Y tế - Sức khỏe
Tin mới về dịch bệnh ngày 14/5: Không quá hoang mang vì viêm gan bí ẩn
D.Ngân - 14/05/2022 10:31
Chuyên gia khuyến cáo các bậc cha mẹ nên quan tâm tới các biện pháp phòng ngừa cho con mình, theo dõi triệu chứng, không nên quá hoang mang, lo lắng.

Hà Nội còn 93.000 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong 24 giờ qua (tính từ 18h ngày 13/5 đến 18h ngày 14/5), trên địa bàn thành phố ghi nhận 489 ca Covid-19, trong đó có 148 ca cộng đồng; 341 ca đã cách ly.

Cụ thể, 489 bệnh nhân ghi nhận trong 24 giờ qua phân bố tại 177 xã, phường, thị trấn thuộc 29/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hà Đông (61), Đông Anh (60), Long Biên (38), Nam Từ Liêm (37), Hoàng Mai (26).

Như vậy, cộng dồn số ca mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ tư, tính từ ngày 29/4/2021 cho đến nay, là hơn 1,59 triệu ca, trong đó có 1.335 ca tử vong.

Cũng theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, đến nay, trên địa bàn thành phố còn gần 93.000 bệnh nhân đang điều trị, trong đó có 253 ca Covid-19 điều trị tại bệnh viện và hơn 92.700 ca theo dõi tại nhà.

Về công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19, tính từ chiều 16/4cho đến hết ngày 13/5, Hà Nội đã triển khai tiêm mũi 1 cho gần 167.000 trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Số ca Covid-19 trên cả nước giảm mạnh, 17 địa phương không có ca nhiễm mới

Theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 1.895 ca nhiễm mới Covid-19 tại 46 tỉnh, thành phố (giảm 331 ca so với ngày trước đó).

Như vậy, có 17 tỉnh, thành phố không ghi nhận ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Đắk Lắk (giảm 114 ca), Bắc Ninh (giảm 70 ca), Phú Thọ (giảm 28 ca).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Lai Châu (tăng 23 ca), Hà Nam (tăng 12 ca), Đắk Nông (tăng 12 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 2.589 ca/ngày.

Cụ thể, tính từ 16h ngày 13-5 đến 16h ngày 14-5, trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 1.895 ca nhiễm mới tại 46 tỉnh, thành phố (có 1.585 ca trong cộng đồng).

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 10.695.036 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.069 ca nhiễm).

Riêng đợt dịch thứ tư (tính từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.687.283 ca, trong đó có 9.346.775 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là Hà Nội (1.594.640), TP.HCM (608.929), Nghệ An (483.429), Bắc Giang (386.439), Bình Dương (383.645).

Về tình hình điều trị, có thêm 5.563 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 9.349.592 ca. Ngoài ra, hiện có 340 bệnh nhân đang thở ô xy.

Về số bệnh nhân tử vong, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 2 ca tử vong tại 2 tỉnh Bạc Liêu và Khánh Hòa. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 1 ca/ngày.

Như vậy, tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.065 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tăng giám sát để phát hiện bệnh

Bộ Y tế đã gửi Công văn số 2480/BYT-DP đến các viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực về việc giám sát các trường hợp viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ em.

Chuyên gia khuyến cáo các bậc cha mẹ nên quan tâm tới các biện pháp phòng ngừa cho con mình, theo dõi triệu chứng, không nên quá hoang mang, lo lắng.

Theo thông tin cập nhật từ Tổ chức Y tế thế giới, tính đến ngày 7/5/2022, trên thế giới đã ghi nhận hơn 300 trường hợp trẻ bị viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân tại 23 quốc gia thuộc khu vực châu Âu, châu Mỹ, Đông Nam Á, Tây Thái Bình Dương, trong đó đã có 9 trường hợp tử vong.

Bệnh xảy ra ở trẻ từ 1 tháng tuổi đến 16 tuổi, hầu hết bệnh nhi hồi phục hoàn toàn, tuy nhiên có một số trường hợp chuyển nặng, gần 10% các trường hợp phải ghép gan.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, ca bệnh có thể (ca bệnh giám sát) là những trẻ dưới 16 tuổi có biểu hiện viêm gan cấp tính (không do virus viêm gan A, B, C, D, E) với men gan tăng trên 500 IU/l (SGOT hoặc SGPT) và thời gian xuất hiện triệu chứng bắt đầu từ 1/10/2021 đến nay.

Hiện tại, nguyên nhân chính xác gây ra viêm gan cấp tính ở trẻ em nêu trên vẫn chưa được xác định, các cuộc điều tra và nghiên cứu về bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân đang được tiến hành.

Để chủ động giám sát các ca bệnh viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân tại Việt Nam và kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống, hạn chế tối đa số mắc và tử vong; Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế tập trung chỉ đạo các nội dung, cụ thể:

Các cơ sở y tế trên địa bàn phụ trách khi phát hiện các trường hợp viêm gan cấp tính, đặc biệt ở nhóm trẻ dưới 16 tuổi, phải khám, xác định để phát hiện các trường hợp không rõ nguyên nhân (theo định nghĩa ca bệnh của Tổ chức Y tế Thế giới);

Đối với các tỉnh có cửa khẩu biên giới, tăng cường công tác giám sát tại các cửa khẩu nhằm phát hiện sớm những trường hợp có triệu chứng nghi ngờ để có hướng dẫn, quản lý phù hợp. Trong trường hợp phát hiện các ca nghi ngờ, đề nghị Sở Y tế báo cáo ngay cho các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur trên địa bàn phụ trách để thống nhất việc lấy mẫu xét nghiệm, xác định tác nhân khi cần thiết.

