Cả nước ghi nhận thêm 54.995 ca Covid-19 mới
Tính từ 16h ngày 4/4 đến 16h ngày 5/4, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 54.995 ca nhiễm mới, trong đó 0 ca nhập cảnh và 54.995 ca ghi nhận trong nước (tăng 6.280 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 38.040 ca trong cộng đồng).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Đắk Lắk (-2.024), Hà Nội (-669), Bắc Giang (-292).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hà Giang (+1.238), Bắc Kạn (+962), Quảng Ngãi (+877).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 65.600 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 9.922.040 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 110/227quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 100.350 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4/2021 đến nay số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 9.914.301 ca, trong đó có 8.144.473 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.507.310), TP. Hồ Chí Minh (598.098), Nghệ An (405.832), Bình Dương (379.578), Hải Dương (349.303).
303.455 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày
Tổng số ca được điều trị khỏi: 8.147.290 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.055 ca, trong đó: thở ô xy qua mặt nạ: 1.481 ca; thở ô xy dòng cao HFNC: 261 ca; thở máy không xâm lấn: 51 ca; thở máy xâm lấn: 260 ca; ECMO: 2 ca
Từ 17h30 ngày 4/4 đến 17h30 ngày 5/4 ghi nhận 39 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 38 ca.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.681 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49(xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 38.757.853 mẫu tương đương 84.742.786 lượt người, tăng 60.084 mẫu so với ngày trước đó.
Trong ngày 4/4 có 469.316 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 207.023.415 liều, trong đó:
Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 189.829.384 liều: Mũi 1 là 71.249.659 liều; Mũi 2 là 68.081.142 liều; Mũi 3 là 1.505.474 liều; Mũi bổ sung là 14.957.246 liều; Mũi nhắc lại là 34.035.863 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.194.031 liều: Mũi 1 là 8.810.098 liều; Mũi 2 là 8.383.933 liều.
Hà Nội có 5.199 F0 mới
Theo Sở Y tế Hà Nội trong 24h qua đã ghi nhận 5.199 ca mắc Covid-19 mới, giảm gần 800 ca so với hôm qua.
Bệnh nhân phân bố tại 432 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hà Đông (353), Hoàng Mai (333), Sóc Sơn (310), Long Biên (305).
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) là 1.507.848 ca.
Hiện Hà Nội chỉ còn hơn 174.300 ca Covid-19 đang điều trị, theo dõi, trong đó có 906 ca tại bệnh viện; 6 ca tại cơ sở thu dung quận/huyện/thị xã, số còn lại theo dõi cách ly tại nhà.
Điều chỉnh số lượng mua phù hợp
Về vấn đề mua vắc-xin cho trẻ em từ 5-11 tuổi, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thông tin, thời gian qua dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, có cơ chế ngoại giao vắc-xin của nước ta thu được nhiều thành quả.
Theo đại diện Bộ Y tế, dự kiến ngày 10/5, vắc-xin cho trẻ em sẽ về Việt Nam. |
Đến nay, đối với người từ 18 tuổi trở lên, cơ bản đã tiêm đầy đủ mũi 1 và mũi 2, mũi 3 đã tiêm được khoảng 47%.
Đối với trẻ em từ 18 tuổi trở lên, cơ bản đã tiêm đủ mũi 1 và mũi 2. Độ bao phủ vắc-xin cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu.
Với trẻ từ 5-11 tuổi, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ đã đề nghị mua với số lượng 21,9 triệu liều. Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận trước khi tiến đến ký kết mua vắc-xin với Pfizer, một số tổ chức, quốc gia như Đại sứ quán Úc, Đại sứ quán Hà Lan, … sẽ hỗ trợ Việt Nam về vắc-xin tiêm cho trẻ em.
Chính vì thế, hiện nay Bộ đang có những điều chỉnh về số lượng mua vắc-xin trước khi trình lên Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, vừa mua đủ số lượng vắc-xin để đảm bảo tiêm chủng, vừa tiếp nhận lượng vắc-xin viện trợ để tiêm kịp thời cho trẻ em theo đúng quy định.
Về tạo sự đồng thuận khi tiêm cho trẻ em từ 5-11tuổi, Bộ cũng làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương, giao cho Viện Chiến lược và Chính sách Y tế của Bộ Y tế tiến hành khảo sát, đánh giá tỉ lệ chấp thuận của phụ huynh về việc cho trẻ em tiêm vắc-xin. Tuy nhiên, tỷ lệ này có sự khác biệt, giao động từ 60 - 80%.
