Y tế - Sức khỏe
Tin mới về dịch Covid-19 ngày 23/10: Cảnh báo nguy cơ dịch bùng phát tại nhiều địa phương
D.Ngân - 23/10/2021 09:51
Hà Nam, Phú Thọ, Nam Định, Thanh Hóa, Hà Nội đều đang phát sinh các ổ dịch cộng đồng, cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch cao.

Thêm 3.373 ca Covid-19, 77 bệnh nhân tử vong

Tính từ 17h ngày 22/10 đến 17h ngày 23/10, Hệ thống Quốc gia Quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 3.373 ca nhiễm mới, trong đó 12 ca nhập cảnh và 3.361 ca trong nước (giảm 616 ca so với ngày trước đó) tại 47 tỉnh, thành phố (1.332 ca trong cộng đồng).

Ngoài TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, một số địa phương khác thuộc khu vực phía Nam như An Giang (224), Tiền Giang (156), Bạc Liêu (130), Kiên Giang (97) cũng nằm trong số các tỉnh, thành ghi nhận nhiều ca mắc mới.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: TP.HCM (-456), Đắk Lắk (-266), Sóc Trăng (-148).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Đồng Nai (+188), Tiền Giang (+95), Bạc Liêu (+47).

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 884.895 ca nhiễm. Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 880.149 ca, trong đó có 801.847 trường hợp đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (424.155), Bình Dương (228.316), Đồng Nai (61.103), Long An (34.139), Tiền Giang (15.548).

Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 1.338. Tổng số ca được điều trị khỏi: 804.664. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.977 ca.

Trong ngày, nước ta ghi nhận 77 ca tử vong tại TP.HCM (42), Bình Dương (12), Đồng Nai (5), Long An (3), Sóc Trăng (3), Tiền Giang (2), An Giang (2), Ninh Thuận (2), Bình Phước (1), Đắk Nông (1), Cần Thơ (1), Trà Vinh (1), Bạc Liêu (1), Thanh Hóa (1). Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 70 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 21.620 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca nhiễm.

Trong ngày 22/10, 1.660.581 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 71.889.209 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 51.157.792 liều, tiêm mũi 2 là 20.731.417 liều.

Mới đây, các tỉnh Phú Thọ, Hà Nam, Thanh Hóa, Sóc Trăng, Cà Mau..., liên tiếp ghi nhận ổ dịch mới chưa rõ nguồn lây và có nguy cơ bùng phát cao. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Y tế phối hợp, hỗ trợ tối đa các địa phương này.

Hà Nội: 4 người trong một gia đình ở huyện Thường Tín mắc Covid-19

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 22/10 đến 18h ngày 23/10, trên địa bàn thành phố ghi nhận 4 ca dương tính, trong đó có 3 ca đã được cách ly và 1 ca cộng đồng.

Các bệnh nhân này được phân bố tại 2 quận, huyện: Thường Tín (3), Đống Đa (1) và phân bố theo các chùm ca: Chùm ca bệnh liên quan đến các tỉnh có dịch (1), chùm ca bệnh thứ phát liên quan các tỉnh có dịch (2), chùm sàng lọc ho, sốt (1). 

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ tư (từ ngày 27/4 đến nay) là 4.151 ca; trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.609 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.542 ca.

An Giang áp dụng các biện pháp chống dịch chặt chẽ

Tỉnh An Giang đã ban hành Quyết định 2434/QĐ-UBND về áp dụng tạm thời các biện pháp hành chính trong phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, tỉnh An Giang ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình) người dân được phép đi lại bình thường.

Tuy nhiên, những ngày gần đây, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, số ca mắc trong cộng đồng có xu hướng tăng và tại hầu hết các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, đặc biệt xuất hiện ổ dịch tại BVĐK Trung tâm An Giang, làm gia tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng nếu không được kiểm soát tốt.

Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang chỉ đạo tiếp tục thực hiện "giới nghiêm" trong phạm vi toàn tỉnh từ 20 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau. 

Không áp dụng quy định này đối với các đơn vị phải bố trí lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch theo quy định (công an, quân sự, biên phòng, y tế, Hải quan, dân quân tự vệ...) và các lực lượng phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí thường trú trên địa bàn tỉnh; các lực lượng đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng; các phương tiện vận tải thủy, bộ vận chuyển hàng hóa thiết yếu, những cán bộ, công chức, viên chức tham mưu xử lý công việc, phục vụ hoạt động của Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực UBND các cấp trong công tác phòng, chống dịch và những trường hợp khẩn cấp khác.

Yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tiêm vắc-xin phải đảm bảo thực hiện nghiêm các yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19; bố trí giãn cách hợp lý giữa những người đến tiêm.

Tổ chức lịch hẹn tiêm theo giờ, đợt; người đến tiêm phải đến đúng giờ hẹn (không đến sớm), đeo khẩu trang, đảm bảo nguyên tắc "5K"; không để tình trạng tập trung đông người, ùn ứ tại các điểm tiêm gây nguy cơ lây nhiễm chéo và lây lan dịch trong cộng đồng.

Phú Thọ tiếp tục ghi nhận các ca Covid-19 mới ngoài cộng đồng

Theo báo cáo nhanh của Sở Y tế Phú Thọ ngày 23/10, trong 24 giờ qua ghi nhận 40 ca mắc mới, gồm 24 ca cộng đồng. Trong đó, 22 ca ở Việt Trì, 12 ca Phù Ninh, 5 ca Lâm Thao, 1 ca Tam Nông. Toàn tỉnh có 2.508 F1; 10.898 F2 và 3.692 F3 đang được quản lý, theo dõi và áp dụng các biện pháp cách ly y tế phù hợp.

Nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, ngành giáo dục Phú Thọ đã huy động hơn 3.350 cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường mầm non, tiểu học, THCS ở thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ và các huyện: Phù Ninh, Lâm Thao, Thanh Thủy tham gia lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 và hỗ trợ các điểm tiêm chủng.

Trước đó, ngày 22/10, UBND tỉnh Phú Thọ yêu cầu khẩn trương thực hiện việc tổ chức xét nghiệm sàng lọc trong cộng đồng để nhanh chóng phát hiện các F0, bóc tách nguồn lây khỏi cộng động. Để đảm bảo đủ nhân lực thực hiện việc xét nghiệm diện rộng cho người dân, tỉnh Phú Thọ huy động lực lượng giáo viên tham gia lấy mẫu xét nghiệm.

Kể từ ngày 13/10 đến nay, toàn tỉnh phát hiện 292 ca mắc mới. Trong đó, Việt Trì (186 ca tại 18 xã, phường); thị xã Phú Thọ (4 ca tại 1 xã); huyện Lâm Thao (63 ca tại 11 xã, thị trấn); Phù Ninh (34 ca tại 8 xã, thị trấn) và Tam Nông (5 ca tại 2 xã). Có 3 xã tại huyện Phù Ninh phát sinh ca bệnh mới (Hạ Giáp, Phú Lộc và An Đạo).

Trước tình hình dịch vẫn phức tạp, số F0 vẫn tăng cao, huyện Lâm Thao đã thành lập Bệnh viện Dã chiến số 1 điều trị Covid-19, quy mô 40 giường bệnh, đặt tại Trạm y tế xã Kinh Kệ (cũ), thuộc địa bàn xã Phùng Nguyên.

Hôm nay (23/10), Sở Y tế Phú Thọ đã có công văn yêu cầu các cơ sở giáo dục trên địa bàn các xã Hương Nộn, Bắc Sơn huyện Tam Nông; xã Phú Hộ của thị xã Phú Thọ tiếp tục thực hiện tạm dừng dạy học trực tiếp cho đến khi có thông báo mới; các cơ sở giáo dục còn lại trên địa bàn huyện Tam Nông và thị xã Phú Thọ tổ chức dạy học trực tiếp từ ngày 25/10.

Đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Việt Trì, các huyện Lâm Thao, Phù Ninh tiếp tục dừng tổ chức dạy học trực tiếp cho đến khi có thông báo mới.

Cần Thơ được phép hoạt động lại chợ truyền thống

Ông Hà Vũ Sơn - Giám đốc Sở Công Thương TP. Cần Thơ vừa ký ban hành Công văn số 3279/SCT-QLTM về việc hướng dẫn tạm thời cho phép chợ hoạt động trở lại trên địa bàn thành phố, căn cứ theo từng cấp độ dịch trên địa bàn.

