Y tế - Sức khỏe
Tin mới về dịch Covid-19 ngày 6/10: Phân bổ 20 triệu liều vắc-xin Vero Cell; Hà Nội không có ca mắc mới
D.Ngân - 06/10/2021 08:11
Trong số 20 triệu liều vắc-xin được phân bổ Bình Dương, An Giang, TP.HCM có số lượng nhiều nhất.

Thêm 4.356 người mắc Covid-19 tại 40 tỉnh, thành phố

Theo Bộ Y tế, trong ngày 6/10, cả nước có 4.356 người mắc Covid-19 mới. Số ca mắc Covid-19 tại TP.HCM tăng 469 trường hợp. Trong ngày, 10.033 F0 được công bố khỏi Covid-19.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bình Dương (-255), Đồng Nai (-119), Bình Thuận (-89).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: TP.HCM (469), Đắk Lắk (50), Trà Vinh (42).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 5.689 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 822.687 ca nhiễm, đứng thứ 43/223 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 155/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.357 ca nhiễm).

Tính từ 27/4, số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 818.091. Trong đó, 751.907 bệnh nhân đã được công bố khỏi Covid-19.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (403.454), Bình Dương (218.812), Đồng Nai (52.551), Long An (33.015), Tiền Giang (14.303).

Hơn 10.000 F0 khỏi bệnh trong ngày

Trong ngày 6/10, Bộ Y tế công bố 10.033 F0 khỏi bệnh, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 được điều trị khỏi lên 757.086 người.

Trong ngày, Việt Nam ghi nhận 119 ca tử vong tại TP.HCM (88), Bình Dương (16), Tiền Giang (2), Long An (2), Đồng Nai (2), Đồng Tháp (2), Tây Ninh (2), An Giang (2), Bình Định (1), Cần Thơ (1), Kiên Giang (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 136 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 20.098, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.

Trong 24 giờ qua, Việt Nam đã thực hiện 174.422 xét nghiệm cho 302.319 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4 đến nay là 19.498.155 mẫu cho 54.921.059 lượt người.

Trong ngày 5/10, 1.148.557 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số vắc-xin đã được tiêm là 48.155.037 liều, trong đó 1 mũi là 35.933.360 liều, 2 mũi là 12.221.677 liều.

Bộ Y tế cho biết hiện nay, tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam cơ bản được kiểm soát nhưng vẫn còn nguy cơ diễn biến phức tạp.

Nhận 300.000 liều vắc-xin Covid-19 từ Australia

Chiều ngày 6/10, tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã diễn ra lễ bàn giao 300.000 liều vắc-xin Covid-19 AstraZeneca; 614.000 khẩu trang N95 và khẩu trang phẫu thuật; 40.800 bộ quần áo bảo hộ của Chính phủ Australia hỗ trợ cho Việt Nam.

Cùng với lô vắc-xin hơn 400.000 liều đã trao trước đó, tổng số vắc-xin phòng Covid-19 Australia hỗ trợ cho Việt Nam đến nay lên hơn 700.000 liều.

Đây là lô vắc-xin thứ 2 trong cam kết của Australia hỗ trợ 1,5 triệu liều AstraZeneca cho Việt Nam để chống dịch Covid-19 trong năm 2021.

Tại buổi lễ, Đại sứ Mudie thông báo Australia sẽ tăng cường hỗ trợ cho Việt Nam thêm 3,7 triệu liều vắc-xin Covid-19, thông qua UNICEF mua và cung ứng cho Bộ Y tế Việt Nam.

Hỗ trợ này sẽ nâng số lượng vắc-xin Australia đóng góp cho Việt Nam lên khoảng 5,2 triệu liều.

Hiện nay tổng giá trị cam kết của Australia trong việc hỗ trợ Việt Nam tiếp cận vắc-xin ngừa Covid-19 là 60 triệu dollar Australia.

Ngoài việc hỗ trợ phân phối vắc-xin tại Việt Nam, Australia đang hợp tác với UNICEF để hỗ trợ nâng cấp dây chuyền lạnh, đào tạo cho nhân viên y tế, hỗ trợ truyền thông ở các tỉnh vùng sâu vùng xa của Việt Nam.

