Y tế - Sức khỏe
Tin mới nhất về dịch Covid-19 ngày 24/7: Gần 4.000 ca mắc mới; Hà Nội giãn cách từ 6h00 ngày 24/7
D.Ngân - 24/07/2021 08:49
Trong số 3.991 bệnh nhân Covid-19 mới được ghi nhận sáng ngày 24/7, TP.HCM ghi nhận thêm 2.070 ca mắc mới.

Tính đến sáng 24/7, Việt Nam có tổng 86.957 ca mắc, trong đó có 2.145 ca nhập cảnh và 84.812 ca mắc trong nước. Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 83.242 ca, trong đó có 12.762 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Việt Nam đã tiêm cho hơn 4 triệu người vắc-xin Covid-19.

Về tình hình điều trị, số bệnh nhân nặng đang được hồi sức tích cực là 166 người. Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO là 19 người.

Trong ngày 23/7, 67.173 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được sử dụng là 4.478.757, trong đó tiêm 1 mũi là 4.125.156 liều, tiêm mũi 2 là 353.601 liều.

Tình hình dịch Covid-19 tại Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh miền Tây Nam bộ, khu vực Nam Trung bộ đang có nhiều diễn biến phức tạp. Số ca mắc tại các địa phương trong những ngày gần đây tăng cao.

Tuy nhiên, điểm sáng là hầu hết được phát hiện trong khu cách ly và vùng phong tỏa. Song song công tác phòng, chống dịch bệnh, các địa phương vẫn triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 cho người thuộc nhóm ưu tiên.

Tại TP.HCM, dù đã áp dụng nhiều biện pháp, thực tế tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, các ca bệnh vẫn tăng. Ngày 23/7, thành phố tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến ngày 1/8, với các biện pháp mạnh hơn nữa nhằm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh.

Trong khi đó, cuối ngày 23/7, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội quyết định áp dụng giãn cách theo nguyên tắc Chỉ thị 16 từ 6h ngày 24/7 trong bối cảnh số ca nhiễm mới tăng nhanh những ngày qua.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương thực hiện giãn cách, cách ly phù hợp theo mức độ nguy cơ trên nguyên tắc khoanh vùng rộng để lấy mẫu xét nghiệm và phong tỏa hẹp; thực hiện truy vết thần tốc, phát huy vai trò của các tổ chống dịch dựa vào cộng đồng; áp dụng các phương pháp xét nghiệm phù hợp với tình hình thực tế.

Nói về công tác chống dịch, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định sau một thời gian thực hiện Chỉ thị 16, công tác phòng chống dịch đã đạt được một số hiệu quả nhất định. Ghi nhận sự nỗ lực của các lực lượng chống dịch, song người đứng đầu Chính phủ nhận định vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục.

Theo người đứng đầu Chính phủ, còn hiện tượng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác ở một số nơi và của một số người dân. Việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 có nơi còn chưa nghiêm; vẫn còn tình trạng tập trung đông người, một số dịch vụ không thiết yếu vẫn hoạt động; một số chợ dân sinh còn hoạt động thiếu kiểm soát.

Ngoài ra, có điểm lấy mẫu xét nghiệm chưa thực hiện nghiêm giữ khoảng cách, có nơi chưa thành lập được tổ phòng chống Covid-19 cộng đồng hoặc có nhưng hoạt động chưa hiệu quả.

Cũng theo Thủ tướng, việc kiểm soát người về từ các vùng có dịch chưa được tổ chức hợp lý, hiệu quả. Việc thực hiện phương châm "4 tại chỗ" chưa nghiêm túc nên còn thiếu hụt, bị động, lúng túng.

Đặc biệt, việc tổ chức tiêm vắc-xin tại các địa phương còn chậm. Hoạt động vận tải, cung ứng hàng hóa có lúc, nhất là những ngày đầu còn lúng túng, thiếu hụt cục bộ.

Nguyên nhân của tình trạng trên, theo Thủ tướng, do việc tổ chức thực hiện các quy định còn yếu, một số nơi việc kiểm tra, giám sát còn chưa chặt chẽ; ý thức chấp hành của một số người dân còn chưa nghiêm… Thủ tướng khẳng định ưu tiên số một của TP.HCM và các tỉnh có dịch diễn biến phức tạp lúc này là phòng, chống dịch Covid-19.

Để phòng, chống dịch hiệu quả trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải thống nhất, tập trung, nhất quán ở tầm quốc gia, dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19.

Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương áp dụng sáng tạo, linh hoạt; đồng thời thực hiện nghiêm việc kiểm tra, giám sát; kêu gọi người dân nâng cao nhận thức, thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch.

“Tinh thần chủ động phòng ngừa là chính, thực hiện tốt chiến lược vắc-xin và nâng cao ý thức chấp hành của người dân”, Thủ tướng nêu rõ và yêu cầu bí thư, chủ tịch các tỉnh, thành phố trực tiếp chỉ đạo việc thực hiện Chỉ thị 16 tại địa phương. Phải phân công trách nhiệm rõ ràng, yêu cầu thực hiện cụ thể, nghiêm túc theo quy định.