Theo đó, những chợ ở tại địa bàn thuộc cấp độ 1, cấp độ 2 và cấp độ 3, thực hiện quy định: 100% tiểu thương, nhân viên đơn vị quản lý chợ đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng COVID-19 sau 14 ngày, người mắc SARS-CoV-2 khỏi bệnh trong thời gian 6 tháng.

Các đơn vị quản lý chợ phải có kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 tại đơn vị theo hướng dẫn của ngành Y tế; kiểm tra, giám sát các biện pháp phòng, chống dịch tại đơn vị; trang bị các thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch tại đơn vị; đảm bảo vệ sinh môi trường phòng, chống dịch tại các khu vực và thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K.

Đối với chợ ở địa bàn thuộc cấp độ 4, ngoài việc phải thực hiện đầy đủ các biện pháp theo cấp độ 1, cấp độ 2 và cấp độ 3 còn phải bổ sung các biện pháp phòng, chống dịch: tại khu vực bán hàng phải kẻ vạch giãn cách giữa người mua và người bán tối thiểu 2m; tại chợ chỉ được bán những mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, rau, củ, quả… Đồng thời, sắp xếp lô/sạp tùy theo diễn biến của dịch bệnh nhưng tối đa không quá 50%, hạn chế khách hàng ra vào chợ cùng một thời điểm không quá 50 người đối với chợ hạng I và không quá 30 người đối với chợ hạng II và hạng III…

Khách hàng đến chợ phải thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K, sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin theo quy định để khai báo y tế khi đến chợ. Khi có triệu chứng như ho, sốt, đau họng, mất vị giác, khứu giác thì không được vào chợ.  

Trà Vinh được lưu thông bình thường tại các chốt cửa ngõ ra, vào tỉnh

Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn vừa ký Công văn số 5563/UBND-NC về việc công dân di chuyển ra vào trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, UBND Tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố thông báo đến các tầng lớp Nhân dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được lưu thông, đi lại bình thường tại các Chốt kiểm tra y tế cửa ngõ ra, vào tỉnh (không phải xin phép cơ quan chức năng về việc ra, vào địa bàn tỉnh) kể từ 00 giờ ngày 23/10/2021 cho đến khi có thông báo mới.

Đánh giá về mức độ nguy cơ dịch bệnh theo Nghị quyết số 128/NQ-CP, ngày 11/10/2021 của Chính phủ về việc ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, đến nay toàn tỉnh Trà Vinh được đánh giá cấp độ 2; 04/09 huyện, thị xã, thành phố cấp độ 2 (Cầu Kè, Châu Thành, Trà Cú, huyện Duyên Hải), 05 đơn vị còn lại đạt cấp độ 1. Đối với cấp xã, phường, thị trấn, có 99/106 xã cấp độ 1, 05/106 xã cấp độ 2, 02/106 xã cấp độ 3 (xã Thông Hòa, huyện Cầu Kè và Long Vĩnh, huyện Duyên Hải).

Theo Sở Y tế Trà Vinh, qua kết quả xét nghiệm PCR trong đêm, sáng 23/10 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phát hiện 42 ca dương tính với vi-rút SARS-CoV-2 gồm 05 ca sàng lọc tại cơ sở y tế, 12 ca tại cộng đồng và 25 ca tại cách ly tập trung. Nâng số ca nhiễm Covid-19 lên 2.167, trong đó 1.565 bệnh nhân khỏi bệnh, 22 trường hợp tử vong.

Nguy cơ tiềm ẩn

TP.Hà Nội ngày 22/10) ghi nhận 10 ca dương tính gồm 8 ca đã cách ly, 2 ca cộng đồng phát hiện tại Bệnh viện 108, là vợ chồng, cùng ở Giáp Bát, Hoàng Mai. 

Nguy cơ bùng phát dịch cao nếu các địa phương không có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Ảnh: Phạm Ngôn

Chồng 46 tuổi, hành chính trưởng của Khoa Khám bệnh đa khoa, Bệnh viện Trung ương quân đội 108. Vợ anh 42 tuổi, là dược sĩ tại hiệu thuốc Anh Thư ở đường Thông Phong, Quốc Tử Giám, Đống Đa, xét nghiệm dương tính ngày 21/10.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đã truy vết 6 F1 gồm 3 người nhà em gái, 2 nhân viên nhà thuốc Anh Thư, một ở cửa hàng tạp hóa; 4 người liên quan. Phong tỏa tạm thời và lấy mẫu xét nghiệm khoảng 150 người ở ngõ 67 Giáp Bát và hiệu thuốc Anh Thư. Còn tại viện 108, 320 người F1 và liên quan đã xét nghiệm, kết quả đều âm tính.

Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho rằng, việc Hà Nội xuất hiện một số ca bệnh trong cộng đồng hoàn toàn không bất ngờ. Để tránh nguy cơ lây lan dịch ra cộng đồng cần tinh thần tự giác phòng dịch và tuân thủ biện pháp 5K của mỗi người.

Ngoài ra, những ngày qua, Hà Nội liên tiếp ghi nhận những ca mắc là trường hợp về từ vùng dịch. 

Theo ông Khổng Minh Tuấn, những trường hợp trở về từ các địa phương có dịch cũng được coi như những ca nhập cảnh. Do đó, để quản lý tốt những trường hợp này cần có sự phối hợp liên ngành thật chặt chẽ. 

Hiện nay, việc cung cấp danh sách những trường hợp trở về bằng đường hàng không tương đối đầy đủ, nhưng với đường bộ và đường sắt thì việc cung cấp danh sách này còn nhiều khó khăn.

Tính đến nay, hầu hết các địa phương trên cả nước đều có người từ vùng dịch trở về địa phương, trong đó hơn 1.000 người xét nghiệm dương tính. Nhiều chuyên gia dịch tễ cũng cảnh báo, nguy cơ bùng phát dịch từ người di cư về địa phương nếu không làm tốt công tác kiểm soát, cách ly. Chúng ta đã có nhiều bài học về lây lan dịch ra cộng đồng từ người về từ vùng dịch.

Dự báo trong thời gian tới, các địa phương sẽ tiếp tục ghi nhận thêm ca nhiễm mới trong bối cảnh vắc-xin chưa kịp phủ sâu rộng. Do đó, các chuyên gia dịch tễ khuyến cáo các tỉnh, thành có nguy cơ cao cần chủ động giám sát chặt chẽ người từ vùng dịch về bằng xét nghiệm, kể cả người đã tiêm đủ hai mũi, đồng thời yêu cầu người dân cam kết để không làm lây nhiễm ra cộng đồng. Đây là biện pháp thận trọng để ngăn dịch bùng phát.

Nam Định: Ổ dịch xã Yên Hồng, huyện Ý Yên đã có 51 ca mắc 

Ngày 22/10, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Nam Định cho biết địa phương này ghi nhận 17 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Tất cả đều được phát hiện trong khu cách ly, phong tỏa liên quan ổ dịch tại xã Yên Hồng, huyện Ý Yên.

Trước đó, ngày 18/10, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Nam Định ghi nhận chùm ca bệnh với 20 người dương tính với SARS-CoV-2. Tất cả đều trú tại thôn Đằng Động, xã Yên Hồng, huyện Ý Yên.

Ca mắc chỉ điểm của chùm lây nhiễm này là bà N.T.H., được phát hiện mắc COVID-19 vào chiều 17/10. Theo báo cáo từ CDC Nam Định, ca bệnh này không rõ nguồn lây do bà H. đã không ra khỏi xã, không đến vùng có dịch hay tiếp xúc người từ vùng dịch về trong gần một tháng qua.

Đến nay, ổ dịch tại xã Yên Hồng, huyện Ý Yên, đã ghi nhận tổng cộng 51 ca mắc chỉ trong vòng 5 ngày.

Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo đã chỉ đạo các cấp, ngành, đặc biệt là huyện Ý Yên, tập trung cao độ, chủ động, kịp thời thực hiện biện pháp phòng, chống dịch; thần tốc truy vết, cách ly kịp thời F1, F2 và xác định rõ vùng nguy cơ rất cao, cao để khoanh vùng gọn nhất có thể.

Thanh Hóa: Nhiều trường hợp dương tính trở về từ vùng dịch

Thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh cho biết, tính từ 17 giờ ngày 21/10 đến 17 giờ ngày 22/10, trên địa bàn ghi nhận 37 trường hợp mắc Covid-19 mới. 

Trong đó, có 15 bệnh nhân là công dân Thanh Hóa trở về từ các tỉnh, TP phía Nam, những bệnh nhân còn lại được phát hiện từ các điểm dịch trong tỉnh.