Hà Nội còn 6 điểm đang phong tỏa

Theo CDC Hà Nội hiện trên địa bàn Thủ đô còn 6 điểm đang phong tỏa.

Cụ thể, 6 địa điểm như sau: 19-21 Trần Nhân Tông, phường Nguyễn Du, Hai Bà Trưng (phong tỏa đến 8/10).

Ngõ 6 Lê Lợi, tổ 9, phường Nguyễn Trãi, Hà Đông (phong tỏa đến 12/10).

Xóm Phúc, đường Thôn Bãi, Cao Viên, Thanh Oai (phong tỏa đến 8/10).

Tòa D, Bệnh viện Việt Đức, 40 Tràng Thi, phường Hàng Bông, Hoàn Kiếm (phong tỏa đến 14/10).

Phố Tràng Thi, phố Ấu Triệu, phố Thọ Xương, ngõ Huyện Chân Cầm, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm (phong tỏa đến 14/10).

Ngõ 48 Văn Trì 3, phường Minh Khai, Bắc Từ Liêm (phong tỏa đến 16/10).

Một bác sĩ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhiễm Covid-19

Thông tin được Sở Y tế Hà Nội cung cấp tối 6/10. Trường hợp này là bác sĩ K.M.Q., 42 tuổi, trú tại chung cư X25BCA Mỗ Lao, Hà Đông.

Bác sĩ Q. làm việc tại Khoa Virus - Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội).

Trong thời gian qua, bác sĩ này thường xuyên trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện.

Ngày 5/10, bác sĩ Q. được xét nghiệm sàng lọc định kỳ và cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Như vậy, từ 18h ngày 5/10 đến 18 ngày 6/10, Hà Nội đã ghi nhận 7 ca nhiễm Covid-19 mới. Trong đó, 6 trường hợp tại khu phong tỏa và một ca ở khu vực cách ly.

Liên quan chùm lây nhiễm tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, sau tròn một tuần từ ngày phát hiện ca nhiễm đầu tiên, 52 trường hợp đã được xác định dương tính với Covid-19.

Trong đó, Hà Nội ghi nhận 40 ca nhiễm. 12 trường hợp còn lại được phát hiện ở Nam Định (7), Hưng Yên (1), Hà Tĩnh (2) và Hải Dương (2).

Sau ngày 2/10 ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 tăng cao đột biến từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 được phát hiện trên địa bàn Hà Nội cũng có xu hướng giảm dần.

Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát (ngày 27/4), Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 4.021 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2.

Đồng Tháp triển khai quản lý và khai báo y tế trên phần mềm VNEID

Chủ tịch UBND Tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa vừa giao Công an tỉnh triển khai ứng dụng phần mềm VNEID cho người dân thực hiện khai báo y tế, nhằm kiểm soát và phòng chống dịch với người di chuyển ra vào trên địa bàn Tỉnh, chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin được thu thập, cập nhập vào phần mềm và đề nghị các cơ quan, đơn vị phối hợp chỉ đạo việc quản lý và khai báo y tế trên phần mềm VNEID như sau:

Tổ chức triển khai cho 100% cán bộ, công nhân viên, học sinh, sinh viên, người dân (có sử dụng smartphone) tải ứng dụng VNEID phiên bản mới nhất (qua CHPlay hoặc App store) để thực hiện việc khai báo y tế khi ra/vào tại các chốt, điểm, trạm kiểm soát dịch, các cơ quan, tổ chức, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, công ty, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện, ngân hàng, siêu thị, cơ sở kinh doanh... trên địa bàn. 

Tại trụ sở các cơ quan sở, ban, ngành, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, công ty, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện, ngân hàng, siêu thị, cơ sở kinh doanh, nơi công cộng,... trên địa bàn triển khai “tạo điểm CheckPoint” qua địa chỉ https://dkdichuyen.dancuquocgia.gov.vn để cán bộ, công nhân viên, học sinh, sinh viên, công dân tiến hành quét mã QR khi ra/vào cổng các khu vực trên và nhập đầy đủ, chính xác các thông tin cá nhân vào ứng dụng VNEID (đặc biệt là thông tin về số mũi tiêm vắc xin ngừa Covid-19) để quản  lý, truy vết kịp thời khi phát hiện ca nhiễm Covid-19.

