Y tế - Sức khỏe
Tin mới về Covid-19 ngày 24/12: Thủ tướng Chính phủ yêu cầu sớm hoàn thành tiêm mũi 3
Tâm Ngân - 24/12/2021 08:25
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu hoàn thành tiêm vắc-xin Covid-19 mũi 3 cho người trên 18 tuổi trong quý I/2022.
TIN LIÊN QUAN

Thêm 16.142 người mắc Covid-19

Tính từ 16h ngày 23/12 đến 16h ngày 24/12, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 16.157 ca nhiễm mới, trong đó 15 ca nhập cảnh và 16.142 ca ghi nhận trong nước (giảm 225 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 10.528 ca trong cộng đồng).

Mặt khác, các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là: Hải Phòng (-233), Bạc Liêu (-182), Bến Tre (-173).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Phú Yên (+219), Đắk Lắk (+172), Cà Mau (+167).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 16.041 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.620.869 ca nhiễm nCoV, đứng thứ 31/223 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 144/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 16.434 ca nhiễm).

Tính từ 27/4, số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.615.292, trong đó, 1.212.444 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Địa phương duy nhất không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua là Bắc Kạn.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (498.628), Bình Dương (289.825), Đồng Nai (96.347), Tây Ninh (68.720), Long An (39.965).

Gần 31.000 người khỏi bệnh

Trong ngày 21/12, Bộ Y tế công bố 30.833 F0 khỏi bệnh, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 được điều trị khỏi lên 1.215.261 người.

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.767 ca, trong đó, 5.518 trường hợp thở ô-xy qua mặt nạ, 1.190 ca thở ô-xy dòng cao (HFNC), 150 ca thở máy không xâm lấn, 890 ca thở máy xâm lấn và 19 trường hợp can thiệp ECMO.

Từ 17h30 ngày 23/12 đến 17h30 ngày 24/12 ghi nhận 235 ca tử vong tại TP.HCM (44), trong đó có 9 ca từ các tỉnh chuyển đến từ Long An (3), Vĩnh Long (2), An Giang (2), Bình Thuận (1), Đồng Nai (1).

Tại các tỉnh, thành phố khác: Đồng Nai (20), An Giang (18), Tiền Giang (15), Đồng Tháp (13), Cần Thơ (13), Vĩnh Long (12), Bình Dương (11), Bến Tre (11), Tây Ninh (10), Kiên Giang (9), Sóc Trăng (7), Bình Định (6), Hà Nội (5), Bến Tre (5), Trà Vinh (5), Cà Mau (5), Khánh Hòa (4), Bình Thuận (4), Bà Rịa - Vũng Tàu (4), Bạc Liêu (4), Bình Phước (2), Long An (2), Hậu Giang (2), Hải Phòng (1), Ninh Thuận (1), Lạng Sơn (1), Lâm Đồng (1).

Hà Nội ghi nhận 1.834 ca mắc Covid-19 tại 28 quận, huyện

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 23/12 đến 18h ngày 24/12, trên địa bàn Thành phố ghi nhận 1.834 ca mắc Covid-19, trong đó có 618 ca tại cộng đồng, 1.123 ca tại khu cách ly và 93 ca tại khu phong tỏa.

Như vậy, sau 4 ngày liên tiếp (tính từ ngày 20/12 đến 23/12) ghi nhận số ca dương tính từ hơn 1.600-1.700 ca/ngày, hôm nay, số ca nhiễm mới trên địa bàn Hà Nội tiếp tục gia tăng lên mốc hơn 1.800 ca/ngày.

Cụ thể, 1.834 bệnh nhân mới phân bố tại 335 xã, phường, thị trấn thuộc 28/30 quận, huyện, thị xã.

Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai (166); Đống Đa (161); Long Biên (161); Cầu Giấy (119); Sóc Sơn (105); Nam Từ Liêm (101); Thanh Xuân (92); Gia Lâm (90).

Riêng 618 ca cộng đồng ghi nhận tại 224 xã, phường thuộc 27/30 quận, huyện. Một số quận, huyện nhiều bệnh nhân tại cộng đồng như: Hoàng Mai (118); Đống Đa (55); Thanh Xuân (40); Thanh Oai (37); Sóc Sơn (33); Long Biên (33).

Cộng dồn số ca mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 29-4 đến nay) là 35.643 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 12.990 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 22.653 ca.

Đồng Tháp giảm tối đa ca F0 chuyển nặng và tử vong

Theo Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh Đồng Tháp, số ca tử vong liên quan Covid-19 những ngày gần đây có chiều hướng gia tăng.