Theo đó, tại ổ dịch ở thị xã Bỉm Sơn ghi nhận thêm 13 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc tại địa phương này lên 120 trường hợp. Đáng chú ý, tại huyện Hậu Lộc ghi nhận một chùm ca bệnh gồm 5 người trong cùng 1 gia đình tại thôn 1, xã Liên Lộc. Trong đó, có 2 trường hợp có lịch trình di chuyển phức tạp.

Hiện các bệnh nhân này đã được chuyển đến cách ly và điều trị tại Bệnh viện điều trị Covid-19 số 1 tỉnh Thanh Hóa.

Tính từ ngày 27/4 đến nay Thanh Hóa ghi nhận 810 ca mắc Covid-19 cộng dồn; 505 người điều trị khỏi ra viện; 5 ca tử vong. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã triển khai tiêm được hơn 950.000 liều vắc-xin.

Phú Thọ: 55 ca mắc sau 24h

Thông tin từ Sở Y tế tỉnh Phú Thọ cho biết, trong 24 giờ qua, địa bàn tỉnh ghi nhận 55 ca dương tính mới tại các địa phương, với 24 trường hợp đã được cách ly, khoanh vùng quản lý. Trong đó, TP Việt Trì có 26 trường hợp; Lâm Thao 25 ca, Tam Nông 3 ca và thị xã Phú Thọ là 1 ca.

Như vậy, kể từ khi phát hiện 2 ca bệnh không rõ nguồn lây đầu tiên tại huyện Lâm Thao ngày 13/10, đến nay, toàn tỉnh có 267 ca mắc Covid-19 tại 5 huyện, thị, thành, bao gồm: TP Việt Trì (179), thị xã Phú Thọ (4), huyện Lâm Thao (58), huyện Phù Ninh (22) và huyện Tam Nông (4).

Toàn tỉnh hiện có 2.004 F1; 10.450 F2 và 3.692 F3 được quản lý, theo dõi và áp dụng các biện pháp cách ly y tế phù hợp. Về đánh giá cấp độ dịch, Sở Y tế cho biết toàn tỉnh ở cấp độ 2 (số ca mắc mới xấp xỉ 6,31 ca/100.000 dân/tuần; 43,56% người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất một liều vắc-xin Covid-19).

Đáng chú ý, liên quan ổ dịch mới phát sinh này, nhiều trường hợp được ghi nhận tại các công ty ở khu công nghiệp Thụy Vân như Công ty YAKJIN Việt Nam, Công ty KSA, công ty TNHH công nghệ Namuga, Công ty Gemywood, Công ty TNHH TJB Vina.

Ổ dịch này cũng lan rộng vào trường học với 72 học sinh và 4 giáo viên dương tính với SARS-CoV-2. 3.776 học sinh và giáo viên đang thực hiện cách ly tại nhà hoặc khu cách ly tập trung. Sở GD&ĐT Phú Thọ tiếp tục tạm dừng việc đến trường tại huyện Phù Ninh, huyện Lâm Thao, huyện Tam Nông, thành phố Việt Trì và 15 trường ở huyện Thanh Thủy. Học sinh tại các huyện khác học trực tiếp.

Hà Nam: Tăng 10 ca mắc sau 1 ngày

Hà Nam ngày 22/10 công bố 21 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, tăng 10 trường hợp với ngày hôm trước. Trong 21 trường hợp ghi nhận trong ngày, 11 trường hợp có địa chỉ ở huyện Thanh Liêm, 5 trường hợp ở TP. Phủ Lý 5 trường hợp ở huyện Lý Nhân.

Như vậy, kể từ ca bệnh BN687.470, ở thôn Lê Lợi, xã Phù vân, TP.Phủ Lý có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 vào chiều ngày 19/9/2021, đến 17 giờ ngày 22/10/2021, Hà Nam ghi nhận 831 ca bệnh đã được Bộ Y tế cấp mã.

Kon Tum lần đầu ghi nhận 8 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng

Trong đó, huyện Đắk Hà có 5 trường hợp và huyện Tu Mơ Rông 3 trường hợp. Chính quyền tỉnh Kon Tum đã có văn bản chỉ đạo các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai các biện pháp cấp bách trong phòng, chống Covid-19.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường (Bộ Y tế) cho rằng, cả nước đã xác định chung sống an toàn với dịch Covid-19 là điều cần thiết để chúng ta quay lại cuộc sống bình thường mới. 

