Y tế - Sức khỏe
Tin mới về dịch Covid-19 ngày 14/10: Xây dựng tiêu chí cho việc cấp phép vắc-xin Covid-19
D.Ngân - 14/10/2021 08:52
Bộ Y tế đang xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể để phục vụ việc cấp phép cho vắc-xin phòng Covid-19 sản xuất trong nước, có tham khảo chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới.

Giảm hơn 300 ca mắc mới sau 24h

Tính từ 17h ngày 13/10 đến 17h ngày 14/10, trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 3.092 ca nhiễm mới, trong đó 4 ca nhập cảnh và 3.088 ca ghi nhận trong nước (giảm 370 ca so với ngày trước đó) tại 42 tỉnh, thành phố (có 1.718 ca trong cộng đồng).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: TP.HCM(-253), Hà Giang (-152), Đắk Lắk (-69).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Tây Ninh (+223), Đồng Nai (+161), Lâm Đồng (+20).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 3.700 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 853.842 ca nhiễm, đứng thứ 41/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 155/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.672 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay) số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 849.197 ca, trong đó có 785.188 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (414.744), Bình Dương (223.959), Đồng Nai (57.122), Long An (33.567), Tiền Giang (14.774).

Hơn 788.000 người khỏi bệnh

Trong ngày có 719 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Tổng số ca được điều trị khỏi: 788.005 ca.

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.327 ca, trong đó thở ô-xy qua mặt nạ: 2.636; thở ô-xy dòng cao HFNC: 598; thở máy không xâm lấn: 484; thở máy xâm lấn: 588 và ECMO: 21.

Trong ngày ghi nhận 81 ca tử vong tại TP.HCM (61), Bình Dương (10), Long An (3), Đồng Tháp (1), An Giang (1), Khánh Hòa (1), Đắk Lắk (1), Bạc Liêu (1), Kiên Giang (1), Sóc Trăng (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 104 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 20.950 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.

So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/223 quốc gia và vùng lãnh thổ.

So với châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 29/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong 24 giờ qua đã thực hiện 127.568 xét nghiệm cho 261.986 lượt người.

Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 20.590.401 mẫu cho 57.068.367 lượt người.

***

Trong ngày Bộ Y tế tiếp nhận 560.000 liều vắc-xin AstraZeneca và 12,5 tấn vật tư y tế từ Hungary, Croatia và Slovakia. Trong đó, số vắc-xin AstraZeneca ngừa Covid-19 gồm 100.000 liều do Chính phủ Slovakia tặng, 60.000 liều do Chính phủ Croatia tặng và 400.000 liều do Chính phủ Hungary nhượng lại cho Việt Nam theo cơ chế phi lợi nhuận.

***

TP. Hà Nội, 22 chốt cửa ngõ ra vào Thủ đô vẫn được thực hiện để kiểm soát phương tiện ra, vào thành phố, người dân vẫn phải xuất trình giấy tờ đi lại trên đường, giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 khi qua chốt.

Còn tại Quảng Ninh, tỉnh này vừa có văn bản hướng dẫn tạm thời việc đi lại, quét mã QR, khai báo y tế, theo dõi tại nhà và cách ly đối với người dân từ các vùng, địa phương khác về Quảng Ninh kể từ 0h ngày 13/10.

***

Tại Hậu Giang, từ 14 - 20/10, Tỉnh tiến hành tiêm mũi 1 cho 100% người dân 18 tuổi trở lên theo hình thức cuốn chiếu tại các cơ sở tiêm chủng đủ điều kiện ở tất cả các tuyến huyện, xã, xe tiêm vắc xin lưu động.

Hà Nội: 12 ca mắc Covid-19 mới

Tối 14/10, Sở Y tế Hà Nội thông tin về 12 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 trên địa bàn Thành phố.

Trong đó, 11 ca nhiễm Covid-19 là bệnh nhân và người nhà chăm bệnh tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, đã được chuyển cách ly tại Bệnh viện Thanh Nhàn.

Họ có độ tuổi từ 26 đến 65, trú tại Thanh Sơn (Phú Thọ); Lai Hạ (Lương Tài, Bắc Ninh); Lê Lợi (Gia Lộc, Hải Dương); Trường Thi (Vinh, Nghệ An); Đồng Than (Yên Mỹ, Hưng Yên); Liên Ninh (Thanh Trì, Hà Nội); Xuân Hòa (Xuân Trường, Nam Định); Hoàng Thịnh (Hoàng Hóa, Thanh Hóa); Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội); Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội) và Phú Khê (Cẩm Khê, Phú Thọ).