Sóc Trăng cách ly một xã liên quan ổ dịch tại một công ty thủy sản

Theo Sở Y tế Sóc Trăng thông tin, liên quan đến 13 ca nhiễm đầu tiên tại Công ty cổ phần Chế biến thủy sản Út Xi tại xã Tài Văn, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, đến nay đã có 58 trường hợp phát hiện qua sàng lọc cộng đồng tại các địa phương trong tỉnh, liên quan đến Công ty Thủy sản Út Xi.

Được biết, các F0 đầu tiên là công nhân làm việc tại khâu lột vỏ tôm của Công ty thủy sản trên. Vào lúc cao điểm các xưởng có khoảng 1.100 người làm việc, do ảnh hưởng dịch Covid-19, công nhân đi làm trở lại khoảng 50% sau khi ngưng áp dụng "3 tại chỗ".

Liên quan đến chuỗi lây nhiễm tại Công ty Út Xi, UBND tỉnh Sóc Trăng đã thiết lập vùng cách ly y tế toàn xã Tài Văn với 3.225 hộ (12.649 người), từ 20h ngày 5/10. Tỉnh này cũng điều chỉnh mức độ nguy cơ dịch Covid-19 của xã Tài Văn từ "vùng xanh" sang "vùng đỏ".

Trước diễn biến của dịch, Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh Sóc Trăng cũng đã họp khẩn chuẩn bị các khu cách ly để tiếp nhận số lượng lớn người dân tự phát trở về quê từ vùng dịch và xử lý các chùm ca nhiễm có tính chất phức tạp trên địa bàn tỉnh.

Theo CDC Sóc Trăng, tính đến ngày 5/10, tỉnh Sóc Trăng đã điều trị khỏi 914 ca F0, vài ngày qua tỉnh đã tiếp nhận khoảng 30.000 người dân trở về từ vùng dịch và đã được bố trí cách ly ở các địa phương trong Tỉnh. Qua xét nghiệm 4.700 mẫu, phát hiện có 45 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 và đã được kiểm soát tại các khu cách ly trên địa bàn.

Cà Mau cho cách ly y tế tại nhà người tự phát về quê từ vùng dịch

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa có chỉ thị cho cách ly y tế tại nhà đối với người dân tự phát về quê từ các tỉnh, thành có dịch, nếu đảm bảo các yêu cầu, điều kiện như sau:

Về đối tượng, người đã tiêm đủ 02 liều vắc xin phòng COVID-19; khi về đến Cà Mau xét nghiệm có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 (test nhanh); người đã tiêm 01 liều vắc xin phòng COVID-19 đủ 14 ngày; khi về đến Cà Mau xét nghiệm có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 (test nhanh); người đã khỏi bệnh COVID-19 thời hạn 06 tháng; khi về đến Cà Mau xét nghiệm có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 (test nhanh).

Đối với các đối tượng còn lại: khi về đến Cà Mau xét nghiệm có kết quả âm tính SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR lần 1.

Yêu cầu về cơ sở vật chất, phải có nhà ở riêng biệt dành cho đối tượng được cách ly (không sống chung với người ở tại địa phương). Nhà ở có vệ sinh riêng (có thể nhà vệ sinh tạm hợp vệ sinh), nấu ăn riêng (nếu không tự nấu ăn riêng thì phải có đồ dùng để ăn riêng); việc tiếp tế đồ dùng, ăn uống phải giữ khoảng cách theo quy định đối với người cách ly, tuyệt đối không được tiếp xúc trực tiếp; chỗ ở phải thuận lợi về giao thông (đường bộ, đường thủy) để kiểm tra, giám sát và cung cấp y tế.

Trước cửa nhà có biển cảnh báo: “Nhà có người cách ly y tế”, ghi cụ thể họ và tên, số điện thoại: người cách ly y tế, cán bộ y tế và thành viên Tổ COVID cộng đồng được phân công hỗ trợ.

Thời gian cách ly y tế tại nhà 28 ngày liên tục kể từ ngày bắt đầu cách ly.