Ghi nhận trong ngày 23/12, Đồng Tháp có 787 ca mắc mới (tăng 03 ca so với ngày trước đó), trong đó 258 ca trong cộng đồng, cụ thể: Châu Thành 70 ca, TP. Sa Đéc 44 ca, TP. Cao Lãnh 39 ca, Tân Hồng 35 ca, Thanh Bình 30 ca, Tháp Mười 14 ca, Lấp Vò 13 ca,Lai Vung 07 ca, Tam Nông 04 ca, huyện Cao Lãnh 01 ca, thành phố Hồng Ngự 01 ca.

Tổng số ca dương tính cộng dồn 38.821 ca. Số bệnh nhân Covid-19 hiện đang điều trị 10.428 ca, trong đó 6.954 ca điều trị tại nhà, nơi cư trú. Số bệnh nhân hoàn thành điều trị 536 ca trong ngày, cộng dồn 27.912 ca. Trong ngày, ghi nhận 15 ca tử vong liên quan Covid-19 (tăng 03 ca so ngày hôm qua), cộng dồn 472 ca, đa số là người lớn tuổi, có bệnh nền.

Nhằm kéo giảm tối đa ca F0 chuyển nặng và tử vong, ngày 23/12, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đoàn Tấn Bửu chủ trì Hội nghị trực tuyến với các huyện, thành phố triển khai các biện pháp điều trị, quản lý F0 và giới thiệu mô hình điều trị, chăm sóc bệnh nhân tại nhà từ xa của nhóm Thầy Hồ Thanh Phong và các cộng sự; hỗ trợ Đồng Tháp tập huấn chuyên môn, xây dựng chương trình phần mềm, có thể nhận điều trị tại nhà... Mục tiêu là hỗ trợ nhanh nhất, tốt nhất đến các bệnh nhân F0 thể nhẹ tại nhà, qua đó trực tiếp giảm bớt được số lượng người bệnh trở nặng, phải đến bệnh viện, giúp giảm tải hệ thống y tế và đẩy lùi dịch bệnh.

Đồng Tháp hiện có 10.192 ca mắc Covid-19 đang điều trị, trong đó có 9.742 ca không triệu chứng/triệu chứng nhẹ (chiếm gần 96%); có hơn 6.600 F0 đang điều trị tại nhà, nơi cư trú (chiếm hơn 64% tổng số ca đang điều trị).

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nhấn mạnh, Ban chỉ dạo phòng chống dịch Đồng Tháp đặt mục tiêu hàng đầu trong giai đoạn thích ứng hiện nay là nâng cao hiệu quả điều trị để giảm tối đa các trường hợp chuyển nặng và tử vong liên quan Covid-19 cho các F0 điều trị tại nhà, nơi cư trú. Trong đó, cần hỗ trợ, chăm sóc ban đầu cho người bệnh ngay khi mới phát hiện dương tính với SARS-CoV-2, nhất là đối với người thuộc nhóm nguy cơ bao gồm: Người có bệnh nền có nguy cơ cao, người trên 50 tuổi, phụ nữ mang thai, người từ 18 tuổi trở lên chưa tiêm vắc-xin.

Tăng tốc tiêm vắc-xin mũi 3

Văn phòng Chính phủ vừa có Công điện số 9406/CĐ-VPCP ngày 23/12/2021 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc tăng cường công tác tiêm chủng, kiểm soát biến chủng mới Omicron của virus SARS-CoV-2.

Thủ tướng yêu cầu hoàn thành tiêm vắc-xin Covid-19 mũi 3 cho người trên 18 tuổi trong quý I/2022.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhất là chủ động kiểm soát biến chủng mới Omicron đang diễn biến rất khó lường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo và tổ chức thần tốc hơn nữa việc tiêm chủng vắc-xin phòng ngừa Covid-19. 

Chậm nhất ngày 31/12/2021 phải hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên (trừ trường hợp chống chỉ định); không để sót các trường hợp thuộc diện phải tiêm, nhất là người có bệnh nền, người trên 50 tuổi; hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 12 - 18 tuổi trong tháng 1/2022, mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong Quý I/2022.

Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tiến độ tiêm vắc-xin tại địa phương khi đã được cung cấp vắc-xin đầy đủ.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế bảo đảm đủ vắc-xin và phân bổ kịp thời cho các địa phương, hướng dẫn các địa phương tiêm an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả. Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, chống mọi biểu hiện tiêu cực.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các Bộ: Y tế, Giao thông vận tải, Công an, Quốc phòng, Ngoại giao theo chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường kiểm soát người đến và đi qua các nước đã phát hiện ca bệnh nhiễm chủng mới Omicron nhập cảnh vào Việt Nam, kể cả đường hàng không, đường bộ, đường thủy để ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến chủng này vào nước ta; 

Thực hiện test nhanh đối với hành khách trước khi lên và sau khi xuống tàu bay, cách ly ngay đối với các trường hợp nghi nhiễm; giải trình tự gen để phát hiện chủng Omicron và xử lý triệt để.