Sng song với đó, các địa phương phải truy vết, xét nghiệm nhanh, điều trị hiệu quả, phân loại F0 để tập trung nguồn lực chữa trị theo ưu tiên, hạn chế ca tử vong.

Lãnh đạo Chính phủ nhắc các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát để thực hiện giãn cách xã hội nghiêm túc, không để xảy ra trường hợp "chặt ngoài, lỏng trong". 

Đồng thời, tuyên truyền, động viên để các tầng lớp nhân dân thực hiện; không để phát sinh các vùng dịch mới; bảo vệ vùng an toàn những nơi không có dịch; đảm bảo phòng, chống dịch đạt kết quả chắc chắn, bền vững.

Thủ tướng đề nghị các địa phương tăng cường hoạt động của các tổ phòng chống Covid-19 cộng đồng, phối hợp với lực lượng chức năng của hệ thống chính trị ở cơ sở để "đi từng ngõ, gõ từng nhà" vận động, kiểm soát người dân thực hiện Chỉ thị 16.

Các tỉnh, TP cũng cần thành lập các trung tâm cứu trợ, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; thành lập các đường dây nóng để tiếp nhận, kịp thời hỗ trợ, xử lý những vấn đề phát sinh, chuẩn bị đầy đủ nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, đảm bảo điều phối phù hợp, hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực.

Để đảm bảo an sinh xã hội, Thủ tướng giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội rà soát thực hiện Nghị quyết 68 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Bộ có thể nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền nếu cần mở rộng đối tượng hỗ trợ.

Bộ Tài Chính được giao nghiên cứu giải pháp hỗ trợ về thuế cho doanh nghiệp bị tác động bởi dịch Covid-19. Bộ Y tế phối hợp với bộ, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức tiêm vắc-xin cho người dân đảm bảo an toàn, hiệu quả, tránh tiêu cực và nghiên cứu kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phương pháp điều trị và nghiên cứu sử dụng một số loại thuốc để phòng, chống dịch Covid-19.

Các Bộ Công an, Quốc phòng tiếp tục tăng cường lực lượng chi viện cho địa phương phòng, chống dịch. Các bộ, ngành, địa phương và Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ cần tăng cường phối hợp, trao đổi, rút kinh nghiệm thường xuyên để kịp thời có điều chỉnh hợp lý, hiệu quả trong phòng, chống dịch.

Tinh thần được Thủ tướng nhấn mạnh là "linh hoạt, sáng tạo, lấy nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết".

***

Hải Phòng dừng kinh doanh ăn uống trong nhà từ 25/7, kiểm soát người về từ Hà Nội

Trước tính chất lây lan nhanh của biến chủng Delta, đến nay đã có trên 20 tỉnh thành trong cả nước áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, đặc biệt từ 6h00’ ngày 24/7/2021 thành phố Hà Nội đã áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Để kịp thời ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngày 24/7, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng đã ban hành văn bản hỏa tốc số 4958/UBND-VX về việc tăng cường một số biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19.

Người từ Hà Nội về Hải Phòng từ 12h ngày 24/7 sẽ phải cách ly y tế tập trung 14 ngày. Ảnh: TT

Theo đó, kể từ 12h00’ ngày 24/7, Thành phố sẽ áp dụng biện pháp cách ly y tế tập trung 14 ngày đối với tất cả những người về/đi qua Hà Nội. Đối với những trường hợp từ Hà Nội về có Giấy xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR do các cơ sở được phép xét nghiệm khẳng định Covid-19 tại Hà Nội thì Thành phố sẽ xem xét giải quyết từng trường hợp cụ thể.

Ngoài ra, từ 00h00’ ngày 25/7, Thành phố yêu cầu dừng toàn bộ hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống trong nhà (chỉ cho phép bán hàng mang về).

UBND thành phố Hải Phòng yêu cầu UBND các quận, huyện triển khai hoạt động trở lại các tổ kiểm soát Covid-19 cộng đồng (có hỗ trợ kinh phí theo quy định) để thực hiện các nhiệm vụ được giao từ ngày 25/7 đến ngày 30/7. Thống kê, báo cáo, cập nhật hàng ngày số liệu người và phương tiện vào địa bàn gửi về Văn phòng UBND thành phố trước 15h00’ hàng ngày. Tăng cường kiểm tra các cơ sở lưu trú, nhà trọ về việc tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch. Đối với các chốt cửa ngõ thành phố, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện từ/đi qua Hà Nội vào Thành phố.

Giao Ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng, Sở Công thương Hải Phòng chỉ đạo các doanh nghiệp bố trí chỗ ăn, ở tại Hải Phòng cho người lao động là người của Hải Dương, Hưng Yên đang làm việc tại các doanh nghiệp, tuyệt đối không để người lao động di chuyển từ Hải Phòng về các địa phương trên cho đến khi có thông báo mới.