Như vậy, sau khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên từ ngày 30/9, Hà Nội ghi nhận 88 ca liên quan bệnh viện này. 48 trường hợp còn lại là người từ tỉnh khác đến điều trị, chăm bệnh.

Chùm lây nhiễm này ghi nhận 36 trường hợp là người nhà chăm bệnh, 43 bệnh nhân, 6 nhân viên làm việc trong bệnh viện và 3 trường hợp khác.

Ngoài ra, Thành phố cũng xác định một trường hợp nhiễm nCoV khác là ông Đ.V.H., 42 tuổi, trú tại Phúc La, Hà Đông, Hà Nội. Người này là tài xế chở khách từ TP.HCM về Hà Nội ngày 7/10 (chuyến xe ghi nhận một ca nhiễm tại Hải Phòng).

Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát (ngày 27/4), Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 4.078 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. Ngoài ra, 190 trường hợp liên quan các ổ dịch tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện K trên địa bàn cũng được Bộ Y tế công bố trước đó.

Hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 khi xảy ra thiên tai

Bộ Y tế vừa có Công văn số 8646/BYT-MT ngày 13/10/2021 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn "Phòng, chống dịch Covid-19 trong tình huống xảy ra thiên tai".

Hướng dẫn này nhằm bảo đảm các yêu cầu về phòng, chống dịch để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, chuyển điều trị kịp thời các trường hợp mắc Covid-19 khi xảy ra thiên tai (bão, lũ...) tại vùng có dịch bệnh và vùng có nguy cơ dịch.

Nội dung công văn hướng dẫn chi tiết công tác phòng, chống dịch trước, trong và sau khi xảy ra thiên tai.

Cụ thể, trước khi xảy ra thiên tai, các địa phương thành lập, kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trong đó có đại diện của cơ quan y tế để hỗ trợ thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch bệnh; chủ động theo dõi sát tình hình, diễn biến thiên tai, dịch bệnh và vùng có mức độ nguy cơ dịch bệnh; tổ chức xét nghiệm và ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho thành viên của các lực lượng tham gia phòng, chống bão lũ, thiên tai, thảm họa.

Bên cạnh đó, các địa phương phải xây dựng, kiện toàn bổ sung kế hoạch, phương án bảo đảm an toàn cho các cơ sở y tế, bệnh viện dã chiến, khu cách ly, trung tâm quản lý cách ly người nhiễm SARS-CoV-2, điều trị bệnh nhân Covid-19 trong tình huống xảy ra thiên tai, thảm họa phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Xây dựng các kịch bản và phương án xử lý trong tình huống xuất hiện người nhiễm hoặc nghi nhiễm SARS-CoV-2 tại các điểm tránh trú an toàn; tình huống quản lý, thu dung, chăm sóc, điều trị người bệnh Covid-19 hoặc các đối tượng thuộc diện đang cách ly trong quá trình di chuyển và ở các điểm tránh trú...

Trong tình huống xảy ra thiên tai, thảm họa, các địa phương triển khai các kế hoạch, phương án, kịch bản đã được xây dựng để điều hành, chỉ đạo và ra quyết định tại chỗ theo diễn biến tình hình bão lũ, thiên tai, dịch bệnh Covid-19.

Bảo đảm thực hiện "4 tại chỗ" với công tác chỉ đạo, phương tiện, nhân lực, hậu cần được hoạt động một cách linh hoạt phù hợp với từng diễn biến thực tiễn. Trường hợp có ca nghi nhiễm hoặc nhiễm virus SARS-CoV-2 thì các địa phương tiến hành cách ly, điều tra, khoanh vùng, dập dịch theo quy định.

Bộ Y tế cũng hướng dẫn về trường hợp phải sơ tán dân khỏi khu vực nguy hiểm ảnh hưởng bởi thiên tai đến điểm tránh trú an toàn và thực hiện các nội dung cơ bản trong phòng, chống dịch Covid-19; xử lý các trường hợp tử vong do nhiễm hoặc nghi nhiễm virus SARS-CoV-2 trong thiên tai.

