Thêm 15.672 ca Covid-19 mới trong nước, 10.627 ca cộng đồng
Tính từ 16h ngày 26/1 đến 16h ngày 27/1, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 15.727 ca nhiễm mới, trong đó 55 ca nhập cảnh và 15.672 ca ghi nhận trong nước (giảm 213 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 10.627 ca trong cộng đồng).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bắc Giang (-213), Bến Tre (-196), Kon Tum (-130). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Đắk Lắk (+376), Gia Lai (+180), Thanh Hóa (+140).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 15.437 ca/ngày.
Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 166 ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron tại TP Hồ Chí Minh (92), Quảng Nam (27), Hà Nội (14), Khánh Hòa (11), Đà Nẵng (8 ), Kiên Giang (4), Quảng Ninh (2), Thanh Hóa (2), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Long An (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Bình Dương (1), Lâm Đồng (1).
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.203.208 ca nhiễm, đứng thứ 28/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 143/224quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 22.320 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.196.351 ca, trong đó có 1.942.794 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP Hồ Chí Minh (513.259), Bình Dương (292.752), Hà Nội (120.175), Đồng Nai (99.811), Tây Ninh (87.706).
Số bệnh nhân công bố khỏi bệnh trong ngày là 21.002 ca.
Tổng số ca được điều trị khỏi là 1.945.611 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.485 ca, trong đó, thở ô xy qua mặt nạ là 2.767 ca; thở ô xy dòng cao HFNC là 614 ca; thở máy không xâm lấn là115 ca; thở máy xâm lấn là 582 ca; ECMO là 17 ca.
Từ 17h30 ngày 26/1 đến 17h30 ngày 27/1 ghi nhận 126 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 146 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 37.291 ca, chiếm tỷ lệ 1,7% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 25/224 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 32.053.283 mẫu tương đương 76.975.916 lượt người, tăng 42.772 mẫu so với ngày trước đó.
Trong ngày 26/1 có 930.725 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 179.593.670 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 78.987.718 liều, tiêm mũi 2 là 73.908.501 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 26.697.451 liều.
Hà Nội ghi nhận 2.907 ca, 679 ca cộng đồng
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, số ca mắc mới từ 18h ngày 26/1/2022 đến 18h ngày 27/01/2022, Hà Nội ghi nhận 2.907 ca bệnh.
Hơn 2.900 ca Covid-19 mới phân bố tại 422 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai (120); Đông Anh (115); Đống Đa (114); Bắc Từ Liêm (106); Thanh Trì (98); Nam Từ Liêm (97); Thanh Xuân (95); Gia Lâm (92).
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) đến nay là 123.326 ca.
Tính tới hết ngày 26/1, trên địa bàn thành phố có 69.793 trường hợp F0 đang được điều trị và cách ly. Trong đó, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (145 ca), Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (225 ca), tại các bệnh viện của Hà Nội là (3.421 ca).
Ngoài ra, cơ sở thu dung điều trị thành phố và cơ sở thu dung quận, huyện có hơn 4.600 bệnh nhân, giảm mạnh so với nhiều ngày trước. Có hơ 61.000 F0 đang theo dõi cách ly tại nhà. Trong ngày 26/1, có 31 trường hợp bệnh nhân tử vong, nâng tổng số người tử vong từ đầu dịch đến nay là 537 người.
Về tiêm chủng vắc-xin Covid-19, Hà Nội đã tiêm 242.360 mũi bổ sung và 2.241.655 mũi nhắc lại cho người dân.
Tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân về quê đón Tết
Bộ Y tế vừa có văn bản hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước về việc tăng cường phòng chống dịch dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa lễ hội đầu năm 2022.
Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong nước về quê dịp Tết, không "ngăn sông cấm chợ". Ảnh: Zing.vn |
Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành chỉ đạo UBND các cấp, các sở, ban, ngành và các tổ chức chính trị triển khai các giải pháp "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch" theo Nghị quyết 128 của Chính phủ.
Thực hiện nghiêm công văn số 357 của Bộ Y tế, "tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong nước về quê dịp Tết, không ngăn sông cấm chợ, tổ chức chăm lo cho người dân đón Tết, vận động người dân trở lại làm việc ngay sau kỳ nghỉ, nhất là việc hỗ trợ người lao động trở lại thành phố lớn đảm bảo an toàn, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội".
Cũng tại văn bản này, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành chỉ đạo Sở Y tế xây dựng trình UBND tỉnh, thành phê duyệt kế hoạch phòng chống dịch bệnh năm 2022 tổ chức triển khai thực hiện sớm nhất có thể, phân công cụ thể các đơn vị liên quan theo từng nội dung và địa bàn phụ trách.
Tăng cường triển khai công tác phòng chống dịch bệnh nguy hiểm, dịch bệnh mùa Đông- Xuân, tập trung giám sát các trường hợp mắc bệnh lây truyền qua đường hô hấp, nhất là Covid-19 và biến thể mới, kịp thời lấy mẫu xét nghiệm để chẩn đoán sớm tác nhân gây bệnh, triển khai xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch phát triển lây lan trong cộng đồng.
Tiếp tục "thần tốc" tiêm vắc-xin
Theo yêu cầu của Bộ Y tế các sở Y tế tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai "thần tốc" và "thần tốc hơn nữa" trong việc tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 3 cho người 18 tuổi trở lên và mũi 2 cho trẻ em từ 12-17 tuổi.
Đặc biệt, chú ý tổ chức tiêm an toàn, thuận lợi cho người có nguy cơ cao, rà soát không để bỏ sót đối tượng chưa được tiêm chủng và đối tượng chưa được tiêm đủ liều vắc-xin để tập trung tiêm đủ liều cho các đối tượng từ 12 tuổi trở lên trong thời gian ngắn nhất.