Bộ Y tế chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu toàn diện về chủng mới Omicron để kịp thời có các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.

F0 tăng ở nhiều tỉnh, thành phố

Tỉnh Tây Ninh đã có 13 ngày liên tiếp phát hiện trên 900 F0 trong 24 giờ (chưa kể số lượng ca bổ sung). Trung bình một tuần qua, tỉnh này ghi nhận 940 ca nhiễm/ngày.

Theo thông tin từ Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Bình, ngày 23/12, tỉnh này ghi nhận thêm 43 ca nhiễm, đặc biệt có đến 40 ca tại cộng đồng.

Trong đó, có 4 người trở thành F0 sau khi tiếp xúc với người dương tính trở về từ vùng dịch. Chùm ca bệnh tại công ty Dalu Surimi (huyện Bố Trạch), ổ dịch liên quan Chợ Tréo - Kiến Giang tiếp tục có thêm 3 người nhiễm bệnh. Một số ca bệnh khác cũng chưa xác định được nguồn lây.

Trước tình hình phức tạp tại một số địa bàn, lại vào dịp cận Tết Dương lịch, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành công văn về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Hải Phòng cũng đang tăng khá nhanh số ca mắc mới trong ngày. Tại cuộc họp nâng cao năng lực quản lý, theo dõi và phân loại nguy cơ, định hướng điều trị Covid-19, lãnh đạo UBND TP Hải Phòng chủ trương thành lập 226 trạm y tế lưu độn, tổng đài tư vấn F0 và đầu tư hệ thống o-xy khí nén.

Thanh Hóa cũng có ngày thứ 2 vượt mốc 300 ca mắc mới trong ngày (306 ca ngày 23/12 và 364 ca ngày 21/12).

Thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Thanh Hóa, ngày 23/12, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 302 F0 mới.

Trong đó có 144 F0 từ các khu công nghiệp trong tỉnh, nhiều nhất là Khu công nghiệp Hoàng Long, TP.Thanh Hóa (112 bệnh nhân) và Công ty giày Annora thị xã Nghi Sơn (21 bệnh nhân). Bệnh nhân từ các công ty này có địa chỉ ở nhiều huyện trong tỉnh.

Theo đại diện UBND tỉnh Thái Bình, hiện trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều hơn các ổ dịch cộng đồng, lẻ tẻ và rải rác tại một số địa phương, trong đó một số ổ dịch chưa xác định được nguồn lây nhiễm.

Trong đợt dịch cao điểm từ ngày 10/11 đến ngày 22/12, Thái Bình đã ghi nhận 2.076 ca mắc Covid-19. Trong tuần đầu tiên của đợt cao điểm, số ca mắc cộng đồng là 70 - 80 ca/ngày, đến cuối tháng 11 đầu tháng 12 giảm xuống khoảng 30 ca/ngày, đến nay lại có xu hướng tăng.

Trong bối cảnh số ca nhiễm tiếp tục tăng cao, tỉnh Thái Bình đã kích hoạt và đưa vào sử dụng 8 Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng và mức độ nhẹ ở cả 8 huyện, thành phố.

Trong 2 ngày gần đây, Bến Tre đã có xu hướng giảm nhẹ số ca mắc Covid-19 xuống còn dưới 500 ca nhưng vẫn còn rất cao.

Bao phủ vắc-xin ít nhất 1 liều đạt hơn 97%

Cập nhật trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, tính đến 13h30 ngày 23/12, hiện tỷ lệ bao phủ ít nhất một liều vắc-xin là 97,0% và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều là 84,3% dân số từ 18 tuổi trở lên.

Theo khu vực, tỷ lệ này lần lượt ở miền Bắc là 93,7% và 80,0%, miền Trung là 94,4% và 83,1%; Tây Nguyên là 90,7% và 67,1%; miền Nam là 100% và 89,3%.

Về triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, Bộ Y tế cho biết các tỉnh, thành phố đã triển khai tiêm được 10.073.356 liều, trong đó có 6.956.196 liều mũi 1 và 3.117.160 liều mũi 2.