Cũng theo lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ này làm việc với Đại sứ quán Úc tại Việt Nam và Tổng giám đốc Pfizer tại Việt Nam, 2 đơn vị đều đã thống nhất sẽ đưa vắc-xin về đến Việt Nam sớm nhất để tiêm cho trẻ em từ 5-11 tuổi.
Dự kiến sẽ đưa được lô vắc-xin Moderna đầu tiên để tiêm trẻ em về đến Việt Nam vào 10/5/2022.
Thông tin mới về vắc-xin nội
Với vắc-xin nội, lãnh đạo Bộ Y tế cho hay, đến nay đã có 3 ứng cử viên gồm NanoCovax, Covivac và ARCT154 đang được kỳ vọng sẽ đưa ra thị trường.
Theo đó, với Nanocovax (do Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen nghiên cứu) đã đến giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, giữa kỳ của giai đoạn 3. Vắc-xin này đã được Hội đồng đạo đức và Hội đồng tư vấn của Bộ Y tế cấp phép.
Qua rà soát hồ sơ, vẫn còn một số dữ liệu mà Hội đồng cấp phép đề nghị Nanogen bổ sung.
Hiện nay, công ty Nanogen đang tổng hợp để bổ sung các dữ liệu cho Hội đồng tư vấn cấp phép. Sau khi bổ sung đầy đủ các tài liệu theo đề cương nghiên cứu, hội đồng sẽ tiếp tục họp và nếu đủ điều kiện sẽ trình Bộ Y tế cấp phép.
Vắc-xin Covivac do Viện Vắc-xin và Sinh phẩm Y tế nghiên cứu đã được đánh giá kết quả giữa kỳ của thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, đang đánh giá ở giai đoạn 2 và hoàn thiện hồ sơ, đề cương để chuẩn bị tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.
Còn vắc-xin ARCT154 đã đánh giá giữa kỳ của giai đoạn 1, giai đoạn 2, đang triển khai ở giai đoạn 3b và đang đánh giá giữa kỳ, thử nghiệm lâm sàng trên 1.000 tình nguyện viên.
Vắc-xin là sinh phẩm tiêm cho con người nên yêu cầu đánh giá mức độ an toàn rất cao, tránh tai biến tức thì khi tiêm vắc-xin chưa được nghiên cứu và đánh giá đầy đủ.
TP.HCM lên kế hoạch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho gần 900.000 trẻ
UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch khẩn về việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi. Theo đó, TP.HCM sẽ hoàn thành kế hoạch tiêm này trước tháng 9/2022.
Dự kiến TP.HCM sẽ tiêm cho 898.537 trẻ, trong đó có 885.730 trẻ đi học, 12.807 trẻ đang nuôi dưỡng ở cơ sở bảo trợ xã hội và trẻ chưa đi học.
Trẻ đi học sẽ được tiêm tại trường học hoặc tại điểm tiêm được cơ sở giáo dục và y tế địa phương phối hợp quyết định, đảm bảo an toàn tiêm chủng và phòng, chống dịch bệnh.
Trẻ không đi học sẽ được tiêm tại điểm tiêm chủng cố định hoặc lưu động trên địa bàn do UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện quyết định. Trẻ đang điều trị nội trú tại các bệnh viện, sẽ được tổ chức tiêm ngay tại bệnh viện (kể cả trẻ có địa chỉ cư trú tại tỉnh, thành khác).
Ngay sau khi được Bộ Y tế cung ứng vắc-xin, TP sẽ triển khai tiêm, phấn đấu hoàn thành trước tháng 9/2022. Loại vắc-xin theo phê duyệt của Bộ Y tế cho độ tuổi nói trên.
UBND TP.HCM yêu cầu các đơn vị liên quan, cơ sở, điểm tiêm chủng phải cung cấp thông tin cho phụ huynh/người giám hộ của trẻ về tác dụng, lợi ích của việc sử dụng vắc-xin và giải thích những phản ứng có thể gặp sau tiêm chúng; hiệu quả, liều lượng của loại vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm chủng. Hướng dẫn phụ huynh người giám hộ của trẻ thực hiện ký phiếu đồng ý tiêm chủng trước khi tiêm theo mẫu của Bộ Y tế.
UBND TP.HCM cũng yêu cầu Trung tâm Cấp cứu 115 là đầu mối chịu trách nhiệm phối hợp với các bệnh viện trên địa bàn đảm bảo công tác cấp cứu tại các điểm tiêm; bố trí xe cấp cứu với đầy đủ phương tiện, trang thiết bị cấp cứu, thuốc cấp cứu theo đúng cơ số quy định, đảm bảo việc cấp cứu tại chỗ và vận chuyển người bệnh đến bệnh viện gần nhất.