Bộ Y tế hướng dẫn các địa phương sau khi xảy ra thiên tai phải tổ chức rà soát tình hình sức khỏe người dân (thông tin cá nhân, tình hình sức khỏe, ho, sốt...) để sàng lọc phát hiện kịp thời các trường hợp nhiễm vi rút SARS-CoV-2 trước khi rời điểm tránh trú an toàn; thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2, theo dõi sức khỏe lực lượng tham gia phòng, chống thiên tai; thực hiện vệ sinh môi trường bảo đảm an toàn phòng, chống dịch...

Chuyển giao sứ mệnh giai đoạn mới

Cùng với một số đoàn công tác khác chi viện cho miền Nam trong cuộc chiến với Covid-19, Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tại TP.HCM đã hoàn thành “sứ mệnh”.

Bộ Y tế đang xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể để phục vụ việc cấp phép cho vắc-xin phòng Covid-19 sản xuất trong nước, có tham khảo chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới.

Từ hôm nay, 14/10, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM sẽ quản lý Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 trực thuộc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tại TP.HCM.

TS.BS Lưu Quang Thùy, Phó giám đốc Trung tâm Gây mê và Hồi sức ngoại khoa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Phó giám đốc điều hành Trung tâm cho biết, Trung tâm chính thức nhận các trường hợp bệnh nhân Covid-19 đầu tiên vào ngày 11/8 trong bối cảnh số ca mắc tại TP.HCM đang tăng cao.

Sau 2 tháng, Trung tâm đã tiếp nhận điều trị cho 971 bệnh nhân mà phần đông trong số đó là các trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch. Tính đến nay đã có gần 600 bệnh nhân ra viện, hiện Trung tâm đang điều trị cho 36 trường hợp bệnh nhân trong đó có 12 bệnh nhân thở máy và 2 bệnh nhân phải hỗ trợ HFNC.

Đại diện đơn vị tiếp nhận chuyển giao, PGS.TS.Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM chia sẻ, trong thời điểm dịch Covid-19 tại TP.HCM có những diễn biến phức tạp, là cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn, hơn ai hết Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM hiểu rõ mình cần phải có trách nhiệm với thành phố. 

Từ ngày được phân công điều trị Covid-19 đến nay Bệnh viện đã tiếp nhận, điều trị tổng cộng 2.091 trường hợp bệnh nhân, riêng trung tâm hồi sức do Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM phụ trách đã tiếp nhận 678 bệnh nhân, hiện đang điều trị có 74 trường hợp với 8 ca thở máy.

"Khi tình hình khó khăn, Bộ Y tế đã điều động nhiều lực lượng vào chi viện cho phía Nam, khi dịch giảm dần, việc trở về địa phương là chuyện tất yếu, Bệnh viện sẽ nỗ lực hết sức để hoàn thành nhiệm vụ còn dở dang", PGS.TS. Bắc nói.

Về phía lãnh đạo Thành phố, lãnh đạo Sở Y tế khi phát biểu trong buổi bàn giao đều gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc. Thay mặt cán bộ và người dân TP.HCM họ ghi nhận những đóng góp to lớn, sự vất vả, hy sinh của các y, bác sĩ trong lúc TP.HCM đối diện với khó khăn lịch sử.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình xúc động chia sẻ, trong khó khăn, dịch bệnh ông càng hiểu thêm lời thêm lời thề Hippocrates, mạnh mẽ và hùng dũng thế nào. 

“Tôi đã được chứng kiến từng nhân viên y tế lăn xả, nhận bệnh, kiểm tra hệ thống oxy, lọc máu… chỗ người ta sợ nhất thì nhân viên y tế vẫn lao vào để cứu bệnh nhân, sự dũng cảm, hy sinh này vô cùng đáng quý, đáng trân trọng”, lãnh đạo TP.HCM cho hay.

Về nhiệm vụ của ngành Y tế TP.HCM trong giai đoạn tiếp theo, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình đề nghị xây dựng bệnh viện 3 tầng, biến Trung tâm hồi sức thành bệnh viện, có viện - trường đào tạo, liên kết, tham quan du lịch; 5 Trung tâm Hồi sức được giữ lại đó là những minh chứng, mốc son lịch sử của thành phố về một giai đoạn đặc biệt.

Được biết, trong thời gian tới, Sở Y tế TP.HCM sẽ tiếp tục hỗ trợ công tác nhân sự, tham mưu UBND TP, thành lập mô hình mới là bệnh viện 3 tầng và Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM là một trong 3 đơn vị vận hành mô hình mới này.

