Thêm 3.789 ca mắc Covid-19 mới, có 1.475 ca trong cộng đồng
Tính đến chiều 15/10, cả nước ghi nhận thêm 3.797 ca mắc mới, trong đó 08 ca nhập cảnh và 3.789 ca ghi nhận trong nước (tăng 701 ca so với ngày trước đó) tại 47 tỉnh, thành phố (có 1.475 ca trong cộng đồng).
Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: TP. Hồ Chí Minh (1.131), Đồng Nai (586), Bình Dương (533), Sóc Trăng (414), An Giang (170), Cà Mau (168), Kiên Giang (82), Đồng Tháp (78), Tiền Giang (70), Tây Ninh (64), Long An (47), Cần Thơ (43), Bạc Liêu (40), Hậu Giang (34), Gia Lai (30), Khánh Hòa (28), Thanh Hóa (27), Nghệ An (25), Thừa Thiên Huế (22), Trà Vinh (18), Vĩnh Long (15), Hà Nam (15), Quảng Trị (13), Bà Rịa - Vũng Tàu (12), Quảng Bình (12), Bến Tre (12), Quảng Nam (11), Bình Phước (11), Ninh Thuận (9), Sơn La (9), Bình Định (9), Lâm Đồng (8 ), Đắk Nông (8 ), Quảng Ngãi (7), Phú Thọ (5), Kon Tum (4), Hà Tĩnh (4), Lai Châu (2), Yên Bái (2), Hưng Yên (2), Thái Bình (2), Phú Yên (2), Hải Dương (1), Bắc Giang (1), Lạng Sơn (1), Lào Cai (1), Hà Nội (1).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Tây Ninh (-210), Bình Thuận (-61), Đồng Nai (-61).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Sóc Trăng (+414), TP.Hồ Chí Minh (+222), Cà Mau (+168).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 3.559 ca/ngày.
Bộ Y tế: Mỗi ngày cần tiêm 2 triệu liều vắc-xin
Ngày 15/10, Bộ Y tế đã có Công điện số 1599/CĐ- BYT gửi Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường tiêm chủng vắc-xin Covid-19.
Theo đó, tính đến hết ngày 13/10, Bộ Y tế đã tiếp nhận, phân bổ khoảng 87 triệu liều vắc-xin Covid-19.
Theo thông tin tại Nền tảng quản lý tiêm chủng vắc-xin Covid-19, cả nước đã triển khai tiêm được hơn 58 triệu liều vắc-xin, còn khoảng 29 triệu liều đang tiếp tục được triển khai tiêm.
Từ đầu tháng 10/2021 đến nay, trung bình mỗi ngày cả nước đã triển khai tiêm được khoảng 1,1 - 1,2 triệu liều.
Từ nay đến hết tháng 10/2021, vắc-xin Covid-19 tiếp tục được cung ứng. Do đó, để bảo đảm sử dụng vắc-xin nhanh chóng, hiệu quả, tăng nhanh diện bao phủ để từng bước chuyển sang trạng thái bình thường mới cần bảo đảm tiến độ tiêm chủng mỗi ngày đạt ít nhất 2 triệu liều.
Để thực hiện được mục tiêu này, Bộ Y tế (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19) đề nghị đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo các đơn vị khẩn trương đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm chủng cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên (ưu tiên cho các đối tượng từ 50 tuổi trở lên) bảo đảm an toàn, hiệu quả.
"Các địa phương cần tăng nhanh độ bao phủ mũi 1, triển khai ngay tiêm mũi 2 cho những đối tượng đã tiêm mũi 1 đủ thời gian và triển khai tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế", Bộ Y tế nêu rõ.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương tăng cường chỉ đạo, tuyên truyền về lợi ích của tiêm vắc xin; đồng thời tập trung, huy động mọi nguồn lực cho công tác tiêm chủng.
Tiếp tục ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong triển khai tiêm chủng; thực hiện cập nhật thường xuyên số liệu tiêm chủng trên ứng dụng Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19.