Tổ chức công tác thu dung, cấp cứu, phân tuyến điều trị bệnh nhân, thực hiện phân luồng khám chữa bệnh, thiết lập khu vực riêng khám, cách ly điều trị bệnh nhân để tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Sở Y tế phải tham mưu tổ chức các đoàn công tác liên ngành để kiểm tra, chỉ đạo kịp thời công tác phòng chống dịch bệnh, tiêm chủng phòng bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm để phát hiện sớm, chấn chỉnh kịp thời việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch không phù hợp, kiên quyết không để xảy ra các hành vi vi phạm trong công tác phòng chống dịch Covid-19.
Khẩn trương cập nhật, báo cáo nhu cầu sử dụng ô-xy
Theo Bộ Y tế, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên toàn quốc có chiều hướng bùng phát, gia tăng. Đặc biệt, đây là thời điểm nhạy cảm, cận kề dịp nghỉ Tết Nguyên đán với khả năng xuất hiện biến chủng virus mới Omicron, có khả năng diễn biến rất phức tạp.
Hiện, Bộ Y tế đã xây dựng phần mềm quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng điều phối ô-xy y tế (phần mềm ôxy y tế) nhằm tạo nền tảng và công cụ khai báo thông tin về năng lực sản xuất ô-xy; năng lực lưu trữ, chiết nạp; năng lực vận chuyển; năng lực cung ứng thiết bị ô-xy; hiện trạng hạ tầng và nhu cầu sử dụng ôxy của các đơn vị thu dung điều trị Covid-19.
Đây là công cụ hỗ trợ các nhà quản lý điều phối, cung ứng ô-xy y tế, các cơ sở điều trị quản lý lượng ô-xy sử dụng tại đơn vị, kết nối với các cơ sở cung cấp lân cận trên địa bàn để bảo đảm ô-xy phục vụ phòng, chống Covid-19.
Bộ Y tế đã có các văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố, Sở Y tế các địa phương, các đơn vị sử dụng cử cán bộ đầu mối tiếp nhận tài khoản và cập nhật dữ liệu lên phần mềm quản lý, điều phối ôxy y tế. Thế nhưng đến nay, việc cập nhật thông tin và tình hình sử dụng ô-xy của các đơn vị chưa được ưu tiên, quan tâm thực hiện.
Tình hình cập nhật còn chậm trễ, chưa kịp thời dẫn đến chưa hoàn chỉnh bản đồ dữ liệu, không tổng hợp được nhu cầu sử dụng ô-xy của từng địa phương. Trong khi đó, những thông tin này chính là cơ sở để Bộ Công Thương có phương án chỉ đạo đối với các nhà sản xuất, cung ứng ôxy kịp thời cho các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19.
Chính vì vậy, để bảo đảm cung ứng đủ ôxy trên địa bàn phục vụ cho công tác điều trị bệnh nhân Covid-19, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương khẩn trương thực hiện, cử cán bộ chuyên trách cập nhật, báo cáo nhu cầu sử dụng ô-xy trên địa bàn. Đây là yêu cầu cấp bách được Bộ Y tế đưa ra đề nghị các địa phương triển khai.
Hà Nội: Gần 70.000 F0 đang điều trị và cách ly
Trên địa bàn TP.Hà Nội có 69.793 trường hợp F0 đang được điều trị và cách ly. Trong đó tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (145), Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (225), tại các bệnh viện của Hà Nội là (3421), cơ sở thu dung điều trị thành phố (663), cơ sở thu dung quận, huyện (3978), theo dõi cách ly tại nhà (61.361).
Theo Sở Y tế Hà Nội, số ca tử vong trong ngày là 31 trường hợp, tổng số người tử vong do Covid-19 từ ngày 29/4/2021 đến nay là 537 người.
Trong ngày toàn Thành phố tiêm được 52.944 mũi tiêm, nâng tổng số mũi tiêm toàn thành phố đã thực hiện được từ khi triển khai tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 là 14.594.261 mũi tiêm; 242.360 mũi bổ sung và 2.241.655 mũi vắc-xin nhắc lại.
Hiện tại các hoạt động phòng chống dịch bệnh Covid-19 như giám sát nhập cảnh, xét nghiệm, tiêm chủng, tổ chức điều trị tại bệnh viện, cơ sở thu dung và hỗ trợ người bệnh điều trị tại nhà vẫn đang được ngành y tế thực hiện và phối hợp với chính quyền địa phương để thực hiện, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân.
Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà lưu ý lượng người mắc Covid-19 của Thành phố vẫn tăng cao, trong đó, số ca cộng đồng chiếm khoảng 30%.
Theo bà Hà, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, số ca mắc tại Hà Nội sẽ tăng cao hơn nữa do giao lưu, giao thương của người dân trong dịp Tết là điều kiện để dịch bùng phát.
Từ đây, ngành Y tế đã xây dựng các phương án phòng chống sự lây lan của biến chủng mới, trong đó, đảm bảo mục tiêu giảm tỷ lệ chuyển tầng, diễn biến nặng và tử vong.
Bà Hà khẳng định ngành Y tế sẵn sàng không có ngày nghỉ Tết để phục vụ người dân trong công tác xét nghiệm, tiêm chủng.
Sở Y tế đề nghị các quận, huyện đảm bảo tỷ lệ an toàn là mức 95% bệnh nhân điều trị tại nhà; chỉ khoảng 5% điều trị tại cơ sở y tế.