Tỷ lệ bao phủ ít nhất một liều vắc-xin là 76,2% và tỷ lệ bao phủ đủ 2 liều là 34,1% dân số từ 12 -17 tuổi. Các tỉnh thành phố đã cơ bản bao phủ đủ 2 liều vắc-xin cho nhóm tuổi này là Hà Nam, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP.HCM, Tiền Giang, Tây Ninh, Vĩnh Long, Bình Dương, Bạc Liêu, Hậu Giang.

TP.HCM có 24.420 người thuộc nhóm nguy cơ chưa tiêm vắc-xin Covid-19

Sau 15 ngày rà soát, TP.HCM có tổng cộng 584.403 người thuộc nhóm nguy cơ, trong đó, 4,2% trường hợp chưa tiêm vắc-xin.

Ngày 23/12, Sở Y tế TP.HCM cho biết sau 15 ngày thực hiện "Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ", TP.HCM có 584.403 người thuộc nhóm nguy cơ. Trong đó, 24.420 người chưa tiêm vắc-xin (chiếm tỷ lệ 4,2%).

Cơ quan này cho biết tất cả trung tâm y tế đang khẩn trương thuyết phục và triển khai tiêm vắc-xin ngay cho những người thuộc nhóm nguy cơ. Trường hợp thuộc nhóm nguy cơ gặp khó khăn trong đi lại, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quận, huyện sẽ triển khai các đội tiêm tại nhà.

Đáng chú ý, trong 15 ngày qua, chiến dịch thực hiện xét nghiệm tầm soát phát hiện 3.918 người có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Những trường hợp này được kịp thời điều trị ngay với thuốc kháng virus Molnupiravir, cách ly chăm sóc tại nhà (901 người) hoặc cách ly tập trung (255 người).

Theo Sở Y tế TP.HCM, các quận, huyện tiếp tục khẩn trương triển khai xét nghiệm tầm soát cho tất cả người dân thuộc nhóm nguy cơ theo kế hoạch và cho người F0 ra uống liều kháng virus ngay khi phát hiện.

Việc triển khai thực hiện các hoạt động trọng tâm của chiến dịch bảo vệ nhóm nguy cơ của các quận, huyện và TP Thủ Đức bước đầu đã phát hiện những trường hợp cần được can thiệp ngay góp phần giảm nguy cơ tử vong.

Ngoài ra, Sở Y tế yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quận, huyện phân công trách nhiệm người chuyên nhập dữ liệu danh sách người thuộc nhóm nguy cơ trên địa bàn, đảm bảo chính xác và kịp tiến độ theo quy định.

Hà Nội cấp phát khẩn 200.000 viên Molnupiravir điều trị F0 thể nhẹ

Sở Y tế Hà Nội ngày 23/12 cho biết, vừa được Bộ Y tế phân cấp 200.000 viên thuốc Molnupiravir 200mg và yêu cầu các địa phương khẩn trương cấp phát cho các F0 đủ điều kiện.

Sở Y tế Hà Nội ngày 23/12 cho biết, TP vừa được Bộ Y tế phân cấp 200.000 viên thuốc Molnupiravir 200mg. Sở Y tế yêu cầu Bệnh viện Đa khoa Đống Đa liên hệ với nhà cung ứng, làm thủ tục nhận thuốc này và có trách nhiệm bảo quản theo đúng điều kiện bảo quản ghi trên nhãn; cấp phát cho các đơn vị tham gia chương trình thử nghiệm theo phân bổ của Sở Y tế. 

Giám đốc trung tâm y tế, bệnh viện thu dung điều trị F0 khẩn trương cấp phát cho các bệnh nhân đủ điều kiện tham gia chương trình tại cơ sở thu dung, điều trị và tại nhà theo đúng quy định.

Cùng ngày, Sở cũng thông tin cơ quan này vừa ban hành quyết định về quy trình triển khai Chương trình sử dụng thuốc Molnupiravir có kiểm soát trên cộng đồng cho F0 thể nhẹ tại Hà Nội. Quyết định này thay thế quyết định 4245/QĐ-SYT do Sở ban hành hôm

Theo Sở Y tế Hà Nội, có 4 tiêu chuẩn F0 được tham gia chương trình là: Người có kết quả test nhanh kháng nguyên hoặc PCR dương tính trong vòng 5 ngày; người từ 18 tuổi trở lên, ưu tiên đối với các trường hợp trên 50 tuổi hoặc có bệnh nền; cam kết đồng ý tham gia chương trình và không có các chống chỉ định dùng thuốc. 

Trong trường hợp bệnh nhân được cách ly điều trị tại nhà phải có Quyết định (hoặc văn bản) của Chủ tịch UBND cấp xã hoặc cơ quan có thẩm quyền đồng ý cho cách ly tại nhà.

Tin liên quan
Tin khác