Hà Nội ở cấp độ 1 trong tiêu chí về số ca mắc mới
Số ca mắc mới được Sở Y tế Hà Nội thống kê trong ngày hôm nay 15/10 là 1 bệnh nhân tại Phú Xuyên đã được cách ly.
Bệnh nhân là C.T.H, nữ, sinh năm 1993, tại Châu Can, Phú Xuyên. Bệnh nhân là F1 của bệnh nhân C.T.H (ghi nhận dương tính tại Hà Nam), được cách ly tập trung từ ngày 8/10 và xét nghiệm 1 lần âm tính.
Ngày 14/10, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm lần 2, kết quả dương tính. Tính từ ngày 29/4 đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận 4079 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1606 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2473 ca.
Thực hiện Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế về việc Ban hành Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội đánh giá cấp độ dịch trên địa bàn thành phố với các tiêu chí 1 (về tỷ lệ mắc mới tại cộng đồng/dân số/thời gian) tiêu chí 2 (về độ bao phủ vắc-xin).
Số ca mắc ghi nhận tại cộng đồng trong 2 tuần qua là 4 (3 ca bệnh tại Hà Đông và 1 ca tại Hoàn Kiếm), dân số của toàn thành phố là gần 8,4 triệu người.
Như vậy, số ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 người dân/tuần đạt xấp xỉ 0,025 (mức 1).
Tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin phòng Covid-19 trên địa bàn thành phố (tính đến hết ngày 14/10, toàn thành phố tiêm được 8.922.016 mũi vắc xin phòng Covid-19, trong đó có 5.914.715 mũi 1) đạt 97,95% dân số trên 18 tuổi) cũng đáp ứng đủ tiêu chí cấp độ 1.
Vắc-xin nào phù hợp với trẻ em?
Vào tháng 7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra khuyến cáo về việc tiêm vắc-xin Covid-19 dành cho trẻ em. Theo đó, trẻ em và thanh thiếu niên có xu hướng mắc bệnh nhẹ hơn so với người lớn.
Ngay trong tháng 10 này, các địa phương triển khai tiêm vắc-xin cho trẻ em. |
Vì vậy, trừ khi thuộc nhóm có nguy cơ mắc bệnh Covid-19 nghiêm trọng, việc tiêm chủng cho trẻ sẽ ít khẩn cấp hơn so với người lớn tuổi, người có bệnh mạn tính và nhân viên y tế.
Theo WHO, cần có thêm bằng chứng về việc sử dụng các loại vắc-xin Covid-19 khác nhau ở trẻ em để có thể đưa ra khuyến nghị chung về việc tiêm chủng cho trẻ chống lại Covid-19.
Nhóm chuyên gia cố vấn chiến lược của WHO (SAGE) đã kết luận, vắc-xin Pfizer phù hợp để sử dụng cho những người từ 12 tuổi trở lên. Trẻ em từ 12 đến 15 tuổi có nguy cơ cao có thể tiêm vắc-xin này cùng với các nhóm ưu tiên khác.
Các thử nghiệm vắc-xin cho trẻ em đang được tiến hành và WHO sẽ cập nhật khuyến nghị của mình khi có bằng chứng hoặc tình hình dịch tễ học cho thấy có sự thay đổi trong chính sách.
Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đưa ra hướng dẫn rất chi tiết về việc tiêm ngừa cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên. Theo CDC, mặc dù ít bị nhiễm Covid-19 hơn so với người lớn nhưng trẻ em vẫn có thể mắc và lây bệnh cho người khác.
CDC khuyến cáo, tất cả mọi người từ 12 tuổi trở lên nên tiêm vắc-xin để chống lại Covid-19. Chủng ngừa trên diện rộng là một công cụ quan trọng để ngăn chặn đại dịch.
Những người được tiêm chủng đầy đủ có thể tiếp tục các hoạt động mà họ đã làm trước đại dịch. Trẻ em từ 12 tuổi trở lên có thể tiêm vắc-xin Pfizer.
Tiêm vắc-xin Covid-19 có thể giúp trẻ giảm nguy cơ bị nhiễm Covid-19, ngăn ngừa lây lan, không trở nặng.
