của Bộ KH&CN quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2.
Đã có hơn 320 doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn các loại phương tiện |
Bắt đầu từ cuối tháng 8/2017, các trung tâm đăng kiểm trên khắp cả nước đã ký đơn tập thể gửi Thủ tướng Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam kiến nghị bỏ nội dung liên quan đến việc kiểm định, hiệu chuẩn các bộ phận, thiết bị trong dây chuyền kiểm định xe cơ giới tại dự thảo Thông tư.
Theo đề xuất của Bộ KH&CN, sẽ có thêm 10 loại thiết bị thuộc lĩnh vực đăng kiểm xe cơ giới được đưa vào phương tiện đo nhóm 2, trong đó có nhiều thiết bị đặc chủng, chuyên ngành như đo chiều cao hoa lốp xe cơ giới; đo độ rơ góc của vô lăng lái xe cơ giới; đo độ trượt ngang của bánh xe trong dây chuyền kiểm định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; đo kiểm tra lực phanh xe cơ giới trong dây chuyền kiểm định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Tuy nhiên, các đơn vị đăng kiểm lại cho rằng, việc đưa phương tiện đo sử dụng trong hoạt động đăng kiểm vào Danh mục Phương tiện đo nhóm 2 là không cần thiết, gây chồng chéo giữa các cơ quan quản lý Nhà nước.
Trong Văn bản số 3731 do Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng ký, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đo lường, kiểm định khẳng định: hoàn toàn không có sự chồng chéo trong quản lý nhà nước về đo lường đối với các phương tiện đo.
Dẫn chiếu điều 53 và điều 54, Luật Đo lường, Bộ KH&CN cho biết, bộ này có chức năng thống nhất quản lý nhà nước về đo lường trên phạm vi cả nước. Bên cạnh đó, điều 55, Luật Đo lường cũng quy định các bộ và cơ quan ngang bộ có trách nhiệm phối hợp, đề xuất phương tiện đo nhóm 2 để Bộ KH&CN ban hành và thống nhất biện pháp quản lý nhằm đảm bảo kết quả đo chính xác và thống nhất để sử dụng ở mọi nơi, mọi lúc, trong mọi lĩnh vực. Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân chỉ cần lựa chọn phương tiện đo có độ chính xác phù hơp đã được kiểm định, hiệu chuẩn để sử dụng cho công việc của mình.
“Quan điểm phương tiện đo sử dụng ở bộ, ngành nào giao cho bộ, ngành đó quản sẽ gây ra chồng chéo, lãng phí, đặc biệt không đảm bảo tính thống nhất, chính xác và phiền hà cho người dùng”, lãnh đạo Bộ KH&CN khẳng định.
Nếu thực hiện theo quan điểm trên, 1 phương tiện đo nồng độ khí thải xe cơ giới khi được sử dụng trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính của các lực lượng chức năng thi phải được kiểm định, hiệu chuẩn để đáp ứng yêu cầu quy định của Bộ Công an, nhưng nếu phương tiện đo này được chuyển sang sử dụng trong hoạt động đăng kiểm thì lại phải được kiểm định, hiệu chuẩn lại để đáp ứng yêu cầu quy định của Bộ Giao thông – Vận tải. “Như vậy mới gây chồng chéo, lãng phí và phiền hà cho người sử dụng”, Bộ KH&CN cho biết.
Được biết, quan điểm về hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo, chuẩn đo lường phải được thống nhất quản lý này đã nhận được sự thống nhất cao của đại diện Bộ Tư pháp, Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tại cuộc họp góp ý dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23 mang tính đối thoại giữa các bên do Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng tổ chức vào ngày 26/9/2017.
Cũng tại cuộc họp này, đại diện Bộ KH&CN và Bộ Công an tiếp tục giữ quan điểm đưa các phương tiện đo này vào dự thảo Danh mục phương tiện đo nhóm 2.