Bộ Y tế xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn cho cấp phép vắc-xin Covid-19

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, đến nay, Việt Nam đã cấp phép khẩn cấp cho 8 loại vắc-xin phòng Covid-19. Bộ Y tế đang dự kiến kế hoạch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em dưới 18 tuổi; khi triển khai, có thể tiêm cho lứa tuổi 16-17 trước, sau đó đến lứa tuổi nhỏ hơn.

Trong quá trình triển khai, các chuyên gia và Bộ Y tế sẽ tiếp tục xem xét, đánh giá về an toàn của vắc-xin. Việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ sẽ được hiện từng bước, thận trọng.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cũng thông tin, vừa qua lãnh đạo Bộ Y tế đã họp với Hội đồng Đạo đức nghiên cứu y sinh học quốc gia, Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc và các doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất vắc-xin… để đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, sớm có vắc-xin sản xuất trong nước.

Hiện Bộ Y tế đang xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể để phục vụ việc cấp phép cho vắc-xin phòng Covid-19 sản xuất trong nước, có tham khảo chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới.

Trong 5 “ứng viên” tham gia “đường đua” vắc-xin Covid-19 tại Việt Nam, có 2 loại do trong nước nghiên cứu sản xuất là Nano Covax hiện đã cở giai đoạn cấp phép còn Covivac đang ở giai đoạn 2 thử nghiệm lâm sàng; 3 loại do các doanh nghiệp Việt thực hiện chuyển giao công nghệ hiện đang có tiến độ khả quan.

 Về thuốc điều trị, cùng với quá trình thử nghiệm lâm sàng, đánh giá hiệu quả, Bộ Y tế cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp dược trong nước làm việc với các đối tác để sớm có bản quyền, nhập khẩu nguyên liệu chuẩn bị sản xuất sau khi các loại thuốc được cấp phép chính thức.

Một số doanh nghiệp đã tiếp nhận, chuyển giao công nghệ sản xuất kit xét nghiệm nhanh kháng nguyên và sau khoảng một tháng nữa sẽ đi vào hoạt động với giá thành dự kiến rất rẻ.

Tới nay, Việt Nam đã làm chủ công nghệ, sản xuất được nhiều loại sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị phục vụ công tác chống dịch. Nghiên cứu sản xuất vắc-xin đã có những bước đi ban đầu rất nhanh, đạt kết quả tốt. 

Từ giữa năm 2021 chủ yếu tập trung các khâu thử nghiệm lâm sàng, xem xét cấp phép thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế.

Cùng từ nửa cuối năm 2021, các doanh nghiệp tham gia tích cực vào nhận chuyển giao sản xuất sinh phẩm, vắc-xin, thuốc điều trị Covid-19 và Bộ Y tế đã cấp phép được sử dụng nhiều loại sinh phẩm xét nghiệm, thuốc.

Hà Nội phân bổ hơn 252.500 liều vắc-xin Covid-19 Pfizer

Đây là đợt phân bổ vắc-xin thứ 24 của Sở Y tế Hà Nội cho các đơn vị tiêm chủng trực thuộc tại 30 quận, huyện và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) thành phố.

Trước đó, số vắc-xin này được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phân bổ cho Hà Nội.

Quận Hai Bà Trưng có số lượng vắc-xin nhiều nhất với 20.388 liều, sau đó là huyện Đông Anh (13.656), quận Ba Đình (13.524), huyện Sóc Sơn (12.276), quận Hoàng Mai (hơn 11.000), huyện Mê Linh gần (10.300), quận Đông (9.500), huyện Chương Mỹ (hơn 9.200), quận Bắc Từ Liêm (gần 9.000), quận Thanh Xuân (hơn 8.700).

20 quận, huyện còn lại được phân bổ trong khoảng từ hơn 4.000 đến 8.000 liều tùy từng địa bàn. CDC Hà Nội được phân bổ hơn 2.600 liều.

Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị được phân bổ tiêm cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên theo đúng quy định gồm tiêm mũi một cho người chưa được tiêm; trả mũi 2 cho người đã tiêm mũi một cùng loại theo khoảng cách thời gian ít nhất 3 tuần; tiêm cho người trên 50 tuổi, phụ nữ mang thai trên 13 tuần; có thể tiêm mũi 2 cho người đã tiêm mũi một vắc-xin AstraZeneca nếu người tiêm đồng ý.

