Ảnh minh họa. |
Tin vui từ các nhà máy
“Chúng tôi đã phục hồi sản xuất hoàn toàn, xử lý xong tất cả đơn hàng tồn đọng với đối tác do hệ lụy của đợt dịch trong tháng 5/2021 bùng phát tại các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và đang tập trung sản xuất cho mùa cao điểm cuối năm”, ông Lương Văn Thư, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty May Đáp Cầu phấn khởi cho biết.
Ba tháng trước, cả 3 nhà máy của doanh nghiệp này nằm giữa tâm dịch Bắc Ninh đã phải tạm đóng cửa do giãn cách, thiếu lao động trầm trọng. Thậm chí, lãnh đạo doanh nghiệp đã tính đến phương án rủi ro nhất là phá sản nếu thời gian dừng sản xuất quá lâu. Nhưng may mắn là từ ngày 22/6, doanh nghiệp đã được sản xuất trở lại.
Theo ông Thư, thời gian đầu, sản xuất vẫn khó khăn do lao động thiếu, vừa sản xuất vừa chống dịch căng thẳng, nhưng đến nay các nhà máy của May Đáp Cầu đã giải quyết xong tồn đọng về đơn hàng với đối tác và đang tập trung sản xuất, giao hàng cho các tháng cuối năm. Một thuận lợi là lao động đã trở lại nhà máy làm việc đạt trên 80%, đơn hàng nhiều do tiếp nhận cả đơn hàng từ phía Nam.
Báo cáo ngành dệt may - da giày trong làn sóng Covid-19 năm 2021, do nhóm hợp tác công tư (PPPWG) ngành dệt may - da giày thực hiện tháng 9/2021 cho biết, trong khi các trung tâm sản xuất miền Nam mất 10 tuần ngừng hoạt động, thì các tỉnh miền Bắc tăng trưởng mạnh nhờ dịch bệnh được khống chế, các doanh nghiệp dồn lực sản xuất với công suất cao nhất.
Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG vừa công bố kết quả sản xuất, kinh doanh ấn tượng trong 3 quý của năm 2021, với doanh thu toàn Công ty đạt gần 4.100 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ (tương đương mức tăng hơn 500 tỷ đồng) và hoàn thành 85% kế hoạch năm.
Nhờ tận dụng tối đa cơ hội thị trường, đẩy nhanh công suất, một doanh nghiệp khác là Công ty cổ phần May Sông Hồng cũng ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan. Ông Bùi Việt Quang, Tổng giám đốc May Sông Hồng cho biết, doanh nghiệp có nhiều đơn hàng từ đầu năm 2021, thậm chí đã có đơn hàng ổn định đến giữa năm 2022.
Kịch bản về đích năm 2021
Ảnh hưởng của dịch bệnh và các biện pháp giãn cách xã hội kéo dài, nhiều nhà máy tại trung tâm sản xuất lớn phải ngưng hoạt động, hoặc duy trì sản xuất với năng suất thấp, đã khiến tăng trưởng xuất khẩu của ngành dệt may giảm trong những tháng gần đây.
Dù các doanh nghiệp phía Bắc chạy hết công suất, đẩy mạnh tăng trưởng, nhưng không thể bù đắp được sự sụt giảm của khu vực sản xuất tại phía Nam, chiếm tới 62% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.
Tháng 8 và 9 ghi nhận xuất khẩu giảm sâu. Kim ngạch xuất khẩu chung toàn ngành trong tháng 8 giảm xấp xỉ 16% so với tháng 7 và gần 2,7% so với tháng 8/2020. Trước những khó khăn của Covid-19 tác động tiêu cực đến sản xuất, xuất khẩu và chuỗi cung ứng dệt may, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) dự báo, nếu Việt Nam khống chế được dịch bệnh và thực hiện “bình thường mới”, xuất khẩu dự kiến đạt 37,5 - 38 tỷ USD. Kịch bản kém tích cực nhất, xuất khẩu dệt may sẽ chỉ đạt 33,5-34 tỷ USD.
Có thể thấy, mặc dù các kịch bản đưa ra không mấy tươi sáng cho ngành dệt may, tuy nhiên, xuất khẩu dệt may vẫn thuộc nhóm hàng tỷ USD, đóng góp không nhỏ trong phát triển kinh tế của đất nước cũng như giữ vị trí mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất toàn cầu.
Thuận lợi để trở lại sản xuất an toàn, theo các chuyên gia là hiện nay tỷ lệ tiêm phủ ít nhất 1 mũi vắc-xin của ngành khá cao (73,6%), 89% người lao động di cư mong muốn trở lại nhà máy làm việc, trong khi một số nhãn hàng cho biết, có thể hỗ trợ tiền xét nghiệm, cam kết đơn hàng sau dịch để doanh nghiệp dệt may sớm phục hồi.
Do đó, yêu cầu khẩn thiết lúc này được đại diện Vitas đưa ra là, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương trong việc thực hiện các phương án chống dịch song hành cùng phương án sản xuất bảo đảm mục tiêu “sống chung an toàn với dịch để phục hồi kinh tế”.