Bác nguy cơ treo thiết bị
Trước đó, tại cuộc họp do Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng tổ chức tại Hà Nội hôm 26/9, đại diện cơ quan soạn thảo cho biết là “sẽ ghi nhận những góp ý của các doanh nghiệp đăng kiểm”.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, nếu Bộ KH&CN tiếp tục bảo lưu quan điểm thì quy định này rất có thể làm ngưng trệ toàn bộ hoạt động kiểm định xe cơ giới của đơn vị và ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp vận tải và người dân địa phương.
Ông Nguyễn Trọng Hưng, Phó giám đốc Trung tâm Đăng kiểm phương tiện giao thông - vận tải Tuyên Quang cho biết, đơn vị đang cung cấp dịch vụ công, nên không thể năm nào cũng dừng kiểm định để tháo thiết bị vận chuyển về Hà Nội để kiểm định thiết bị. “Tuyên Quang cách Hà Nội cả trăm kilômét, bên cạnh việc tháo, lắp thiết bị cồng kềnh làm phát sinh chi phí, còn dễ gây hư hỏng thiết bị”, ông Hưng lo ngại.
Khẳng định lo ngại trên là không có cơ sở, tại Văn bản số 3731, Bộ KH&CN cho rằng, các phương tiện đo sử dụng trong hoạt động đăng kiểm chỉ là một phần thiết bị trong toàn bộ dây chuyền đăng kiểm và tương tự như các phương tiện đo trong các dây chuyền sản xuất lớn, đồng bộ ví dụ như tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn...
Từ nhiều năm nay, các phương tiện đo của các cơ sở nêu trên vẫn được kiểm định, hiệu chuẩn theo đúng quy định pháp luật về đo lường mà không phải tháo rời và không ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Trong khi đó, dây chuyền tại các đơn vị đăng kiểm đơn giản hơn nhiều so với dây chuyền sản xuất đồng bộ tại các cơ sở này.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN, các phương tiện đo sử dụng trong hoạt động đăng kiểm được kiểm định, hiệu chuẩn tại chỗ, không phải tháo rời, không gây ảnh hưởng, ngưng trệ hoạt động của đơn vị.
Liên quan đến chi phí kiểm định, theo Bộ KH&CN, hiện hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo đã được xã hội hóa; quy định về phí kiếm định phương tiện đo đã được bãi bỏ, chi phí kiểm định, hiệu chuẩn được xác định theo quy định của pháp luật về giá. Hiện có khoảng 80 doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đáp ứng đủ các điều kiện quy định tham gia cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn các phương tiện đo khác nhau sử dụng trong hoạt động đãng kiểm.
“Các đơn vị đăng kiểm cần lựa chọn tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo có giá dịch vụ phù hợp, có chất lượng đảm bảo để thực hiện việc kiểm định, hiệu chuẩn”, Bộ KH&CN nêu hướng dẫn.
Dập tắt mong muốn để Cục Đăng kiểm Việt Nam tự thực hiện kiểm định thiết bị đo, Bộ KH&CN cho biết, đề nghị trên là không phù hợp với các quy định hiện hành vì Cục Đăng kiểm Việt Nam là cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện cung cấp dịch vụ đăng kiểm và thanh tra, kiểm tra đối với dịch vụ này, không đảm bảo tính độc lập, khách quan và không phải là đối tượng đề tham gia thực hiện dịch vụ này.
Đến nay, đã có hơn 320 doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn các loại phương tiện đo khác nhau. Do vậy, việc cơ quan quản lý nhà nước tham gia thực hiện sẽ gây ra cạnh tranh không bình đẳng với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn.
Trong nỗ lực đi tìm giải pháp có tính hợp lý nhất, Thứ trưởng Bộ Giao thông – Vận tại Lê Đình Thọ đã giao Cục Đăng kiểm chủ trì, phối hợp với Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng tổ chức khảo sát thực tế tại một số đơn vị đăng kiểm để xác định các phương tiện đo cần thiết phải đưa vào Danh mục Phương tiện đo nhóm 2 và đề xuất lộ trình thực hiện.
“Phương tiện đo đơn giản, không cần thiết thì đề nghị Bộ KH&CN xem xét không đưa vào Danh mục Phương tiện đo nhóm 2”, lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải cho biết.