Y tế - Sức khỏe
Tin mới về dịch Covid-19 ngày 27/10: Người tới Hà Nội không cần kết quả xét nghiệm Covid-19
D.Ngân - 27/10/2021 09:53
Lực lượng chức năng chỉ yêu cầu xét nghiệm đối với người từ nơi khác vào TP.HCM, Hà Nội khi có nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ vùng dịch.

Thêm 4.404 ca mắc Covid-19 tại 47 tỉnh, thành

Tính đến 17h ngày 27/10, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 4.411 ca nhiễm mới, trong đó 07 ca nhập cảnh và 4.404 ca ghi nhận trong nước (tăng 812 ca so với ngày trước đó) tại 47 tỉnh, thành phố (có 2.052 ca trong cộng đồng).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: An Giang (-69), Nghệ An (-40), Cà Mau (-32).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: TP. Hồ Chí Minh (+357), Bạc Liêu (+136), Sóc Trăng (+98).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 3.800 ca/ngày.

***

Kể từ đầu đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 895.793 ca, trong đó có 809.497 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 13 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình, Hưng Yên, Điện Biên, Thái Nguyên, Hòa Bình, Bắc Kạn.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (428.013), Bình Dương (230.406), Đồng Nai (62.970), Long An (34.448), Tiền Giang (15.985).

Trong ngày 27/10 ghi nhận 54 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (32), Bình Dương (8 ), Long An (4), Bạc Liêu (3), Đồng Nai (2), Tây Ninh (1), Thanh Hóa (1), Kiên Giang (1), An Giang (1), Sóc Trăng (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 63 ca.

Cũng ngày, 2.024 người mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.135 ca.

Hà Nội thêm 28 ca nhiễm Coivd-19 tại 10 quận, huyện

Theo thông tin từ CDC Hà Nội, tính đến 18h ngày 27/10, Hà Nội ghi nhận 28 ca nhiễm Covid-19, trong đó cộng đồng (10), khu cách ly (17), khu phong tỏa (1).

Phân bố theo quận, huyện: Mê Linh (7), Quốc Oai (5), Hoàng Mai (3), Hoàn Kiếm (3), Hà Đông (3), Đống Đa (2), Hai Bà Trưng (2), Gia Lâm (1), Đan Phượng (1), Nam Từ Liêm (1).

Hà Nội tìm người tới đám cưới và đám tang tại xã Tiến Thắng

Lãnh đạo CDC Hà Nội đề nghị người từng đến đám cưới và đám tang tại xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh, ngày 23, 24/10 liên hệ với cơ quan y tế để được tư vấn.

Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết đơn vị vừa ghi nhận một số ca nghi mắc Covid-19 cộng đồng ở thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh. Đáng lo ngại, trường hợp lây nhiễm cho biết từng tham dự một số đám hiếu trên địa bàn và tiếp xúc với nhiều người.

Tại xã Tiến Thắng, 3 F0 mới là ông N.C.L. (sinh năm 1959), N.D.C. (sinh năm 1991, con ông L.) và N.T.T. (sinh năm 1963) từng tiếp xúc với bệnh nhân N.V.C. (quê tỉnh Hà Giang, về xóm Lường, thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng dự đám hiếu). Từ ngày 21/10, 3 người này tiếp xúc với nhiều người khác.

Cũng theo lãnh đạo CDC Hà Nội, tại thôn Bạch Trữ đến nay có tổng cộng 7 trường hợp nghi mắc Covid-19 (dương tính lần 1), liên quan đến một số đám hiếu, hỷ khác trên địa bàn.

Sau khi phát hiện ca bệnh, UBND huyện Mê Linh đã chỉ đạo xã Tiến Thắng khẩn trương điều tra, truy vết, khoanh vùng. Huyện đã xác định được 49 F1, lấy 1.024 mẫu xét nghiệm RT-PCR và 49 mẫu test nhanh. UBND xã Tiến Thắng đã lập 8 chốt kiểm soát y tế, cách ly tạm thời 1.712 hộ dân với 8.262 nhân khẩu tại thôn Bạch Trữ.

Cũng trong sáng 27/10, CDC Hà Nội thông báo tìm người đến đám hiếu cụ N.T.S. và đám cưới gia đình ông N.T.T. cùng tại thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh vào ngày 23 và 24/10.