Người đứng đầu tỉnh Cà Mau giao Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm kiểm tra, thẩm định các điều kiện yêu cầu về cơ sở vật chất của người được cách ly y tế; chỉ đạo chi bộ, Tổ COVID cộng đồng, Tổ Nhân dân tự quản và cộng đồng dân cư tăng cường giám sát, theo dõi mọi hoạt động của người được cách ly y tế tại nhà; tuyệt đối không để tiếp xúc với người nhà, người địa phương; xử lý nghiêm người được cách ly y tế tại nhà có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Bình Dương, An Giang, TP.HCM được phân bổ nhiều nhất

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương vừa có quyết định phân bổ 20 triệu liều vắc-xin Covid-19 Vero Cell cho 60 tỉnh, thành phố. 

Trong số 20 triệu liều vắc-xin được phân bổ Bình Dương, An Giang, TP.HCM có số lượng nhiều nhất. Ảnh: Đức Thanh

Đây là đợt phân bổ vắc-xin Covid-19 lớn nhất đến thời điểm này và là đợt phân bổ thứ 56. Trước đó, Bộ Y tế đã phân bổ một đợt vắc-xin Vero Cell với số lượng 8 triệu liều vào ngày 19/9.

Trong số các địa phương được phân bổ vắc-xin Vero Cell đợt này, Bình Dương và An Giang, TP.HCM là 3 địa phương được nhận nhiều nhất. Cụ thể, Bình Dương, An Giang nhận 1 triệu liều, TP.HCM được nhận 997.000 liều; tiếp theo Đồng Nai và Kiên Giang, mỗi tỉnh 800.000 liều.

11 tỉnh, thành phố (TP.Cần Thơ, Đồng Tháp, Bến Tre, Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cà Mau, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước) được phân bổ 500.000 liều/địa phương. Lâm Đồng được phân bổ 450.000 liều.

Các địa phương được phân bổ 400.000 liều gồm Bạc Liêu, Hậu Giang, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đắk Lắk.

Các địa phương còn lại được phân bổ từ 50.000 liều đến 350.000 liều, trong đó có 4 tỉnh là Lai Châu, Cao Bằng, Bắc Kạn và Điện Biên được phân bổ 50.000 liều. Hà Nội nhận 139.000 liều.

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương yêu cầu các đơn vị tiếp nhận và tổ chức tiêm ngay số vắc-xin Covid-19 được phân bổ, đảm bảo sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, đối tượng. Lưu ý bố trí trả mũi 2 và tiêm đủ 2 mũi với số vắc-xin còn lại, hoàn thành trong thời gian sớm nhất.

Trước đó, ngày 3/10, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng đã phân bổ gần một triệu liều vắc-xin Covid-19 Pfizer. Đây là đợt phân bổ thứ 55.

Đến 5/10, cả nước đã tiêm được 47.489.979 liều vắc-xin Covid-19, tăng 1.091.212 liều so với ngày trước đó. Trong đó, 23.961.967 người tiêm 1 liều vắc-xin và 11.764.006 người tiêm đủ 2 liều. Tỷ lệ tiêm ít nhất một liều vắc-xin tại nước ta là 49,7% và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều là 16,4%.

Tỷ lệ bao phủ ít nhất một liều vắc-xin cho dân số từ 18 tuổi trở lên của khu vực miền Bắc là 45,4%; miền Trung là 41,3%; Tây Nguyên là 15,2% và miền Nam là 58%.

Đề nghị các tỉnh tiếp nhận người về từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiếp nhận bệnh nhân và người nhà đủ điều kiện an toàn từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để họ được tiếp tục điều trị.

Xét đề nghị của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bộ Y tế nhất trí chuyển một số người bệnh và thân nhân đã xét nghiệm SARS-CoV-2 hai lần (bằng phương pháp rRT-PCR) âm tính, người bệnh thuộc các khoa không có F0 và đã được điều trị ổn định để tiếp tục theo dõi, điều trị, cách ly tại các bệnh viện của địa phương.

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức phối hợp Sở Y tế các tỉnh, thành phố để chuyển, nhận những trường hợp này.

Bộ Y tế cũng đề nghị Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức phối hợp các bệnh viện dự kiến nhận (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Đức Giang, Bệnh viện Thanh Nhàn) để tổ chức đón theo đúng quy định.

Liên quan vấn đề này, Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết đơn vị đã nhận được công văn của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức về việc hỗ trợ và tiếp nhận điều trị người bệnh.

Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản gửi các bệnh viện trực thuộc đề nghị chuẩn bị sẵn sàng tiếp nhận, hỗ trợ điều trị người bệnh đã có xét nghiệm rRT- PCR âm tính hai lần đang điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, theo chức năng nhiệm vụ được giao.

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức căn cứ vào tình trạng người bệnh, lập danh sách, liên hệ các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế Hà Nội phối hợp chuyển người bệnh an toàn, đúng chuyên khoa, bảo đảm người bệnh được theo dõi và điều trị liên tục.

Tối 5/10, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông đã tiếp nhận gần 100 bệnh nhân, 69 người nhà bệnh nhân từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sang để cách ly, điều trị.

Đêm 4/10, Bệnh viện Thanh Nhàn tiếp nhận 194 bệnh nhân. Dự kiến trong đêm 5/10 tiếp nhận thêm 200 bệnh nhân. Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng đã tiếp nhận 200 bệnh nhân và người nhà sang điều trị.

Tính đến tối 5/10, liên quan chùm ca bệnh tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, 42 trường hợp đã được xác định nhiễm nCoV. Trong đó, Hà Nội ghi nhận 34 ca nhiễm. Tám trường hợp còn lại được phát hiện ở Nam Định (4), Hưng Yên (1), Hà Tĩnh (2) và Hải Dương (1).

Hà Nội không ghi nhận ca mắc mới

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 5/10 đến 6h ngày 6/10, Hà Nội không ghi nhận ca dương tính mới.

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ tư (từ ngày 27/4 đến nay) là 4.014 ca; trong đó, số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 1.603 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.411 ca.

Về tình hình điều trị, tổng số bệnh nhân điều trị khỏi là 3.433 trường hợp và 34 người đã tử vong. Hiện, các cơ sở y tế của Hà Nội đang điều trị 234 bệnh nhân Covid-19, trong đó, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đang điều trị 65 trường hợp, Bệnh viện Đa khoa Gia Lâm (19), Bệnh viện Bắc Thăng Long (25), Cơ sở cách ly điều trị Đền Lừ III (8), Cơ sở điều trị KTX Phenikaa (17). 

Ngoài ra, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 điều trị 92 bệnh nhân, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội điều trị 8 bệnh nhân.

Tính đến 18h ngày 5/10, thành phố tiếp tục rà soát ghi nhận thêm 16 trường hợp F1 và 156 F2. Ngoài ra, tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn thành phố Hà Nội có tổng số 666 điểm phong tỏa, trong đó số điểm đang phong tỏa là 7.

Cũng theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội về công tác cách ly, hiện trên địa bàn thành phố còn 2.235 người đang cách ly, trong đó, có 899 người tại khu cách ly tập trung cho F1 và người về từ vùng dịch; 65 người tại khu cách ly tập trung do quân đội quản lý, 1.176 người cách ly tại khách sạn, 95 người tại khu cách ly dành cho tổ bay.

Không sử dụng xét nghiệm kháng thể Covid-19 không cần thiết

Sở Y tế TP.HCM vừa có văn bản khẩn gửi các cơ sở y tế gồm bệnh viện công lập, ngoài công lập; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC); trung tâm y tế quận, huyện, TP.Thủ Đức; phòng y tế quận, huyện, TP.Thủ Đức về việc xét nghiệm kháng thể Covid-19.

Sở Y tế TP.HCM đề nghị các cơ sở y tế không sử dụng xét nghiệm kháng thể Covid-19 sai mục đích, không cần thiết, gây tốn kém và có thể gây tâm lý chủ quan trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế tại Công văn 8114 về công tác xét nghiệm SARS-CoV-2 và theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), xét nghiệm huyết thanh phát hiện kháng thể không sử dụng để xác định đang nhiễm virus và không giúp xác định hiệu quả bảo vệ đối với bệnh Covid-19, chủ yếu phục vụ nghiên cứu, đánh giá dịch tễ, điều trị.

Do đó, nhằm sử dụng hiệu quả, đúng mục đích nguồn lực xét nghiệm trong phòng chống dịch, Sở Y tế TP.HCM đề nghị các đơn vị không sử dụng xét nghiệm kháng thể Covid-19 sai mục đích, không cần thiết, gây tốn kém và có thể gây tâm lý chủ quan trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.

Tin liên quan
Tin khác