Sở tiếp tục yêu cầu đẩy mạnh truyền thông về lợi ích khi tiêm vắc-xin và sự cần thiết thực hiện của việc tiêm sớm trong giai đoạn hiện nay theo chỉ đạo “vắc-xin tốt nhất là loại vắc-xin được tiêm sớm nhất”, không để xảy ra tình trạng lựa chọn, chờ đợi để được tiêm loại vắc-xin khác.

Theo thống kê của Bộ Y tế đến ngày 12/10, Hà Nội là một trong 6 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ ít nhất một mũi vắc-xin Covid-19 cho trên 95% dân số từ 18 tuổi trở lên.

Các địa phương này gồm: Long An (100%), Khánh Hòa (99%), TP.HCM (98,8%), Đồng Nai (99%), Bình Dương (96,7%) và Hà Nội (95,4%).

TP.HCM: F0 thở máy, ca tử vong giảm mạnh

Cbệnh viện đang điều trị hơn 3.100 F0 thở ô-xy và thở máy, giảm hơn 2,5 lần so với cách đây một tháng, có bệnh viện không còn bệnh nhân phải hỗ trợ hô hấp.

Theo Sở Y tế TP.HCM, sau gần hai tuần nới lỏng giãn cách kể từ hôm 1/10, tình hình dịch bệnh tại thành phố tiếp tục chuyển biến tích cực. Số ca mắc mới, thu dung điều trị mỗi ngày giảm ở tất cả tầng, trong khi lượng người xuất viện hàng ngày tiếp tục tăng cao. Số người cần thở ô-xy và thở máy tại các bệnh viện tiếp tục giảm.

Số ca tử vong theo tuần ngày càng giảm rõ rệt. Ba ngày qua, thành phố ghi nhận tổng cộng 219 ca tử vong, trung bình 73 ca một ngày. Tuần trước, con số này là 608 ca. Giai đoạn cao điểm nửa cuối tháng 8, các bệnh viện ghi nhận hơn 2.000 ca tử vong một tuần, tức gần 300 ca một ngày.

Vài ngày nay, giường tại khu cấp cứu bệnh nhân nặng Bệnh viện dã chiến số 12 trống bệnh nhân, không còn trường hợp nào thở ô-xy. 

Cao điểm hồi cuối tháng 8, khu này điều trị hơn 70 bệnh nhân nặng cần hỗ trợ ô-xy, trong đó nhiều ca thở bằng máy dòng cao HFNC, bệnh viện phải lắp thêm bồn ô-xy mới đáp ứng đủ nhu cầu điều trị khi ấy.

Lãnh đạo Bệnh viện dã chiến số 12 cho biết, những ngày gần đây, Bệnh viện chỉ tiếp nhận khoảng 30-40 ca một ngày, số xuất viện gấp 4-5 lần nhập viện. 

Hiện, nơi này đang điều trị hơn 420 bệnh nhân, chưa đến 1/5 công suất, thấp nhất kể từ khi bệnh viện thành lập khẩn trên cơ sở chuyển công năng khu chung cư tái định cư Thủ Thiêm, TP.Thủ Đức, ngày 21/7.

Cũng tại TP.Thủ Đức, Bệnh viện dã chiến số 10 hiện chỉ còn 5 ca thở ô-xy, giảm 6 lần so với khi cao điểm. 

Bệnh viện dã chiến quận 7 số 1 đang điều trị dưới 100 bệnh nhân trên tổng công suất 600 giường bệnh. 

Một trường hợp thở máy không xâm lấn vừa cai máy thành công, bệnh viện chỉ còn 12 ca thở ô-xy, chưa đến 20% công suất giường hồi sức.

Theo lộ trình của Sở Y tế TP.HCM, 13 bệnh viện dã chiến trị Covid-19 của thành phố lần lượt ngừng hoạt động từ nay đến cuối năm trong bối cảnh tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, chuẩn bị cho học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng bắt đầu trở lại học tập cũng như đưa những khu nhà tái định cư vào phục vụ người dân. 

Khi ấy, các bệnh viện dã chiến của quận, huyện tiếp tục duy trì để đảm trách thu dung F0 mới không đủ điều kiện cách ly tại nhà.

Tin liên quan
Tin khác