Những người đến các địa điểm nêu trên tự cách ly, hạn chế tiếp xúc và liên hệ ngay với trạm y tế, trung tâm y tế trên địa bàn hoặc Trạm Y tế xã Tiến Thắng (038.775.3446), Trung tâm Y tế huyện Mê Linh 097.388.2988/024.381.81971, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội 096.908.2115/094.939.6115 để được tư vấn và hướng dẫn.

Bình Dương lên phương án kiểm soát nếu dịch Covid-19 bùng phát lại

Bình Dương thành lập trạm y tế lưu động, tăng cường nhân lực y tế, đầu tư cơ sở vật chất tại các bệnh viện tầng 1, 2, 3... là phương án chuẩn bị nếu dịch bùng phát lại.

Bình Dương đã trải qua gần 4 tháng ứng phó với đợt bùng phát dịch Covid-19 lớn và nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Từ ngày 20/9, tỉnh từng bước nới lỏng giãn cách xã hội, khôi phục kinh tế và thích ứng an toàn với Covid-19.

Với số ca nhiễm vẫn ở mức cao, việc nới lỏng giãn cách xã hội khiến nhiều người lo lắng về nguy cơ bùng phát dịch trở lại.

Giám đốc Sở Y tế Bình Dương Nguyễn Hồng Chương cho biết khi Bình Dương mở lại các dịch vụ, tỉnh đã lường trước tình huống có thể dịch sẽ bùng phát trở lại.

Theo ông Chương, trường hợp dịch bùng lên thì Bình Dương cũng có những tia hy vọng như tỷ lệ tiêm vắc-xin ở địa phương này rất cao. Hiện, tỉnh đã phủ vắc-xin mũi một cho 100% dân số trên 18 tuổi, vắc-xin mũi 2 đạt 70% và sẽ hoàn thành khi tỉnh được Bộ Y tế phân bổ kịp thời vắc-xin thời gian tới.

"Sau khi người dân được tiêm vắc-xin thì tỷ lệ lây nhiễm sẽ giảm 80%", ông Chương nói và nhận định khi người dân tập trung ở những nơi đông người như nhà trọ, công ty hoặc quán ăn, nhà hàng thì dịch vẫn có thể lây lan cho nhiều người. Tuy nhiên, với tình trạng hiện tại nếu lây nhiễm thì đa số sẽ có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng; rất ít trường hợp có triệu chứng nặng phải nằm viện.

Về chiến lược sống chung, thích ứng an toàn với Covid ở Bình Dương, theo ông Chương, ngoài biện pháp cách ly, truy vết như trước đây, Bình Dương tập trung chủ yếu vào vấn đề điều trị, đặc biệt là điều trị từ tuyến cơ sở. Cụ thể, tỉnh sẽ thành lập thêm những trạm y tế lưu động, tăng cường y tế bệnh viện tầng 1, tầng 2 ở tất cả các huyện, thị; đầu tư cơ sở vật chất để điều trị tốt bệnh nhân tầng 3 nhằm hạn chế tử vong.

Người đứng đầu ngành y tế Bình Dương cho biết nếu dịch bùng phát trở lại tỉnh sẽ không thành lập các bệnh viện dã chiến quy mô như trước nữa. Thay vào đó, Bình Dương sẽ cho bệnh nhân cách ly tại nhà, các bệnh nhân có triệu chứng sẽ được điều trị tại bệnh viện.

Hiện, Bình Dương đã chuẩn bị sẵn cơ sở y tế tại các bệnh viện, hệ thống bệnh viện tầng 2 ở các tuyến huyện. "Nếu có bệnh nhân nặng, ngành y tế sẽ sắp xếp chỗ để điều trị, không bối rối và bị động như đợt dịch vừa qua", ông Chương nói.

Về năng lực y tế ở địa phương, theo ông Chương, Bình Dương đã tăng cường tập huấn cho các bác sĩ, điều dưỡng nhằm tăng cường nhân lực trong việc điều trị bệnh nhân Covid-19, đồng thời đẩy mạnh việc thành lập các trạm y tế lưu động trên toàn tỉnh.

Trước đó, ngày 22/10, UBND tỉnh Bình Dương có văn bản hỏa tốc hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ.

Theo đánh giá cấp độ dịch của Sở Y tế Bình Dương, tính đến ngày 21/10 tỉnh này không có xã thuộc nguy cơ cấp độ 4 (vùng đỏ), tỉnh ở cấp độ 2 (vùng vàng).

