Ngân hàng - Bảo hiểm
Tín dụng tăng, lãi suất khó giảm
Thùy Liên - 06/07/2016 14:34
Tính đến cuối tháng 6/2016, tín dụng toàn hệ thống đang phục hồi khá mạnh song các chỉ báo cho thấy, lãi suất khó giảm thêm.

Ngân hàng lớn tăng mạnh tín dụng

Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nửa đầu năm 2016, tín dụng toàn hệ thống tăng 6,82% so với cuối năm 2015 và tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tín dụng tiền đồng tăng 8,11%, chiếm 90,8% tổng tín dụng nền kinh tế, còn tín dụng bằng ngoại tệ giảm 4,64%.

Đáng lưu ý, 6 tháng đầu năm, tín dụng nhiều ngân hàng bật tăng mạnh mẽ. Cụ thể, tại BIDV, dư nợ tín dụng 6 tháng đầu năm đạt gần 657.000 tỷ đồng, tăng trưởng 26% so với cùng kỳ năm trước.  Tại Vietcombank, tăng trưởng tín dụng đến giữa tháng 6/2016 cũng đạt mức 7,5%; còn tại VietinBank là trên 6%.

Lượng tiền bơm ra nền kinh tế nhiều hơn trước có thể gây áp lực với lạm phát

Ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế khẳng định, cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, nhất là 5 lĩnh vực ưu tiên. Cụ thể, tính đến cuối tháng 6/2016, tín dụng với doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 1.029.792 tỷ đồng, tăng 2,62%, chiếm tỷ trọng 20,1% tổng dư nợ nền kinh tế. Dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn của các tổ chức tín dụng ước đạt 886.000 tỷ đồng, tăng 4,98% so với cuối năm 2015, chiếm tỷ trọng khoảng 18% tổng dư nợ nền kinh tế. Cho vay xuất khẩu tăng 5,53%, chiếm tỷ trọng 3,41% tổng dư nợ nền kinh tế.

Với diễn biến tín dụng 6 tháng đầu năm, lãnh đạo các ngân hàng thương mại và đại diện NHNN đều nhận định, mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 18-20% trong năm nay hoàn toàn khả thi.

Lãi suất chịu nhiều sức ép

Tín dụng tăng là dấu hiệu tích cực đối với nền kinh tế, song cũng có ý kiến lo ngại, lượng tiền bơm ra nền kinh tế nhiều hơn trước có thể gây áp lực với lạm phát.

Liên quan đến vấn đề này, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho rằng, 6 tháng đầu năm, lạm phát tăng chủ yếu do tác động từ yếu tố giá chứ không phải do chính sách tiền tệ mở rộng. Mặc dù vậy, Thống đốc cũng thừa nhận, sức ép tăng lãi suất trên thị trường là rất lớn, xuất phát từ kỳ vọng lạm phát. Nhu cầu tín dụng cho nền kinh tế mở rộng và tăng từ đầu năm cũng là sức ép lên lãi suất huy động. Chưa kể nhu cầu phát hành trái phiếu Chính phủ năm nay cao hơn năm ngoái. Quan điểm của người đứng đầu NHNN là “phải hết sức cẩn trọng với lạm phát”.

Hiện tại, Chính phủ đang chỉ đạo NHNN cố gắng ổn định và giảm thêm nữa mặt bằng lãi suất cho vay. Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát có xu hướng tăng, giảm lãi suất là một yêu cầu khó.

Theo tính toán của các ngân hàng, giá vốn đầu vào của ngân hàng hiện đang ở 7% (lãi suất huy động tối thiểu 5,5 – 6%/năm, cộng thêm chi phí dự trữ bắt buộc, trích lập dự phòng, chi phí hoạt động…) trong khi lãi suất cho vay chỉ khoảng 9-10%/năm (thậm chí lĩnh vực ưu tiên chỉ 7%/năm). Do đó, chênh lệch lãi suất mà ngân hàng được hưởng không còn nhiều và ít dư địa để giảm thêm.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia ngân hàng cho rằng, một trong những cách để ổn định mặt bằng lãi suất hiện nay là tạo thêm nguồn vốn cho các ngân hàng bằng cách đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng phải kiểm soát chặt lượng và lãi suất trái phiếu chính phủ bơm ra thị trường.

Điều đáng mừng là hiện nay, lãi suất trái phiếu chính phủ đã được điều tiết giảm so với trước. Từ đó, lãi suất huy động trên thị trường cũng lắng dịu dần. Theo định hướng của NHNN từ nay đến cuối năm, cơ quan này vẫn tiếp tục bám sát tình hình thế giới và trong nước, theo dõi chặt lạm phát với mục tiêu đảm bảo thanh khoản hệ thống, ổn định mặt bằng lãi suất, thậm chí là giảm thêm lãi suất cho vay.

Tin liên quan
Tin khác