Bên cạnh đó, giao Sở Y tế rà soát lại 06 đơn vị đang thực hiện xét nghiệm Realtime - PCR về nhân lực, trang thiết bị; củng cố nâng cao năng lực đảm bảo công suất xét nghiệm tới 100.000 mẫu/1 ngày. Xét nghiệm toàn bộ nhân viên thuộc các Trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống, các cơ sở kinh doanh dịch vụ thương mại, một số câu lạc bộ thể dục thể thao (có thu phí).

Khẩn trương triển khai xét nghiệm SARS-CoV-2 (không thu phí) theo phương pháp gộp mẫu, làm mẫu đơn đối với trường hợp nguy cơ cao xong trước ngày 30/7/2021 cho các nhóm đối tượng sau: (1) Các trường hợp có ho, sốt, trên địa bàn Thành phố. (2) Các đối tượng trực tiếp làm nhiệm vụ kiểm soát dịch bệnh, cung ứng dịch vụ, tiếp xúc với khách hàng theo trong các lĩnh vực: cán bộ thực hiện nhiệm vụ tại chốt trạm kiểm soát dịch bệnh, cơ sở lưu trú, các chợ đầu mối, chợ dân sinh, phóng viên các cơ quan đài báo trên địa bàn thành phố. (3) Xét nghiệm ngẫu nhiên đối với những người làm việc tại các bệnh viện, trạm y tế, phòng khám đa khoa, chuyên khoa tư nhân, cơ sở xét nghiệm, cơ sở bán lẻ thuốc (20%). (4) Xét nghiệm trong vòng 3-7 ngày kể từ khi về Thành phố đối với 100% các công chức, viên chức, người lao động đi công tác ngoại tỉnh, thành phố có ca nhiễm cộng đồng nhưng không thuộc diện áp dụng cách ly y tế. (5) Xét nghiệm những cán bộ làm việc thường xuyên tại các trung tâm hành chính, bộ phận tiếp dân, bộ phận một cửa các Sở, ngành, quận huyện, xã, phường, thị trấn (nơi tập trung đông người, thông khí kém, nguy cơ lây nhiễm cao). (6) Các cán bộ làm nhiệm vụ tại các trại giam, tạm giam, các cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy.

Công an thành phố Hải Phòng tăng cường kiểm tra, giám sát, chỉ đạo lực lượng thực hiện nhiệm vụ tại chốt thực hiện nghiêm việc kiểm soát các phương tiện chở người, chở hàng ra vào thành phố qua chốt, đặc biệt từ thành phố Hà Nội về. Xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về phòng chống dịch. Những nội dung không đề cập tại Văn bản này vẫn tiếp tục thực hiện tại các Văn bản trước đây của Thành phố.

***

Quảng Ninh khuyến khích người đang ở vùng có dịch không về tỉnh

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành văn bản số 4723/UBND-DL1 về việc triển khai một số biện pháp cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Quảng Ninh thông tin đến người dân trên địa bàn tỉnh có người thân đang sinh sống, học tập, lao động tại Hà Nội và các địa bàn có dịch khác tạm thời không di chuyển về Quảng Ninh để thực hiện nghiêm nhất các biện pháp phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho người thân và cộng đồng.

Mọi người, trong trường hợp phải về Quảng Ninh vì lý do bất khả kháng, đặc biệt các trường hợp nêu trên phải thực hiện khai báo trung thực tại các chốt kiểm soát phòng chống dịch và phải có kết quả xét nghiệm vi-rút SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime PCR kết quả âm tính không quá 72 giờ kể từ giờ lấy mẫu (người đã tiêm đủ 02 mũi vắc xin phòng Covid-19 vẫn phải có kết quả xét nghiệm âm tính). Đồng thời, thực hiện khai báo với chính quyền địa phương cấp xã. Mọi trường hợp không khai báo, khai báo không trung thực sẽ bị buộc cách ly tập trung và xử lý nghiêm theo quy định.

Các cơ quan đơn vị, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh rà soát cán bộ, nhân viên của đơn vị có nhà ở tại Hà Nội đang làm việc tại Quảng Ninh, yêu cầu ở lại Quảng Ninh, tạm thời không về nhà cho đến khi có thông báo mới thay thế.

Tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu lãnh đạo các đơn vị không cử cán bộ, nhân viên đi công tác tại Hà Nội và các vùng có dịch (trường hợp cần thiết, phải có lệnh công tác). Lãnh đạo đơn vị, doanh nghiệp khi đi công tác phải xin ý kiến của thủ trưởng các đơn vị quản lý trực tiếp và địa phương quản lý; yêu cầu người đi công tác phải tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch và thủ trưởng, người quản lý phải chịu trách nhiệm nếu để nhân viên vi phạm làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Quảng Ninh tiếp tục thực hiện cách ly y tế tập trung có trả phí 14 ngày tại khu cách ly tập trung của các huyện, thị xã, thành phố và theo dõi y tế tại nhà 14 ngày đối với người về từ các tỉnh, thành phố đang phải áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị số 15 và Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục thực hiện cách ly y tế tập trung đủ 14 ngày đối với các trường hợp F1 để đảm bảo cho người cách ly được chăm sóc y tế tốt nhất, bảo vệ an toàn cho cộng đồng.