Đại diện ngành Y tế của Mỹ khẳng định vắc-xin Covid-19 an toàn và hiệu quả, được sử dụng dưới sự giám sát an toàn chuyên sâu nhất trong lịch sử Mỹ, bao gồm các nghiên cứu ở thanh thiếu niên.
Trẻ em trên 12 tuổi nhận liều lượng vắc-xin Pfizer giống như người lớn (không thay đổi theo trọng lượng). Hai mũi tiêm cách nhau 3 tuần.
Trước khi đưa con đi tiêm, bố mẹ nên tìm hiểu về cách hỗ trợ trẻ trước, trong và sau tiêm. Phụ huynh cũng cần chia sẻ với con về việc chủng ngừa; thông báo với bác sĩ về các loại dị ứng của trẻ (nếu có).
Trong vòng 15-30 phút sau tiêm, bố mẹ quan sát con có gặp phản ứng nghiêm trọng nào hay không. Các tác dụng phụ có thể gặp là tay đau, đỏ, sưng; mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, ớn lạnh, sốt, buồn nôn… sẽ qua trong một vài ngày.
Trẻ em từ 2 tới 12 tuổi chưa thuộc đối tượng tiêm vắc-xin cần đeo khẩu trang nơi công cộng và khi tiếp xúc với người không trong gia đình.
Tại Việt Nam, với việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh, thành phố mở rộng đối tượng tiêm cho trẻ từ 12 - 17 tuổi theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp (tiêm trước cho lứa tuổi từ 16 - 17 tuổi và hạ dần độ tuổi) theo tiến độ cung ứng vắc-xin và tình hình dịch tại địa phương.
Xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm mũi 1 từ tháng 10/2021 nếu đã chuẩn bị đủ điều kiện; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát, lập danh sách tiêm cho trẻ đang đi học từ lớp 6 đến hết lớp 12. Đối với trẻ thuộc lứa tuổi này không đi học thì phối hợp với chính quyền địa phương để lập danh sách.
Tổ chức tiêm theo hình thức chiến dịch tại các cơ sở tiêm chủng cố định, tại điểm tiêm lưu động và trường học (đối với các địa bàn tổ chức được học tập trung tại trường).
Cha mẹ, người giám hộ thực hiện ký phiếu đồng ý tiêm chủng (nếu đồng ý tiêm chủng cho đối tượng này); Thực hiện khám sàng lọc trước tiêm theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế và chỉ định loại vắc-xin sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Hướng dẫn cách theo dõi, chăm sóc sau khi tiêm chủng theo các hướng dẫn của Bộ Y tế; tuyên truyền, vận động để người dân đưa trẻ từ 12-17 tuổi đủ điều kiện tiêm chủng tích cực tham gia tiêm chủng kịp thời và đầy đủ.
Hiện Bộ Y tế chưa nói rõ loại vắc-xin nào được phép tiêm cho trẻ em 12-17 tuổi. Tuy vậy trên thế giới, hiện chỉ mới có vắc-xin của Pfizer được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cấp phép khẩn cấp dùng cho lứa tuổi này.
Khi tiến hành tiêm cho trẻ em theo yêu cầu của Bộ Y tế, vắc-xin sử dụng cho trẻ em được tiêm theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và Bộ Y tế. Vắc-xin được sử dụng 2 liều cơ bản/đối tượng và tiêm cùng loại vắc-xin.
Nỗi lo triệu trứng Covid-19 kéo dài
Mặc dù theo thống kê của Bộ Y tế, đợt dịch này cả nước chỉ có khoảng 11% số ca nhiễm Covid-19 trở nặng, còn lại hơn 80% F0 không triệu chứng hoặc ở mức nhẹ, trung bình nhưng nhiều người bệnh vẫn lo âu, dẫn đến các tổn thương về tinh thần, tâm lý.
Kết quả phân tích 66 nghiên cứu trên thế giới về tỷ lệ mắc các rối loạn tâm thần trong đại dịch Covid-19 của Bệnh viện Sức khỏe tâm thần Trung ương 1 cho thấy, tỷ lệ mắc rối loạn trầm cảm là 31,4%, rối loạn lo âu là 31,9%, căng thẳng là 41,9%, rối loạn giấc ngủ là 37,9%.