Có nghĩa là trong trạng thái vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, mỗi cá nhân, tập thể đều phải làm tốt các biện pháp phòng, chống dịch; trong đó, phải nghiêm túc thực hiện Thông điệp 5K, nhất là ở những nơi có mật độ dân tập trung cao.

TP.HCM chính thức ban hành kế hoạch tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi

UBND TP.HCM đã ban hành khẩn Kế hoạch tổ chức tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi tại thành phố.

Theo đó, TP.HCM dự kiến tiêm cho 780.000 trẻ từ 12-17 tuổi sinh sống hoặc học tập trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, đối với trẻ đi học sẽ tiêm tại trường học hoặc điểm tiêm được cơ sở giáo dục lựa chọn phù hợp, bảo đảm an toàn tiêm chủng và phòng chống dịch bệnh. Đối với trẻ không đi học sẽ tiêm tại điểm tiêm chủng cố định hoặc lưu động trên địa bàn do UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện lựa chọn.

Đối với trẻ có bệnh nền sẽ tiêm tại các bệnh viện chuyên khoa nhi hoặc bệnh viện đa khoa có chuyên khoa nhi.

Với các trẻ đang điều trị nội trú tại các bệnh viện chuyên khoa Nhi và bệnh viện đa khoa có chuyên khoa Nhi sẽ lập danh sách trẻ từ 12-17 tuổi tuổi tại thời điểm tiêm chủng (kể cả trẻ có địa chỉ cư trú tại tỉnh, thành khác) để tiêm theo quy định hiện hành của Bộ Y tế.

Việc tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ sẽ thực hiện theo thứ tự lứa tuổi giảm dần, ưu tiên tiêm trước cho trẻ từ 16-17 tuổi và theo tiến độ cung ứng vắc-xin, tình hình dịch tại địa phương.

Vắc-xin được dùng tiêm cho trẻ là loại vắc-xin đã được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng cho lứa tuổi từ 12-17 tuổi.

Để bảo đảm nguồn vắc-xin, TP.HCM sẽ đề xuất với Bộ Y tế nhu cầu vắc-xin phòng Covid-19 nhằm bao phủ 2 liều vắc-xin cho trẻ em trên địa bàn thành phố; đồng thời tiếp nhận nguồn vắc-xin phòng Covid-19 do Bộ Y tế cấp cho thành phố.

Tại mỗi điểm tiêm sẽ có tối thiểu 4 nhân sự để đón tiếp, hướng dẫn khai báo y tế, đo thân nhiệt, cân đo trẻ (nếu cần thiết), hỗ trợ cấp giấy xác nhận đã tiêm vắc-xin; hỗ trợ nhập liệu thông tin người tiêm vào Hệ thống tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19.

Mỗi bàn tiêm có tối thiểu 3 nhân sự: 1 bác sĩ thực hiện sàng lọc, thực hiện xử trí tại chỗ phản ứng sau tiêm, 1 điều dưỡng thực hiện tiêm và 1 điều dưỡng theo dõi sau tiêm.

UBND TP.HCM đặc biệt lưu ý việc tổ chức tiêm chủng phải tuân thủ các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 theo quy định, bảo đảm khoảng cách giữa các khâu trong một dây chuyền tiêm và giữa các dây chuyền tiêm tại một địa điểm; bảo đảm an toàn giãn cách đúng quy định, chia nhiều buổi tiêm, mỗi buổi với số lượng phù hợp.

Tư vấn cho phụ huynh hoặc người giám hộ về tác dụng, lợi ích của việc sử dụng vắc-xin và giải thích những phản ứng có thể gặp sau tiêm chủng; thông báo cho trẻ tiêm chủng, người giám hộ về hiệu quả, liều lượng của loại vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm chủng; tư vấn các thông tin về theo dõi sau tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19.

Thực hiện sàng lọc cho trẻ đầy đủ trước khi tiêm chủng, kịp thời phát hiện những trường họp chống chỉ định hoặc tạm hoãn. 

Thực hiện theo dõi người được tiêm chủng ít nhất 30 phút sau tiêm chủng và hướng dẫn gia đình hoặc đối tượng tiêm chủng để tiếp tục theo dõi ít nhất 7 ngày sau tiêm chủng, cung cấp số điện thoại của Trung tâm Y tế hoặc Trạm Y tế để người được tiêm chủng liên hệ khi cần.

Tin liên quan
Tin khác