Tạo mọi điều kiện để xe tải chở hàng hóa, vật tư, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, xe chở nhu yếu phẩm, xe chở công nhân đi làm theo tuyến cố định có kiểm soát lưu thông bình thường. Đối với xe tải, xe công ten nơ chở hàng hóa liên tỉnh, đặc biệt là từ các tỉnh miền Nam, miền Trung phải có cam kết chỉ dừng, đỗ khi giao hàng, tiếp nhiên liệu.

Quảng Ninh cũng đã khuyến cáo người dân ở nhà nếu không có việc thực sự cần thiết; không ra khỏi nhà sau 23h00 đến 04h00 ngày hôm sau, trừ trường hợp đặc biệt hoặc làm việc, lao động, thực hiện nhiệm vụ theo phân công của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Sở Y tế Quảng Ninh, kể từ ngày 28/6/2021 đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 13 ca dương tính (03 ca nhiễm cộng đồng; 10 ca nhiễm nhập cảnh) và 02 ca tái dương tính (01 trường hợp nhập cảnh từ Nhật Bản về ngày 16/6 sau khi đã hoàn thành cách ly tập trung (28 ngày) tại Nha Trang được xét nghiệm tổng số 4 lần kết quả đều âm tính, cách ly tại nhà từ 14/7/2021, xét nghiệm dương tính ngày 21/7/2021; 01 trường hợp nhập cảnh từ Campuchia về cửa khẩu Mộc Bài ngày 21/6 sau khi đã hoàn thành cách ly tập trung tại Tây Ninh, cách ly tại nhà từ 12/7/2021, xét nghiệm dương tính ngày 22/7/2021). Như vậy, đã qua 27 ngày không phát hiện ca nhiễm cộng đồng mới trên địa bàn Tỉnh.

***

Hà Nội phân chia bệnh nhân Covid-19 theo 4 tầng điều trị

Sắp tới, Sở Y tế Hà Nội xây dựng kịch bản cho 5.000, 10.000, 20.000 giường và 50.000 giường... và chia 4 tầng điều trị.

Theo Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng, hiện tại, các bệnh viện của Thành phố đang điều trị 379 bệnh nhân tại 4 bệnh viện, trong đó, có 8 bệnh nhân nặng (1 bệnh nhân lọc máu).

Về diễn biến tình hình dịch đợt này, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, trung bình 1 ngày Hà Nội phát hiện thêm 50-60 trường hợp, dự kiến thời gian tới diễn biến tăng vì có nhiều trường hợp phát hiện qua cộng đồng, thông qua sàng lọc, các trường hợp mắc nhưng không có triệu chứng.

Hơn nữa, đợt dịch này chủ yếu là biến chủng virut Delta và Delta+, lây lan nhanh, chu kỳ lây lan ngắn, từ 2-3 ngày, Phó Giám đốc Sở Y tế phân tích.

Thực hiện các chỉ đạo của Thành ủy, UBND Thành phố, Sở Y tế đã xây dựng phương án, kịch bản chi tiết cho từng giai đoạn.

Hiện nay, đang là phương án, kịch bảo 1.000 giường đã được thực hiện; sắp tới, Sở xây dựng kịch bản cho 5.000, 10.000, 20.000 giường và 50.000 giường... và chia 4 tầng điều trị.

Tầng 1 bao gồm 80% bệnh nhân không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được điều trị tại các bệnh viện dã chiến, trên cơ sở thành lập từ các khu cách ly tập trung.

Thành phố sẵn sàng có thể kích hoạt ngay bệnh viện dã chiến tại Trường Quân sự Thủ đô và các bệnh viện dã chiến tại khu nhà ở sinh viên tại khu cách ly Pháp Vân - Tứ Hiệp với quy mô 3 tòa nhà, mỗi tòa nhà có thể kích hoạt một bệnh viện 700 giường.

Tầng thứ 2 sẽ điều trị các bệnh nhân có triệu chứng trung bình và có bệnh lý nền, Sở sẽ kích hoạt các bệnh viện đa khoa tuyến quận, huyện để thu dung, điều trị. Dự kiến, mỗi bệnh viện đa khoa tuyến quận, huyện có thể đáp ứng 250 giường bệnh.

Tầng 3 và 4 gồm 5% bệnh nhân nặng, trong đó, có 1% bệnh nhân rất nặng phải thở máy hoặc lọc máu, nguy cơ tử vong cao thì kích hoạt ngay Bệnh đa khoa Đức Giang thành bệnh viện hồi sức tuyến cuối, trước mắt sẽ bố trí 250 giường.