Mọi sinh hoạt bị đảo lộn khi thời gian giãn cách kéo dài cũng ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của nhiều người dân tại thành phố.
Chuyên gia y tế hiện đang rất lo ngại về hội chứng “Covid kéo dài” (“long Covid”) bao gồm các triệu chứng xảy ra ở một số người sau khi đã khỏi bệnh.
Thông thường, Covid-19 gây bệnh ở mức độ nhẹ và người bệnh sẽ hồi phục trong khoảng vài ngày đến một tuần. Tuy nhiên, một số người vẫn còn các triệu chứng sau khi đã khỏi bệnh trong vài tháng, thậm chí là một năm mà không khỏe hoàn toàn.
Dấu hiệu phổ biến nhất là mệt mỏi. Triệu chứng có thể xuất hiện theo từng đợt nhưng thường kéo dài dai dẳng. Cùng với đó, chuyên gia lo ngại sang chấn tâm lý do Covid-19 cũng là vấn đề cần được quan tâm đúng mức.
Sang chấn tâm lý để lại những hậu quả lâu dài về các khía cạnh như thể chất, cảm xúc, xã hội hay tinh thần, gây ảnh hưởng đến nhiều hệ thống cơ quan trong cơ thể.
Vì vậy, người bị sang chấn tâm lý sau Covid cần được phát hiện và điều trị sớm, đồng thời duy trì các điều trị nâng đỡ trong một thời gian dài.
Một số ý kiến khác thì cho rằng, việc được phát hiện kịp thời, điều trị đúng phác đồ sẽ giúp người nhiễm Covid-19 sớm hồi phục.
Với những F0 biểu hiện nhẹ, trung bình, quá trình điều trị này sẽ được ngắn hơn rất nhiều và giảm những tổn thương sau Covid.
Tuy nhiên, sau khi chuyển từ tình trạng dương tính sang âm tính, người bệnh không được chủ quan mà cần đặt cơ thể vào tình trạng chăm sóc, theo dõi đặc biệt trong ít nhất sáu tháng để kịp thời phát hiện những thay đổi tiêu cực, nhất là về mặt tâm lý.
Bên cạnh đó, người bệnh cần thay đổi chế độ dinh dưỡng, tập luyện, bổ trợ thêm các loại dược phẩm, vitamin cần thiết để tăng sức đề kháng tự nhiên.
Chất lượng giấc ngủ phải được coi trọng vì đây là quá trình rất cần thiết để cơ thể phục hồi chức năng của các cơ quan. Các F0 sau khi khỏi bệnh cũng cần tập trung luyện thở để rút ngắn thời gian phục hồi tổn thương ở phổi.
Nhằm hạn chế thấp nhất những thương tổn kéo dài sau quá trình điều trị Covid-19, các bác sĩ khuyến cáo người bệnh cần lưu ý những bất thường để kịp thời đi khám.
Trong trường hợp thường xuyên lo âu, mất ngủ, ngủ không ngon, F0 hậu Covid-19 cần sớm tìm giải pháp cải thiện giấc ngủ như đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày, tránh uống cà-phê và rượu vào cuối ngày, không nhìn vào màn hình trước khi ngủ…
Người bệnh cũng có thể sử dụng các loại thực phẩm giúp dễ ngủ, uống nước ấm, xông phòng hoặc mở các loại nhạc phù hợp.
Tùy vào tình trạng của mỗi cá nhân mà F0 sau quá trình điều trị Covid có thể cần thuốc để giảm các triệu chứng như ho hoặc đau và phục hồi chức năng các cơ quan quan trọng như tim, phổi...
Với một số trường hợp, liệu pháp vật lý và vận động, điều trị lo âu hoặc trầm cảm là cần thiết.
Do đó, những người có biểu hiện triệu chứng “Covid kéo dài” nên đến những bệnh viện có các đơn vị điều trị sau Covid để được khám, theo dõi và nhất là cần theo các chương trình tập phục hồi chức năng để giữ cho cuộc sống có chất lượng tốt.