Thời sự
Tín hiệu gì khi nhập siêu trở lại?
Nguyên Đức - 22/04/2013 08:12
Nhập siêu đã quay trở lại, không chỉ riêng trong tháng 3/2013, mà tính chung cho đến ngày 15/4, đã bằng 2,7% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trên một khía cạnh nào đó, đây có thể là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế có chuyển động mới.
TIN LIÊN QUAN
3 tháng đầu năm, nhóm hàng cần nhập khẩu tăng 15,2%

Song nhìn một cách tổng thể câu chuyện xuất siêu, hay nhập siêu, thì đây lại là một nghịch lý của nền kinh tế Việt Nam.

Những năm trước, khi Việt Nam nhập siêu lớn (cả chục tỷ USD mỗi năm), thì một bài toán luôn được đặt ra là phải làm sao kiềm chế nhập siêu, với mục tiêu giữ nhập siêu ở mức bằng 16-20% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Kỳ vọng đặt ra là vào năm 2015, Việt Nam sẽ cân bằng xuất nhập khẩu.

Vậy nhưng năm ngoái, khi Việt Nam chính thức xuất siêu 780 triệu USD, thì lại không mấy ai mừng vui.

Giới chuyên gia kinh tế thậm chí theo dõi từng tháng số liệu thống kê về tình hình xuất nhập khẩu, để liên tục bày tỏ sự lo lắng khi xuất siêu tiếp diễn. Ở một nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu như Việt Nam, thì nhập siêu thấp là một trong những tín hiệu cho thấy sự suy giảm sản xuất, sự trì trệ của nền kinh tế. Vì thế, thấy xuất siêu mà lo.

Giờ đây, nhìn nhập siêu lại mừng. Tháng 3, Việt Nam đã nhập siêu 545 triệu USD. Nửa đầu tháng 4/2015, con số này là 1,21 tỷ USD. Tính chung cả 3,5 tháng, Việt Nam hiện nhập siêu 941 triệu USD.

Tất nhiên, mừng hay lo với nhập siêu còn phải nhìn vào cả cơ cấu hàng hóa nhập khẩu. Họp báo về tình hình xuất nhập khẩu 3 tháng đầu năm, lãnh đạo Bộ Công thương đã bày tỏ sự lo lắng, khi nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu có kim ngạch tăng cao đến 42,3%.

Nguyên nhân là do, trong nhóm này, nhập khẩu vàng tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm trước. Ngay ở cả nhóm hàng cần hạn chế, thì lượng nhập khẩu cũng tăng 9,2%. Tuy vậy, nếu trừ yếu tố nhập khẩu vàng, thì nhập khẩu nhóm này giảm 11% so với cùng kỳ, giảm chủ yếu ở mặt hàng phế liệu sắt thép và linh kiện, phụ tùng xe gắn máy.

Bù lại, 3 tháng đầu năm, nhóm hàng cần nhập khẩu tăng 15,2%, chủ yếu tập trung vào nhóm nguyên liệu cho sản xuất. Trong đó, hạt điều, dầu thô, phân bón các loại, bông các loại, giấy các loại, kim loại thường... có lượng nhập khẩu tăng cao.

Số liệu thống kê cho thấy rằng, 3 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu gần 1,7 tỷ USD nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện, nhưng trong số này, nhập để kinh doanh chỉ có 264 triệu USD và nhập đầu tư hơn 13 triệu USD, phần còn lại (1,42 tỷ USD) là nhập để gia công và sản xuất hàng xuất khẩu.

Nhập khẩu nguyên liệu, phụ liệu ngành dệt may, da giày cũng đạt 3,02 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ… Rõ ràng, nhờ nhập khẩu nguyên liệu đầu vào tăng, nên 3 tháng đầu năm, xuất khẩu của nhóm hàng điện thoại và linh kiện, dệt may, da giày đều đạt kết quả tốt, với mức tương ứng 4,42 tỷ USD; 3,79 tỷ USD và 1,73 tỷ USD…

Nhập siêu quay trở lại, nếu đồng thời với việc vẫn kiểm soát tốt các nhóm hàng hạn chế nhập khẩu, thì đồng nghĩa với nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất - kinh doanh đã tăng. Đó có thể coi là một tín hiệu tốt đối với nền kinh tế. Mặc dù vậy, khi nhập siêu tăng cao, thì cũng phải đặt ra các vấn đề liên quan đến cung ngoại hối, tỷ giá… để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.

Tin liên quan
Tin khác