Do đó, Bình Dương cho phép nhà hàng, quán ăn được hoạt động tại chỗ ở các vùng có cấp độ 1, 2 và 3. Riêng đối với vùng cấp độ 4 (vùng đỏ) chỉ được bán mang đi. Tất cả các vùng khi mở bán đều phải đảm bảo nguyên tắc 5K của Bộ Y tế. Ngoài ra, hoạt động bán vé số dạo, hàng rong được hoạt động ở vùng 1 và 2; dịch vụ karaoke, massage được hoạt động lại có điều kiện.

Dừng hoạt động chợ Vĩnh Long khi phát hiện 9 ca F0

Sở Công thương Vĩnh Long vừa có quyết định tạm dừng hoạt động chợ Vĩnh Long trong 3 ngày, từ 8 giờ hôm nay (27/10) đến hết ngày 29/10/2021 nhằm thực hiện truy vết dịch tễ, thực hiện phun khử khuẩn khu vực chợ và test nhanh cho các hộ tiểu thương kinh doanh tại chợ.

Theo Ban Quản lý Chợ Vĩnh Long, trong thời gian tạm dừng hoạt động, đơn vị sẽ phối hợp các ngành, địa phương liên quan thiết lập lại các chốt kiểm tra ra vào chợ, thực hiện quản lý, kiểm tra chặt chẽ trong thời gian này.

Trước đó, chiều ngày 26/10/2021, Ban Quản lý Chợ Vĩnh Long đã có tờ trình về việc tạm dừng hoạt động chợ rau củ quả và chợ cá, qua test nhanh của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Vĩnh Long đối với tiểu thương chợ cá và chợ rau củ quả phát hiện 9 trường hợp nghi nhiễm SARS-COV- 2 tại chợ Vĩnh Long.

Hiên lực lượng chức năng và ngành y tế Vĩnh Long đã tổ chức lại các chốt kiểm tra ra vào chợ và thực hiện test nhanh cho toàn bộ hộ tiểu thương kinh doanh tại chợ.

Theo CDC Vĩnh Long, trong hôm qua tỉnh này phát hiện 18 ca mắc mới, nâng tổng số lên 2598 ca mắc, điều trị khỏi 2387 ca, 45 ca tử vong, gần 4.000 ca đang cách ly tập trung và tại nhà. Số tiêm vắc xin mũi 1: 650.545 người và mũi 2: 169.683 người

Người tới Hà Nội không phải trình kết quả xét nghiệm Covid-19

Ngày 26/10, TP.HCM và Hà Nội ban hành văn bản hướng dẫn tổ chức hoạt động giao thông vận tải và thực hiện các biện pháp y tế đối với người từ địa phương khác đến 2 địa phương này.

Người tới Hà Nội không phải trình kết quả xét nghiệm Covid-19

Theo đó, người đến TP.HCM và Hà Nội không phải xuất trình kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2; không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân; chỉ xét nghiệm đối với trường hợp đến từ nơi có dịch ở cấp độ 4 hoặc vùng phong tỏa.

Riêng Hà Nội, người dân đến từ địa phương có dịch cấp 4 hoặc khu vực phong tỏa nếu đã tiêm vắc-xin thì cần theo dõi sức khỏe tại nhà 7-14 ngày; xét nghiệm một lần bằng phương pháp rRT-PCR vào ngày đầu tiên khi tới địa bàn. 

Người chưa tiêm vắc-xin phải cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú, theo dõi sức khỏe 28 ngày; xét nghiệm rRT-PCR 3 lần vào ngày đầu, ngày thứ 7 và ngày thứ 14.

Trường hợp đã tiêm vắc-xin và đến từ địa phương có dịch cấp 3 sẽ cách ly tại nhà 7 ngày; người chưa tiêm vắc-xin sẽ cách ly 14 ngày. 

Những người đã tiêm vắc-xin đến từ vùng có dịch cấp 1, 2 không áp dụng cách ly, xét nghiệm; người chưa tiêm vắc-xin cần tự theo dõi sức khỏe 7-14 ngày.

Cần Thơ: Nhiều ca mắc cộng đồng mới được phát hiện

Ngày 26/10, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 phường An Cư, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ có thông báo khẩn về các địa điểm nguy cơ liên quan chùm ca mắc Covid-19 tại hẻm 125 Hoàng Văn Thụ. Đây là lần thứ tư phát hiện ca F0 trong cộng đồng tại con hẻm này.