Ngoài ra, ở địa bàn Hà Nội, với phương châm “4 tại chỗ”, ngoài các bệnh viện của Thành phố còn rất nhiều hệ thống y tế khác, Sở sẽ triển khai quy chế phối hợp để tận dụng tối đa nguồn lực y tế trên địa bàn, đó là các cơ sở y tế ngoài công lập, tuyến Trung ương, các bộ ngành, quân đội, công an.

“Với những kịch bản như vậy, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, UBND Thành phố, trong thời gian tới, hoàn toàn đáp ứng được với từng tình huống cụ thể”, Phó Giám đốc Sở Y tế khẳng định.

Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Đình Hưng cũng thông tin thêm, hiện tại, năng lực của riêng ngành y tế Thủ đô có 412 giường hồi sức, 222 bác sĩ và trên 400 điều dưỡng có khả năng sử dụng máy thở.

Ngoài ra, năng lực xét nghiệm của Thành phố hiện tại là 48 nghìn mẫu/ngày với 20 máy PCR và sắp tới bổ sung thêm 5 máy nữa. Thành phố cũng có 111 xe cứu thương có thể huy động để phân luồng bệnh nhân tốt nhất. Kinh nghiệm thực tiễn tại thành phố Hồ Chí Minh cho thấy việc phân luồng rất quan trọng, phân luồng tốt, từng vòng điều trị riêng để có khả năng kiểm soát, điều trị tốt hơn.

Về công tác tiêm phòng vắc-xin Covid-19, Phó Giám đốc Nguyễn Đình Hưng cho biết, tính đến ngày 23/7, Hà Nội đã tiêm được 211.460 mũi, trong đó, có 201.965 người tiêm 1 mũi và 9.443 người tiêm đủ 2 mũi, đặc biệt cho các lực lượng tuyến đầu.

Theo Kế hoạch chiến dịch tiêm chủng đã được Thành phố phê duyệt và Sở Y tế triển khai, mục tiêu cao nhất là tiêm từ 100.000-200.000 mũi/ngày.

Thành phố đã khởi động 1.000-1.200 dây chuyền tiêm tại các trung tâm y tế và trạm y tế xã, phường để tiêm chủng cho các trường hợp không có yếu tố nguy cơ, không có tiền sử dị ứng, phản vệ, những trường hợp trong tuổi trưởng thành.

Đối với những trường hợp có tiền sử phản vệ, có bệnh lý nền, người cao tuổi thì sẽ tiêm ở các bệnh viện, nơi có đủ trang thiết bị phòng hộ để sẵn sàng cấp cứu trong trường hợp có sốc phản vệ sau tiêm.

Hiện tại, Sở Y tế có 3 loại vắc-xin. Với nguồn vắc-xin về trong đợt tới, Sở sẽ triển khai tiêm chủng đạt được mục tiêu đề ra, hướng tới đến tháng 3/2022 sẽ tiêm được cho 70% người dân Hà Nội, tương ứng từ 5-6 triệu người.

***

Hà Nội ban hành công văn khẩn phân bổ vắc-xin

Sở Y tế Hà Nội vừa có công văn khẩn số 255/SYT-NYV về việc triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 trên địa bàn Thành phố.

Theo công văn mới, Sở Y tế Hà Nội phân bổ 60.480 liều vắc-xin Covid-19 Spikevax của Moderna và 563.500 liều của AstraZeneca cho 30 quận, huyện, thị xã, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội.

Ngoài ra, 2.340 liều vắc-xin Covid-19 của Pfizer được phân cho Trung tâm Y tế quận Ba Đình và CDC Hà Nội.

Theo Sở Y tế Hà Nội, vắc-xin của Pfizer có thể sử dụng để tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi thứ nhất bằng vắc-xin AstraZeneca từ 8-12 tuần nếu người được tiêm đồng ý.

Vắc-xin Pfizer cũng được tiêm mũi 1 cho những người chưa được tiêm chủng. Vắc-xin đã được bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ C phải sử dụng hết trong vòng 31 ngày.

Vắc-xin Spikevax của Moderna được tiêm mũi 1 cho những người chưa tiêm phòng Covid-19. Vắc-xin này đã được bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ C và phải sử dụng hết trong vòng 30 ngày.

Vắc-xin AstraZeneca sẽ được tiêm mũi 1 và trả mũi 2 cho người dân đã tiêm mũi 1 cùng loại, đảm bảo khoảng cách ít nhất 8 tuần. Với một số trường hợp đặc biệt cần hoàn thành đủ 2 mũi vắc-xin sớm, ngành y tế Thành phố có thể tiêm trả mũi 2 với khoảng cách ít nhất là 4 tuần.

Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị tiêm hết vắc-xin Moderna và Pfizer (nếu được phân bổ) mới chuyển sang AstraZeneca, bảo đảm sử dụng hiệu quả, xây dựng kế hoạch tiêm chủng hợp lý, tránh hao phí và sử dụng hết trước hạn dùng.