Tổ chức truyền thông cho người dân biết về tình hình bệnh viêm gan cấp không rõ nguyên nhân và các biện pháp phòng, chống tạm thời, trước mắt tập trung vào các biện pháp như đảm bảo vệ sinh phòng bệnh cá nhân; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường, che miệng khi hắt hơi để phòng bệnh viêm gan chưa rõ nguyên nhân và một số bệnh truyền nhiễm phổ biến khác.

Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ địa phương theo dõi, giám sát, xử lý các trường hợp viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân; tổng hợp, đánh giá tình hình, đề xuất các biện pháp phòng, chống và báo cáo về Cục Y tế dự phòng để tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ theo quy định.

Trước đó, Bộ Y tế, Cục Y tế Dự phòng cũng đã có các văn bản chỉ đạo ngành y tế các địa phương, các Viện Pasteur, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nhiễm virus viêm gan cấp tính "bí ẩn", điều trị kịp thời, hạn chế biến chứng. 

Không quá hoang mang

Hiện nay, tần suất trẻ em mắc viêm gan ở nước ta không tăng bất thường và chưa ghi nhận trường hợp nào do Adenovirus gây ra. Các bậc cha mẹ nên quan tâm tới các biện pháp phòng ngừa cho con mình, theo dõi triệu chứng, không nên quá hoang mang, lo lắng.

TS.Đinh Thế Trung, Chuyên khoa Gan mật, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, bằng cách thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán, các nhà khoa học nhận thấy bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em gần đây không phải là do virus viêm gan A, B, C, D, E và một số loại virus khác đã được biết gây viêm gan ở người (EBV, CMV…).

Các nguyên nhân gây viêm gan khác (không phải do virus) liên quan đến thức ăn, độc chất cũng không được tìm thấy. Do bệnh xảy ra cùng lúc ở nhiều quốc gia, các nhà khoa học vẫn nghi ngờ đây là bệnh do virus.

Điểm đáng lưu ý là Adenovirus được phát hiện trong phần lớn mẫu máu của các trẻ mắc bệnh. Theo báo cáo của WHO ngày 23/4/2022, trong tổng số 169 trẻ mắc viêm gan bí ẩn, 74 ca dương tính với Adenovirus, trong đó 18 ca dương tính với Adenovirus type 41.

Thêm vào đó, tại Anh, nơi có số ca viêm gan bí ẩn được báo cáo nhiều nhất, gần đây cũng ghi nhận sự gia tăng đáng kể các trường hợp nhiễm Adenovirus trong cộng đồng.

"Do vậy, Adenovirus hiện là tác nhân được nghi ngờ nhiều nhất gây ra bệnh viêm gan bí ẩn. Đây chỉ là một nghi vấn, cần có các nghiên cứu tiếp theo để xác định liệu Adenovirus có phải là nguyên nhân thực sự của đợt bệnh viêm gan gần đây hay không", TS.Trung nói. 

Theo chuyên gia này, biểu hiện lâm sàng của viêm gan bí ẩn nhìn chung là giống với bệnh viêm gan virus cấp tính do virus viêm gan A, B, C, D và E (mệt mỏi, chán ăn, nôn ói, đau bụng trong vòng 3-10 ngày đầu tiên; sau đó vàng mắt vàng da, tiểu sậm màu có thể xuất hiện, khi vàng mắt vàng da xuất hiện thì bệnh nhân không sốt).

Đa số trẻ sẽ tự hồi phục hoàn toàn. Trước tình hình hiện tại, các bậc cha mẹ cần nắm rõ các triệu chứng này và đưa con em đến cơ sở y tế chuyên khoa khám ngay khi có biểu hiện nghi ngờ, nhất là khi có vàng mắt vàng da, tiểu sậm màu xuất hiện.

Adenovirus được lây truyền từ người bệnh sang người khác qua đường tiêu hóa (phân của người bệnh có chứa virus), đường hô hấp (chất tiết đường hô hấp khi người bệnh ho hay hắt hơi có chứa virus) và qua tiếp xúc trực tiếp (bắt tay) hoặc gián tiếp (tiếp xúc với bề mặt hay vật dụng nhiễm virus của một người bệnh, sau đó đưa lên mắt mũi miệng mà không sát khuẩn tay).

"Biện pháp phòng bệnh cho trẻ bao gồm đeo khẩu trang, vệ sinh hô hấp, rửa tay thường xuyên với xà-phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, nhất là trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, trước khi chạm vào mắt mũi miệng của mình và ăn chín uống sôi. Trẻ nên tránh tiếp xúc với người đang mắc bệnh", TS.Trung khuyến cáo. 

Theo các chuyên gia, một số đối tượng đặc biệt cần được lưu ý quan tâm hơn là những em bé có bệnh lý chuyển hóa, có viêm gan B, C. Gia đình cần theo dõi trẻ, phải phát hiện sớm triệu chứng đưa tới cơ sở y tế, can thiệp kịp thời cho gan không bị tổn thương thêm. 

Tin liên quan
Tin khác