Theo đó, có 9 điểm liên quan chùm ca mắc Covid-19 tại hẻm 125 Hoàng Văn Thụ, gồm: Điểm tiêm ngừa Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa TP.Cần Thơ; chợ Cả Đài; điểm tiêm ngừa tại Trường Mầm non Tây Đô; sạp quần áo Nguyệt ở chợ An Hòa; quán trà sữa Peekaboo; phòng khám bác sĩ Hoàng Quang Sáng; tiệm tóc Ngọc Ngân; nhà thuốc Trung Sơn trên đường Lý Tự Trọng và Ngân hàng Kiên Long tại số 38-40 đường Hòa Bình.

Sau 2 ngày phát sinh F0 cộng đồng, qua xét nghiệm sàng lọc, ngành chức năng phát hiện 52 F0 ở hẻm 125 và tạm thời phong tỏa hẻm, khi có kết quả truy vết, xét nghiệm F0 sẽ dỡ phong tỏa.

Trước đó, TP.Cần Thơ phát hiện 2 ca F0 tại nhà máy Chế biến thủy sản cá Việt Nam (khu công nghiệp Thốt Nốt, quận Thốt Nốt), sau đó tiến hành xét nghiệm sàng lọc đã ghi nhận 27 ca mắc Covid-19.

Cơ quan chức năng đã tiến hành phong tỏa nhà máy và lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ nhân viên, đã ghi nhận thêm 10 mẫu (gộp 10) dương tính với Covid-19. Các trường hợp nghi nhiễm đã được lấy mẫu xét nghiệm PCR và đang chờ kết quả.

Trong ngày 26/10, TP.Cần Thơ ghi nhận 128 ca mắc mới, nâng tổng số cá mắc lên  6.754 ca mắc Covid-19, điều trị khỏi 5.993 ca và có 99 người tử vong. TP Cần Thơ có hơn 830 nghìn người tiêm mũi 1 và hơn 240 nghìn người đã tiêm mũi 2 phòng Covid-19. Tỷ lệ người tiêm vắc-xin từ 18 tuổi trở lên của thành phố đạt hơn 87%.

TP.Cần Thơ đang tăng tốc tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 để sớm đạt được miễn dịch cộng đồng.

Hơn 2 triệu liều vắc-xin Covid-19 về Việt Nam

Thêm hơn 2,1 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 AstraZeneca về Việt Nam

Thông tin của UNICEF cho biết có thêm 2.133.600  liều  vắc-xin phòng Covid-19 AstraZeneca đã đến Việt Nam thông qua COVAX. 

Trước đó, ngày 24-25/10, thông qua cơ chế COVAX có hơn 2,6 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19  Pfizer - BioNTech do Mỹ trao tặng, nhằm hỗ trợ Việt Nam ứng phó với Covid-19.

Trong số đó, hơn 1,3 triệu (1.317.420) liều đã tới Hà Nội vào ngày hôm qua và hơn 1,3 triệu (1.316.250) liều đã tới TP.HCM vào sáng nay.

Báo cáo công tác phòng chống dịch của Bộ Y tế ngày 24/10 cho biết đến hết ngày 23/10, nước ta đã tiếp nhận và phân bổ 70 đợt vắc-xin với tổng số 97,6 triệu liều.

Thiết lập khu điều trị Covid-19 ngay trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

Bộ Y tế đã có Công điện 1695/CĐ-BYT về việc bảo đảm khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám, chữa bệnh các tuyến để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Trong đó, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương triển khai thực hiện kế hoạch củng cố hệ thống khám chữa bệnh sau:

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có kế hoạch thiết lập khu điều trị Covid-19 ngay trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hiện tại để sẵn sàng vừa điều trị bệnh nhân thông thường vừa điều trị Covid-19.

Thực hiện nghiêm tổ chức phân luồng, sàng lọc các trường hợp nghi nhiễm đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để phát hiện ca bệnh.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện xét nghiệm Covid-19 cho các trường hợp có triệu chứng nghi mắc và xét nghiệm ngẫu nhiên, định kỳ để phát hiện ca bệnh.

Tiếp tục và tăng cường chỉ đạo đào tạo, tập huấn chuyên môn về chẩn đoán và điều trị Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế cho tất cả cán bộ y tế.

Tin liên quan
Tin khác