Trong bối cảnh kinh doanh thua lỗ 6 quý liên tiếp, từ quý IV/2022 đến quý I/2024, Công ty cổ phần AAV Group (mã AAV) đã thay đổi lãnh đạo, tạo ra hy vọng tái cơ cấu nhờ Ban lãnh đạo mới.
Theo đó, ngày 10/1/2023, AAV Group miễn nhiệm chức vụ Tổng giám đốc của ông Nguyễn Văn Chuyên, đồng thời bổ nhiệm ông Phan Văn Hải thay thế. Ngày 22/3/2024, ông Phạm Quang Khánh, Chủ tịch HĐQT, kiêm người đại diện pháp luật đã nộp đơn từ nhiệm với lý do cá nhân, tới ngày 8/4, AAV Group bầu Chủ tịch mới là ông Nguyễn Thanh Tùng. Cũng trong ngày 8/4, Công ty thực hiện miễn nhiệm một số thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát.
Theo tìm hiểu, Tổng giám đốc Phan Văn Hải không phải người mới, mà ông Hải từng là người phụ trách quản trị, người ủy quyền công bố thông tin tại AAV Group. Còn Chủ tịch Phạm Thanh Tùng nguyên là Chủ tịch CTCP AAV Trading (Công ty con của AAV Group).
Dù thay mới hai vị trí quan trọng là Tổng giám đốc và Chủ tịch HĐQT, song cơ cấu cổ đông không thay đổi, Công ty sẽ khó có chuyển biến lớn.
Việc thay đổi vị trí lãnh đạo cấp cao cũng tạo ra sinh khí mới, giúp cổ phiếu AAV có xu hướng giao dịch khá tích cực.
Thống kê từ ngày 16/4 đến ngày 30/5, cổ phiếu AAV tăng 153%, từ 3.000 đồng/cổ phiếu, lên 7.600 đồng/cổ phiếu, trở thành một hiện tượng khi cổ phiếu vốn hóa nhỏ đã tăng nóng so với thị trường, vượt trội so với các doanh nghiệp cùng ngành.
Tuy nhiên, sau nhịp tăng nóng trong vòng 2 tuần trở lại đây, cổ phiếu AAV có dấu hiệu bị phân phối, biến động trong biên độ lớn khi thanh khoản tăng cao, nhưng giá không tăng, bắt đầu xuất hiện nhiều phiên dư bán sàn số lượng lớn. Đây là tín hiệu đảo chiều điển hình của các cổ phiếu sau nhịp tăng nóng.
Thực tế, về hoạt động kinh doanh, sau khi lỗ quý thứ sáu liên tiếp, nâng tổng lỗ luỹ kế của AAV Group lên 15,58 tỷ đồng, bằng 2,26% vốn điều lệ. Kinh doanh thua lỗ dẫn tới cổ phiếu AAV bị đưa vào diện cảnh báo. Trước việc này, AAV Group cho biết, sẽ tích cực tìm kiếm các hoạt động kinh doanh mới tiềm năng và hiệu quả để tăng doanh thu, từ đó tăng thêm lợi nhuận, bù lỗ cho năm 2023.
Cùng với đó, Công ty sẽ theo dõi tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoàn thiện thủ tục pháp lý của Dự án Khu dân cư phía Đông đường Yết Kiêu (TP. Chí Linh, Hải Dương), thi công một số hạng mục còn lại để sản phẩm đủ điều kiện huy động vốn theo quy định. Hoàn thiện thủ tục về xin cấp giấy phép khai thác khoáng sản Dự án Khu dân cư phía Đông, đường Trần Hưng Đạo để tăng doanh thu, bù đắp lợi nhuận cho công ty.
Dù vậy, pháp lý là vấn đề lớn của các doanh nghiệp bất động sản và khó có thể giải quyết trong thời gian ngắn. Được biết, tại Dự án Khu dân cư phía Đông đường Yết Kiêu, do chưa được phê duyệt điều chỉnh cũng như giải phóng mặt bằng, nên dự án chưa đủ điều kiện huy động vốn theo quy định. Còn tại Dự án Khu dân cư phía Đông đường Trần Hưng Đạo (đổi tên từ Dự án Khu dân cư sân golf), nhà đầu tư vẫn đang trong quá trình xin gia hạn thời gian thực hiện dự án để triển khai các bước tiếp theo.
Như vậy, trong bối cảnh cơ cấu cổ đông không thay đổi, việc bổ nhiệm một số lãnh đạo cao cấp đã giúp giá cổ phiếu AAV Group tăng lên, nhưng sau đà tăng, giá cổ phiếu đang có dấu hiệu phân phối khi mà việc tái cơ cấu vẫn còn nhiều vấn đề, đặc biệt liên quan tới tháo gỡ thủ tục pháp lý tại các dự án đang đầu tư.