Sở cũng yêu cầu tại mỗi điểm tiêm chủng chỉ tiêm một loại ở cùng một thời điểm để tránh thắc mắc, bảo đảm công bằng, minh bạch cho người được tiêm chủng.

Trước đó, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà thông tin ai cũng có thể đăng ký tiêm chủng qua các cách thức như đăng ký qua giấy tại xã, phường; đăng ký online trên website của Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 hoặc trên ứng dụng "Sổ sức khỏe điện tử".

Hiện, Hà Nội có hơn 820 điểm tiêm chủng tại 579 xã, phường, thị trấn.

Trưa nay, 24/7, Hà Nội tiếp tục ghi nhận thêm 10 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Trước đó sáng cùng ngày có 9 trường hợp được phát hiện.

10 ca mắc mới này đều là các trường hợp F1, trong đó 3 trường hợp tại cộng đồng và 7 trường hợp tại khu cách ly. Số mắc mới phân bố ở 4 chùm ca bệnh.

3 bệnh nhân thuộc chùm Tân Mai, Hoàng Mai; 4 bệnh nhân thuộc chùm nhà thuốc Đức Tâm, 95 Láng Hạ; 2 bệnh nhân thuộc chùm liên quan B6 Trại Găng, Hai Bà Trưng; 1 bệnh nhân thuộc chùm liên quan Bắc Giang tại Công ty SEI là bệnh nhân H.V.N, nam, sinh năm 1991, tại Sáp Mai, Võng La, Đông Anh.

Với việc ghi nhận thêm 19 trường hợp dương tính từ sáng đến nay, Hà Nội đã có 685 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 kể từ ngày 29/4 đến nay, trong đó 420 trường hợp ghi nhận tại cộng đồng và 265 trường hợp là những người đã được cách ly.

***

TP.HCM: Chuyển đổi sang mô hình tháp 5 tầng trong thu dung điều trị F0

Ngày 24/7, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM đã quyết định chuyển đổi sang mô hình tháp 5 tầng trong thu dung điều trị các trường hợp F0.

Mô hình tháp 5 tầng trong thu dung và điều trị người mắc Covid-19 trên địa bàn TP.HCM

Theo đó, trước tình hình số trường hợp F0 tiếp tục tăng cao tại TP.HCM, tương ứng số ca nặng, nguy kịch và tử vong tiếp tục tăng. Sở Y tế điều chỉnh kế hoạch thu dung và điều trị người bệnh Covid-19 theo hệ thống 5 tầng.

Cụ thể, tại tầng 1 là các cơ sở chăm sóc và theo dõi sức khỏe các trường hợp F0 tại địa bàn quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Theo đó, các trường hợp F0 không có triệu chứng, không bệnh nền chưa được điều trị ổn định, không béo phì được cách ly tập trung tại các cơ sở trên địa bàn quận, huyện.

Để thực hiện chức năng theo dõi, chăm sóc sức khoẻ và phát hiện kịp thời người bệnh chuyển sang có triệu chứng nặng, các cơ sở này sẽ được bổ sung các trang thiết bị cơ bản như: bình oxy, dụng cụ để thở (bình làm ẩm, máy tạo oxy...), máy đo độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi (SpO2), máy thở đơn giản, dụng cụ cấp cứu cơ bản và cơ số thuốc điều trị cơ bản (hạ sốt, polyvitamin, thuốc kháng viêm dạng uống, thuốc kháng đông sử dụng trước khi chuyển viện các trường hợp có nguy cơ chuyển nặng…).

Các cơ sở này có nhiệm vụ sàng lọc người bệnh Covid-19 không có triệu chứng với kết quả xét nghiệm đủ điều kiện để đưa về giám sát y tế tại nhà/nơi lưu trú theo quy định. Chăm sóc và điều trị ban đầu các trường hợp Covid-19 có triệu chứng nhẹ. Xử trí cấp cứu các trường hợp có dấu hiệu chuyển biến nặng trước khi chuyển viện.

Tầng 2 là Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19. Các trường hợp F0 mới được phát hiện trong cộng đồng, được sàng lọc và chuyển đến từ các cơ sở chăm sóc và theo dõi sức khỏe các trường hợp F0 tại địa bàn quận, huyện và thành phố Thủ Đức.

Để các bệnh viện dã chiến thực hiện chức năng điều trị cơ bản và theo dõi người bệnh, các bệnh viện này sẽ được bổ sung thêm nguồn oxy lỏng với dụng cụ, trang thiết bị thở oxy, máy HFNC, máy thở đơn giản, máy đo độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi (SpO2,) máy chạy thận nhân tạo (tại một số bệnh viện), monitor theo dõi sinh hiệu, máy X-Quang di động và cơ số thuốc điều trị cơ bản (hạ sốt, polyvitamin, thuốc chống đông…), thuốc điều trị một số bệnh nền phổ biến (tăng huyết áp, đái tháo đường, thiếu máu cơ tim…).

