Bộ Y tế vừa ban hành Văn bản số 10688/BYT-MT ngày 16/12/2021 về việc phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh. Kể từ ngày 1/1/2022, những người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vắc-xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 sẽ tự theo dõi sức khoẻ tại nơi lưu trú trong 3 ngày so với 7 ngày như hiện nay.
Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Hà Nội chia sẻ: “Việc nới lỏng các hạn chế nhập cảnh kịp thời và hiệu quả sẽ giảm bớt gánh nặng đối với lượng khách đến Việt Nam. Quy định này không chỉ góp phần tiết kiệm thời gian và tiền bạc, mà còn giúp việc đi lại thuận lợi hơn. Đây là tín hiệu tốt hứa hẹn thúc đẩy dòng vốn đầu tư vào Việt Nam”.
Đánh giá những tháng cuối năm và tình hình trong tương lai, Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC nhận định, kinh tế Việt Nam có thể lấy lại nhịp tăng trưởng GDP ở mức 6,8% trong năm 2022 chủ yếu nhờ vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh trở lại, tập trung nhiều vào lĩnh vực sản xuất, từ đó thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký trong vòng 2 năm qua bắt đầu mang lại trái ngọt.
Theo ông Seck Yee Chung, luật sư điều hành Công ty Luật Baker & McKenzie, quy định hạn chế nhập cảnh đã ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư của nhiều quốc gia tại Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn luôn nằm trong tầm ngắm của các nhà đầu từ nước ngoài. Các công ty cổ phần tư nhân toàn cầu và khu vực vẫn đang tìm kiếm các cơ hội tại Việt Nam. Do các biện pháp giãn cách trong quý III, tăng trưởng GDP năm nay dự kiến ở mức khoảng 3-3,5%.
“Chúng tôi tin rằng, Việt Nam sẽ tăng tốc độ phát triển khi các đường biên giới quốc tế mở cửa hoàn toàn. Việt Nam tiếp tục giữ vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, khi các nhà đầu tư nhìn vào các nước châu Á khác (ngoài Trung Quốc) cho các hoạt động sản xuất hậu đại dịch. Các công ty nước ngoài sẽ hướng đầu tư của họ sang nền kinh tế kỹ thuật số và hoạt động mua bán, sáp nhập là cách nhanh nhất để họ khai thác ngành công nghiệp đang bùng nổ này”, ông Chung nhấn mạnh.
Theo một báo cáo của Maybank Kim Eng, sự bùng phát trở lại của virus do các biến thể mới đang là rủi ro lớn nhất, nhưng Việt Nam vẫn có cơ sở lạc quan nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao. Hơn 70% dân số Việt Nam đã được tiêm chủng ít nhất một liều và hơn một nửa đã được tiêm chủng đầy đủ tính đến cuối tháng 11/2021. Việc mở lại các biên giới quốc tế sẽ giúp hỗ trợ sự phục hồi, mặc dù ngành du lịch chỉ có thể tái khởi động vào nửa cuối năm 2022.
Hoan nghênh tin tức này, song ông Sitkoff vẫn quan ngại về biến thể Omicron có thể sớm xuất hiện, hoặc có thể đã mặt có tại Việt Nam. Ông đặt câu hỏi: “Liệu Chính phủ có thực sự thực hiện các quy định mới vào ngày 1/1/2022, hay có thay đổi hướng đi tương tự Thái Lan và một số quốc gia khác?”.
Ông Sitkoff cho biết, có những người Việt Nam đang mắc kẹt ở nước ngoài, những Việt kiều muốn về thăm quê hương vào dịp Tết Nguyên đán, những người nước ngoài mong muốn đoàn tụ với gia đình và một số chuyên gia và doanh nhân nước ngoài muốn vào Việt Nam.
“Nhưng chúng ta phải nhìn thẳng vào thực tại và thấy rằng, việc mở cửa biên giới sẽ đi kèm với rủi ro. Tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 đang tăng cao đáng lo ngại. Nhiều người sẽ chọn ở gần nhà và sẽ mất thêm thời gian trước khi nhiều khách quốc tế, chuyên gia và nhà đầu tư đến Việt Nam”, ông Sitkoff nói.