Bệnh viện dã chiến có nhiệm vụ điều trị các trường hợp Covid-19 có triệu chứng, và điều trị các bệnh lý nền kèm theo. Xử trí cấp cứu các trường hợp có dấu hiệu chuyển biến nặng trước khi chuyển viện. Dự kiến tầng 2 sẽ thu dung khoảng 27% trong tổng số trường hợp F0.

Tầng 3 là Bệnh viện điều trị Covid-19 các trường hợp có triệu chứng. Cụ thể là những bệnh viện đa khoa hạng 2 được chuyển đổi công năng trở thành bệnh viện điều trị Covid-19 chuyên tiếp nhận điều trị các trường hợp có triệu chứng ở mức độ trung bình và nặng.

Để thực hiện chức năng này, các bệnh viện ở tầng này sẽ được bổ sung thêm các trang thiết bị, dụng cụ thuốc như bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 nhưng với cơ số thuốc điều trị nhiều loại hơn cho nhiều loại bệnh lý nền đi kèm.

Bệnh viện điều trị Covid-19 có nhiệm vụ điều trị ở mức cơ bản đối với các trường hợp mắc Covid-19 có triệu chứng trung bình và nặng, có hoặc không kèm nhiều bệnh lý nền. Hồi sức cấp cứu (thở máy) một số trường hợp chuyển biến nặng. Xử trí cấp cứu các trường hợp có dấu hiệu chuyển biến nặng trước khi chuyển viện. Dự kiến tầng 3 sẽ thu dung khoảng 10% trong tổng số trường hợp F0.

Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho rằng, đây là tầng đang gặp nhiều khó khăn do quá tải, tăng thêm bệnh viện cho tầng 3 là giải pháp ưu tiên trong giai đoạn hiện nay. Trước mắt, ngành y tế sẽ chọn và nâng cấp một vài bệnh viện dã chiến của tầng 2 lên tầng 3, cụ thể là Bệnh viện dã chiến số 6 sau khi lắp đặt thêm oxy lỏng và bổ sung các trang thiết bị, thuốc và nhân lực cần thiết đã chuyển thành bệnh viện điều trị Covid-19.

Tầng 4 và tầng 5 lần lượt là Bệnh viện điều trị Covid-19 có bệnh lý đi kèm nặng cần can thiệp điều trị chuyên khoa, Bệnh viện hồi sức Covid-19. Dự kiến tầng 4 sẽ thu dung khoảng 8% trong tổng số trường hợp F0; tầng 5 sẽ thu dung khoảng 5% trong tổng số trường hợp F0.

Được biết, Sở Y tế TP.HCM sẽ chuyển đổi một phần công năng Bệnh viện Tâm thần TP.HCM (cơ sở 2 tại huyện Bình Chánh) trở thành bệnh viện chuyên điều trị Covid-19 cho người bệnh tâm thần mắc Covid-19.

Để đảm bảo kịp tiến độ đưa vào hoạt động từ ngày 26/7, Sở Y tế đề nghị ban Giám đốc Bệnh viện khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể để chia tách thành 2 khu vực riêng biệt. Rà soát số lượng về trang thiết bị, vật tư tiêu hao, thuốc thiết yếu hiện có, đề xuất bổ sung nhằm đảm bảo đầy đủ cơ số theo quy định.

Chủ động liên hệ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới để tổ chức tập huấn cho nhân viên y tế về hướng dẫn chuẩn đoán, chăm sóc, điều trị cho người bệnh Covid-19; phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2; hồi sức cấp cứu cho người bệnh nặng.

***

Số ca dương tính của Hà Nội giảm nhanh, chỉ còn 4 trường hợp

Sau nhiều ngày liên tục có số mắc tăng cao, chiều nay, 24/7, Hà Nội chỉ ghi nhận 4 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

4 trường hợp mắc mới đều là các F1 thuộc 3 chùm ca bệnh. Tổng số mắc trong ngày là 23 trường hợp.

Cụ thể: 2 bệnh nhân thuộc chùm liên quan đến TP.HCM.

Bệnh nhân L.D.Q, nữ, sinh năm 2001, địa chỉ số 11, ngõ 2 tập thể Tăng Thiết Giáp, Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm, là F1 của C.T.L, ngày 23/7, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.

Bệnh nhân Đ.T.L, nữ, sinh năm 1985, địa chỉ 1007 sảnh E3A Ecohome 1, Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, là F1 của T.N.K, ngày 23/7, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.

1 bệnh nhân thuộc chùm Tân Mai, Hoàng Mai là N.T.L, nam, sinh năm 1975, An Thọ, An Khánh, Hoài Đức, là F1 của N.T.N, ngày 23/7, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.

1 bệnh nhân thuộc chùm liên quan nhà thuốc Đức Tâm, 95 Láng Hạ là N.T.H, nữ, sinh năm 1983, Văn Lũng, An Khánh, Hoài Đức. Bệnh nhân là F1 của B.T.N, ngày 23/7, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.

Trước đó, ngày 23/7 Hà Nội ghi nhận 50 ca mắc, ngày 22/7, số ca mắc là 64 ca.

Trong đợt dịch thứ tư từ ngày 29/4 đến nay, Hà Nội ghi nhận 689 trường hợp dương tính, trong đó có 424 trường hợp tại cộng động, 265 trường hợp là những người đã được cách ly.

Về việc thống kê đối tượng nguy cơ tại cộng đồng để lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 theo công văn số 245/SYT-NVY ngày 18/7, tính đến 18 giờ hôm nay, toàn thành phố đã rà soát được 3913 trường hợp, đã có 3711 mẫu được lấy, kết quả 2817 mẫu âm tính, 13 mẫu dương tính, 881 mẫu chưa có kết quả.

***

Các ổ dịch lập đỉnh mới về số ca mắc

Chiều ngày 24/7 thông tin từ Bộ Y tế cho biết đã ghi nhận thêm 7.968 ca mắc mới. Trong số ca mắc mới có 31 ca nhập cảnh và 7.937 ca ghi nhận trong nước. Số ca mắc cao nhất thuộc TP.HCM với 5.396. 

Như vậy kịch bản tệ nhất mà chúng ta tính đến là 10.000 ca mắc/ngày cứ theo đà này sẽ không còn xa.

Tính đến chiều ngày 24/7, Việt Nam có tổng 90.934 ca mắc, trong đó có 2.172 ca nhập cảnh và 88.762 ca mắc trong nước.

Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 87.192 ca, trong đó có 14.809 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 8/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Kạn.

Trong ngày có 2.047 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 24/7. Tổng số ca được điều trị khỏi: 17.583 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 130 ca. Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 17 ca.

Trong 24 giờ qua đã thực hiện 98.990 xét nghiệm cho 410.862 lượt người.

Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 5.107.861 mẫu cho 14.391.096 lượt người.

Tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 4.478.757 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.125.156 liều, tiêm mũi 2 là 353.601 liều.

Trong ngày Bộ phận thường trực đặc biệt về phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại TP. HCM đã gửi UBND TP.HCM công văn số 5929/BYT-KCB đề xuất một số nội dung về việc quản lý người nghi nhiễm và người nhiễm virus SARS-CoV-2 trên địa bàn TP.HCM

Bộ Y tế đề nghị Thành phố tiếp tục thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, triển khai các phương án vừa chống dịch, vừa tiến hành sản xuất theo phương châm 3 tại chỗ; đảm bảo an sinh xã hội, cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, nhất là các đối tượng người lao động, người bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch bệnh.

“Chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức chiến dịch tiêm chủng, tập huấn an toàn tiêm chủng, quy trình tiêm chủng để đảm bảo tiêm an toàn, không để lây nhiễm tại các điểm tiêm chủng”, văn bản của Bộ Y tế nêu.

Chiều 24/7, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ chống dịch Covid-19 tại TP.HCM, gửi thư ngỏ kêu gọi toàn ngành Y tế tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19. 

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, sự bùng phát dịch Covid-19 do biến chủng Delta tại TP.HCM trong thời gian qua đã gây ra những tác động mạnh đến toàn bộ hoạt động kinh tế, xã hội của thành phố và gây những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng.

Sự nỗ lực, cố gắng không quản ngày đêm, chung tay cùng thành phố chống dịch luôn được sự ghi nhận, trân trọng và biết ơn của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân thành phố.

Hiện tại, nhờ nỗ lực của Thành phố và sự chi viện của cả nước, các hoạt động kiểm soát, khống chế dịch bệnh đang được tích cực thực hiện. Nhưng sự phát tán của virus SARS-CoV-2 vẫn còn, công tác điều trị gặp khó khăn và quá tải.

Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế và Sở Y tế TP.HCM khẩn thiết kêu gọi toàn bộ hệ thống y tế công, tư, Hội Y học TP.HCM, các hội nghề nghiệp thuộc lĩnh vực y tế, chuyên gia, nhân viên y tế đang làm việc và đã nghỉ hưu, lương y, giảng viên, sinh viên tại các trường đào tạo, dạy nghề thuộc khối ngành chăm sóc sức khỏe tham gia vào các hoạt động chống dịch tại TP.HCM.

Với trách nhiệm nghề nghiệp, tinh thần tương thân tương ái và tấm lòng thương yêu đồng bào, chúng ta hãy cùng chung tay hỗ trợ công tác chống dịch, tư vấn và trực tiếp chăm sóc, điều trị cho người bệnh.

Để tham gia vào những hoạt động này, xin quý đồng nghiệp đăng ký với phòng Tổ chức cán bộ, Sở Y tế TP.HCM, theo số điện thoại 028.39309967 hoặc 0907.574.269.

(Tiếp tục cập nhật)

Tin liên quan
Tin khác